Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Thư ngỏ gửi các đại biểu Đại Hội XIII của Đảng CSVN

 

Thư ngỏ gửi các đại biểu Đại Hội XIII của Đảng CSVN

Nguyễn Khắc Mai

19-9-2020

Nhân các anh, các chị đang bước vào tiến trình ĐH XIII, tôi, một người của thế hệ Lập Quyền Dân Tiến Lên Việt Nam, xin gửi tới quý anh chị đôi điều để tham khảo.

Hồ Chí Minh không mách bảo sự nổi dậy, đập phá, dù đã tiên đoán về những cũ kỹ, hư hỏng (theo di chúc). Chỉ cần biết chấn và chỉnh. Chấn chỉnh nghĩa là chấn hưng lên từ nguồn nội lực dân chủ đoàn kết, tôn trọng nhân dân, tôn trọng qui luật và chân lý tóm lại từ những gì đang có sẵn. Chỉnh đốn thanh lý cái gì là cũ kỹ và hư hỏng. Như thế là ta nên tự diễn biến tiếp.

Hãy dũng cảm trở lại với chính mình, từ bỏ “giáo diều ba rọi”, từ bỏ “cái chủ nghĩa xã hội cậy quyền”. Chữ của Nguyễn Văn Tố khi thuật lại lời của nhà nho tân tiến, yêu nước, thủ lãnh của Đông kinh Nghĩa thục là cụ Nguyễn Hữu Cầu, đăng trên tờ Le Peuple của Đảng CS Đông Dương năm 1946.*

– Quyết tâm xây dựng một cơ chế thị trường thực chất và hữu hiệu. Trên cơ sở công nhận quyền sở hữu kể cả sở hữu đất đai của dân, cấu trúc lại những đòn bẫy kinh tế, như thuế và tín dụng, hoàn thiện các luật đất đai, kinh doanh, đầu tư, thuế… sao cho thuận lợi đối với nhân dân và xã hội, tạo ra những kích thích mới, cổ vũ tư nhân bỏ vốn, bỏ vàng đầu tư phát triển. Tạo những kích thích mới khuyến khích đầu tư, tạo nhiều công việc làm, những ngành nghề có hàm lượng tri thức cao, công nghệ mới, tiên tiến, tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường, thực hiện hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế biển v.v… Hoàn thiện hệ thống luật pháp kinh tế, minh bạch hóa, tạo ra thể chế nhà nước để hình thành một nền kinh tế quốc dân hài hòa phát triển, hiệu quả đầu tư cao. Xóa bỏ tình trạng quan liêu hóa, tham nhũng hóa, hoạnh họe dân, hoạnh họe doanh nghiệp như Các Mác và Hồ Chí Minh đã dự báo. Chứ không phải làm trò lừa đảo, nuôi cho béo rồi thịt, như từng đã xảy ra trên quê hương.

– Xây dựng và phát triển xã hội dân sự theo đạo lý của dân, do dân, vì dân. Thi hành và tôn trọng trong thực tế, chứ không hình thức, Hiến pháp nói một đằng, qui chế, nghị định thì thắt lại mọi quyền dân sự, quyền tự do, dân chủ của công dân. Tôn trọng quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, tự do báo chí, xuất bản của xã hội dân sự, quyền tự do thiêng liêng phê bình, chỉ trích, phản biện của xã hội dân sự đối với mọi cá nhân, cơ quan điều hành đất nước, kể cả ban lãnh đạo của Đảng. Hồ Chí Minh nói “Bao nhiêu quyền hành và lực lượng đều ở nơi Dân”. “Làm sao cho dân ta dùng được quyền dân chủ, hưởng được quyền dân chủ, dám nói, dám làm” v.v… Những tư tưởng ấy sao không đem áp dụng, để chúng ta hình thành nên một xã hội dân sự vừa văn minh, vừa dân chủ, chỉ có như thế dân tộc VN mới có thể nhanh chóng phát triển vươn lên tự mình giải đáp mọi vấn nạn, mọi khó khăn, ách tắc đang xuất hiện trước mắt.

– Nguyễn Ái Quốc tha thiết về một nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân, vì dân kể từ khi thay mặt nhóm ái quốc ở Pháp đưa bản kiến nghị Versailles năm 1919.

Hãy lấy tinh thần và những nội dung cơ bản của Hiến pháp 1946, căn cứ lời dạy của Mác, Ăng Ghen: Các đảng cộng đồng chủ nghĩa phải căn cứ những thực tế văn minh của các dân tộc hiện đại để xây dựng chính sách, để xây dựng một mô hình phát triển dân tộc, có một thiết chế chính trị – xã hội hòa đồng cùng nhân loại.

Năm 1986 Việt Nam đã một bước giải cấu trúc mô hình kinh tế Xô Viết, đã loại trừ những tư tưởng nông dân, tả khuynh, ấu trĩ kiểu “Diên An” (Tàu). Nay phải thực hiện cuộc đổi mới vòng 2, toàn diện, triệt để, tiếp tục giải cấu trúc mô hình kinh tế, chính trị, xã hội kiểu Xô Viết. Tái cấu trúc nền kinh tế, thiết chế chính trị xã hội để có một nhà nước pháp quyền thật là của dân, do dân, vì dân của chính Việt Nam.

Một nhà nước pháp quyền Việt Nam là nhà nước mà Dân thật sự ở địa vị cao nhất vì dân là chủ (HCM). Nhân dân, xã hội dân sự có năng lực và quyền hành giám sát, kiểm soát được 3 hệ thống nhà nước, giám sát và điều tiết được Đảng chính trị cầm quyền, thông qua bầu cử chứ không chỉ thông qua Điều lệ của Đảng. Đảng trong vị trí xứng đáng của nền Dân chủ, dân quyền. Ba hệ thống quyền lực phải thật sự phân quyền. Chính Các Mác, tổ sư cộng sản từng nói,
“Dân chủ nghĩa là Chính phủ được đặt dưới sự kiểm sát của xã hội”. Vì thế phải “chiến đấu” để giành bằng được những gì “tốt tươi đẹp đẽ”, để kiến tạo một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình, dân chủ, giàu mạnh. Dân tộc Việt Nam trở thành dân tộc thông thái, sánh vai với các cường quốc 5 Châu. Những ngày kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám, ai còn chút lương tâm không khỏi đau đớn, hỏi tại sao BCT nở lãnh đạo vụ ĐồngTâm và vụ Hồ Duy Hải tàn nhẫn, bất lương, chà đạp luật pháp do mình đã thảo ra?!

Về Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Đầu Thiên niên Kỷ II

Đầu Thiên niên kỷ thứ hai, trước một vận hội mới, Dân tộc Việt giành lại nền Độc lập sau cả ngàn năm Bắc thuộc, kiến tạo nền văn hiến Đại Việt, Thiền Sư Pháp Thuận có bài kê:

國 祚 如 藤 絡 

南 天 里 太 平 

無 為 居 殿 閣 

處 處 即 刀 兵 

Quốc Tộ như đằng lạc

Nam thiên lý Thái bình

Vô vi cư Điện các

Xứ xứ tức đao binh

Dịch nghĩa:

– Vận nước như dây mây quấn quít

– Trời Nam phải được sống trong yên ổn (bình) sung túc (thái)

– (Thì) Nền chính trị, sự điều hành lãnh đạo đất nước (Điện các) phải theo đạo lý vô vi.

– (Được thế) khắp nơi đều yên ổn dứt hết đao binh

Bài kệ chỉ có 20 chữ. Nhưng hàm nghĩa phong phú, sâu sắc.

Câu 1 có thể giải mã thành 2 ý.

Ý thứ nhất, vận nước trong hình tượng, như một bó dây mây biểu hiện một tinh chất phức hợp – đoàn kết. Đoàn kết nhiều thành một, lại mềm mại (nhu) nên luôn vững vàng trước phong ba bão táp.

Ý thứ hai, là một tập hợp “đa” nên phong phú, phức tạp, nhiều quan hệ, nhiều nhân duyên. Cần phải biết lần tìm đầu mối then chốt để tháo gỡ sẽ suôn sẻ, hanh thông. Phải dò tìm cho ra đầu mối của quy luật, của lòng người, vận nước sẽ hanh thông, sáng sủa gỡ ra được chỗ bế tắc để phát triển.

Câu thứ ba là cái lõi minh triết để ứng xử. Bấy giờ (từ thế kỷ thứ 10) dân Việt đã biết đến quan niệm vô vi của cả Phật, cả Lão, cả Khổng nho. Diễn ngôn khác nhau nhưng hàm ý vô vi đều là thuận theo qui luật, theo lòng dân, không chủ quan, duy ý chí, không được lấy cái “ngã” riêng, phe nhóm làm chính sách, luật lệ điều hành nơi điện các (triều đình, chính quyền…). Về sau này đến đời nhà Trần, Thiền sư Phù Vân cũng dặn Trần Thái Tông câu nói ý nghĩa như thế: “Bậc nhân chủ (lãnh đạo) phải biết lấy lòng thiên hạ, lấy ý thiên hạ làm tấm lòng, làm ý chí của mình”. Vì thế nhà Trần tạo ra được sức mạnh Diên Hồng đập tan 3 cuộc xâm lăng của Nguyên – Mông và đưa văn minh Đại Việt lên một tầm cao trong lịch sử.

Chính những nhà chính trị của Hiến pháp 1946 là người đã có nhận thức và hành động theo đạo lý vô vi trong thời đại của chúng ta. Vô vi là thuận qui luật, không phe nhóm, không giáo điều, không làm trái khoáy đem ý riêng, tình riêng học thuyết giáo điều biệt phái, lạc hậu, áp đặt cho Dân cho Nước khiến làm chậm, làm rối, làm xấu, làm yếu vận nước.

Bấy giờ dân tộc Việt đã biết chọn chữ Việt viết theo lối chữ nho với bộ tẩu , để nói lên tính chất, bản lĩnh, vượt qua những gian nan thử thách. Thiên niên kỷ thứ hai, dân tộc Việt đã siêu việt lên, tạo dựng nền văn hiến Đại Việt.

Nay bước vào Thiên niên kỷ thứ III. Dân tộc ta lại đang đứng trước một vận hội mới, đã kiến lập lại nền Độc lập dân tộc và đang phấn đấu để vượt lên, đứng vững và phát triển để trở nên dân tộc thông thái, sánh vai với cường quốc 5 châu, thống nhất, giàu mạnh tự do và hạnh phúc.

Những nhà lãnh đạo thức thời, giới trí thức tinh hoa của đất nước theo mách bảo của minh triết của dân tộc hãy đi cùng nhân dân, cùng dân tộc vượt lên chính bản thân mình, tạo dựng một thời kỳ hưng thịnh, phát triển mới.

Gấp rút tạo ra ba động năng chiến lược để thực hiện khát vọng Việt Nam trong Thế kỷXXI

Động năng chính là lực đẩy chủ yếu (force motrice) để phát triển Dân tộc. Vì sao lại là “ba”? Theo dịch lý, số 3 là một con số cơ bản thường hằng của tư duy minh triết Việt. Từ đầu nguồn của nhận thức luận, người Việt đã biết nhiều nghĩa của con số “3”. Không gian có ba chiều, thời gian có ba hướng, vũ trụ có ba ngôi: Thiên, Địa, Nhân. Nhân gian có ba cõi, Trời Người và Địa ngục, tôn giáo có Tam bão, Ba ngôi, có Tam giáo đồng nguyên, lại có sự vững vàng của thực thể và ý chí: “Vững như kiềng ba chân”, v.v…

Ba động năng này không phải từ nhận thức duy lý giáo điều Mác Lê, mà là tư duy minh triết, nhận ngay trong một có ba, trong ba có một, ngày nay học giả thế giới cho đó là tư duy phức hợp. Nó khác với cách tư duy của anh Cả Trọng trong soạn thảo báo cáo chính trị và chuẩn bị đội ngũ chiến lược đang được các cấp đại hội bàn mà không luận! Nó trái khoáy ngay từ đầu, chưa bàn xong đường lối mà đã gấp gáp xây dựng đội ngũ , tính ghế ngồi…

Tôi dã đọc bản thảo BCCT, chỉ thấy một chỗ chấp nhận được, đó là tư duy về ba cái cấp bách then chốt. Đó là vấn đề thể chế, hai là hạ tầng giao thông vận tải, ba là nguồn nhân lực. Nhưng đó cũng mới là tư duy hình thức, mới thấy cái ngoại diện, còn cái nội hàm của vấn đề vẫn còn chưa dám nghĩ đến. Chưa dám, vì nếu nghĩ cho đến nơi đến chốn, cho tận cùng kỳ lý thì “cùng sẽ tắc biến”. Họ sợ cái tắc biến.

Nói như Bọ Lập ‘Đường xa nghĩ đến sau này mà kinh!” Ai sợ cái đường xa chắc là sẽ ghê cho cái “sau này mà kinh”. Người có tư duy minh triết ắt sẽ ngộ ra ngay cái cặp ba của vấn nạn dân tôc. Để vừa biết những gì hiện thực trước mắt mà cũng gắn với đường xa của Mình (tôi phải viết hoa). Ba Động năng ấy chính là:

1. Xây dựng một nội lực mới của Dân tộc lấy trọng tâm, trọng lực là Lập Quyền Dân.

Như trên đã nói, Quyền Dân phải đươc cải thiện gấp trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, tôn giáo v.v… Về kinh tế, đã nhận thức đươc coi trọng phát triển kinh tế tư nhân. Về chính trị, một số quyền dân đã được ghi thành mấy câu trang trọng trong Hiến Pháp, nhưng Đảng vẫn còn nợ dân những sắc luật tiến bộ, văn minh để cho dân thực hiện những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mình, chứ không phải để đánh tráo khái niệm để dễ dàng tùy tiện bắt tội những ai dám thực thi những quyền thiêng liêng cao cả của mình. Tôi xin mách với các anh chị mấy tư duy rất minh triết đã từ hơn trăm năm trước được Đông Kinh Nghĩa Thục đề ra.

– Muốn được bình trị mà mong ở vua hiền tướng giỏi, không bằng mong ở dân mạnh. 

– Chỉ có th tin cậy vào sự cạnh tranh của dân ta mà thôi. 

 Thế giới càng văn minh thì của công càng ít, của riêng càng nhiều

– Sản nghiệp nên là của riêng, không nên là của công. 

– Nước càng văn minh thì pháp luật bảo hộ sản nghiệp càng tường tận

– Phải nghĩ rằng, Dân là gốc của nước, không th bắt dân theo ý muốn của mình, chẳng phải là không bạo ngược mà thôi. (Giờ đây khi bước vào ĐH, bạo ngược đang lên đỉnh).

– Quyền chính sự một nước không thể để mt người nắm hết. 

v.v…

Trên đây là những mách bảo trăm năm trước của những chí sĩ tiền bối từng hòa máu với nước mắt để viết cho chúng ta hôm nay. Liệu các anh chị có chịu để ý đến hay chỉ nghe những điều xui dại của Tàu Cộng?

Bây giờ là lúc phải đem bài học lớn nhanh của Phù Đổng Thiên Vương ra để ứng dụng. Chỉ có thể đem minh triết “Mong ở Dân mạnh” mới hy vọng cuộc “Tự diễn biến vòng II” này có thể thành công!

Trong tình hình thế giới ngày nay đang biến đổi khôn lường, động năng này không thể không gấp rút đưa ra thực hiện. Tự Diễn Biến Vòng II hay là chết!

2.– Giản Trung. Không đánh đu với TàuCộng như một chư hầu.

Nhiều người đã nhận thấy có vài động thái mới trong quan hệ với Trung Cộng. Tuy thế, nhận định như Nguyễn Quang Di là vừa chậm, vừa không đủ. Vẫn còn nguyên đó tình trạng những nhóm lợi ích đánh đu với Tàu Cộng để chia chác, hưởng lợi, mặc cho những lợi ích của Dân, của Nước bị xâm phạm. Nền kinh tế bị lũng đoạn, môi trường bị xâm hại, nạn hối lộ lan tràn, xã hội bị phân hóa, suy đồi. Vẫn còn nguyên đó những thách thức đối với chủ quyền Đất Nước. Biển Đảo bị xâm lấn, ngư dân bị cướp bóc với những thủ đoạn “hải tặc” của Tàu Cộng.

Tàu Cộng luôn biết cách làm cho xã hội ta rối loạn, để chúng dễ thao túng lũng đoạn. Chúng luôn tìm cách chia rẽ và ngăn cản Ta hội nhập với nhân loại tiến bộ. Chúng rất sợ một Việt Nam dân chủ hóa, có một nền kinh tế tự cường, một nền chính trị liêm chính, công bằng, Quyền Dân được xác lập. Một nền văn hiến thật sự chính mình là Việt.

Ngay từ năm 1946 nhà chí sĩ Nguyễn Hữu Cầu đã từng nói: “Ngày nay chúng ta đã quá Tây, quá Tàu, chúng ta là lũ giáo điều ba rọi, là những kẻ xã hội chủ nghiã cậy quyền”. (aujoudh’ui, nous somme trop francais, tróp chinois, nous somme lés doctrinaires electiques, lés socialistes autoritaires”. (Bài đăng trên Le Peuple tạp chí bằng Pháp văn của Đảng Cộng sản Đông Dương. Số tháng 9-1946).

Càng cầm quyền càng trở nên cậy quyền tệ hại. Không thoát ra khỏi cái “bóng đè” Trung Hoa đỏ, Việt Nam càng bị giam hãm trong vòng lệ thuộc, như cố ủy viên Bộ chính Trị Nguyễn Cơ Thạch từng nhận định: “Một thời kỳ Bắc thuộc mới”. Xác lập một đường lối quan hệ  với Trung Cộng , theo tinh thần Độc lập-Tự Do-Hạnh phúc, không ba rọi, nửa nạc nửa mỡ, không minh bạch rõ ràng, đầy mâu thuẫn, là nhu cầu sống còn của dân tộc, là thử thách lớn của đảng Cộng sản Việt Nam đối với Đất Nước và Dân tộc Việt Nam hôm nay!

Thật sự chúng ta chưa thấy một chiến lược toàn diện, hệ thống của Ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam về vấn đề này. Phải làm cho toàn dân thấy rõ bản chất gian ác, hiểm độc, bạo tàn của Trung Cộng đối với nước ta. Tôn trọng tinh thần yêu nước chống Tàu Cộng, cổ vũ mọi hành động tự chủ, tự lực, tự cường trong mọi lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, văn hóa của đất nước ta.

Tôi có một người anh đáng kính là Phan Hoàng Mạnh, cuối 45 sau khi đỗ tú tài liền xung phong Nam tiến, rồi ra học ĐH Bách khoa, làm vụ trưởng ở bộ Đại học. Gần đây, anh thường trăn trở: Có ai viết được một Bình Ngô sách của thời nay không?! Liệu các anh chị có dám nghĩ đến một Bình Ngô sách cho chính chúng ta hôm nay không?

3.- Thành tín liên kết với Âu-Mỹ

Bài học lịch sử đáng giá của nhân loại sau Thế chiến thứ hai chính là mối quan hệ mới với sự liên kết với Âu-Mỹ của nhiều nước Bắc Âu, Nhật Đài Loan, Singapore… Họ đã thăng hoa lên nhờ đã khéo léo vận dụng được cơ hội vàng này. Bây giờ vẫn còn là bài học lịch sử lớn. Như Nguyễn Trung nhận định, Việt nam đã bỏ tuột khỏi tay mình nhiều cơ hội “Vàng”.

Mặc dầu Việt Nam có câu tục ngữ “Trâu chậm uống nước đục”, nhưng lãnh đạo của đảng qua nhiều Đại hội đến nay vẫn bịt mắt trước thực tế này. Đại hội này chính là lúc toàn đảng phải đấu tranh thuyết phục lẽ đúng đắn này vì sự nghiệp của Dân của Nước. Đánh mất cơ hội này sẽ là tội đồ của Lịch sử, của Dân, của Nước. Gần đây đã có lập luận phải xây tổ cho đại bàng đến. Tuy nhiên vì mưu đồ xấu, phù Trung, nên việc xây tổ không thành, mà những điều kiện cần để đón cơ hội khiến cho những tập đoàn kinh doanh lớn rời bỏ Trung Hoa đã không tìm đến Việt Nam mà bay thẳng sang Indonesia!

Đại hội cần tập trung bàn cho thiết thực, thành một quyết tâm, một ý chí, cho ra nhẽ những vấn đề của mối quan hệ này. Nhóm nào bàn thể chế, luật pháp, nhóm nào bàn về ngoại giao, về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, nhóm nào bàn về nguồn nhân lực. Không chỉ nêu những yêu cầu có tính đạo đức, mà phải bàn cụ thể, chính sách thế nào, đầu tư thế nào, trách nhiệm thế nào, v.v… Ai cũng biết, kể cả các anh chị là Trung Cộng luôn tìm cách ly gián ta với Phương Tây.

KẾT

Có thể tóm gọn ba sách lược lớn trên thành khẩu hiệu, không phải là khẩu hiệu tuyên truyền đầu lưỡi, nói cho vui. Đó chính là Giản Trung-Gần Tây-Thân Dân. Phải cho khẩu hiệu này thấm nhuần, làm nên tinh thần chủ động sáng tạo của dân, của xã hội trong mọi lĩnh vực.

Những dự báo có vẻ chiến lược, như đến năm 2025, rồi 2030, rồi 2045 sẽ thế này thế nọ… cũng chỉ là không tưởng. Ngày nay dân trí ta cao, không thể giản đơn suy nghĩ như trước mà được.

Phải đặt lại những mục tiêu chiến lược xây dựng và phát triển, trên cơ sở đó mới nói được thế nào về phương thức chiến lược, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh Thời Đại của Việt Nam. Đó là ba lĩnh vực then chốt để Đổi mới vòng hai thành công. Nó là ba trong một. Nó sẽ phải là tiền đề của nhau. Không thể giản Trung nếu không thi hành hai động năng kia.

Cũng như vậy, tư tưởng “Mong Ở Dân Mạnh” minh triết nền tảng của động năng I sẽ là sức mạnh tổng thể của nội lực Việt Nam trong cuộc ganh đua mới. Mà như anh Cả Trọng mong ước năm 2025, 2030, 2045… Việt Nam sắp ở hạng bản mới trong thang bậc của nhân loại, nếu không giải quyết tốt những bài toán đặt ra để tạo dựng ba động năng, thì lấy đâu ra sức mạnh vật chất và tinh thần, nguồn lực để thực hiện.

Hãy trên cơ sở tinh thần của Dân, do Dân, vì Dân và tầm nhìn trực cảm của Thời đại mà bàn cho ra nhẽ ở Đại hội XIII những vấn đề thiết thực cụ thể, lại có vị trí chiến lược như trên. Từ đó mà có cơ sở để chọn người tài trí có tầm thao lược để thực hiện. Chính ba vấn nạn mà anh Cả Trọng băn khoăn suy nghĩ là thể chế, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, cũng chỉ có thể được giải quyết trong khuôn khổ chiến lược về ba động năng này. Mà không trên cơ sở tư duy về ba động năng này cũng không có cơ sở để bàn và giải quyết vấn đề nhân sự của ĐH.

Nhân đây, tôi kể hầu quý anh chị chuyện vui để làm nhẹ bớt sự căng thẳng khi phải suy tư về những câu chuyện lớn. Vào năm Quý Tỵ (2013) cách đây đã tám năm, bấy giờ ngài Abe vừa nhận chức Thủ tướng Nhật, đang vận động thực hiện chủ thuyết của mình, mà học giả thế giới coi là Abenomic, họ chỉ nhấn mạnh yếu tố kinh tế, thật ra đây là một lý thuyết toàn diện đối nội và đối ngoại mới của Nhật.

Có hai Giáo sư Nhật đến Việt Nam, họ nói sẽ còn đi đến một số nước. Tôi biết họ đang sắm vai thuyết khách, đi vận động cho một chiến lược liên minh mới để đối trọng với một Trung Cộng đang uy hiếp họ và khu vực. Buổi thuyết trình dược tổ chức ở Khoa Triết Đại học KH&XHNV Hà Nội. Tôi cũng được mời dự. Biết rõ ý định của họ, tôi đã chuẩn bị sẵn hai đôi câu đối. Đến phần trao đổi, tôi cũng được mời phát biểu. Tôi nói, tôi đã chăm chú lắng nghe và đồng cảm với những gì hai Giáo sư đã trình bày. Để thể hiện tình cảm của mình, tôi xin đọc tặng hai giáo sư câu đối:

Quý Tỵ tân niên gia gia đô hướng Mỹ.

Trường xà nhất trận xứ xứ tổng bình Hoa.

Nghìa là năm mới quý Tỵ nhà nhà đều hướng đến cái Đẹp. Nhưng Mỹ, cũng có nghĩa là nước Mỹ. Vế hai, là một một trận trường xà dài rộng mà nơi nơi đều bình luận về cái tinh hoa cũng có nghĩa là cái đẹp. Nhưng Hoa cũng là tên một đất nước. Bình hoa nghĩa là bình định được Tàu Cộng. Rồi tôi đem tặng mỗi GS một bức thư pháp viết câu đối vừa đọc. Cử tọa rất vui và hai GS cũng có vẻ xúc động.

______

*Trong bài Une grande figure de Lettre’e (Một gương mặt đại trí tuệ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.