Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Trưởng ban Tuyên giáo Phan Nguyễn Như Khuê không có quyền áp đặt suy nghĩ cho cử tri!

 

Trưởng ban Tuyên giáo Phan Nguyễn Như Khuê không có quyền áp đặt suy nghĩ cho cử tri!

Mai Bá Kiếm

2-9-2020

Trong cuộc họp báo về việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cyprus, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê ngộ nhận rằng, ông có toàn quyền áp đặt suy nghĩ cho toàn dân.

Bằng não trạng lạc loài đó, ông Khuê trả lời báo chí: “Mọi người không nên suy diễn từ đâu ĐB Phạm Phú Quốc có 2,5 TRIỆU USD để “mua quốc tịch CYPRUS”. Chúng ta TÔN TRỌNG lời của ông là do tài sản gia đình. Không nên mở vấn đề đi quá xa”.

Vì có quyền ĐƯỢC BIẾT 2,5 triệu USD của ĐB Quốc ở đâu ra, nên cử tri đã mở vấn đề rất sát sườn, chỉ có ông Khuê đẩy vấn đề lên cung trăng cho thằng cuội…

Ông Khuê không có quyền gộp cử tri vào phe của ông để dùng chủ từ “CHÚNG TA” trước động từ “TÔN TRỌNG”.

Với tư cách Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Phó đoàn chuyên trách đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM, ông là đồng đảng và đồng liêu với ông Quốc thì cứ tự nhiên xài chủ từ “CHÚNG TÔI” để thể hiện “cùng nhóm lợi ích” nên luôn “TÔN TRỌNG” nhau!

“VẾT XE” LÊ THỊ NGUYỆT HƯỜNG VÀ TRỊNH XUÂN THANH!

So với Phạm Phú Quốc, Lê Thị Nguyệt Hường là “đàn chị” về mọi mặt. Phú Quốc là ĐB QH khóa XIV, còn Nguyệt Hường đắc cử liên tục 3 khóa: XII, XIII và XIV.

Name Card của Nguyệt Hường ghi đầy chức danh: “Chủ tịch HĐQT Công ty CP ĐT TNG Holdings VN; Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn ĐT phát triển VN; Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN; Chủ tịch HH Công thương TP Hà Nội; PCT Hội liên lạc với người VN ở nước ngoài TP Hà Nội; Ủy viên BCH Hiệp hội nữ DN VN.

Phú Quốc chỉ giữ 4 chức vụ lần lượt: TGĐ Cty TNHH MTV Phát triển CN Tân Thuận, Phó viện trưởng Viện NC và PT TPHCM, TGĐ Công ty ĐT tài chính NN TP.HCM, Chủ tịch HĐTV TCT Bến Thành TNHH MTV.

Bà Nguyệt Hường trúng cử QH với tỷ lệ tín nhiệm cao nhất (78,51%) tại đơn vị bầu cử số 5 TP Hà Nội, nhưng đến ngày 15/7/2016, Hội đồng bầu cử quốc gia mới nghe bài “được tin em lấy chồng” rằng Nguyệt Hường có thêm quốc tịch Malta!

Trong diễn biến khác. ĐBQH Trịnh Xuân Thanh đạt tỷ lệ 75,28% số phiếu hợp lệ, trúng cử với số phiếu cao nhất tại Hậu Giang, đã bỏ trốn sang Đức. Ngày 15/7/2016, Hội đồng bầu cử quốc gia bác tư cách ĐBQH với Trịnh Xuân Thanh.

Hai ngày sau, 17/7/2016, Hội đồng bầu cử quốc gia bác tư cách ĐBQH của bà Hường, tức trước 3 ngày khai mạc Kỳ họp thứ nhất QH khóa XIV (từ 20 đến 29/7/2016).

Trịnh Xuân Thanh và Lê Thị Nguyệt Hường “mở hàng xui xẻo” cho ĐB được tín nhiệm cao nhất” cho QH của nữ chủ tịch đầu tiên: Nguyễn Thị Kim Ngân!

ĐẠI BIỂU “RỤNG” NHƯ LÁ VÀNG!

Trong Top 5 ĐBQH đạt nhiều phiếu bầu nhất là: Phan Thị Mỹ Thanh (713.148 phiếu), Võ Văn Thưởng (676.517 phiếu), Nguyễn Thị Như Ý (585.402 phiếu), Hoàng Trung Hải (520.972 phiếu), Đinh La Thăng (509.447 phiếu), chỉ có Võ Văn Thưởng và Nguyễn Thị Như Ý chưa có tai tiếng!

Đinh La Thăng bị tạm đình chỉ ĐBQH khi bị khởi tố; Phan Thị Mỹ Thanh bị cho thôi ĐB sau khi bị khai trừ Đảng; Hoàng Trung Hải bị kỷ luật cảnh cáo!

Vậy ĐB đạt phiếu cao nhất do “chất lượng kiểm phiếu” hay do “chất lượng hiệp thương”?

ĐB Nguyễn Quốc Khánh bị 7 năm tù giam mất tư cách ĐB; ĐB Hồ Văn Năm được cho thôi nhiệm vụ, sau khi bị kỉ luật; ĐB Võ Kim Cự xin thôi vì lý do “sức khỏe” ra nước ngoài sống; ĐB Lê Đình Nhường thôi làm nhiệm vụ vì lí do sức khỏe.

Vì sức khỏe là bí mật quốc gia, có bốn ĐB chưa xin nghỉ, nhưng đã bị “bật mí” là: Ngô Văn Minh; Thích Chơn Thiện; Lê Minh Thông và Trần Đại Quang.

Ngày 20/7/2016, kỳ họp 1 khóa XIV khai mạc có 496 ĐB, đến ngày 19/9/2019, chỉ còn có 483 đại biểu. Bà Kim Ngân quản lý ĐB “hao hụt” nhiều!

QUỐC HỘI TRÁNH “VẾT XE” NGUYỆT HƯỜNG QUÁ MUỘN

Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định “5 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội”:

1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Trước khi khai mạc kỳ họp 1 QH khóa XIV, Hội đồng bầu cử quốc gia đã “bác tư cách ĐBQH đối với Nguyệt Hường” theo đơn xin thôi tư cách ĐB là lý do gượng gạo! Vì, tiêu chuẩn của ĐBQH không ghi câu “Quốc tịch VN mỗi đại biểu chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi”.

Hơn hai năm sau, tháng 12/2008, QH không chịu bổ sung điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội 2014, dù rằng việc soạn thảo thuộc thẩm quyền của QH chứ không phải của chính phủ như các luật khác.

Cho nên, Phạm Phú Quốc và vợ Nguyễn Phan Diệu Phương đã mua quốc tịch Cyprus, theo chương trình “Hộ chiếu vàng” (golden passport).

Đó là chưa kể nghi vấn: Lý lịch cá nhân của Phạm Nguyễn Nhật Minh, con trai ông Quốc trên trang LinkedIn (đã được gỡ bỏ) nói Minh học đại học (2013- 2016) và cao học ở Anh và mở một công ty tài chính vào tháng 3/2016 với vốn huy động 425 ngàn bảng. Công ty này giải thể vào tháng 10/2016, tức chỉ khoảng hơn 6 tháng sau khi thành lập.

Đợi đến ngày 19/6/2020, Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV mới thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Trong đó khoản 1a, điều 22: tiêu chuẩn ĐB “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.

Hiện nay, chưa đến thời hiệu buộc Phạm Phú Quốc phạm lỗi song tịch. Vì vậy, Bộ Công an nên điều tra xem Phạm Phú Quốc chuyển ngân sang Cyprus bằng cách nào, vì Bộ KH-ĐT chưa cấp phép cho Quốc đầu tư sang Cyprus!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.