Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Thủ tướng Shinzo Abe từ chức và vai trò của Nhật ở khu vực

 

Thủ tướng Shinzo Abe từ chức và vai trò của Nhật ở khu vực

Viet-studies

Nguyễn Quang Dy

1-9-2020

28/8, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố từ chức sớm một năm vì “không muốn sức khỏe đang xấu đi của ông làm ảnh hưởng đến các quyết sách quan trọng”. Ông Abe có tiền sử viêm đường ruột từ lâu, năm 2007 đã đột ngột từ chức thủ tướng vì lý do sức khỏe, sau một năm cầm quyền. Trong khi nhiều người ca ngợi tư cách lãnh đạo của ông Abe, những người khác coi việc ông từ chức vào lúc này là đáng tiếc cho tầm nhìn Indo-Pacific.

Đảng cầm quyền LPD vẫn nắm đa số vững chắc trong Quốc Hội, nên ai được bầu làm chủ tịch đảng (dự kiến trong tháng 9) sẽ mặc nhiên trở thành Thủ tướng Nhật để kế nhiệm ông Abe. Vì vậy, bây giờ là lúc cần đánh giá lại trong tám năm cầm quyền, ông Abe đã làm được những gì cho nước Nhật và khu vực, và để lại gia tài gì cho người kế nhiệm.

Abenomics hay đối ngoại 

Ông Abe là thủ tướng Nhật cầm quyền lâu nhất (tám năm). Tuy không được lòng dân Nhật, nhưng ông Abe có vai trò quốc tế nổi bật. Dù chưa thành công về kinh tế, nhưng ông đã làm cho nước Nhật mạnh hơn và độc lập hơn về quốc phòng và đối ngoại. Người kế nhiệm ông Abe chắc phải theo đường lối của ông vì hòa bình và ổn định ở Đông Á. (The Japan Shinzo Abe leaves behind, Bill Emmott, ASPI/Project Syndicate, August 31, 2020).

Kể từ khi Mỹ kết thúc chiếm đóng Nhật Bản (năm 1952) không có thủ tướng Nhật nào dám nghĩ đến việc hạ thấp quan hệ với Mỹ. Nhưng ông Abe đã nhìn nhận nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump không còn là một đồng minh đáng tin cậy và dễ hợp tác như trước, nên đã chuẩn bị cơ sở để Nhật Bản có tiếng nói độc lập hơn, trong khi xây dựng một mạng lưới các đối tác của Nhật trên thế giới, theo một chiến lược có tầm nhìn mới lâu dài hơn.

Năm 2017, khi tổng thống Trump rút khỏi TPP, ông Abe đã dẫn đầu nỗ lực của 11 nước nhằm cứu vãn hiệp định này. Chính phủ Abe còn đàm phán và ký hiệp định thương mại tự do với EU và một hiệp định tương tự với Anh. Trong khi quan hệ với Hàn Quốc xấu đi, Nhật Bản đã tăng cưởng quan hệ quốc phòng với Ấn Độ để đối phó với Trung Quốc. (Shinzo Abe and his struggle with Xi Jinping, Gideon Rachman, Financial Times, August 31, 2020).

Chính phủ Abe đã bị mất điểm vì tình trạng kinh tế và mức sống người dân giảm sút. Ông Abe bị chỉ trích vì đối phó không hiệu quả với đại dịch Covid-19, và các bê bối gần đây làm người dân Nhật thất vọng. Chính sách kinh tế của ông (Abenomics) là giải pháp để khắc phục “giảm phát” (deflation), kích thích tài khóa (fiscal stimulus) và cải cách cơ cấu để tăng trưởng (pro-growth structural reforms), nhưng kết quả hạn chế. Tuy giá cả không giảm sâu, nhưng kế hoạch cải cách sâu rộng để tăng cường cạnh tranh của ông không thành công.

Tham vọng cải cách hiến pháp của ông Abe cũng không thành công, vì mong muốn sửa đổi điều 9 của hiến pháp để “bình thường hóa” việc tăng cường năng lực quốc phòng của Nhật vẫn bị công chúng phản đối. Trong LDP, ông Abe cầm đầu nhóm “cánh hữu mới” (new conservatives), chủ trương “nhà nước mạnh” (strong state), “lãnh đạo tập trung” (central leadership), nhằm thiết lập các giá trị mới như một chính sách ngoại giao và quốc phòng độc lập.

Người kế nhiệm ông Abe   

Người kế nhiệm ông Abe không chỉ phải đối phó với dư luận đang bất bình với chính phủ Abe đã không kiểm soát được đại dịch, mà còn phải có đủ kỹ năng để duy trì quan hệ cá nhân với lãnh đạo các nước (nhất là với Mỹ). Dưới thời Trump, vai trò cá nhân của lãnh đạo càng quan trọng. Nhưng sau tám năm cầm quyền, ông Abe đã làm cho đối thủ chính trị “trở thành nhỏ bé”. Người ta thường nói “dưới gốc cây bồ đề, không cây gì mọc được”.

Theo khảo sát của Kyodo News (31/8/2020) ông Shigeru Ishiba (cựu bộ trưởng quốc phòng) dẫn đầu với 34% ủng hộ của dân chúng. Ông Yoshihide Suga (chánh văn phòng nội các) đứng thứ hai với 14,3% ủng hộ. Ông Taro Kono (bộ trưởng quốc phòng) đứng thứ ba với 13,6 ủng hộ. Ông Shinjiro Koizumi (bộ trưởng môi trường) đứng thứ tư với 10,1% ủng hộ. Ông Fumio Kishida (cựu ngoại trưởng) đứng thứ năm với 7,5% ủng hộ…

Tuy ông Shigeru Ishiba được dân chúng ủng hộ nhiều nhất, nhưng được ít nghị sỹ LDP ủng hộ, trong khi ông Yoshihide Suga được nhiều nghị sỹ LDP ủng hộ hơn, trong đó có ông Toshihiro Nikai, tổng bí thư LDP. (Shinzo Abe’s Resignation Prompts Speculation About His Successor, Hisako Ueno & Mike Ives, New York Times, August 29, 2020).

Ông Shigeru Ishiba đã từng cạnh tranh quyền lực với ông Shinzo Abe, và có thể muốn quan điểm đối ngoại của Nhật bớt cứng rắn. Nhưng trước mắt ông nào cũng phải tỏ ra cứng rắn về vấn đề an ninh, như tăng chi phí quốc phòng để tăng cường khả năng đánh chặn (pre-emptive strike) trước mối đe dọa của tên lửa từ Bắc Triều Tiên, hoặc hành động cứng rắn đối với các hoạt động xâm nhập trên biển của Trung Quốc tại biển Hoa Đông.

Ông Abe từ chức sẽ không làm thay đổi quan điểm của Nhật đối với Trung Quốc. Người kế nhiệm ông Abe sẽ phải tiếp tục chính sách đó. Tokyo muốn thoát khỏi thế bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh chiến lược. Theo giáo sư Michito Tsuruoka (Keio University) “Ưu tiên của Nhật là “Đồng minh với Mỹ, nhưng đồng thời duy trì quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Điều đó sẽ không thay đổi” (South China Morning Post, 28/8/2020).

Ông Abe đã cố gắng tránh xung đột trực tiếp với Trung Quốc, mặc dù hai nước Trung-Nhật có tranh chấp lãnh hải ở Biển Hoa Đông, làm kích hoạt một làn sóng chống Nhật rộng khắp Trung Quốc vào năm 2012. Đồng thời quan hệ hai nước nay bị căng thẳng còn do đại dịch Covid-19 bùng phát và tình hình Hong Kong. Ông Abe đã kêu gợi các công ty Nhật di chuyển dây chuyền sản xuất để làm giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Trung Quốc.

Đối phó với Trung Quốc

Về lâu dài, điều đáng lo ngại cho Tokyo là chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Trung Quốc tràn ngập tình cảm chống Nhật. Trung Quốc không chỉ đòi chủ quyền quần đảo Điếu Ngư, mà còn muốn đặt lại vấn đề chủ quyền của Nhật ở Okinawa. Dân số Trung Quốc lớn hơn dân số Nhật gấp 10 lần, và kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn kinh tế Nhật từ năm 2010. Bắc Kinh cho rằng đã đến lúc họ cần phục thù mang tính biểu tượng lịch sử để rửa hận.

Ở Đông Á, Tokyo phải đối phó với bóng ma chủ nghĩa dân tộc không chỉ từ phía Trung Quốc, mà còn từ phía Triều Tiên (cả Miền Bắc và Miền Nam). Quá trình hòa giải Liên Triều và triển vọng thống nhất bán đảo Triều Tiên cũng là một vấn đề làm Tokyo đau đầu. Quan hệ giữa Nhật và Hàn Quốc gần đây xấu đi, một phần là do nguyên nhân lịch sử.

Ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump đã rút khỏi TPP mà chính quyền Abe đã dành nhiều công sức để đàm phán. Thay vì bỏ cuộc, ông Abe đã ỏ công sức xây dựng lại quan hệ với chính quyền Trump, và đàm phán với các đối tác của TPP để hình thành CPTPP (tuy không có Mỹ). Ông Abe hy vọng một ngày nào đó Washington sẽ trở lại TPP.

Ông Abe là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến New York để chúc mừng ông Trump thắng cử, bỏ qua các quy ước lễ tân thông thường, vì lợi ích quốc gia. Vì vậy, ông Abe đã có quan hệ cá nhân thân mật với ông Trump (thường chơi golf mỗi khi gặp mặt) và quan hệ tốt với các quan chức chủ chốt của Nhà trắng, đặc biệt là với Bộ trưởng Quốc phòng. Nói cách khác, ông Abe đã có vai trò lãnh đạo cá nhân hiệu quả, tương xứng với vai trò của Nhật.

Ông Abe còn xây dựng quan hệ gắn bó với những đối tác quan trọng trong vùng Indo-Pacific, đặc biệt là với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông Abe có tầm nhìn chiến lược đúng, vì lợi ích quốc gia khi thúc đẩy “Indo-Pacific Tự do và rộng mở” (FOIP). Người kế nhiệm ông Abe thừa hưởng gia tài này, tuy phải chèo chống cho một tương lai bất định.

Tứ giác kim cương

Phát biểu tại Quốc Hội Ấn Độ (8/2007), ông Abe tuyên bố “Thái bình Dương và Ấn Độ Dương đang đem lại một quan hệ tay đôi năng động, như đại dương của tự do và thịnh vượng”. Nay khi tầm nhìn Indo-Pacific đang trở thành hiện thực, người ta không quên đó là do sáng kiến của ông Shinzo Abe. New Delhi khó mà tìm được một người bạn như ông Abe.

Ông Abe đã trở thành người bạn lớn của Ấn Độ, không chỉ vì đã tăng cường quan hệ Nhật-Ấn gần đây, mà còn vì truyền thống của gia đình trước đây. Ông nội của ông Abe là cố thủ tướng Nobusuke Kishi, đã quyết định viện trợ ODA cho Ấn Độ (năm 1958). Dưới thời ông Abe và Modi, hai nước đã trở thành đối tác chiến lược trong “Tứ giác Kim cương” (Quad) bao gồm   Mỹ, Nhật, Ấn Độ, và Úc, là nòng cốt cho “tầm nhìn Indo-Pacific”.

Dưới thời Abe, Nhật trở thành đối tác lớn của Ấn Độ, đứng thứ ba về đầu tư (US$32 tỷ năm 2000) và Ấn Độ là thị trường lớn của các công ty Nhật. Tokyo đã đưa ra gói kích cầu lớn (US$2 tỷ) để hỗ trợ các công ty di chuyển từ Trung Quốc về Nhật, và Y23,5 tỷ hỗ trợ các công ty di chuyển tới các nước khác. (With Shinzo Abe’s resignation, India loses its best friend and ally in Japan, Rupakjyoti Borah, South China Morning Post, Augusst 30, 2020).

Nhật và Ấn Độ dự kiến họp cấp cao (trực tuyến) vào tháng 9/2020. Hai bên sẽ ký một hiệp định quan trọng về hậu cần cho quân đội (India-Japan Acquisition and Cross-Servicing Agreement). Thủ tướng Modi có quan hệ cá nhân tốt đẹp với cả ông Abe và ông Trump. Từ 2018, Nhật, Ấn Độ, và Mỹ có quan hệ đối tác tay ba gặp chính thức bên lề Cấp cao G20.

Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy ở Đông Á, và chính quyền Trump giảm cam kết bảo vệ đồng minh, ông Abe mong muốn sửa đổi hiến pháp để quân đội Nhật có vai trò lớn hơn, có thể chiến đấu ở nước ngoài. Nhưng nguyện vọng hòa bình đã ăn sâu vào ký ức người Nhật, nên mong muốn của ông Abe vẫn còn là một điều bất khả thi về mặt chính trị.

Thay lời kết 

Phát biểu tại Quốc Hội Ấn Độ (8/2007), ông Abe tuyên bố “Thái bình Dương và Ấn Độ Dương đang đem lại mối quan hệ tay đôi năng động như đại dương của tự do và thịnh vượng”. (The Pacific and the Indian Oceans are now bringing about a dynamic coupling as seas of freedom and of prosperity). Nay tầm nhìn Indo-Pacific đang trở thành hiện thực, chúng ta không quên đó là do sáng kiến của ông Shinzo Abe, một người có tầm nhìn chiến lược.

Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy và đe dọa đảo lộn trật tự thế giới, nước Mỹ dưới thời Trump đang tăng cường cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, nhưng lại giảm cam kết với đồng minh, thì vai trò của Nhật tại khu vực Indo-Pacific càng quan trọng hơn. Trong tám năm cầm quyền, ông Abe đã nổi lên như một lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược. Việc ông từ chức vào lúc này là một điều đáng tiếc khi tình hình thế giới đang biến động khó lường, khi nước Mỹ bị phân hóa sâu sắc do tranh cử, và đại dịch Covid-19 vẫn là mối hiểm họa lớn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.