Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Trung Quốc đã điều chỉnh mô hình phát triển Châu Á như thế nào?

 

Trung Quốc đã điều chỉnh mô hình phát triển Châu Á như thế nào?

Gideon Rachman

Phan Nguyên biên dịch 

“Ông thấy mô hình Trung Quốc có gì độc đáo?”

Đó là câu hỏi mà một phóng viên truyền hình hỏi tôi (Gideon Rachman) trong chuyến thăm lần trước của tôi tới Bắc Kinh. 

Câu trả lời của tôi là tôi không nghĩ rằng có một mô hình kinh tế cụ thể nào của riêng Trung Quốc.

Có một mô hình phát triển Đông Á dựa trên công nghiệp hóa nhanh chóng và hướng vào xuất khẩu, được thực hiện tiên phong bởi Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Những gì Trung Quốc đã làm là theo đuổi mô hình tương tự – nhưng trên quy mô lớn. Tôi nói thêm rằng một trong những đổi mới thực sự của Trung Quốc là đất nước này đã không tự do hóa về mặt chính trị dù đã trở nên giàu có hơn. Điều này khiến Trung Quốc trở nên khác biệt so với Hàn Quốc và Đài Loan.

Sau khi chúng tôi nói chuyện xong, tôi hỏi phóng viên liệu cô ấy có thể sử dụng được câu trả lời nào của tôi hay không. “Không, tôi không nghĩ vậy,” cô ấy trả lời. “Nhưng thật tuyệt khi ông có thể nói ra những gì ông nghĩ.”

Tôi tiếp tục suy nghĩ về cuộc trao đổi đó trong tuần này khi Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản. Trọng tâm trong tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình là dưới sự dẫn dắt khôn ngoan của Đảng, Trung Quốc đã khám phá ra một con đường phát triển độc đáo mà phần còn lại của thế giới có thể học hỏi. Trong một bài phát biểu trước Đại hội đảng vào năm 2017, ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc đang “mở ra một con đường mới cho các nước đang phát triển khác để đạt được hiện đại hóa”.

Việc nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố đã khám phá ra một con đường mới mang lại tăng trưởng kinh tế là một điều đáng nghi ngờ. Những giai đoạn đầu của cải cách kinh tế Trung Quốc thời hậu Mao tuân theo một công thức mà bất kỳ ai có kiến thức về “phép màu” kinh tế Đông Á trước đây đều có thể nhận ra.

Nhiều nhà máy đầu tiên ở miền nam Trung Quốc được thành lập bởi các nhà đầu tư Hoa kiều từ Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan và các nơi khác. Họ đang chuyển một mô hình đã hoạt động hiệu quả ở những quốc gia này sang một môi trường mới với chi phí thấp. Thực tế rằng Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hai con số trong nhiều thập niên là điều đáng chú ý. Nhưng đó không phải là điều chưa từng xảy ra. Nhật Bản đã đạt được thành tích tương tự trong nhiều năm sau Thế chiến II. Hàn Quốc nghèo hơn cả các khu vực châu Phi cận Sahara vào những năm 1950, nhưng ngày nay họ là một quốc gia giàu có.

Nhưng trong khi khía cạnh kinh tế của mô hình Trung Quốc không mới, thì khía cạnh chính trị lại mới. Không giống như Đài Loan hay Hàn Quốc, những nơi đã chuyển từ các chế độ độc đảng sang dân chủ khi họ trở nên giàu có hơn, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình càng củng cố hơn sự thống trị của đảng Cộng sản.

Khi các nhà bình luận Trung Quốc nói về việc đưa ra một mô hình mới cho thế giới đang phát triển, họ cũng nghĩ đến khía cạnh chính trị. Tại sao không đón nhận sự trật tự dưới chủ nghĩa chuyên chế kiểu Trung Quốc thay vì sự hỗn loạn của nền dân chủ kiểu phương Tây?

Trung Quốc cũng đã thách thức môi trường địa chính trị vốn tạo nền tảng cho sự trỗi dậy của châu Á. Những con hổ châu Á ban đầu đều là đồng minh của Mỹ. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh với Liên Xô, Mỹ nhận thấy lợi thế của việc mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu từ các đồng minh Đông Á. Washington cũng sẵn sàng chấp nhận các chính sách bảo hộ của các nước này lâu hơn.

Sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh kinh tế đến từ châu Á không bao giờ là một vấn đề dễ dàng đối với người Mỹ. Có một sự hoang mang ở Mỹ về sự trỗi dậy của Nhật Bản trong những năm 1980. Nhưng phản ứng dữ dội là có thể tránh được vì Nhật Bản là đồng minh và là một nền dân chủ giống Mỹ.

Trung Quốc sẽ không bao giờ là đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, cho đến gần đây, Trung Quốc đã hết sức thận trọng không muốn thách thức công khai quyền lực của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Điều đó đã thay đổi dưới thời ông Tập khi Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông.

Là một quốc gia độc tài ngày càng công khai tham vọng thách thức sức mạnh quân sự, chính trị và kinh tế của Mỹ, Trung Quốc đã sớm gây ra phản ứng dữ dội ở Washington. Chính quyền Trump tập trung phần lớn vào vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, dưới thời Joe Biden, phản ứng dữ dội đã trở nên rõ ràng hơn về mặt tư tưởng. Vị tổng thống mới thường xuyên nói rằng Mỹ và Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc đấu tranh về ý thức hệ và chính trị để đưa ra mô hình cho thế kỷ 21 – dân chủ hay độc tài.

Chính phủ Trung Quốc có lý do để hy vọng rằng Hoa Kỳ nhận ra giờ đã quá muộn để xem xét lại sự ủng hộ của họ đối với mô hình tăng trưởng châu Á vốn đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành nhà chế tạo và xuất khẩu lớn nhất thế giới. Quốc gia này hiện có nền kinh tế tiêu dùng nội địa khổng lồ, mang lại nguồn tăng trưởng thay thế cho các thị trường xuất khẩu vốn rất quan trọng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những thập niên ban đầu.

Trung Quốc cũng vừa trở thành nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu thế giới. Các công ty Trung Quốc đang mở rộng khắp nơi trên thế giới. Nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau đến mức việc tách rời thực sự sẽ cực kỳ khó khăn – chưa nói là không được ủng hộ bởi nhiều doanh nghiệp của cả hai bên.

Mặc dù vậy, ông Tập đã chấp nhận rủi ro lớn khi công khai thách thức quyền lực của Mỹ. Trong những thập niên đầu tiên khi Trung Quốc trỗi dậy, sự đồng thuận ở Washington là Trung Quốc cũng sẽ tự do hóa về mặt chính trị khi nước này ngày càng trở nên giàu có. Vì vậy, Mỹ đã có một thái độ khuyến khích và dễ dãi đối với sự vươn lên của Trung Quốc – tương tự như cách tiếp cận của họ đối với các con hổ kinh tế Đông Á khác.

Trong trường hợp của Trung Quốc, “sự cho phép” của Mỹ hiện đã bị rút lại. Mỹ đang hạn chế Trung Quốc tiếp cận một số công nghệ tiên tiến và đang tổ chức các đồng minh của mình để chống lại Bắc Kinh. Trong môi trường địa chính trị mới này, ông Tập thực sự cần phải tìm ra một “mô hình Trung Quốc” mới – khác biệt với mô hình Đông Á – nếu muốn sự trỗi dậy của Trung Quốc tiếp tục không bị gián đoạn.

G.R.

Nguồn: Nghiên cứu quốc tế

Tôi từ chối khai báo y tế ở Ninh Bình

 

Tôi từ chối khai báo y tế ở Ninh Bình

Ngô Anh Tuấn

31-7-2021

Hôm nay, tôi đi từ Diễn Châu, Nghệ An ra Hà Nội để làm việc. Lúc khoảng 16h20, khi bắt đầu vào thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, một đồng chí CSGT đã dừng xe tôi lại. Tôi hỏi lý do thì anh ấy trả lời là mời anh xuống khai báo y tế.

Tôi xuống xe để xuống địa điểm khai báo y tế thì thấy rất đông người đang ngồi ở đây, từ cán bộ, nhân viên y tế tới các thành phần khác cùng rất đông những tài xế như tôi và những người đi cùng họ. Tôi nói là tôi đi ra Hà Nội, không có ý định dừng nghỉ gì ở Ninh Bình vì có muốn dừng cũng không để làm gì vì quán hàng đóng cửa hết rồi. Tôi đang yên đang lành, không tiếp xúc với ai, kéo tôi xuống đây chờ đợi khai báo, đứng ngồi lố nhố, tiếp xúc bao nhiêu người, như vậy tăng khả năng lây nhiễm bệnh chứ không phải là phòng bệnh đâu.

Vì những lý do đó cho nên tôi từ chối khai báo, về Hà Nội tôi sẽ khai và đề nghị gặp người có thẩm quyền chỗ này để góp ý ngay. Một phút sau, một đồng chí cảnh sát cơ động lại chỗ tôi, tôi nói lại nội dung đã nêu, anh ấy chỉ nói đây là quy định của cấp trên, mong anh chấp hành. Tôi lại tiếp lời rằng anh không thấy quy định này có vấn đề sao? Anh ấy im lặng rồi lẳng lặng đi ra chỗ khác…

Chưa hài lòng, tôi đi lại chỗ một người khác (mặc áo cảnh sát trật tự hoặc quản lý thị trường gì đó) để nói lại nội dung mà tôi đã trao đổi với đồng chí cảnh sát cơ động mà anh cũng đã nghe và tôi nghe lại nguyên nội dung mà tôi đã nghe từ đồng chí cảnh sát cơ động. Chán nản, tôi quay trở lại xe thì gặp đồng chí CSGT lúc nãy đang tươi cười. Có lẽ anh có nghe được một phần hoặc toàn bộ câu chuyện của tôi với những người khác trong số những người đang thi hành công vụ cùng anh.

Tôi tiếp tục đặt lại câu hỏi tương tự như hai người trước đó và nhận được câu trả lời cũng tương tự nhưng chỉ giống phần đầu, đó là đây là quy định của cấp trên nên phải thi hành nhưng phần câu hỏi quy định kia có đúng không thì anh cười và nói, nếu anh thấy sai thì ý kiến giúp, chúng tôi làm theo lệnh nhưng khổ lắm.

Đang lúc cao hứng, tôi nói tôi sẽ ý kiến ngay.

Lúc tôi lên xe, nổ máy, đồng chí CSGT này đứng nghiêm, giơ tay chào tôi. Tôi nhìn thấy đôi tay sạm đen của anh ấy. Tôi nghĩ lời nói và mong muốn của anh là thật và chân thành. Tôi không biết phải góp ý cho ai và có ai thèm nghe lời góp ý của tôi không nên đi được quãng đường khoảng 20km, tôi dừng xe lại để viết stt này, mong rằng những người có thẩm quyền đọc được để thấy rằng, nhiều quy định của các vị không thực tế, không có tác dụng, không những gây khó khăn, phiền hà cho người dân mà cho khổ cực cho chính những người đi thực thi những quy định đó.

Giờ tôi lên xe đi tiếp, qua ải Hà Nội, nếu có vấn đề gì nữa tôi sẽ lại dừng lại và viết tiếp trước khi về nhà đi ngủ…

Tình trạng nguy cấp của Trần Huỳnh Duy Thức

 

Tình trạng nguy cấp của Trần Huỳnh Duy Thức

Trần Huỳnh Duy Thức

31-7-2021

ANH THỨC GỌI ĐIỆN VỀ NGÀY 30-07-2021

Sau một tháng rưỡi từ lần gọi về giữa tháng 6, anh Thức được điện thoại về nhà. Gia đình thật mừng và giải tỏa được căng thẳng khi nhận được cuộc điện thoại này vì đáng lẽ anh đã phải được gọi về từ lâu rồi.

Anh gọi về cho hai cô con gái của mình. Qua điện thoại, mặc dù anh không nói, nhưng vẫn nhận ra được sự mệt mỏi, ít sức lực, thở dốc qua giọng nói.

Sau khi hỏi thăm gia đình, anh Thức cho biết tình trạng của Anh.

TỪ MÉP CÕI CHẾT TRỞ VỀ

Anh Thức cho biết hiện giờ người anh toàn xương, không biết là bao nhiêu ký nữa. Cũng từ lâu rồi, anh từ chối khám sức khỏe, chỉ tự đo huyết áp thôi. Anh nói gần một tháng rưỡi trước [vào giữa tháng 6] anh cân được 55kg, giờ chắc dưới xa mức đó. Y tế trại kêu anh khám, nếu cần thì nhập viện nhưng anh đã không đồng ý, đưa anh nước truyền dịch, anh cũng không đồng ý.

Ngày 20/6, anh phải lết, không chống gậy đi được vì vùng thắt lưng yếu nên anh không đứng vững, cái lưng cứ bị ngả nghiêng.

Sáng 24/6, thắt lưng anh yếu tới mức đang nằm không thể nhấc lưng lên ngồi dậy được, anh phải xoay úp mặt xuống, dùng cả hai tay, hai chân nhấc cong người lên thì mới ngồi lên được.

Vào đêm 25/6, rạng 26/6, anh Thức thấy tường trần sụp đổ và người anh như bay lên lơ lửng, kéo theo những hơi sức cuối cùng khỏi cơ thể. Anh nói với các con: “Ba cầu nguyện để ra đi thanh thản và mê man tới 2h30 khuya thì ba tỉnh lại và biết mình vẫn còn sống”.

Vừa thoát qua cửa tử thì hai ngày sau đó, vào chiều 28/6, anh Thức lại bị ngã trong lúc anh vịnh tường, ráng đứng lên lấy đồ móc trên cao vì thắt lưng không giữ được, làm lưng ngã về phía sau, kéo cả người đổ xuống, may là không phải vì choáng mà ngã nên anh vẫn ý thức được mà lách cái đầu ra ngoài, do đó chỉ có vai, tay và lưng bên phải của anh bị cà vào tường làm trầy xước. Vì vách tường phòng giam gồ ghề và nhiều gai nhọn như rạp chiếu phim, anh miêu tả như vậy. Anh trong tình trạng cực kỳ xấu, tính mạng thì đếm từng ngày mà còn phải chịu cái nóng như đổ lửa.

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ CÁI CHẾT CỦA ANH THỨC VÌ SỰ COI THƯỜNG PHÁP LUẬT CỦA HỌ

Tới ngày 2/7 anh Thức không còn lết được nữa nên phải nhờ người cõng. Tới buổi chiều cùng ngày hôm đó thì phó giám thị Ngô Ký Trí gặp anh, khuyên anh ăn để giữ gìn tính mạng và nói là trại rất lo lắng và không muốn nhìn thấy tình trạng của anh xấu đi mỗi ngày như vậy và trại vẫn luôn luôn quan tâm sức khỏe chăm sóc cho anh, nhưng anh vẫn không ăn. Anh nói với hai con gái:

“BA KHẲNG ĐỊNH ĐÃ TUYÊN BỐ TUYỆT THỰC TRÍ MẠNG VÀ BA KHÔNG LẤY TÍNH MẠNG CỦA MÌNH RA ĐÙA. TỚI LÚC NÀY BA KHÔNG CÒN CHẤP NHẬN Ở TÙ VÔ LÝ NỮA, HOẶC GIẢI THOÁT HOẶC SIÊU THOÁT, BA ĐÃ SẴN SÀNG CHẾT ĐỂ BỪNG LÊN NHỮNG NGUỒN SÁNG MẠNH MẼ DẪN TỚI CÁCH MẠNG ÁNH SÁNG. TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ CÁI CHẾT NÀY VÌ SỰ COI THƯỜNG PHÁP LUẬT CỦA HỌ. TRẠI GIAM SỐ 6 KHÔNG LIÊN QUAN TỚI TRÁCH NHIỆM NÀY.”

Đến sáng 5/7 thì phó giám thị Thái Phong Thủy gặp anh Thức cũng khuyên anh và nói như phó giám thị Trí, anh cũng trả lời và nói như anh đã nói phó giám thị Trí. Hôm đó thì anh nói không ra hơi nữa. Anh nói với hai con: “Ba thấu hiểu cảm giác của những người sắp chết đói như thế nào, hẳn họ chỉ muốn Bề trên rước họ đi thật nhanh.”

TẠM HOÃN TUYỆT THỰC ĐẾN CHẾT ĐỂ CHỜ TRẢ LỜI CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO THEO ĐỀ NGHỊ CỦA CỤC C10 – BỘ CÔNG AN.

Trưa 8/7, huyết áp của anh chỉ còn 65/35, anh suy nhược tới mức không còn uống được nước nữa. Anh nói uống nước trắng mà thấy đắng như là uống mật vậy. Buổi trưa hôm ấy khi anh đang nằm heo hắt thì trưởng phân trại Bùi Xuân Thắng vào buồng gặp anh nói cho anh biết là Trại đã báo cáo bằng văn bản tình trạng hiện giờ của anh lên cục C10 của Bộ Công An, nhờ cục này thông báo cho Tòa án nhân dân tối cao biết để trả lời các đơn của anh đã 3 năm rồi. Đồng thời vì anh Thức quá yếu, sức lực đã suy kiệt, không biết mất mạng lúc nào nên Trưởng trại Thắng đã mang sữa Ensure vào thuyết phục anh uống để duy trì mạng sống để chờ trả lời của Tòa án.

Thật là may mắn là anh Thức đã đồng ý với đề nghị đó và đã uống sữa và ăn một ít cháo của Trại nên vượt qua được tình trạng nguy kịch đến tính mạng. Những ngày sau đó, anh có dùng cầm chừng một ít cháo rau của của bạn bè trong đó để duy trì mạng sống. Anh Thức vẫn tuyên bố, thông qua lời nhắn với con gái: “Ba vẫn chưa dừng phản đối Tòa án Nhân dân Tối cao và đòi tôn trọng Quyền Con Người đâu. Ba vẫn không nhận khẩu phần cơm hàng ngày, ba chỉ nhận tiếp sức từ cháo, rau của bạn bè ở đây thôi, để cầm cự sống mà chờ xem Tòa án nhân dân tối cao trả lời thế nào, chứ không phải ăn để phục hồi nên ba cũng không mua đồ ăn từ căn tin, nhà cũng đừng gửi sữa, đồ ăn, thuốc bổ hay tiền gì hết”.

Anh còn dặn ở nhà cũng đừng gửi sữa, đồ ăn, thuốc bổ hay tiền gì hết.

Từ hôm đó tới hôm nay (30/7) anh Thức có thể đi lại chậm chậm được nhờ vịn vào người khác, chưa có bị liệt. Anh cười nói với các con: “Vẫn ốm trơ xương, dù có đỡ hơn, giọng nói ba thì có hơi lại rồi.”

THÔNG ĐIỆP ĐẾN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, YÊU CẦU TÔN TRỌNG LUẬT PHÁP VÀ ANH THỨC SẴN SÀNG CHẾT ĐỂ ĐỔI LẤY SỰ KHAI SÁNG CHO DÂN TỘC, ĐỔI LẤY QUYỀN CHO NGƯỜI DÂN.

Trước sự chứng kiến của cán bộ quản giáo Trại giam và qua điện thoại cho con gái của mình, anh Thức tuyên bố: “MỘT THỜI GIAN NỮA NẾU TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO KHÔNG TRẢ LỜI ĐÚNG PHÁP LUẬT THÌ BA SẼ BƯỚC VÀO ĐỢT QUYẾT LIỆT, BA ĐÃ SẴN SÀNG ĐỔI SINH MẠNG CỦA MÌNH ĐỂ LẤY SỰ KHAI SÁNG CHO DÂN TỘC, LẤY QUYỀN CHO NGƯỜI DÂN.”

Như vậy, một thời gian ngắn nữa, nếu Tòa án tối cao không tôn trọng luật pháp, cứ giữ im lặng, không trả lời đơn thư của anh Thức đúng theo luật thì anh sẽ không tiếp tục duy trì cầm chừng sự sống nữa mà sẵn sàng chết cho sự tự do của mình và cho sự tư do của dân tộc Việt Nam.

CĂN DẶN CUỐI KHI CÓ BẤT TRẮC VỚI ANH

Anh Thức đã sẵn sàng cho cái chết nếu dân tộc Việt Nam không có công lý, pháp luật không được thượng tôn, Quyền con người không được tôn trọng. Qua điện thoại, giọng anh vẫn bình thản khi nói lời trăn trối với các con: “Những ngày nguy kịch nhất ba đã viết lời trăn trối ở thư 139 và DA39, có những điểm quan trọng sau: thiêu ba, rải tro từ đất Thủ Thiêm xuống sông Sài Gòn và hướng nhìn lên cột cờ Thủ Ngữ, gửi cho ba những ánh mắt hy vọng; khi nào có thể thì hai đứa đặt một tượng bán thân nhỏ trong một khu vườn nhỏ cho ba, trước tượng đặt một bó lụa nhỏ màu xanh da trời; trong các đồ ba gửi về có 4 tập thơ “Thương ơi là thương”, tập 2 đến tập 5 đã hoàn chỉnh, cố gắng phát hành cho tốt.”

Anh nói tiếp với các con: “Lúc nguy kịch ba xin điện thoại cấp bách mà không được, nên đừng chờ điện thoại cấp bách nữa, nếu có mệnh hệ gì thì trại có trách nhiệm thông báo chính thức, không cần điện thoại hỏi trại tình trạng của ba, chỉ cần đòi trại đảm bảo điện thoại nếu thấy trễ mà thôi.”

Trước khi hết giờ anh dặn dò hai con gái: “Phải đăng cho biết ngay tình trạng tuyệt thực trở về từ mép cõi chết của ba, thông báo đến những nơi cần thiết, những gì ba nói và chính xác cả nội dung lẫn thời gian.”

***

Nghe từng lời anh nói mà mọi người trong gia đình nhói đau trong lòng và khóc nghẹn, vừa buồn vừa uất ức.

Gia đình chúng tôi, cha, vợ, con, chị, em, các cháu của Trần Huỳnh Duy Thức đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hãy có trách nhiệm giải quyết và trả lời đơn đề nghị miễn phạt còn lại của Trần Huỳnh Duy Thức đã được gửi nhiều lần từ trại giam suốt 3 năm qua. Sự im lặng không có trách nhiệm như vừa qua sẽ có thể gây ra cái chết của Trần Huỳnh Duy Thức như anh đã tuyên bố một cách chắc chắn.

Lần này nếu anh Thức tiếp tục tuyệt thực (sau lần tuyệt thực trước là 162 ngày) thì chắc chắn anh sẽ không thể sống nổi. Và sự im lặng của Tòa án tối cao sẽ là tội ác.

Gia đình cũng mong nhận được sự thương yêu, đồng cảm, đồng hành của tất cả mọi người để tiếp sức cho anh Thức vượt gian nan, khổ nạn này.

Một đề xuất về dập dịch ở TP.HCM

 

Một đề xuất về dập dịch ở TP.HCM

Nguyễn Ngọc Chu

31-7-2021

Vấn đề dập dịch ở TP.HCM không còn là vấn riêng của TP.HCM mà đã trở thành vấn đề của toàn quốc. Chưa nói đến vai trò quan trọng số 1 của TP.HCM trong nền kinh tế quốc dân, thì vấn đề người dân các tỉnh rời khỏi TP.HCM (mang theo nguy cơ lây nhiễm về các tỉnh) trong những ngày qua đã khẳng định điều đó.

Trách nhiệm dập dịch không chỉ còn là trách nhiệm của lãnh đạo TP.HCM. Trách nhiệm dập dịch ở TP.HCM trở thành trách nhiệm trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ Tịch nước và Tổng Bí thư của Đảng. Chức vụ càng cao trách nhiệm càng lớn.

Nói đến trách nhiệm trực tiếp tức là chủ thuyết về dập dịch bao gồm ý tưởng, biện pháp, quy trình dập dịch… với nội dung cơ bản được đề xuất trực tiếp từ người có trách nhiệm. Đây chính là “nghĩ thật”. Hô hào mà không đưa ra biện pháp cụ thể đều không dập được dịch. “Nghĩ thật” gắn liền tư tưởng với biện pháp.

Ở đây sẽ không đề cập đến các nguyên do trong quá khứ đã dẫn đến tình trạng dịch lan rộng và có nguy cơ thoát khỏi tầm kiểm soát. Chỉ xin đề xuất một số biện pháp về dập dịch ở TP.HCM tại thời điểm này.

1. KHÔNG ĐƯA DỊCH RA KHỎI TP.HCM

Không đưa dịch ra khỏi TP.HCM. Đây là nguyên tắc xuyên suốt. Mọi chuyển động đều phải tuân thủ nguyên tắc này.

2. CỨU TRỢ VÔ ĐIỀU KIỆN

Những người đã và đang rời khỏi TP.HCM hiện nay là vì không có gì để sống, và không có việc làm để nhận lương hiện tại, cũng như chưa thấy có việc làm để nhận lương trong tương lai gần. Nếu trong tài khoản của những người này hàng tháng được nhận lương cứu trợ như các nước, thì đã không có dòng người rời khỏi TP.HCM như trong những ngày qua.

Đề xuất Chính Phủ cứu trợ tức thì, vô điều kiện cho tất cả những người lao động ở TP.HCM mất việc làm, không có lương. Mức cứu trợ là 70% mức lương tối thiểu theo vùng. Chuyển trả hàng tháng. Thời hạn trước mắt là 3 tháng.

Chính Phủ đã có khoản tiền 26.000 tỷ đồng cứu trợ người lao động khó khăn trong đại dịch, nhưng tại sao dòng người lao động rời khỏi TP.HCM vì không có tiền sống? Chứng tỏ tiền cứu trợ chưa đến đúng địa chỉ cần đến, tiền cứu trợ không đến kịp thời. Chứng tỏ thủ tục phức tạp, yêu cầu phiền hà, bỏ sót người lao động. Đây là trách nhiệm của Bộ LĐ&TBXH.

Cứu trợ vô điều kiện là không đòi hỏi bất cứ yêu cầu gì từ người lao động – không phải làm đơn, không phải trình giấy tờ… mà người lao động tự nhiên có tiền cứu trợ. Việc xác định là việc của cơ quan chức năng có trách nhiệm. Hãy học tập các nước.

Thủ tướng nên tham khảo cách quản trị của tiền nhân và trong thời chiến, uỷ thác cho một đặc phái viên giải quyết việc cứu trợ để chấm dứt tình trạng ra đi khỏi TP.HCM vì không có tiền để sống. Chính sách được ban vào lúc nào thì dòng người “di tản” khỏi TP.HCM sẽ dừng lại ngay lúc đó. Thủ tướng cần một đặc phái viên giỏi. Lãnh đạo Bộ LĐ&TBXH đã thể hiện sự không tương năng trong giải quyết cứu trợ trong đại dịch.

3. DÃN CÁCH KHOA HỌC, KHÔNG CỨNG NHẮC

Việc giãn cách tuy phải tuân thủ nghiêm ngặt, nhưng quy trình phải khoa học và con người thực thi phải tương xứng. Vụ “bánh mỳ không phải là thực phẩm thiết yếu”, và công văn khẳng định “bánh mỳ là thực phẩm thiết yếu”, cũng như nhiều thí dụ oái ăm khác, đã chứng tỏ quy trình giãn cách chưa khoa học, và nhân sự thực thi không đáp ứng được yêu cầu.

Cho nên phải có quy trình khoa học và người thực thi đủ năng lực để giãn cách hiệu quả. Lúc đó giãn cách mới ít làm phiền dân và đảm bảo cho sản xuất và lưu thông ít bị gián đoạn. Giãn cách không khoa học sẽ làm tê liệt toàn bộ đất nước.

4. TỔ CHỨC KHOA HỌC DÒNG NGƯỜI ĐẾN VÀ ĐI

Không đưa dịch ra khỏi TP.HCM không có nghĩa là TP.HCM bị bao vây tuyệt đối. TP.HCM vẫn phải tiếp tục sản xuất và lưu thông. Cho nên việc tổ chức lưu thông cho dòng người đến và đi đều phải rất khoa học. Việc này cũng cần người đứng đầu giỏi. Có người đứng đầu giỏi, tự khắc “nghĩ thật”. Khi “nghĩ thật” thì sẽ có đầu ra “thật”.

5. THẦN TỐC TIÊM VACCINE CHO TOÀN BỘ CÔNG DÂN TP.HCM

Quyết định tiêm vaccine cho toàn bộ công dân TP.HCM là đúng. Việc trở lại hoạt động bình thường của TP.HCM phụ thuộc phần lớn vào thời điểm khi nào thì tiêm xong vaccine. Cho nên tốc độ tiêm vaccine là rất quan trọng – thuộc hàng bậc nhất hiện nay.

6. ĐƯA PHƯƠNG TIỆN VÀ NHÂN LỰC TỪ NGOÀI VÀO TP.HCM

Thay vì đưa bệnh nhân từ TP.HCM đến các địa phương khác để cứu chữa, thì mang bệnh viện và đội ngũ cán bộ y học từ nơi khác đến TP.HCM. Đây cũng là nguyên tắc côt lõi trong chiến lược dập dịch ở TP.HCM.

7. HỖ TRỢ CỦA TỈNH THÀNH KHÁC

Vào thời điểm sáng nay 31/7/2021, số ca nhiễm Covid-19 ở TP.HCM là 88.285. Rồi sẽ vượt 100.000 và hơn nữa. TP.HCM có cơ hội trở lại hoạt động bình thường chỉ khi tiêm vaccine hết cho các công dân đang sống và làm việc ở TP.HCM.

Lãnh đạo các tỉnh muốn giúp đỡ đồng hương của tỉnh mình đang sống ở HCM nên có chiến lược hợp lý. Thay vì đón họ rời khỏi TP.HCM thì hỗ trợ để họ ở lại. Hỗ trợ bằng tài chính và vật chất.

Mặt khác, các tỉnh cần chung tay hỗ trợ TP.HCM chống dịch bằng cách đưa bệnh viện, nhân lực, và cả thuốc vaccine phòng chống Covid (một đơn vị đầy đủ) đến TP.HCM. Đó là cách giúp đỡ đồng hương thiết thực và hiệu quả.

Từ đó để thấy, các tỉnh thành có trách nhiệm chuẩn bị ngay các bệnh viện dã chiến cùng nhân lực và thuốc men để vào trợ giúp TP.HCM.

Bệnh viện dã chiến của các tỉnh thành trong trường hợp cần thiết có thể điều động đến để dập dịch bất cứ ở một địa phương nào. Thủ tướng nên chỉ đạo để tất cả các tỉnh thành phải có bệnh viện dã chiến phòng chống dịch Covid-19 như là yêu cầu bắt buộc.

CHIA SẺ

Tiền nhân đã nhắc nhở về một chân lý hiển nhiên: “Chạy trời không khỏi nắng’”. Từ góc độ toàn quốc, vận dụng vào hoàn cảnh hiện tại, là “Không đưa dịch ra khỏi TP.HCM”.

Dập dịch ở TP.HCM không còn chỉ là nhiệm vụ của lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo Bộ Y tế nữa. Dập dịch ở TP.HCM đã trở thành nhiệm vụ trực tiếp của các lãnh đạo cao nhất của nhà nước. Muốn dập dịch hiệu quả thì khắp mọi mắt xích trong hệ thống đều phải “nghĩ thật”.

Kiến nghị với Chủ tịch thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh

 

Kiến nghị với Chủ tịch thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh

Hà Huy Sơn

31-7-2021

Ngày 23/07/2021, Chủ tịch ra Chỉ thị số 17/CT-UBND thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 06h00 ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn Thành phố. Đến nay đã được 07 ngày và chưa ai có thể biết trước sau 15 ngày có phải tiếp tục cách ly tiếp hay không hoặc siết chặt hơn.

Do thực hiện cách ly mà trên địa bàn Thành phố, hiện nay đang có hàng chục ngàn lao động hoặc là hơn thế ở các tỉnh đến Thành phố lao động, làm việc phải nghỉ việc, không có việc làm. Họ sống trong các khu nhà trọ, điều kiện sinh hoạt rất chật chội, môi trường không đảm bảo vệ sinh. Họ bị mất thu nhập, thiếu tiền, thiếu thốn các nhu yếu phẩm thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày.

Chính quyền Thành phố không đáp ứng đủ hoặc không đáp ứng được cho họ đang là một thực tế. Tóm lại họ có nguy cơ chết đói, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 ngay tại nơi ở là rất cao mà không biết đến khi nào tình trạng này chấm dứt. Thời gian cách ly càng kéo dài nguy cơ đối với họ càng cao.

Họ muốn được ra khỏi Thành phố để về quê nhà tự cách ly. Nhưng họ đang gặp phải những trở ngại sau:

1- Không được ra ngoài do chốt chống dịch tại các khu trọ;

2- Muốn ra khỏi Thành phố thì phải có Phiếu xét nghiệm âm tính vi rút Covid-19. Đã không được đi ra khỏi khu trọ thì làm sao đi làm xét nghiệm được. Hoặc không có tiền để xét nghiệm với mức phí khoảng 800 ngàn đồng – 1,5 triệu đồng/người tùy từng cơ sở y tế:

3- Hoặc khi có đủ điều kiện ra khỏi Thành phố nhưng các tỉnh lại không cho họ đi qua hoặc không cho họ trở về nơi quê nhà của họ để tự cách ly. Vì các địa phương cũng có lý do của họ.

Bằng kiến nghị này, mong ông Chủ tịch Thành phố sớm có biện pháp tháo gỡ hoặc báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để giải thoát cho những người lao động này, góp phần giảm tải nhu cầu cho hệ thống y tế của Thành phố, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho chính họ và cả Thành phố./.

Ông Đam phải “tha thiết đề nghị Bộ Y tế” thì…

 

Ông Đam phải “tha thiết đề nghị Bộ Y tế” thì…

Mai Quốc Ấn

31-7-2021

Ảnh: Kênh 14

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam là Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

​Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là Trưởng Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 toàn quốc.

Vị trí của ông Đam trong Chính phủ là vị trí quản lý cấp trên trực tiếp của ông Long. Vị trí trong Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid cũng là vị trí quản lý luôn cả Trưởng Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc.

Trong cương vị quản lý của mình về chống dịch nói riêng và trong phân cấp vai trò, quyền hạn Phó Thủ tướng nói chung mà ông Đam phải “tha thiết đề nghị Bộ Y tế” thì…

(Tôi chưa bao giờ cho rằng ông Đam không có năng lực. Mà chỉ thấy một sự cô độc cùng cực. Sự cô độc của một trọng thần không quen mùi yến tiệc mà đã chọn lăn lộn sa trường thành tánh.)

Hy vọng Chính phủ và Nhân Dân Việt Nam còn nhớ 288.000 liều vaccine được tặng bị “ngâm” kho. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long hẳn không quên lý do “chưa có cơ chế” và khi báo chí lên tiếng, thành phố kêu cứu thì Thủ tướng đích thân xử lý mới giải phóng được lô vaccine này tiêm cho dân. Sài Gòn thiếu test nhanh, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng tha thiết và Thủ tướng điều ngay test nhanh bay vào Tân Sơn Nhất.

Tới lúc này, cần tổng hợp lại nhiều điều, trong đó có sự chính danh chính trị mà ông Đam nắm vị trí; và các sự kiện chậm trễ thấy được của Bộ Y tế. Chính phủ nên nhìn nhận lại ai mới là người điều hành cao nhất về chống dịch khi chính Trưởng Ban phòng, chống dịch Covid quốc gia phải thốt ra những lời như vậy

Tôi lưu ý điều này vì ông Đam nói thế để bảo vệ tính chính danh ý kiến của Thủ tướng khi ông Phạm Minh Chính cũng nói sẽ ưu tiên cho Tp.HCM tiêm vaccine. Đó không chỉ là chính danh quyền hạn của ông Vũ Đức Đam mà còn là sự đồng thuận của chính phủ về chống dịch nói riêng và điều hành đất nước nói chung.

Cũng là chính đáng hạn chế tối đa những đoàn xe chở quan tài đậu kẹt cứng trên con đường vào lò thiêu Bình Hưng Hoà.

Cũng là chính đáng hạn chế sự ly tán lòng người. Hãy search cụm từ “Big pharma” kèm danh từ “Việt Nam” trên Google. Nó đang ngày càng nhiều hơn đấy thưa quý vị!

Về việc “về quê” tự phát của người lao động từ vùng có dịch

 

Về việc “về quê” tự phát của người lao động từ vùng có dịch

NÓNG RỰC TRÊN MẠNG XÃ HỘI là những thông tin liên quan đến việc VỀ QUÊ tự phát của người lao động từ vùng có dịch.

Một cuộc tháo chạy khổng lồ, đau đớn và cay đắng.

Một cuộc tháo chạy vượt ra ngoài công văn chỉ thị.

Không bàn nhiều tới việc sai sai đúng đúng, nên nên, không không, muộn rồi, rất muộn để lý lẽ, để cự cãi, để tranh luận. Vấn đề là hiện nay, ngay lúc này, ngay bây giờ hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn, cộng lại hàng triệu người lao động, hàng triệu CÔNG DÂN VIỆT, từ đứa bé mới sinh 10 ngày tuổi đến đủ thành phần lao động chạy từ thành phố Sài Gòn và các tỉnh lân cận ra miền Trung, miền Bắc, chung lại là VỀ QUÊ.

Có 3 nhóm VỀ: Một là không thể ở lại, không còn đường sống để ở lại, không bấu víu vào đâu để ở lại, VỀ. Hai là nhìn thấy trước một “tương lai” khốn khổ vì mất việc, vì nợ nần, vì những đồng tiền tích lũy cuối cùng đã hết, không về sớm, không thoát ngay, bế tắc và nguy hiểm cho gia đình mình, cá nhân mình, VỀ. Ba là lo sợ dịch dã đang bùng phát và đe dọa cá nhân, gia đình mình, về ngay còn kịp dù vẫn có thể bám trụ theo cách riêng, nhưng động cơ về bị đun nóng bởi tình hình, bởi sự lôi cuốn của bạn bè, của đồng hương, bởi sự thúc bách giằng xé của chính người trong gia đình, VỀ.

Tại các chốt kiểm soát DỊCH: Thực hiện giãn cách xã hội Chỉ thị 16, tức cấm người ra đường, cấm tụ tập nên buộc phải chặn người, chặn từng đoàn xe VỀ, buộc quay đầu. Không làm không được, làm nghiêm thì xảy ra ùn ứ hàng trăm hàng ngàn người ở điểm chốt, ai giải thoát? Không ai dám? Vòng vo, bế tắc, bất lực với nhau.

Lại xảy ra tình hình, một số địa phương từ chỗ ” giang tay” ” Sẵn sàng đón bà con”… giờ quá tải cách ly thì đột ngột dừng đón, tiến thoái lưỡng nan, quay xe không được mà về quê thì cấm cản, bế tắc. Địa phương dừng có lý của địa phương. Đoàn người lỡ đã vượt cả trăm, cả ngàn xe máy cũng không thể quay đầu lại. Bế tắc.

Chỉ còn lại NGHĨA ĐỒNG BÀO, ứa nước mắt vì tình cảm đồng bào giúp nhau, tự trái tim, tự tình yêu, dọc suốt chặng đường ngàn cây số, ở đâu cũng có những tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ NGƯỜI VỀ.

Tình hình đó, không thể cứ buông, cứ thả, cứ nhìn, LÀM SAO?

1. CHÍNH PHỦ: NGƯỜI VỀ đã trở thành vấn đề của Quốc gia, không còn là chuyện như Thủ tướng nói “Các địa phương tùy vào khả năng đón bà con về…”. Đón rồi dừng. Cho rồi cấm.

Tự phát hay có tổ chức thì bản chất cũng là VỀ. Vì vậy, lập tức Chính phủ phải có một cuộc họp trực tuyến NGƯỜI VỀ, có các địa phương quê hương và các địa phương NGƯỜI VỀ làm việc, bàn cho ra giải pháp, cụ thể: Nếu ở lại, mỗi lao động được cấp nhiêu tiền 1 tháng để ở lại (tính theo đầu người gia đình, đủ cho họ căn cơ sống). Xử lý nợ tiền nhà, điện nếu có với những hộ khó khăn. Nguồn này lấy ở đâu và phải cấp ngay, ai đăng ký ở lại nhận tiền luôn trước mắt cho 3 tháng.

Đây không chỉ là trợ cấp nhân đạo, cao hơn, là cách để giữ lại lao động để khi giảm dịch là chủ động lao động. Nguồn trợ cấp nhân đạo này từ Chính phủ, từ địa phương quê hương và từ chính địa phương người lao động đang cư trú, cùng với sự đóng góp từ thiện, nhưng tôi muốn nhắc lại, ai đăng ký ở lại thì được nhận tiền ngay + hỗ trợ tiền trọ, điện nước.

Với NGƯỜI VỀ, cũng phải có giải pháp, tổ chức xe cộ, tàu hỏa, cơ sở cách ly và việc này phải có sự thống nhất từ chính phủ, đặc biệt là ngân sách trung ương, ngân sách từ địa phương đi, địa phương nhận, không thể khoán trắng cho nhau được.

2. Chắc chắn các địa phương quê hương và địa phương có người lao động cư trú đều nắm được con em mình, rồi Hội đồng hương huyện xã, phải nắm chắc số lao động, điện thoại để nhanh chóng thông tin cho bà con, nơi nào về được, nơi nào dừng, nơi nào cấm, không thả nổi con em mình để bế tắc vạ vật trên đường như thế. Rất khổ.

3. Để cứu nhau, thương nhau, trách nhiệm, tất cả NGƯỜI VỀ dù bất cứ lý do gì cũng phải cách ly ngay, đừng biến mình thành “phương tiện” vận chuyển dịch thì vô cùng đau đớn và khủng khiếp, vì người về mang F0 về đã xảy ra liên tục rồi. Một ý thức kém, một sự trốn tránh, đối phó là có thể mang tai họa cho chính gia đình, bà con, làng xóm quê hương mình.

Mong ước bà con Ở LẠI chờ thời cơ làm việc được sống ổn trong sự TRỢ CẤP NHÂN ĐẠO.

Mong ước bà con VỀ an toàn cho chính mình, cho quê hương, an toàn trên các phương tiện của nhà nước, an toàn và nghiêm túc phòng dịch…

May mắn, sáng nay trong chương trình Theo dòng thời sự của VOV1 tôi đã nói được cơ bản những ý trên vào sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

_____

Một số hình ảnh:

Về, quê nhà không nhận thì “đâm đầu vào đâu?”

 

Về, quê nhà không nhận thì “đâm đầu vào đâu?”

Cù Mai Công

31-7-2021

Hàng chục, hàng trăm ngàn bà con nhập cư một tỉnh phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đang lũ lượt về quê.

Dịch, giãn cách hai tháng rồi. Có tỉnh thành như TP.HCM hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng, mỗi ngày 50.000 đồng thì chỉ mua nổi ký gạo và bó rau. Cơm, quà từ thiện Sài Gòn không thiếu, nhưng còn lòng tự trọng – ai lại ăn hoài, kỳ. Rồi còn tiền nhà trọ, điện nước, cục xà bông, chai dầu gội…, tiền đâu? Mà dịch chưa biết bao giờ qua? Trước mắt TP.HCM, Đồng Nai… còn giãn cách tiếp.

Bất kể giá nào cũng phải về. Xe khách, xe buýt, taxi… không chạy thì đi xe máy, đi bộ; ngàn dặm cũng đi. Rớt nước mắt mà đi. Về quê còn có bữa cơm bữa cháo. Từng đoàn người đội nắng dầm mưa, mệt đâu ngủ đó, nhưng nhức thảm sầu.

Trên đường đi, nhiều nơi, cả tự phát lẫn chính quyền đứng dọc đường tiếp cơm tiếp nước, trải lều bạt cho bà con nghỉ ngơi. Có anh Công an ở TP.HCM thay vì phạt ra đường đã vét túi cho hai chị em sinh viên quê Phú Yên 500 ngàn, khi thấy trong bóp người em chỉ còn 200 ngàn.

Trái với lòng dân ta muôn dặm, quê nhà có nơi lại buồn thiu. Đã có tỉnh thành ra văn bản không nhận đồng bào quê mình. Lý do: dịch phức tạp, hết chỗ cách ly.

Hết chỗ thì cho bà con về nhà tự cách ly, nhờ địa phương theo dõi, coi bộ còn an toàn hơn. Thực tế có khu cách ly tập trung đã thành nơi lây nhiễm, vì nó vi phạm nguyên tắc: đã cách ly thì không được tập trung.

Bình thường, hàng triệu bà con nhập cư, vì miếng cơm manh áo, rời quê tìm đến những tỉnh thành khác mưu sinh và gởi tiền về quê, góp phần thúc đẩy kinh tế quê nhà, ít nhất tăng sức mua sắm cho gia đình, quê hương – từ những đồng tiền gởi về.

Không ít đâu. Cứ nhân số tiền gởi về hàng tháng, hàng năm của mấy triệu bà con nhập cư ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… là biết con số ấy khổng lồ như thế nào.

Giờ bà con mình đã đi hàng trăm, hàng ngàn cây số trên đường về, sắp về; không nhận thì bà con mình “đâm đầu vào đâu”?

Giữa đại dịch, Hoa Kỳ là chỗ dựa lớn nhất về vaccine của Việt Nam

 

Giữa đại dịch, Hoa Kỳ là chỗ dựa lớn nhất về vaccine của Việt Nam

Luật Khoa

Võ Văn Quản

31-7-2021

Các quan chức của Bộ Y tế, WHO và UNICEF chào đón lô vaccine đầu tiên của chương trình COVAX về Việt Nam vào tháng 4/2021. Ảnh: WHO Vietnam/ Loan Tran

Viện trợ của Hoa Kỳ đang là nguồn sống chính cho Việt Nam trong thời khắc chống dịch gian nan.

Cho đến nay, có một sự thật không thể chối cãi: các quan chức có tư tưởng bài Hoa Kỳ bảo thủ và cứng nhắc nhất trong nhà nước Việt Nam, các nhóm đấu tranh an ninh mạng can trường nhất, và thậm chí là các quan chức địa phương phường xã đều đã và đang là những người đầu tiên hưởng lợi từ viện trợ y tế của Hoa Kỳ trong đại dịch COVID-19, đặc biệt trong vấn đề vaccine.

Chắc chắn sẽ có luận điểm cho rằng “Mỹ không cho không ai bao giờ”, hay “được cái này thì mất cái kia”, hoặc “đó chỉ là mua chuộc chính trị”, và khá oái oăm là tác giả của những lời đó lại chính là những người hưởng lợi từ sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Nhưng trong thời khắc sống chết của hàng triệu người Việt Nam, cũng như để đảm bảo sự vận hành bình thường của nền kinh tế trong nước, Hoa Kỳ đang trỗi dậy như là một người bạn có thể tin tưởng.

Bài viết này nhằm thống kê và xem xét lại những hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam cũng như thế giới, từ đó cân nhắc giá trị của nó trong hoàn cảnh hiện nay.

Đóng góp vào nỗ lực phòng chống COVID-19 trên thế giới

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh, nặng nề đến mức họ bị xem là… trò đùa của toàn thế giới.

Người viết không có gì bào chữa cho thất bại của quốc gia này.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hoa Kỳ tiếp tục là quốc gia “dẫn đầu” về số lượng ca mắc bệnh lẫn ca tử vong: hơn 34 triệu người nhiễm bệnh và hơn 600.000 người tử vong. [1] Tuy nhiên, điều này không ngăn cản nước này trở thành “mạnh thường quân” lớn nhất về vaccine và các viện trợ y tế khác cho nhân loại.

Trên bình diện quốc tế, quốc gia này đã thực góp hơn 2,5 tỷ Mỹ kim cho các nỗ lực y tế quốc tế trong phòng, chống COVID-19, mà cụ thể nhất là thông qua chương trình COVAX. [2]

Bảy quốc gia có đóng góp đáng kể còn lại là Đức, Anh, Liên minh Châu Âu (tư cách là một tổ chức liên chính phủ độc lập), Thụy Điển, Nhật Bản, Canada và Saudi Arabia.

Thống kê các quốc gia đóng góp nhiều tiền nhất vào quỹ của COVAX. Nguồn: Statista.
Thống kê các quốc gia đóng góp nhiều tiền nhất vào quỹ của COVAX. Nguồn: Statista

Tuy nhiên, đấy cũng chỉ mới là bước đầu.

Trong các thông cáo trước đó của mình, Nhà Trắng lặp lại nhiều lần cam kết viện trợ ít nhất 4 tỷ Mỹ kim cho hoạt động cung ứng và phân phối vaccine cho các cộng đồng yếu thế, dễ tổn thương cùng với nhóm nhân viên y tế tuyến đầu. [3]

Chính phủ Mỹ còn cam kết đóng góp 80 triệu liều vaccine sản xuất trong nước cho toàn thế giới trước cuối tháng Sáu năm nay. [4] Tuy nhiên, mục tiêu đó đã không kịp hoàn thành. Theo thống kê của hãng  AP, đến hết tháng Sáu, Mỹ chỉ có thể chia sẻ gần 24 triệu liều cho 10 quốc gia. [5] Lý do được nêu ra cho sự chậm trễ là các trở ngại về vấn đề thủ tục và logistics. Chính quyền Mỹ của Joe Biden cam kết sẽ đẩy mạnh tốc độ đóng góp vaccine cho toàn thế giới.

Ngoài ra, việc Hoa Kỳ chủ yếu hỗ trợ vaccine qua COVAX cũng cho thấy nỗ lực phi chính trị hóa các khoản cứu trợ nhân đạo của mình, khác với cách mà Trung Quốc và Nga phân phối vaccine cứu trợ của họ.

Hiểu đơn giản, COVAX là một chương trình tiếp cận vaccine dành cho các quốc gia đang phát triển do tổ hợp các tổ chức quốc tế như WHO, CEPI (Coalition for Epidemic Preparedness Innovations), GAVI (The Vaccine Alliance) cũng như UNICEF điều hành. [6] Các quốc gia phát triển sẽ đóng góp và chuyển giao vaccine COVID-19 cho nhóm tổ chức vận hành COVAX. Việc phân phối, điều chuyển cho các quốc gia thứ ba là do COVAX quyết định dựa trên hồ sơ xin tiếp nhận, khả năng thực hiện tốt các yêu cầu về tuyên truyền nhận thức vaccine, phòng chống thông tin phản khoa học – thông tin giả về vaccine trên mạng xã hội, v.v. [7]

Vì dựa trên cơ sở quản lý trung gian và các tiêu chuẩn chung của COVAX (ví dụ như không quốc gia nào được nhận lượng vaccine quá 20% dân số của mình trước quốc gia khác), quy trình phân phối vaccine qua COVAX được xem là công bằng và không bị tính chính trị chi phối.

Đây cũng là lý do chính khiến các quốc gia phương Tây chỉ trích Trung Quốc và Nga vì các hành động cứu trợ vaccine nằm ngoài COVAX, từ đó dẫn đến việc phân phối vaccine bị quyết định bởi các yếu tố khác.

Không khó để nhận thấy điều này.

Tính đến hết tháng Ba năm nay, Trung Quốc đã cung cấp độc lập đến hơn 115 triệu liều vaccine trên toàn thế giới, còn Liên minh Châu Âu (EU) chỉ cung cấp ra ngoài lãnh thổ các quốc gia thành viên 58 triệu liều. [8] Nhưng vì là các khoản viện trợ mang tính chính trị – mua bán ảnh hưởng, đóng góp của Trung Quốc vào COVAX là gần như không tồn tại với quy mô quốc gia. Trong khi đó, EU và một số nước thành viên giàu có của họ lại luôn nằm trong top 5 các nhà tài trợ của COVAX.

Việt Nam đã nhận gì từ Hoa Kỳ? Và chúng ta thực hiện cam kết của mình ra sao?

Trước khi nói về vaccine, cần ghi nhận rằng Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trước đó. Nếu chính phủ và các cá nhân, tổ chức Việt Nam tặng nhiều triệu khẩu trang cho chính phủ Hoa Kỳ trong thời điểm đỉnh dịch, phía Hoa Kỳ cũng “đáp lễ” hào phóng với hơn 20 triệu Mỹ kim được ghi nhận đã giải ngân. [9] Trong đó, có thể kể đến ba triệu USD giá trị của hệ thống máy trợ thở và gần năm triệu USD khác hỗ trợ cho các hoạt động xét nghiệm, chuẩn bị và phòng, chống dịch bệnh.

Theo thống kê của tổ chức COVAX, Việt Nam được chính thức phân bổ hơn sáu triệu liều vaccine. [10]

Nhóm này bao gồm hơn bốn triệu liều vaccine AstraZeneca, trong đó, đã chuyển giao 2,5 triệu. Riêng Hoa Kỳ chuyển giao cho Việt Nam thông qua COVAX đến hơn năm triệu liều Moderna.

Như vậy, nếu các con số do báo chí Việt Nam tổng hợp và đưa ra không có biến chuyển lớn, cho đến giữa tháng Bảy, Việt Nam đã nhận được hơn 8 triệu liều vaccine. [11]

Hơn 2/3 trong số đó là từ Hoa Kỳ.

Trong tương lai, nguồn hỗ trợ từ COVAX sẽ tiếp tục chiếm tỷ lệ đáng kể trong các nguồn vaccine phòng COVID-19 mà chính phủ Việt Nam đã đàm phán được (khoản 40 triệu trên 100 triệu liều).

Vấn đề là cho đến thời điểm này, vaccine từ các hợp đồng mua bán vẫn được chuyển giao vô cùng chậm chạp. Ở thời khắc quan trọng nhất của quá trình phòng, chống dịch hiện nay, chúng ta dựa hoàn toàn vào COVAX, và cụ thể nhất trong đó là chính phủ Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, có nhiều câu hỏi về tình trạng thực tế trong việc chính quyền Việt Nam nói chung và chính quyền các địa phương nói riêng thực hiện các yêu cầu của chương trình COVAX.

Các nhóm ưu tiên tiêm vaccine theo hướng dẫn của WHO. Nguồn: WHO/ BBC.
Các nhóm ưu tiên tiêm vaccine theo hướng dẫn của WHO. Nguồn: WHO/ BBC

Như đã nói, quá trình phân bổ vaccine thông qua COVAX là phi lợi nhuận và phi chính trị. COVAX hoạt động với tư cách là một tổ chức độc lập trong việc điều phối phân bổ vaccine. Tuy nhiên, họ cũng có những tiêu chuẩn nhất định của mình để bảo đảm quá trình đó đạt hiệu quả.

Đầu tiên, trong ngắn hạn, COVAX sẽ chỉ cung cấp lượng vaccine vừa đủ cho tối đa 20% dân số của mỗi quốc gia, bảo đảm rằng mọi quốc gia đến cùng một thời điểm đều tạo được bức màn chống dịch tương đối, ngăn chặn thảm họa xảy ra.

Thứ hai, cũng vì lý do này, COVAX yêu cầu các quốc gia nhận vaccine tính toán hợp lý và phân bổ vaccine theo trình tự khuyến nghị trong ảnh mà BBC minh hoạ ở trên. [12]

Ưu tiên đầu tiên của quá trình chủng ngừa cho 3% dân số phải là các nhân viên y tế tuyến đầu (frontline healthcare workers) và các nhân viên an sinh xã hội tuyến đầu (frontline social care workers).

Ưu tiên đầu tiên của quá trình chủng ngừa dành cho 20% dân số tiếp theo phải là nhóm dân số trên 65 tuổi hoặc dưới 65 tuổi nhưng có rủi ro y tế cao.

Cho đến nay, nhìn từ thực tế tiêm chủng tại nhiều tỉnh, thành và một số sai phạm mà chúng ta nhìn thấy, dường như không nguyên tắc nào được bảo đảm.

Chưa xét đến 16 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm chủng theo Quyết định 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế, thực tế cho thấy hàng loạt các liều Astra lẫn Moderna được cung cấp từ chương trình COVAX không hề tuân thủ các nguyên tắc mà tổ chức này đưa ra. [13]

Ví dụ rõ ràng nhất là hàng loạt các liều vaccine Astra từ chương trình được vận chuyển về Việt Nam đợt đầu đã được tiêm cho các nhân viên của các công ty, tập đoàn lớn. [14] Ngoài ra, rất nhiều nhóm cán bộ nhà nước không phải là các nhân viên y tế – nhân viên an sinh xã hội tuyến đầu cũng đều nhận được các liều tiêm Astra đầu tiên.

Thêm vào đó, theo nhiều thông tin lan truyền trên mạng xã hội, một lượng rất lớn nhân viên y tế thuộc các tổ chức tư nhân vẫn chưa được tiêm chủng để bổ sung lực lượng hậu cần sẵn sàng tham gia vào tuyến đầu chống dịch (dù quy định nhà nước ghi nhận rõ không phân biệt giữa y tế công hay tư).

Nghiêm trọng hơn, chiến dịch tiêm chủng cho người lớn tuổi, người có rủi ro y tế cao đến nay vẫn còn vô cùng mông lung và lúng túng.

Ảnh chụp màn hình thông tin về nhân viên y tế các tổ chức tư nhân vẫn chưa được tiêm vaccine. Nguồn: Facebook.
Ảnh chụp màn hình thông tin về nhân viên y tế các tổ chức tư nhân vẫn chưa được tiêm vaccine. Nguồn: Facebook

***

Trong thời điểm cấp bách như hiện nay, Hoa Kỳ và các sáng kiến quốc tế như tổ chức COVAX, dù chịu nhiều chỉ trích trong hàng ngũ an ninh Việt Nam, lại là người bạn chúng ta có thể tin tưởng nhất – về mặt nhân đạo lẫn kinh tế. Minh bạch hơn về thông tin và chấp nhận sự thật này là cách tốt nhất để chúng ta xem xét các chính sách ngoại giao trong tương lai.

Mặt khác, những yêu cầu của COVAX trong phân phối vaccine chính là kinh nghiệm của các quốc gia phát triển vốn gặp rất nhiều khó khăn và tổn thất trước đó. Đi chệch khỏi những khuyến nghị này, vì bất kỳ lý do gì, là đi ngược lại với lợi ích chung của toàn dân mà nhà nước kêu gọi.

Chú thích:

1. WHO Coronavirus (COVID-19) Dashboard. (2021). With Vaccination Data. https://covid19.who.int

2. McCarthy, N. (2021, May 5). The Governments Donating The Most Money To COVAX. Statista Infographics. https://www.statista.com/chart/24244/donations-to-covax-by-country

3. Bridgetown, E. U. S. (2021, February 24). The United States Announces a US$4 billion Contribution to a Global Vaccine Initiative. U.S. Embassy in Barbados, the Eastern Caribbean, and the OECS. https://bb.usembassy.gov/the-united-states-announces-a-us4-billion-contribution-to-a-global-vaccine-initiative

4. House, T. W. (2021, June 3). FACT SHEET: Biden-Harris Administration Unveils Strategy for Global Vaccine Sharing, Announcing Allocation Plan for the First 25 Million Doses to be Shared Globally. The White House. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/06/03/fact-sheet-biden-harris-administration-unveils-strategy-for-global-vaccine-sharing-announcing-allocation-plan-for-the-first-25-million-doses-to-be-shared-globally

5. Biden misses vaccine-sharing goal, cites local hurdles. (2021, July 1). AP NEWS. https://apnews.com/article/joe-biden-coronavirus-pandemic-coronavirus-vaccine-health-government-and-politics-37174e3cc360d56550b3d5f90477ad01

6. COVAX. (2021, June 18). WHO. https://www.who.int/initiatives/act-accelerator/covax

7. Headquarters, W. (2021, January 31). Acceptance and demand for COVID-19 vaccines: Interim guidance. WHO. https://www.who.int/publications/i/item/WHO-2019-nCoV-vaccination-demand_planning-tool-2021.1

8. Leigh, M. (2021). Vaccine diplomacy: soft power lessons from China and Russia? Bruegel. https://www.bruegel.org/2021/04/vaccine-diplomacy-soft-power-lessons-from-china-and-russia

9. COVID-19 Assistance | Vietnam | U.S. Agency for International. (2021). USAID. https://www.usaid.gov/vietnam/covid-19-assistance

10.  COVAX roll-out – Vietnam. (2021, July 13). Gavi, the Vaccine Alliance. https://www.gavi.org/covax-vaccine-roll-out/vietnam

11. D. (2021, July 15). Việt Nam đã tiếp nhận bao nhiêu vắc-xin Covid-19, từ những nguồn nào? https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/suc-khoe/viet-nam-da-tiep-nhan-bao-nhieu-vac-xin-covid-19-tu-nhung-nguon-nao-20210715073351943.htm

12. BBC News. (2021, June 11). Covax: How many Covid vaccines have the US and the other G7 countries pledged? https://www.bbc.com/news/world-55795297

13. W. (2021, July 15). 16 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 từ ngày 1/7/2021. Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM. http://taimuihongtphcm.vn/16-nhom-doi-tuong-uu-tien-tiem-vac-xin-covid-19-tu-ngay-1-7-2021

14. VnExpress. (2021, June 26). Gần 5.000 nhân viên FPT Software được tiêm vaccine Covid-19. vnexpress.net. https://vnexpress.net/gan-5-000-nhan-vien-fpt-software-duoc-tiem-vaccine-covid-19-4300330.html

15. Facebook. (2021). https://www.facebook.com/xiarang.tam/posts/1659854284224449