TÔI ĐI HỌC - Thanh Tịnh
Thanh Tịnh
Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.
Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa.
Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.
Dọc đường tôi thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng chì ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước o sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.
Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:
- Mẹ đưa bút thước cho con cầm.
Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:
- Thôi để mẹ nắm cũng được.
Tôi có ngay cái ý kiến vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.
Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.
Trước sân trường làng Mỹ Lý đầy đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.
Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần.
Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng.
Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.
Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bở ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.
Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Chung quanh những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.
Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đứng lên trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ:
- Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã nghe chưa? (Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có tiếng dạ rang của phụ huynh đáp lại).
Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút giây này chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy đã lúng túng chúng tôi càng lúng túng hơn.
Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói:
- Thôi, các em đứng đây sắp hàng để vào lớp học.
Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cáng tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lủng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.
Ông đốc nhẫn nại chờ chúng tôi.
- Các em đừng khóc. Trưa này các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai các em lại được nghỉ cả ngày nữa.
Bút tích của Thanh Tịnh |
Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ vì có nhũng hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.
Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin là có thật. Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.
Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.
Nhưng những tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc:
Bài tập viết: Tôi đi học!
Sao không có lời giới thiệu : Ông, bà ...., chức vụ :chủ tịch, trưởng phòng, ... và bài diễn văn dài ngoằn đưa học sinh vào lớp!
Trả lờiNhớ thời học sinh trường làng. Nhớ nhà văn Thanh Tịnh! Sao vẫn chưa có đường phố hay trường học mang tên nhà văn Thanh Tịnh nhỉ?
Nhà văn Thanh Tịnh sinh năm 1911. Truyện này có tính hồi ký, vậy thì các hình ảnh trong truyện là hình ảnh nhà trường những năm 1918, 1919, nghĩa là cách đây hơn 90 năm.
Trả lờiNhà trường cách đây hơn 90 năm, mà lại là nhà trường thực dân, thế mà lại đem đến cho đứa trẻ ngày đầu đến trường cảm giác trong sáng đến thế, quả là đáng để hôm nay ta kính trọng. Ở đấy, thầy giáo nghiêm khắc mà nhân ái, trường lớp giản dị mà trang nghiêm, cả một bầu khí quyển đầy nhân văn.
Chả lẽ sau gần một thế kỷ chiến đấu và xây dựng với những hy sinh chồng chất, với bao nhiêu mồ hôi, trí tuệ mà lại ngày càng kém người xưa?
Thanh Tịnh còn có một số truyện viết về nhà trường và tuổi thơ rất hay, ví dụ truyện "Đội ban quê".
Dịp QK năm nay Chủ tịch nước có một bài văn mà nhiều người đánh giá là nó có tính biểu cảm cao, tương tự như "Tôi đi học" của TT. Theo tôi, trong bài văn ấy có câu đạt nhất là:
"Phải biết hổ thẹn với tiền nhân".
Ngẫm lại nhà trường ngày ấy và nhà trường hôm nay quả đúng như thế.
Chúng tôi là những lứa học sinh trong dưới mái trường XHCN những năm 67-70 của thế kỷ trước các thầy ăn cơm bo bo nhưng cũng rất nhiệt tình bồi dưỡng "hững em học sinh giỏỉ " phụ đạo học sinh kém (số này không nhiều trong 1 lớp ) mà các thầy cũng chỉ uống nước "lã thôi " không đòi công cán gì mà cũng chẳng ai "tiêu cực " trò giỏi và trò kém đều háo hức lăm Đấy là Thầy -là trò chứ cứ đâu cứ là Pháp thuộc -tư bản hay phong kiến mới có thầy tài -trò giỏi -và ngày nay cũng vậy (nếu so sánh tỷ số thì nó ít thôi "cũng nhiều thầy nhiều trò xứng đáng 'Thây"và trò " lắm chứ (kiến thức thì thời nào cũng nhiều và cũng mới )...còn ?
Bao giờ cho đến ngày xưa !
Tôi đồng ý với bạn Nặc danh13;56 ngày 5-9-2013 đấy những năm 58-60 của thế kỷ trước chúng tôi đi học vỡ lòng của các cụ Nhất trường làng (các cũ đỗ lớp nhất -hoặc nhị thời trước _vì lúc này thiếu giáo viên) chúng tôi phải mang ghế đi ngồi và bàn học là những hộp gỗ gấp trong đựng bút sách ./đến lớp thì dựng thành bàn để viết ,chú nào cẩn thận thì quần áo sạch sẽ .còn chú nào cẩu
thả thì mực dính cả quần aó thậm chí cả mũi miệng vì hay quệt ngang tay áo (hồi đó học sinh quê chúng tôi viết mực tím ,bút lá tre hay lá đề ,mặc quần 'âm lịch ">cái hào hứng của chúng tôi từ ngày đầu đến trường chảy suốt cho đến bây giờ ..chỉ sau này tôi cảm nhân sự xuống cấp của giáo dục từ những năm 90 của thế kỷ trước với "lằm thầy thối ma"trong cải cách GD>bây giờ kiến thực nhân loại mênh mông ,con em có điều kiện,còn tuổi thơ có hạn nên đòi hỏi đội ngũ giaó viên phải chất -hiểu sâu ,biết rộng.kiến thức giáo khoa chỉ là cô đọng xúc tích vì vậy cần đọi ngũ giáo viên chất lượng mới là tiềm nang (tiếc rằng còn quá ít như vậy )
"Chúng tôi là những lứa học sinh trong dưới mái trường XHCN những năm 67-70 của thế kỷ trước các thầy ăn cơm bo bo nhưng cũng rất nhiệt tình bồi dưỡng "những em học sinh giỏỉ " phụ đạo học sinh kém (số này không nhiều trong 1 lớp ) mà các thầy cũng chỉ uống nước "lã thôi " không đòi công cán gì mà cũng chẳng ai "tiêu cực" (Nặc danh 13:58)
Trả lờiBác nhắc lại như một kỷ niệm thời "Tôi đi học" thì được, nhưng lấy đó làm tiêu chuẩn cho nhà trường, thầy giáo thì lại không được, đúng không ạ?
Cái giai đoạn ăn bo bo, uống nước lã phụ đạo HS là tình thế phải thế, là sự tạm thời, không phải quy luật, không phải mục tiêu phấn đấu. Và sớm hay muộn thì nó cũng không thể lâu bền. Cuộc sống đòi hỏi công bằng, hợp quy luật.
Thời nay rõ ràng không thể bắt người thầy ăn bo bo, uống nước lã đi dạy nữa (Ông giáo thời Tây nó "oai" vì ông giáo không phải ăn bo bo, uống nước lã đi dạy). Cũng như không thể bắt các bác sỹ lương chưa đủ nuôi miệng lại phải có "Y đức"- mà cái y đức này được hiểu rất hẹp, chỉ làm thêm thôi đã phạm y đức rồi. Cả một xã hội đua chen làm giàu bằng mọi giá, trong khi lại bắt ông bác sỹ giữ "y đức" kiểu đó thì có hợp lý không? Bản thân bác sỹ nào cứ giữ "y đức" kiểu đó không những sống hết sức chật vật hoặc không thể sống mà còn bị mọi người (kể cả người thân) khinh bỉ nữa, vậy thì mô hình "y đức" có tồn tại không?
"Giáo đức" theo tiêu chuẩn của bác thì cũng vậy thôi. Tôi dám đoan chắc nếu bây giờ bác làm nghề dạy học thì cũng không đời nào bác noi gương các thầy của bác những năm 70 - ăn bo bo, uống nước lã miệt mài phụ đạo.
Đã đôi lần nghe Bác Tiến Thi xin bác lượng thứ tôi hiểu câu nói của bác Nặc danh 13:58 khác bác ,tôi không nói thời Tây hay Ta mà sự chuyển đổi từ nền giáo dục trước sang nền giáo dục mới thời cụ Huyên Cụ Bửu cốt cách sáng tạo còn sau này thì hiếm được như vậy phải chăng họ không "dĩ bất biến ứng vạn biến "mà họ hiểu "hôm nay không bắt phải ăn bo bo ,uống nước lã "như bác nhân xét về "Nặc danh 13;58"mong bác bỏ quá !
Dưỡng bất giáo, Phụ chi quá ;
Trả lờiGiáo bất nghiêm, Sư chi đọa.
Tử bất học, Phi sở nghi.
Ấu bất học, Lão hà vi ?
Ngọc bất trác, Bất thành khí,
Nhơn bất học, Bất tri lý.
Hình như thầy và trò ngày nay không còn được như xưa
.....
Nhân bất học bất tri lý!
Người không học vẫn là cấp ủy!
Phục bác Thanh Tịnh quá, cứ như là có thể nhìn được thế giới bằng cái nhìn "từ bên trong" của một đứa trẻ vậy. Bác ấy như đã "nhập vai" trọn vẹn vào đứa bé lần đầu tới trường.
Trả lờiMấy tháng trước con bé út nhà tôi dự lớp "Pre-school" (tương đương lớp Chồi ở Nhà trẻ VN) ngày hai tiếng, và mới sáng nay tôi đưa cháu vào Mẫu giáo ngày khai trường. Tôi cũng cố "cảm" xem con tôi nó đang cảm nhận những gì, nhưng thật là khó, vì lòng tôi đã chất quá đầy những ý nghĩ, những bận tâm tất bật của riêng tôi rồi.
Bài của nhà văn Thanh Tịnh rất đáng cho các bậc phụ huynh, đặc biệt các thầy cô, các sinh viên sư phạm thưởng thức và... nhập tâm, bởi hầu như bây giờ ai cũng đã nhận ra và đồng ý rằng: cần phải xây dựng một hướng giáo dục lấy chính bản thân người học (học sinh) làm trọng tâm - chứ không phải phụ huynh, thầy cô hay nhà trường; cũng không phải chương trình hay giáo án; càng không phải là thành tích thi đua này nọ...
Tấm hình minh họa bác Diện chọn thật là đẹp. Tôi thích thú ngắm nghía một hồi, bỗng giật mình: hình như bàn học hơi cao so với tầm vóc các bé, nhỉ? Ước gì tôi có phép, hô biến một cái, tất cả bàn ghế trong tất cả nhà trường Việt Nam bỗng chốc trở nên vừa vặn và thoải mái nhất cho học sinh mọi lớp. Ấy là chưa kể ánh sáng, sự thoáng khí, gió mát v.v... Hì hì, mơ ước có quá cao xa không? Tôi cứ mơ, vì không dám mơ thì làm sao có ngày nó thành hiện thực?
Chào bác Diện.
Trả lờiTôi thấy trong đoạn này "lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường" có từ "hoang mang" nghe không hợp lắm. Trong khi đó có bản chép là "mơn man", nhờ bác truy giúp xem từ nào đúng.
Cảm ơn bác.
Có bản ghi là "mơn man". Nhưng "hoang mang" là đúng theo nguyên bản. Bút tích của ông Thanh Tịnh ghi "hoang mang" có ở đây ... http://www.gocong.com/forums/printer_friendly_posts.asp?TID=2435
Tôi có một thắc mắc về thời gian ngày tựu trường. "Cuối thu" là cuối tháng 10 hay cuối tháng 11? Thời ông Thanh Tịnh, ngày tựu trường trễ vậy sao?
/Đỗ Chí Việt
Bạn Phạm Quang Việt chắc là học chương trình sau 1975, có thể là sau 1990. Vì mình đã có lần la học trò mình, vì chúng đọc "Tôi đi học" sai quá nhiều so với bản gốc mà mình đọc. Hóa ra khi xem lại sách văn lớp 8 mới biết là do người soạn sách đã cố tình sửa vậy đấy. Không tin bạn cứ thử tìm lại sách Văn lớp 8 mà bọn trẻ bây giờ đang học mà xem. Hãy hỏi xem người soạn sách là " vì sao và vì sao..."
Ôi, từ "hoang mang" thật tuyệt mà ! Rất đúng tâm trạng lần đầu tiên đi học.
cháu cũng thắc mắc hai chữ "hoang mang". Bác xem lại giúp.
Trả lờiĐúng rồi đó tự nhiên hôm nay đọc lại mình thấy có chữ hoang mang thấy kỳ lạ gì đó, mình nhớ là từ miên man mà.
Hoang mang là ...run! Dùng chữ này mới đúng, mấy bố thầy bàn ạ!
Vè từ ngữ các bác đắn đo cũng phải thôi <nhưng có trường hợp như thế này :trước kia từ Hán Việt như "khốn nạn" được hiểu như là việc khó khăn ,vất vả ,nhưng ngày nay từ "khốn nạn "ẽ được hiểu là "đê tiện "bỉ ổi"thì ,ta chú ý đến bối cảnh của từng thời kỳ.Từ "hoang mang "hay "mơn man "có lẽ cũng thuộc dạng ấy chăng (mạn phép tôi chỉ là thảo dân ngoại đạo )còn" hoang mang" trong trường hợp này có nghĩa là hồi hộp -run chăng ?Không phải là "hoang mang" là "lo âu "là "sợ"
"Khốn nạn" có hai nghĩa khá xa nhau, là "cùng khổ" và "hèn mạt".
- Hãy cứu giúp kẻ khốn nạn.
- Đồ khốn nạn, không ra gì!
Nên tham khảo Tự Điển Khai Trí Tiến Đức. Rất hay. Trong đó "Phản động" rất trung tính (tốt xấu tuỳ hoàn cảnh). Nhưng "Đa nguyên (một xã hội có nhiều đảng phái)" thì tự điển này "bó tay", vì nó có từ thập niên 1930.
Tôi đi học của Thanh Tịnh chỉ là những kỉ niệm đẹp . Ngày nay trên đất nước VN có lẽ cũng còn cảnh này ở vùng núi non , đồng bào thiểu số , những em bé lần đầu được mẹ dẫn đến trường . Những cảnh thường xuyên ngày nay là các bậc phụ huynh chở con đến trường bằng xe đạp, xe máy, xe hơi ... Đời sống ngày nay ai cũng tất bật nhất là ở thành thị .
Trả lờiThầy cô giáo ngày nay khi chọn nghề thường nghĩ đến cơm áo gạo tiền. Những người nghĩ tới đạo đức, thích nghề sư phạm để đào tạo thế hệ sau thành những công dân tốt cho đất nước , thành những người tốt cho xã hội có lẽ cũng có nhưng hiếm . Thầy cô giáo đứng trước học sinh của mình mà trong đầu phải phấn đấu đủ thứ chỉ tiêu, trước hết phải hoàn thành giáo án, phải phấn đấu hoàn thành những chỉ tiêu , phải thi đua và nếu đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua càng tốt , không thì mất điểm, mất lương và có khi mất việc . Cái đầu của các thầy cô cách nay gần tk chắc không có như bây giờ . Chắc là nhẹ nhàng hơn . Họ không có những chỉ tiêu thi đua . Cơm áo gạo tiền cũng không phải lo như bây giờ vì lương của thày cô giáo xưa dù chỉ là hương sư cũng hơn hẳn những người nông dân nghèo !
Bao giờ mới trở lại như xưa ! Chẳng ai kéo lùi được thời gian !
Nhìn kỹ tấm hình đính kèm, may quá, không thấy hình ông Hồ trên tường.
Trả lờiChủ trương "trăm năm trồng người" (phải là con người mới (?) XHCN cơ) của bác và đảng gần bảy thập kỷ qua chỉ cho ra toàn người khiến tôi liên tưởng đến một bài báo "một ông bí thư xã nào đó khi mắng dân ngu cho biết mấy chục năm trồng ... bạch đàn mà cây chỉ to bằng đuôi trâu".
Cũng may là nay có nhiều người, như bác Diện nhà ta đây, chỉ muốn làm con người cũ của thời còn biết tôn sư trọng đạo, biết yêu thương quê hương đồng bào.
Cảm ơn bác Diện đã cho đăng lại bài này của NV Thanh Tịnh
THN
Đã hai mùa tựu trường, lòng người làm mẹlà tôi đây ngổn ngang thương xót cho đứa con trai 8 tuổi không có ngày tựu trường, bị tước đoạt niềm vui, kỷ niệm và cảm xúc thiêng liêng của ngày khai giảng. Không, cháu không thất học (điều may mắn). Cháu được đi học đàng hoàng, ở một ngôi trường khá bề thế trong quận. Nhưng kể từ năm lên lớp 2 và năm nay vào lớp 3, cháu đã bị đẩy dạt ra ngoài lề của những sự kiện mở đầu và kết thúc một niên học thiêng liêng như thế. Lễ khai giảng, và bế giảng không dành cho các cháu học sinh lớp giữa cấp, chỉ dành cho các cháu mới bước vào lớp Một, và lớp Năm. Ngày hôm qua trường của cháu cờ hoa, chiêng trống rộn ràng lễ khai giảng và đón nhận huân chương lao động, cháu được yêu cầu nghỉ ở nhà. Nhìn con nằm ngủ còng queo trên giường vào lúc mà lẽ ra cháu đang xúng xính quần áo mới , cặp sách mới, hớn hở giữa chúng bạn và cờ hoa trong sân trường ngày khai giảng mà tim tôi rớt nước mắt. Nhà trường xã hội chủ nghĩa đã, đang và sẽ dạy các cháu những gì, với cách quản lý vô cảm, thiếu tính nhân văn như vậy đối với tâm hồn trẻ thơ nhạy cảm của các cháu? Hay chỉ vì tôi quá ủy mị, quá yêu mến những cảm xúc, rung động trong trẻo tuyệt vời mà Thanh Tịnh đã ghi lại trong bài văn bất hủ “Tôi Đi Học”, nên cứ khư khư muốn nó được truyền giữ qua mãi các thế hệ con trẻ? Hay xã hội ngày nay đã quá thực dụng, trơ lì, tâm hồn trẻ con cũng chẳng còn độ nhạy như vậy nữa, nên người lớn không thấy cần thiết phải cố gắng nuôi giữ cảm xúc, nâng niu tâm hồn con trẻ làm gì? Ai giúp cứu giữ những giá trị tinh thần mong manh này cho những thế hệ học sinh Việt Nam, để những cảm xúc của Tôi Đi Học sống động trong tâm hồn các cháu mỗi lần tựu trường như Thanh Tịnh đã cảm, chứ không phải là những cảm xúc đã bị tận diệt chỉ còn lưu trên một áng văn đẹp…
Trả lờiCảm ơn bác Tễu đã đăng lại một áng văn đẹp đầy cảm xúc. Xin Bác chú ý sửa vài lỗi chính tả trong bản đăng cho hoàn hảo nhé! Kính mến.
Trả lờiCám ơn NX Diện nhiều! Sáng nay thấy bầu trời Sài Gòn bàng bạc bỗng nhớ da diet ngày tựu trường và bài văn Thanh Tịnh. Đọc cho DN nghe một đoạn theo trí nhớ. Ôi cái ngày xưa, sao mà nhớ mà tiếc thế!
Trả lờiHàng năm cứ vào đầu thu, nước ngoài đường ngập nhiều và trên không lanh lãnh tiếng loa phường nhức óc, lòng tôi lại xanh đít nhái về những kỷ niệm tan hoang của buổi tựu trường. Mẹ tôi run run nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đướng dài và kẹt. Con đường này tôi đã đi lại lắm lần, nhưng lần này tự dưng tui thấy ớn: mẹ tui bị giựt phong bì!!
Trả lờiNhững năm 70 thế kỷ trước (ở quê), ngày khai trường là ngày rất vui của tôi, tôi không còn nhớ được nhiều lắm, nhưng cảm xúc chung là háo hức, sung sướng vuốt ve, nhìn ngắm tà áo mới, hít hà mùi thơm sách vở mới, í ới gọi chúng bạn cùng thôn..., đến trường được gặp các bạn lớp cũ khác thôn sau mấy tháng hè xa cách, rủ nhau lăng xăng đi tìm lớp học. Lễ khai giảng đơn giản nhưng trang trọng với nghi thức tập trung toàn trường chào cờ và lời phát biểu của thầy/cô hiệu trưởng, tan lễ học sinh về nhận lớp, nhận thầy/cô chủ nhiệm, thầy/cô chủ nhiệm cũng điểm danh để nhận mặt học sinh...
Trả lờiHôm qua đưa con đi dự khai giảng (ở phố) thấy lễ khai giảng có mục đích là để "khai giảng" không có nhiều mục đích "khai học" để mang lại niềm vui cho học trò, có quan chức quận, quan chức phường, đại diện hội phụ huynh phát biểu hoặc đọc diễn văn nhưng tôi để ý trong tất cả những lời chúc thì đối tượng học sinh đứng cuối cùng (chúc bà quận, chúc ông phường, chúc các thày cô, chúc các em..).
Cám ơn Ông Nguyễn Xuân Diện thật nhiều. Ngày xưa, cô giáo tôi (tên N.T.Phương Lan) lúc dạy chúng tôi đã phân tích kỹ bài văn nầy, Cô đọc đi đọc lại những đoạn thích nhất, và tuy Cô không bắt buộc phải học thuộc lòng nhưng tụi tôi đã nhập tâm, sau nầy có khi còn đem ra đánh đố với nhau xem đứa nào đọc thuộc lòng dài nhất.
Trả lờiĐấy là kỷ niệm năm 1967, tôi cất giữ an toàn trong tâm, không bao giờ xa rời tôi.
Còn năm 1975 và những năm sau nầy, đi dạy học, em bí thư đoàn cũng thường tranh thủ những thời điểm thuận tiện để giảng chính trị cho thầy cô. Thầy cô bị lép vế vì lý lịch không bằng học sinh trong tổ chức đoàn, nhưng thầy cô cũng phải nằm trong hoạt động đoàn; và thầy cô cũng thường nằm trong số những đối tượng bị phê bình, đóng góp, góp ý của lãnh đạo đoàn (là HS), vì thầy cô thường không theo kịp những chương trình kế hoạch sốc nổi của Đoàn trường. Nhưng vì sinh kế phải lẽo đẽo đi theo và nén lòng tự dẹp bỏ đi lòng tự trọng ....
Thế là cũng qua đi và cũng quen dần .....
Những năm sau nầy, đầu các năm học mới, thầy và trò đã đi dạy từ tám đời dương rồi (vào học từ đầu tháng 8) mà đến 5/9 mới làm lễ khai giảng, quả là một chuyện không trung thực, dối trá với nhau từ trên xuống dưới, tập sự cho học sinh tính lệ thuộc, tính thuần phục ... rất thành công để đào tạo những con cừu !
Chân, Thiện, Mỹ ở đâu ?
Rồi còn biết bao điều suy tư trong việc đào tạo một con người, với ngành GD.
Đọc lại "Tôi đi học" mà lòng buồn nặng trĩu.
Tôi là hs ở SG trước 1975, từ sau 1975 phải học toàn văn chương cách mạng, những ánh văn tương tự đều phải nhường chỗ, xin hỏi h/học sinh miền bắc XHCN có được học bài này trong chương trình Việt Văn không các bác?
Trả lờiRất hay và xúc động, mặc dù đã đọc nhiều lần.
Trả lời
Trả lờiTrong văn học Việt Nam có hiện tượng rất lạ, ngay các nhà phê bình cũng ít để ý : có đoạn văn xuôi tồn tại trong ký ức người đọc dai dẳng và bền vững chẳng kém gì một bài thơ “lưu danh thiên cổ”.
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
…..
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”
Thử hỏi những người độ tuổi “quốc văn giáo khoa thư”, có ai vào những sáng cuối thu khai trường không bồi hồi nhớ lại đoạn văn trong “Tôi đi học” của nhà thơ Thanh Tịnh, thấm đẫm chất nhân văn như đá tạc vào thời gian .
Không hiểu sao, cứ mỗi lần nhớ đến đoạn văn Thanh Tịnh,tôi cũng nhớ tới một đoạn văn thuộc lòng từ thủa học trò của nhà văn Pháp Anatole France trong cuốn “ Le livre de mon ami”, :
La rentrée des classes
“Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers dîners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent ; je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais ; car c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur les blanches épaules des statues. Ce que je vois alors dans ce jardin, c’est un petit bonhomme qui, les mains dans les poches et sa gibecière au dos, s’en va au collège en sautillant comme un moineau. Ma pensée seule le voit ; car ce petit bonhomme est une ombre ; c’est l’ombre du moi que j’étais il y a vingt-cinq ans.”
Ngày khai trường
Tôi sắp nói với bạn những gì gợi tôi nhớ lại, hàng năm, trời thu xao động, những bữa ăn chiều đầu tiên dưới ánh đèn,và những chiếc lá vàng đi trong những hàng cây run rẩy ; tôi sắp nói với bạn những gì tôi trông thấy khi đi qua vườn hoa Luxembourg vào những ngày đầu tháng Mười, hơi buồn một chút nhưng đẹp hơn bao giờ hết vì đó là thời gian từng chiếc lá rơi trên vai trắng của những pho tượng . Tôi cũng nhìn thấy trong vườn một chú bé hai tay đút túi ,cặp sách quàng vai tung tẩy tới trường như một con chim nhỏ.Tôi chỉ thấy trong tâm tưởng, bởi chú bé ấy chỉ là một cái bóng, cái bóng của chính tôi hai mươi lăm năm trước…”
Và câu này mới thật xúc động :
“C’est le même ciel et la même terre; les choses ont leur âme d’autre fois, leur âme qui m’egaye et m’attriste, et me trouble, lui seul ‘n’est plus…”
“ Vẫn trời ấy, vẫn đất ấy, vẫn những thứ mang linh hồn ngày xưa, linh hồn làm tôi vui, buồn và bối rối, chỉ riêng chú bé ấy là không còn nữa…”
Hai nhà văn ở hai phương trời, cùng đục đẽo vào lòng người những dòng văn bất hủ về một thời trong sáng nhất của đời người :” thời cắp sách đến trường “
(trích blog thời 2Đ: CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (KỲ 7) KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ THANH TỊNH
http://nhattuan2011.blogspot.com/2011/12/chan-dung-hay-chan-tuong-nha-van-ky-7.html)
... lui seul n'est plus ...
Cái cảm giác xúc động trong tôi cũng như ngày nào !
Thích thật, mãi tuổi 75 mới được đọc toàn bài của nhà văn Thanh Tịnh. Hồi ấy trong sách giáo khoa chỉ trích từ đoạn này: "Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”
Trả lờiCho đến nay, tôi vẫn nhớ như in đoạn này. Cảm ơn anh Diện đã cung cấp bài này cho tôi và nhiều bạn đọc.
Từ lâu tôi rất ngưỡng mộ bài văn này của Bác Thanh Tịnh .Nay đã gần bảy mươi tuổi, đã là một tiến sỹ từ 30 năm nay nhưng mỗi khi khai trường, đua đứa cháu nội học lớp 3 đến trường tôi lại thầm đọc bài văn này với bao kỷ niệm. Cám ơn Bác Diện , một đồng hương Hà tây của tôi,đã đăng lại nguyên bản bài này. Nhưng năm nay, thì gặp sự cố:
Trả lờiCháu tôi học lớp 3A , Trường TH Đ K, một trường đạt chuẩn Quốc gia của Quận Hà đông, cháu tôi học bán trú. Buổi chiều đến giờ học nhưng cô giáo Chủ Nhiêm Hải A chưa đến nên các cháu chưa tự học bài. Khi cô đến chả hiểu bực gì , mà cô đánh dã man các cháu. Cháu nhà tôi bị đánh vào mắt cá tay và vào chân,mà ba ngaỳ sau vẫn còn xưng. Vợ chồng đã dẫn chau đến gặp cô Hiệu trưởng để cô xem vết đánh dã man như thế nào. Cô hiệu trưởng rất xót xa xin lỗi, góp ý cô Hải A. Nhưng là một giáo viên bắt cần và mất chất hôm sau cô lại đánh các cháu khác.
Thưa bác Diện Ngày đầu tiên đến trường chỉ đẹp ngày xưa thôi, chứ bây giờ giáo viên như thế đấy, Nền GD của ta hơn vạn lần nền GD tư bản ,học trò còn bị tra tấn nhiều. Tiến sỹ Nguyễn Đình Trung, Hà đông
mình nhớ là từ miên man đúng hơn
Trả lờiHoang mang, lo âu, sợ trong "ngày đầu tiên đi học, em vừa đi vừa khóc" là đúng rồi.
Xin hỏi các bác: lúc nhỏ em đọc báo Thiếu niên Tiền phong, bài thơ có những câu:
Trả lờiNgày xưa, xưa lắm
Có vua Lạc Long
Người thuộc về giòng
Rồng Tiên hiếm có...
....
hình như của Thanh Tịnh, bác nào có cho em xin cả bài. Em xin cảm ơn!
Email: hungtienyt@gmail.com
Bây giờ có còn con đường làng,
Trả lờiCon đường qua nương rẫy ?
Con đường đua mẹ lên nương,
Con đường đua con đến trường ?
Nay con trẻ đi học,
Có giống như ngày xưa,
Đi ngày đầu mà hồi hôp ?
Một chân trời sẽ mở ra .
Con đường làng nay đã hóa beton,
Hai bên ruộng lúa vẫn còn xanh,
Mẹ đưa con đi học,
Bằng xe máy honda .
Giã từ kỉ niệm cũ,
Ngày đầu tiên đi học,
Mẹ dắt em tới trường,
Em vừa đi vừa khóc.
Khai trường ngày xưa và khai trường ngày nay khác nhau quá. Ai đời, học cả tháng trời, người ta mới làm lễ khai trường! Năm nay, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tựu trường từ 11/8/2014. Từ 18/8/ 2014 tính là tuần 1 chương trình. Vậy mà đến ngày 5/9/2014 mới làm lễ khai giảng. Chán các ông bà ngồi máy lạnh, chỉ đạo trời ơi, đất hỡi quá.
Trả lờiNgày khai giảng 5/9 chẳng có một ấn tượng nào cho trẻ cả.
VIỆC DẠY THÌ CÓ NHIỀU VẤN ĐỀ, CÒN PHẢI NÓI DÀI DÀI. NHƯNG VIỆC ĐỌC VÀ TRA CỨU TÌM TƯ LIỆU Ở VIỆT NAM CŨNG KHÔNG ÍT CÔNG SỨC ĐỂ TRA CỨU, TÌM ĐỌC MÀ KHÔNG ĐƯỢC. CHẲNG HẠN NHƯ: GẦN ĐÂY VÀO THƯ VIỆN QUỐC GIA HÀ NỘI ĐỂ TRA CỨU NHỮNG CÔNG TRÌNH, BÀI VIẾT VỀ THĂNG LONG THÌ THẤY THẤT VỌNG. THƯ MỤC THIẾU RẤT NHIỀU, NHIỀU CUỐN SÁCH VIẾT VỀ HÀ NỘI, NHIỀU CÔNG TRÌNH VIẾT VỀ HÀ NỘI TRÊN CÁC LĨNH VỰC HÁN NÔM, LỊCH SỬ.. THÌ THIẾU NHIỀU QUÁ. KHÔNG HIỂU TẠI SAO, KHI LÊN DANH MỤC ĐỂ TÌM KIẾM THẤY NHIỀU NHÀ NGHIÊN CỨU KHÔNG CÓ TÊN, MẶC DÙ HỌC VIẾT RẤT NHIỀU VỀ THĂNG LONG. (HAY LÀ DO CỨ ĐẾN LÚC LÊN DANH SÁCH ĐẾN KHOẢNG ẤY THÌ NGƯỜI SƯU TẦM NGỦ GẬT LÊN ĐÃ BỎ QUÊN (?)!! HAY VÌ LÝ DO GÌ ĐẤY...TIỀN GỌI LÀ "ĐỀ TÀI KHOA HỌC" KIỂU NÀY THÌ HỌ KIẾM CHÁC CŨNG KHÁ ĐẤY!! NẾU TÌNH TRẠNG NHƯ THẾ THÌ ĐỘC GIẢ BIẾT TÌM ĐÂU ĐỂ NGHIÊN CỨU, THAM KHẢO ĐƯỢC. ĐẤY, CÁCH LÀM ĂN TẮC TRÁCH, VÔ TRÁCH NHIỆM CỦA NHỮNG NGƯỜI LÀM KHOA HỌC, GIÁO DỤC CỦA TA NHƯ THẾ ĐẤY. MẶC DÙ VIỆC BIÊN SOẠN ĐÓ CHỈ LÀ VIỆC SẮP XẾP THUẦN THUÝ, LAO ĐỘNG ĐƠN GIẢN THÔI NHƯNG NÓ ĐÃ THỂ HIỆN SỰ ĐỐ KỴ HAY SỰ CẨU THẢ, TUỲ TIỆN...ÔI GIÁO DỤC!!
Trả lời(xin Tễu thông cảm để chữ to, vì tôi viết chữ in để dễ nhìn thôi ạ!. Trân Trọng)
Chuyển từ mần non lên tiểu học, những thay đổi này có thể làm nhiều em bé bối rối, thậm chí là căng thẳng. Do vậy, tác giả mới dùng từ "hoang mang".
Trả lờiNhưng tự điển xưa nói thế này, xin tham khảo: "hoang mang" hay dùng thay cho "hoảng mang" - nghĩa là "vội vàng" (hoảng mang cấp báo). Do đó, có thể thấy ngày nay đã dùng "hoang mang" một cách sai gốc? Chẳng hạn, các bạn trẻ nay dùng "bá đạo" theo ý tích cực, mà không biết nó có nghĩa tiêu cực:
- Chính sách khinh nhân nghĩa của kẻ chuyên dùng sức mạnh mà mưu mô.
- Cách làm không theo phép tắc chân chính.
Theo tôi, nên dùng từ "bối rối" ở đây - ngày khai trường.
Bi giờ đi học từ 15/8 đến 5/9 tự nhiên cờ hoa khai giảng năm học mới, Khai giảng xếp hàng trước hàng tiếng đồng hồ ngồi phơi nắng ngoài sân chờ ban giám hiệu tiếp khách trong nhà uống hết 3 lần pha trà mới ra khai giảng, khi hành lễ thì ông lãnh đạo to đùng ( bí thư hoặc chủ tịch) đọc bài diễn văn viết sẵn dài dằng dặc thành tích ca ngợi công lao chăm lo của đảng, công cuộc đổi mới của đảng về giáo dục, nghị quyết những năm tới của đảng về giáo dục toàn những trời hơi đất hỡi ở đâu đấy chứ có phải là nội dung ngày khai trường đâu, học sinh cần, học sinh là tuổi hồn nhiên chúng cần vui chơi và trò chuyện sau 3 tháng hè xa nhau, nhất là các bé mầm non và câp tiểu học lần đầu cha mẹ đưa đến trường , học sinh chúng cần vui nhộn trong ngày này chứ chúng cần Đ. gì những thứ sáo rỗng kêu to kia. Đúng là hài và bi kịch của nền GD cò hồn xã nhĩa.
Trả lời"...Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học....". Đoạn văn bất tử này vẫn sống trong tâm thức của học sinh VNCH cho đến tận 30/04/1975. Trong đời thường, ngày khai trường tại miền Nam (VNCH) cũng nhiều chất thơ và huyền diệu như thế, tuy thời tiết có ấm hơn, nhưng buổi sáng khai trường nào cũng mơn man những cơn gió nhẹ, chút nắng hanh vàng và bao giờ cũng với cánh tay của người mẹ. Hình ảnh người mẹ này còn rõ hơn, day diết và thẩm sâu hơn rất nhiều, nhiều đến độ đã đi vào tâm thức dân tộc, trở thành ca dao, câu hò trên sông nước: :
Trả lời"... Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dẫn con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời ... "
Tôi thực sự xúc động (và xin cám ơn lời góp ý đã giúp tôi nhìn ra vấn đề khác) khi có vị góp ý rằng ngày xưa (trích) "các thầy ăn cơm bo bo nhưng cũng rất nhiệt tình bồi dưỡng "những em học sinh giỏỉ " phụ đạo học sinh kém (số này không nhiều trong 1 lớp ) mà các thầy cũng chỉ uống nước "lã thôi ". Như vậy, so sánh ra, đời sống các vị giáo viên giữa VNCH và VNDCCH cách xa nhau một trời một vực. Thầy đã thế, thì trò chắc là nhếch nhác hơn. Xin đọc một đoạn bài thơ "Ngày xưa Hoàng Thị" (Phạm Duy phổ nhạc), để thấy đời học sinh VNCH nó đầy chất thơ, chẳng kém gì chất thơ mà Thanh Tịnh nghi lại 90 năm trước trong bài "Tôi đi học":
"Em tan trường vè, đường mưa nho nhỏ
Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay
Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ
Chim non lề đường, nằm im dấu mỏ
Anh theo Ngọ về gót giầy lặng lẽ đường quê...."
Thơ như thế, trữ tình như thế thì làm gì có chuyện ăn bo bo! Hơn thế nữa cô nàng còn mặc áo dài và chàng trai giầy vớ cẩn thận, dù là "lặng lẽ đường quê..."
Cuối cùng, xin cám ơn T/S Nguyễn Xuân Diện đã cho chạy bài này trên Tễu. Đây là một tuyên ngôn của tâm hồn, là giá trị đích thực phản ảnh đầy đủ tâm thức của một dân tộc có trên 4000 năm văn hiến.
90 năm lãng phí, khoảng lãng phí kinh khủng cho sự tiến bộ, cho văn hóa và cho văn chương học thuật. Đây là câu trả lời tại sao đến nay dân tộc Việt Nam vẫn lẹt đẹt, mà còn có cơ tụt hậu thua cả các nước láng giềng Campuchia và Lào nữa (nếu không kịp thay đổi)!
gửi bạn Phạm Quang Tuấn: hồi đầu thế kỷ 20, Thanh Tịnh cũng như các cụ dùng từ Hán Việt đúng gốc lắm,... về sau mới sai lệch dần. 慌忙 là hai chữ "hoảng mang" (hoảng dấu hỏi), tuy nhiên người Việt cũng ưa nói "hoang mang". Hai chữ đều có bộ tâm (trái tim) chỉ tâm trạng lờ mờ, vội vàng, hơi hoảng sợ, Rất đúng tâm trạng em bé tập tễnh hồi hộp lo lắng đến trường lần đầu trong đời.
Trả lờiDù đả qua tuổi 60 .tôi vẩn nhớ như in từng câu từng chử 2 bài văn nói về ngày khai trường ! đây là nhửng áng văn bất từ ,một là bài TÔI ĐI HỌC của nhà văn Thanh Tịnh và một là bài NGÀY KHAI TRƯỜNG của nhà văn Pháp viết trong tuyển tập 'NHỬNG TÂM HỒN CAO THƯỢNG " của Edmond de Amicis .,,Ôi người xưa cảnh củ nào đâu tá ? văn vẩn còn đây mà hồn của nó trôi về nơi nào trong cái thời văn học của đồng tiền ,sao và chân dài >
Trả lời"Hoảng mang" (thường dùng "hoang mang") - "Vội vàng".
Trả lờiVD: Hoảng mang cấp báo.
Ngày nay bị dùng sai nghĩa thành ý là "bối rối, lú lẫn, lo sợ". Tệ nhất "Bá đạo" vốn có nghĩa cực kỳ xấu xa, nay lại coi như là "anh hùng"?!
Không biết ở miền Bắc (trước 1975) thế nào, chứ còn ở miền Nam trước 1975 thì không một học sinh tiểu học nào mà lại không thuộc nằm lòng đoạn văn :
Trả lời"...Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp..."
Lối giáo dục thời VNCH mới đúng là mang tình thần khai phóng, không phân biệt tác giả ấy đang phục vụ ở chế độ nào , miễn là nội dung bài văn không cổ súy máu xương, chém giết, bạo lực... làm ảnh hưởng đến sự trong sáng, thuần khiết của tuổi thơ .
Tôi con nhớ là mãi tới năm vào lớp 6 (đầu năm trung học), một hôm cô giáo anh văn dạy cho chúng tôi bài hát bằng tiếng anh có đoạn mở đầu :
"This is the way we go to school - go to school - go to school ; This is the way we go to school ...on a cold and frosty morning..."
Cô giáo đã nói là : Chúng ta ai cũng biết đoạn văn "Tôi Đi Học" của Thanh Tịnh, và bài hát tiếng Anh này cũng mang đúng ý nghĩa của đoạn văn mà chúng ta đã được học và sẽ theo ta suốt đời"
Đúng là cái tên "Thanh Tịnh" đã theo ta suốt đời, bất kể....chính kiến.
Tôi là người được giáo dục ở bậc tiểu học tại miền Nam (VNCH) trước 1975
Trả lờiTôi cũng đã có những kỷ niệm êm đềm và cảm động như nhà văn Thanh Tịnh. Chỉ khác là ngày tôi vào mẫu giáo ở trường Mân Côi, mẹ tôi không dám dẫn tôi đi vì tôi cứ chực khóc đòi mẹ. Mẹ tôi dụ dỗ thế nào tôi cũng không chịu rời bà, chỉ nói rằng "con sợ lắm, không đi học đâu". Cả nhà phải xúm lại dỗ dành, cô tôi hứa may cho chiếc áo hoa bằng loại vaỉ mà tôi ưa thích nhất, mẹ tôi hứa sẽ cho ăn cà rem thả giàn...Rốt cuộc họ cũng phải lôi tôi ra khỏi áo mẹ, khỏi căn nhà thân yêu mà tôi nghĩ không biết bao giờ có còn trở về, còn được nhìn thấy mẹ tôi lần nữa (hic hic). Các bạn đọc có thể suy diễn được tâm trạng tôi hôm ấy buồn bã, hoang mang, bồn chồn đến mức nào ! Giờ ra chơi thấy tôi đứng ở ngưỡng cửa nước mắt chực trào, sơ phụ trách lớp ân cần vỗ về an ủi tôi. Rồi sơ dắt tôi ra mua cho cây cà rem làm tôi" tươi tỉnh hẳn" Ăn xong lại buồn nhưng may quá, sắp đến giờ về rồi.
Thật đúng là tâm lý trẻ thơ ở lứa tuổi mẫu giáo!
Trong số các thày dạy tôi ở bậc tiểu học, tôi nhớ nhất là cô Cao Thị Hiền, người Huế. Cô dạy lớp 4, thật xứng đáng là mẫu gương "thày giáo như mẹ hiền " như cái tên tiền định của cô. Tuy nhà cô ở khá xa nhưng những ngày nghỉ, chúng tôi thỉnh thoảng hẹn nhau đạp xe từ quận Gò Vấp lên thăm cô nhà ở quận Phú Nhuận chỉ để được nghe cô mắng yêu "sao trời nắng nực mà dám đạp xe đi xa như rứa?". Nhưng cô lại không cho chúng tôi về ngay mà bắt ở lại, cho ăn uống, bắt ngủ một giấc thật đẫy rồi mới cho về, dặn phải làm bái tập, đi ngủ sớm rồi mai đi học. Cô giáo lớp 5 của chúng tôi cũng người Huế, tên là cô Lê Thị Mộng Nhĩ. Cô tuy ở gần hơn, nhưng cũng vừa nghiêm khắc lại vừa yêu thương chúng tôi không kém cô Hiền. Trong lớp học của cô, tôi còn nhớ nhan nhản những khẩu hiệu "uống nước nhớ nguồn" "thất bại là mẹ thành công" v.v.. Tôi nhớ có lần cả bọn bỏ học đi hái trái cây mọc hoang, còn cả gan đem về lớp "mời" cô, bị cô la quá trời nhưng chỉ là "giơ cao đánh khẽ" . Ước chi hồi đó tôi có trí khôn như người lớn, chắc không bao giờ hình ảnh và tông tích những vị thày dạy khả kính ấy có thể vuột khỏi tâm trí của mình, để bây giờ có nuối tiếc cũng không sao tìm lại được ! Xin mượn trang web này để nói lên lòng tri ân những nhà giáo, những vị kỹ sư tâm hồn chân chính và nhiệt huyết đã góp phần dạy dỗ chúng tôi chữ nghĩa, dưỡng nuôi tinh thần chúng tôi thành người biết sống sao cho phải đạo làm người. Tôi không bao giờ quên họ và luôn xin ơn trên phù hộ cho họ...
Ở đoạn tôi không thể nào quên được ngày xưa tôi học là : Tôi quên thế nào được . . .
Trả lờiChung cháu đã nhập học
Trả lờiTrước cả hai tuần rồi
Nay độc bài bác viết
Như cổ tích xa xôi
bác này ảnh hưởng nặng bài Ngày tựu trường của Anatole France
Trả lờiBác Thabh Tịnh bịa đặt
Trả lờiLàm chi có điều này
Không tin thì mời bác
Cứ đến trường em đây
Bác Tịnh kể chuyện tào lao
Trả lờiLớp em chẳng có đứa nào tin đâu
Cả hè cùng học bên nhau
Giờ đi khai giảng lần đầu ;à sao
1.000 em ở Hà Tĩnh năm nay "Tôi không đi học!"
Trả lờiĐây là bài tập đọc trong tuổi thơ của tôi,mà nay đã hơn 80 năm rồi tôi vẫn nhớ mãi không quên!
Trả lờiSo sánh ngày đầu tiên đi học thời Tg Thanh Tịnh với ngày đầu tiên đi học thời nay mà thấy nhậm ngùi ! Nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng mới qua cơn bão lũ như Yen Bái, Lào Cai, Điện Biên , Sơn La !
Trả lờiXưa như Diễm
Trả lờiGiờ khai giảng tự đầu hè
Trả lờiCứ mỗi độ thu sang
Trả lờiHoa cúc lại nở vàng
ngoài đường hương thơm ngát
Ong bướm bay rộn ràng
Em cắp sách tới trường....
Tôi thuộc thế hệ U60 nên những cảm xúc về ngày khai trường vẫn còn nguyên trong trí nhớ.
Ngày xưa vào đầu mỗi năm học, chúng tôi thường được nhà trường thông báo tập trung từ khoảng 20 tháng 8 để nhận lớp mới và học quân sự. Tập đội ngũ, tập đi đều, tập các bài thể dục bằng gậy, tập ném lựu đạn gỗ, múa vòng ...Thực chất là để củng cố lại ý thức tổ chức kỷ luật của học sinh sau thời gian nghỉ hè.
Vào ngày khai trường , nhà trường sẽ tổ chức cho các lớp duyệt đội hình là đi đều diễu hành qua khán đài, rồi đi vào vị trí của từng lớp.
Toàn trường sẽ biểu diễn các bài thể dục đã học rất đẹp mắt. Không khí rất trang nghiêm. Khi đó khách mời chỉ có tất cả các thầy cô giáo và các vị phụ huynh đại diện cho các lớp. sau đó thầy hiệu trưởng đánh 3 hồi trống tuyên bố khai giảng năm học, và tiếp theo các tiết mục văn nghệ của các lớp. Buổi khai trường thật sự rất vui vẻ và gắn kết tình thầy trò, tình bạn học. sau đó mới chính thức bước vào năm học.
Đọc bài viết nguyên bản này của Thanh Tịnh thấy khác xa với bài viết cũng mang tên Thanh Tịnh in trong sách giáo khoa "Tiếng Việt lớp 3" và trong sách "Ngữ Văn lớp 8 tập 1" cũng có in nhiều từ khác nhiều so với nguyên bản . Xin cóp py lại toàn bộ bài viết của Thanh Tịnh in trong sách Tiếng Việt lớp 3 :
Trả lờiNhớ lại buổi đầu đi học
Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.
Cũng như tôi, mấy học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.
THANH TỊNH