Ăn xin
Một ngày gần cuối của năm phong tỏa, mình đứng trên sân ở trụ sở cơ quan dùng vòi nước xịt xe vì nhiều ngày không đi, bụi dính bẩn trông ghê quá. Một lúc chợt có anh đi xe máy chở theo vợ, bên giữa kẹp đứa con tầm ba tuổi.
Mình khựng lại một chặp. Dân ăn xin ở Sài Gòn mình gặp đã nhiều. Ở trên mạng Zalo Connect và các nhóm Facebook, mình cũng thấy rất nhiều người xin gạo cho gia đình, xin sữa cho con.
Nhưng đây là lần đầu mình thấy một anh chàng đi xe Wave chở vợ con đi xin. Một hình ảnh, một đối tượng, một thực tế mà mình không ngờ tới.
Nếu trên mạng có nhiều hoàn cảnh éo le, nhưng vẫn chỉ là những con chữ, tấm hình, thì ở đây là con người trực quan sinh động hiện hữu trước mặt mình.
Ảnh bảo: “Dạ, em làm hồ mà mấy tháng nay không làm gì. Về quê không được. Thực sự đói anh ơi.”
Mình hỏi ở đâu mà chạy ra được hay vậy, ảnh bảo ở trọ, nói con bị bệnh chở đi nên họ cho ra.
Buổi chiều đi về, chạy qua quận 8 và quận 7, mình gặp thêm nhiều trường hợp như vậy. Ở ngã tư đường Nguyễn Thị Thập x Nguyễn Văn Linh, một anh chàng bồng con đứng xin tiền. Như mọi khi, lại là một thợ hồ nữa.
Ở Sài Gòn thời đại dịch, mình phát hiện ra tỉ lệ dân lao động tự do làm hồ rất cao. Nếu mình đến một khu nhà trọ bất kỳ, hỏi đại cỡ mười người, thì có khi tới năm người làm nghề này.
Giữa một Sài Gòn phát triển, mỗi ngày có không biết bao nhiêu tòa chung cư, văn phòng, dinh thự mọc lên. Nhu cầu rất lớn, cộng với tính chất công việc không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng, chỉ cần sẵn sàng bán sức là được, nên ngành công nghiệp thợ hồ được đông đảo quần chúng tham gia.
Làm công, trung bình ngày ba trăm, ba trăm rưỡi ngàn.
Tính ra mỗi tháng khoảng mười triệu hả? Một lần nói chuyện với mấy anh thợ hồ, mình vô tư nhẩm tính, liền bị chỉnh ngay.
“Ở đâu dễ vậy anh? Đâu phải ngày nào cũng làm đâu. Có tháng làm mười, mười lăm ngày thôi. Đó là lúc không có dịch. Giờ có cô-vít thì không làm gì mấy tháng luôn.”
Những trường hợp như mấy anh làm hồ phía trên ở Sài Gòn không biết bao nhiêu mà kể. Có người đói quá chạy ra đường. Có người tìm mọi cách để chạy về quê liền bị chặn lại. Người lên mạng kêu xin.
Ở chỗ mình, mấy anh em trong xóm trọ vẫn đi bắt cá mỗi ngày để kiếm thêm chất đạm và nếu may mắn được vài con to to thì đem bán có thêm tí doanh thu.
Hôm kia, em Hảo tạp hóa nhắn mình qua Zalo: “Anh ơi, hôm trước e có xin cho hai đứa bên phía em ấy. Nhà khó khăn. Chồng nó mới xin em làm được một tháng. Ở quê vay tiền xây cho mẹ nó cái nhà nhỏ. Mới vào xong bị dịch không có tiền trả nợ. Mẹ già không làm gì, ở nhà nuôi 2 con cho nó á. Em cũng cho ở điện nước miễn phí với cho 2 triệu đồng mỗi tháng để ăn thôi. Khó khăn lắm. Nó ở trên núi Thanh Hóa anh ạ. Nó không anh em bà con với em, vì thấy tội nghiệp nên mới dám xin cho.”
Mình bảo để anh xem thử có cách nào không.
Hôm qua, chị Kíu, thường gọi là Kiều, lại gọi điện thoại cho mình than thở tình cảnh của khu xóm trọ. Mình hỏi đã nhận được tiền hỗ trợ đợt ba chưa, chỉ bảo chưa. Sáng nay mình kiểm tra lại, vẫn chưa nhận được trợ cấp đợt ba của chính quyền, dù trước đó lãnh đạo thành phố đăng đàn, bảo sẽ có trước ngày 30 tháng 9.
Nói “đợt ba” là tính theo ba đợt chi tiền hỗ trợ của thành phố, chứ thực ra dân lao động tự do xóm chị này mới chỉ nhận được một lần duy nhất, là đợt hai, gồm 1,2 triệu đồng và phần quà tương đương 300 ngàn đồng. Cho cả gia đình.
Mình hỏi thêm một khu phía trong cũng chưa nhận được.
Nhiều người nghe tin thành phố sắp mở cửa, hôm qua hôm kia rủ nhau về quê.
“Về vài bữa ôn ổn rồi lên lại. Về quê ít nhất cũng đỡ tiền trọ anh ơi,” anh Hải làm thợ hồ trong xóm trọ bảo mình.
Mình nói sắp mở cửa rồi, ráng vài bữa đi làm lại chứ về làm gì. Ảnh bảo, thấy vậy chứ biết khi nào có công trình mà đi anh ơi.
Có thể anh Hải không có khái niệm gì về khoa học kinh tế, nhưng điều anh nói rất đúng với phản ứng của thị trường lao động trong khủng hoảng.
Thị trường việc làm thường có độ trễ so với sức khỏe nền kinh tế. Người lao động không bị mất việc ngay khi mới khủng hoảng, phải một thời gian sau họ mới bị sa thải. Nhưng khi kinh tế hồi phục, thì cũng phải một thời gian lâu thị trường lao động mới trở lại, do các nơi sử dụng lao động thường không vội tuyển ngay với số lượng lớn – khôi phục lại số chỗ làm của thời tiền khủng hoảng – khi kinh tế mới hồi phục.
Đấy là mình nói kinh tế hồi phục. Còn đằng này kinh tế vẫn còn điêu đứng. Thành phố chỉ mới mở cửa he hé nhưng cũng đồng thời có nhiều cái như thể là bẫy được giăng ra.
Cho nên bài toán việc làm của người lao động vẫn còn xa tít mù khơi.
Về quê là một trong những lựa chọn đỡ tệ nhất trong tất cả các lựa chọn còn lại mà một người lao động nghèo – gồng gánh trên vai gia đình của họ – có thể nghĩ ra. Nhưng về quê được không? Có dễ không?
Hôm qua mình xem một phóng sự, có gia đình chị công nhân mất việc mới tìm được đường về quê bằng chuyến xe tài trợ. Mừng rơi nước mắt! Phóng viên hỏi hai vợ chồng và con, còn được nhiêu đồng trong túi. Và đây là câu trả lời của người vợ: “Vét hết còn chưa đầy triệu mốt, đi xét nghiệm hết tám trăm rồi.”
Từ đêm qua đến sáng nay, trên mạng xã hội và trên báo đài, tràn ngập là hình ảnh những đám đông có lẽ lên đến hàng ngàn người kéo nhau rời Sài Gòn tìm đường về quê, sinh lộ duy nhất còn lại của họ. Nhưng trước mặt họ là các hàng rào đã được dựng lên, vững chắc như không gì lay chuyển nổi.
Ở một chốt kiểm soát, nhiều người dân run rẩy quỳ xuống vái lạy lực lượng chức năng đang chặn đường về quê của họ.
Sinh lộ ngả nào cũng không có lối ra…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.