Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Sự tắc trách của Cục An toàn Thực phẩm trong vụ ngộ độc pâté Minh Chay

 

Sự tắc trách của Cục An toàn Thực phẩm trong vụ ngộ độc pâté Minh Chay

BTV Tiếng Dân

Liên tiếp có cả chục ca ngộ độc thực phẩm liên quan đến pâté Minh Chay, dư luận cho rằng, Cục An toàn thực phẩm làm việc tắc trách và xử lý vấn đề chậm, dẫn đến chuyện hàng ngàn hộp pâté không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã tới tay người tiêu dùng. Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Mới thu hồi 103 hộp patê Minh Chay, còn 1.456 hộp khách mua online đang ở đâu?

Trong buổi họp báo chiều nay 1/9, bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Trong số 1.223 người tiêu dùng tại TP.HCM mua sản phẩm patê Minh Chay với số lượng 1.559 hộp, hiện ban đã liên hệ được 1.101 người và thu hồi được 103 hộp pate”. Một số người dân viện lý do để không đưa lại sản phẩm vì muốn kiện nhà sản xuất, hoặc đã vứt đi mà không nhớ, khiến pâté chứa chất độc không được xử lý đúng cách.

Pate Minh Chay có vi khuẩn độc Clostridium botulinum. Ảnh: TN

Hậu quả ngộ độc Clostridium botulinum do ăn Pate Minh Chay: Nhập thuốc giải 8.000 USD/lọ, theo báo Thanh Niên. BS Lê Quốc Hùng chia sẻ: “Hơn 30 năm trong nghề tôi chưa gặp ngộ độc dạng này. Các BS thế hệ trước có nói đã gặp lác đác vài ca thời điểm những năm 1980 và đưa vào BV Chợ Rẫy”. Còn BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết: “Ngày 29.8 vừa qua 2 lọ thuốc giải độc đã được vận chuyển về Việt Nam và được sử dụng ngay cho 2 BN. Giá bán của mỗi lọ thuốc này tại Thái Lan lên đến 8.000 USD”.

Hai bệnh nhân nguy kịch sau khi ăn pate Minh Chay đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP HCM. Ảnh: Duy Tính, Phát Tiến/TN

Các báo “lề đảng” bắt đầu đưa tin nhiều về pâté Minh Chay từ ngày 29/8, thời điểm Bộ Y tế cảnh báo khẩn pate Minh Chay chứa độc tố mạnh. Nhưng Facebooker Hoàng Dũng đã chỉ ra: Khởi điểm của các ca ngộ độc liên quan đến loại thực phẩm bẩn này phải tính từ ngày 17/7, nghĩa là hơn 6 tuần trước, khi “bắt đầu có những ca ngộ độc vì Pate Minh Chay”.

Nhưng tới ngày 18/8, “Cục An toàn thực phẩm mới nhận được báo cáo nghi ngờ ngộ độc từ sản phẩm chay này”. Đến ngày 29/8, Bộ Y tế mới chính thức lên tiếng xác nhận mối liên hệ giữa pâté Minh Chay với các ca ngộ độc.

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi về vụ pate Minh Chay: Cục An toàn thực phẩm nói gì về việc cảnh báo chậm? Thông tin trong bài báo xác nhận các mốc thời gian do ông Hoàng Dũng lưu ý, nghĩa là sự chậm trễ và tắc trách đã rõ ràng. Ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thanh minh: “Chúng tôi gửi văn bản đến các Sở Y tế, các chi cục, các ban quản lý an toàn thực phẩm để cảnh báo cho người tiêu dùng và yêu cầu công ty phát đi cảnh báo trên chính trang web của họ”.

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về vụ patê Minh Chay nhiễm độc tố thần kinh cực mạnh: Cơ quan chức năng chậm trễ? Một đại diện Cục ATTP giải thích rằng, đơn vị này chậm phát đi cảnh báo pâté Minh Chay vì phải đợi đến “khi có đủ căn cứ pháp luật và cân bằng giữa lợi ích của người tiêu dùng, nhà sản xuất”.

Nghĩa là, Cục An toàn Thực phẩm đặt “lợi ích” của nhà sản xuất lên trên sinh mạng của người tiêu dùng. Có lẽ Cục này nên đổi lại thành Cục Bảo vệ các Nhà Sản Xuất? Một câu hỏi khác mà mọi người đặt ra là, ai chịu trách nhiệm về giấy phép cho loại thực phẩm này, đến nay vẫn chưa có cơ quan, ban ngành nào lên tiếng.

Về các chiêu trò “câu giờ” của quan chức Cục ATTP, Facebooker Phạm Minh Vũ viết: Mặc cả trên sinh mạng người dân! Ông Vũ nhấn mạnh các mốc thời gian mà báo Người Lao Động và ông Hoàng Dũng chỉ ra ở trên, đồng thời bình luận: “Trách nhiệm ở đây đầu tiên phải nói thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là Cục an toàn Thực phẩm phải chịu trách nhiệm trực tiếp, từ khâu lơ là quản lý để cho vi khuẩn Clostridium Botulinum type B chui vào dạ dày của dân, cho đến 9 ngày chậm công bố để bao nhiêu người khác rơi vào tình trạng nguy hiểm”.

Mời đọc thêm: Quản lý thực phẩm: 3 bộ cùng quản, xử lý thêm rối (TT). – Toàn cảnh vụ ngộ độc vì ăn Pate Minh Chay (VTV). – TP.HCM mới chỉ thu hồi được 103 hộp pate Minh Chay (PLTP). – Dấu hiệu nhận biết cơ thể bị ngộ độc pate Minh Chay (Zing). – Vụ ngộ độc pate Minh Chay: Cảnh báo người dân không dùng một loạt sản phẩm (DT). – Bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay tình trạng nặng do nhập viện muộn (VNE). – Bi kịch liệt nửa người, phải lọc máu vì ăn pate Minh Chay (TN).

– Bộ Y tế thông tin về quá trình xử lý vụ việc Pate Minh Chay (BNews). – Cục An toàn thực phẩm bác tin cảnh báo chậm trễ vụ ngộ độc pate Minh Chay (VTC). – Pate Minh Chay được một số người mua để biếu tặng, cúng dường (NLĐ). – ‘Chất độc có trong pate Minh Chay nguy hiểm nhất thế giới’(Zing). – Ai là chủ sở hữu của pate Minh Chay? (DĐDN). – Hồ sơ công ty sản xuất pate Minh Chay (VNN). Mời đọc lại: TP.HCM: Nhiều trường hợp ngộ độc sau khi sử dụng pate Minh Chay ​(TTXVN).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.