Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

Sân golf Phan Thiết: Ông Đinh Trung lên tiếng (Bài 2)

 

Sân golf Phan Thiết: Ông Đinh Trung lên tiếng (Bài 2)

Đinh Trung

4-9-2020

Tiếp theo bài 1

Ông Đinh Trung. Nguồn: Phan Bình Minh cung cấp

Bình Thuận, ngày 28 tháng 8 năm 2020

NỘI DUNG PHẢN BIỆN

(Về văn bản số 82CV/TH-BPT ngày 18/6/2020 của Tập đoàn Rạng Đông)

Đinh Trung (Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận)

Tôi có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh và đề nghị kiểm tra, xem xét trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, xung quanh việc chuyển đổi sân golf Phan Thiêt sang đất ở đô thị và một số nội dung có liên quan. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, xác minh có báo cáo số 892/BC-TTCP ngày 04/6/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ. Sau báo cáo này, tôi không đồng ý một số nội dung nên có đơn phản biện, đơn tố cáo gửi đến một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cơ quan chức năng của Đảng và Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao trách nhiệm cho Tổng Thanh tra Chính phủ kiểm tra, kết luận 4 nội dung tại thông báo số 131/TB-VPCP ngày 27/3/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương trong tháng 6/2020; có văn bản trả lời cho tôi.

Ngày 18/6/2020, ông Chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông (Nguyễn Văn Đông) có Văn bản số 82CV/TH-BPT gửi Tổ Công tác – Thanh tra Chính phủ và có gửi văn bản này cho tôi; được biết Tập đoàn Rạng Đông còn gửi văn bản này cho nhiều người và nhiều nơi.

Trước hết, tôi chưa tố cáo Tập đoàn Rạng Đông mà chỉ phản ánh tình hình và đề nghị cấp trên xem xét trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh và mối quan hệ mà tôi cho rằng không trong sáng, lành mạnh giữa lãnh đạo tỉnh Bình Thuận và Tập đoàn Rạng Đông. Trong các đơn, tôi cho rằng Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận câu kết với Tập đoàn Rạng Đông xóa bỏ sân golf Phan Thiết chuyển sang khu đô thị nhằm kiếm lời bằng kinh doanh bất động sản, định giá thu tiền sử dụng đất rẻ mạt, không sát giá thị trường vào thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước. Tôi lần lượt phản biện một số nội dung trong văn bản số 82CV/TH-BPT ngày 18/6/2020 của ông Nguyễn Văn Đông sau đây:

I/- LÝ GIẢI VIỆC BỎ SÂN GOLF PHAN THIẾT SANG ĐẤT Ở ĐÔ THỊ 

Trong văn bản số 82CV/TH-BPT ngày 18/6/2020, Ông Nguyễn Văn Đông viết: “sự tồn tại của sân golf tại trung tâm thành phố Phan Thiết dần bộc lộ ngày càng nhiều những bất cập, gây bức xúc ngày càng lớn trong nhân dân như: Khó khăn trong kết nối giao thông – hạ tầng quy hoạch xây dựng – phát triển đô thị; ô nhiễm môi trường do việc sử dụng thuốc diệt cỏ và các hóa chất bảo vệ thực vật để duy trì cảnh quan sân golf, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân quanh dự án; tệ nạn xã hi như ma túy, mại dâm….” [trang 1].

Tôi cho rằng đây là chức năng của các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, chứ không phải của Tập đoàn Rạng Đông. Nhận định như thế này chẳng khác gì ông đã lấn sân vào lĩnh vực lãnh đạo và quản lý, nếu không nói là muốn thay thế Đảng và Chính quyền tỉnh Bình Thuận. Thử hỏi từ khi sân golf hoạt động cho đến khi ông mua lại đã có bao nhiêu người dân xung quanh chết do ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc diệt cỏ và các hóa chất; và tại sân golf SeaLink thì ông có sử dụng các loại hóa chất này không và những đại gia chơi golf trực tiếp trên sân golf này có bị ảnh hưởng gì không? Ông có thống kê được bao nhiêu vụ ma túy, mại dâm xảy ra tại sân golf Phan Thiết? Lập luận như trên là bịa đặt một cách trắng trợn, chẳng biết mình, biết ta là gì.

Ông viết: “Hơn nữa, việc kinh doanh thua lỗ triền miên, kéo dài bắt đầu từ khi đưa sân golf vào hoạt động, số lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2013 lên đến 258,8 tỷ đồng, nên ngoài số tiền phải nộp để thuê đất hàng năm, dự án không đóng góp được gì cho ngân sách nhà nước”.[trang 1]

Thử hỏi ông biết sân golf đang kinh doanh thua lỗ thì mua lại để làm gì? Rõ ràng mục đích của ông có phải là tìm mọi cách để thâu tóm hơn 62 ha đất vàng chuyển sang kinh doanh bất động sản. Nói thêm, mặc dù thua lỗ, nhà nước vẫn thu tiền thuê đất hàng năm và hết hạn hợp đồng cho thuê thì hơn 62 ha đất này vẫn còn là đất công; bây giờ có phải đã chuyển thành đất tư do Tập đoàn ông chiếm giữ và thao túng?

Ông cho rằng: UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến và được sự đồng tình của các vị nguyên lãnh đạo tỉnh, cán bộ các sở,ngành tỉnh. “Kết quả cơ bản các ý kiến đều nhất trí cao với việc chuyển đổi mục đích sân golf sang Khu đô thị. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp nhận nhiều đơn kiến nghị, đơn thỉnh cầu – kêu cứu tập thể đề nghị xóa bỏ sân golf với chữ ký của hàng trăm cá nhân đại diện cho các hộ dân không được dự họp lấy ý kiến”.[trang 2]

Thực tế vấn đề này như thế nào? Tất cả các cuộc họp cũng như các đơn thư mà ông nói đều diễn ra sau khi có Thông báo số 75/TB-UBND ngày 5/3/2014 về ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý đề nghị của ông chuyển sân golf thành Khu đô thị. Đây là một việc làm có vẻ dân chủ nhưng thật ra là áp đặt từ chủ đích của một “nhóm lợi ích”. Cụ thể như sau:

– Ngày 8/4/2014 họp nguyên lãnh đạo tỉnh

– Ngày 21/4/2014 họp Hội Liên hiệp các hội KHKT, trí thức…

– Ngày 10/3/2014 và ngày 16/3/2014 có 2 đơn của công dân ký tên tập thể; mỗi đơn có vài chục người ký tên, làm gì có hàng trăm chữ ký như ông Nguyễn Văn Đông thổi phồng một cách cường điệu như thế. Hai lá đơn này không có người đứng ra chịu trách nhiệm đại diện mà đều ký tên trên đơn đã dánh máy sẵn. Có người nói đơn này do cán bộ của UBND phường Phú Thủy và người của Rạng Đông mang tới từng hộ vận động ký vào (nếu cần thì các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, kết luận). Nhưng chuyển mục đích đất sân golf sang Khu đô thị chủ yếu là thực hiện đúng luật pháp hay không, chứ không phải theo ý kiến số đông.

II/- VỀ MẶT PHÁP LÝ

Ông Nguyễn Văn Đông viết: “UBND tỉnh có tờ trình số 1741/TTr-UBND ngày 23/5/2014 trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf sang xây dựng Khu đô thị. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 tại Văn bản số 2117/TTg-KTN ngày 28/4/2014”.[Trang 2]

Viết điều này để ông chứng tỏ tính pháp lý. Nhưng thực tế thì như thế nào?

Ngày 25/11/2013, Chủ tịch UBND tỉnh cho phép ông nhận chuyển nhượng lại quyền kinh doanh sân golf từ chủ đầu tư nước ngoài. Trong giấy chứng nhận đầu tư ghi rõ: “Kinh doanh một sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ kèm theo”.

Ngày 02/12/2013 và tiếp theo ngày 24/12/2013 ông có văn bản số 810/CV-TH-RĐ và số 204-BC/TH-RĐ đề nghị cho chuyển đất sân golf sang đất đô thị để xây dựng nhà vườn, nhà phố, biệt thự, nhà cao tầng và các công trình phụ trợ để bán và cho thuê. Làm việc này ông đã vi phạm Điếm 1 Điều 9 Luật Doanh nghiệp năm 2005. Nghĩa vụ của doanh nghiệp: “Hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”

Ngày 01/3/2014 ông có thông báo số 56.TB/TH-RĐ thông báo: “Sân golf Ocean Dunes sẽ chấm dứt hoạt động kể từ ngày 01/4/2014. Thời hạn giải quyết các vấn đề liên quan đến thẻ hội viên: kể từ ngày 16/3/2014 đến hết ngày 16/6/2014”.

Như vậy khi TTg Chính phủ đồng ý đưa sân golf ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 thì ông đã bỏ sân golf trước đó 6 tháng rồi; như thế có đúng không? Thử hỏi vì sao ông dám làm như thế?

Chỉ có 2 câu trả lời: một là ông được bảo kê, chống lưng từ lãnh đạo Tỉnh và TTg Chính phủ; nếu không thì câu trả lời thứ hai sẽ là: ông bất chấp kỷ cương, phép nước, lộng quyền qua mặt cả Thủ tướng Chính phủ.Việc này ông né tránh, không dám nói trong văn bản số 82CV/TH-BPT.

III/- LÃNH ĐẠO TỈNH BÌNH THUẬN CÓ CÂU KẾT VỚI TẬP ĐOÀN RẠNG ĐÔNG XÓA BỎ SÂN GOLF CHUYỂN SANG KHU ĐÔ THỊ HAY KHÔNG?

Ngày 1/3/2014 Rạng Đông có thông báo xóa bỏ, chấm dứt hoạt động sân golf từ ngày 1/4/2014Ngày 5/3/2014, Chủ tịch UBND tỉnh có thông báo số 75 đồng ý đề nghị của Tập đoàn Rạng Đông chuyển đất sân golf sang đất đô thị. Ngày 7/5/2014, Ban Thường vụ tỉnh ủy có Thông báo số 394/TB-TU thống nhất giao cho UBND tỉnh báo cáo và đề nghị TTg Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sân golf sang đất ở đô thị. Trong các văn bản của UBND tỉnh và của Thường vụ Tỉnh ủy đều yêu cầu chủ đầu tư giải quyết thỏa đáng quyền lợi của những người chơi golf tại sân golf Phan Thiết. Rõ ràng lãnh đạo Tỉnh biết Rạng Đông đã xóa bỏ sân golf trong khi TTg Chính phủ là cấp Quyết định chưa có ý kiến nhưng vẫn cố tình làm ngơ, coi như chấp nhận sự đã rồi.

Mặt khác, ngày 18/4/2015 Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì lễ khởi công xây dựng Khu đô thị trong khi chưa có giá sử dụng đất nghĩa là chủ đầu tư chưa làm nghĩa vụ tài chính với nhà nước cho đến ngày 25/11/2015 (7 tháng sau) mới có quyết định ban hành giá đất. Diễn biến trên đây ai đảm bảo rằng lãnh đạo tỉnh Bình Thuận không có câu kết với Tập đoàn Rạng Đông xóa bỏ sân golf chuyển sang Khu đô thị?

IV- VỀ ĐỊNH GIÁ THU TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong Văn bản số 82CV/TH-BPT, ông Nguyễn Văn Đông viết:

– Theo thông tin thị trường tại thời điểm tính giá đất, giá đấu giá thành công đối với các lô đất nhà phố nằm trên mặt tiền …đường Tôn Đúc Thắng và đường Hùng Vương (sát Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết) từ 14,5 tr đồng đến 15 tr đồng /m2.

– Theo bảng giá đất ban hành theo Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND ban hành ngày 26/12/2014 áp dụng từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2019, giá đất đã có cơ sở hạ tầng tại đường Tôn Đức Thắng là 14 tr dồng/ m2 và tại đường Nguyễn Tất Thành là 11 tr đồng /m2.

– Giá đất đã có cơ sở hạ tầng được Hội đồng thẩm định giá đề nghị áp dụng để tính doanh thu phát triển của dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết thì giá cao nhất là 26,400 tr đồng/ m2, giá thấp nhất là 10,450 tr đồng/ m2.

Ông cho rằng: “Do vậy, viện dẫn này của ông Đinh Trung để tố cáo Hội đồng thẩm định giá đất thấp làm thất thoát Ngân sách Nhà nước là hoàn toàn không chính xác[trang 4]. Và cuối cùng ông khẳng định: Do vậy, không gây bất cứ thiệt hại nào cho ngân sách Nhà nước như ông Đinh Trung đã tố cáo”. [trang 5]

Vậy thực tế như thế nào? Trước hết, tôi không tố cáo Hội đồng thẩm định giá. Theo lập luận và giải trình của ông Nguyễn Văn Đông như trên, tôi xin trình bày các nội dung sau đây:

1/- Căn cứ Quyết định số 3371/QĐ-UBND ngày 25/11/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành giá tiền sử dụng đất của diện tích 363.523 m2 (diện tích phải thu tiền sử dụng đất) là 936,800 tỷ đồng (bằng tổng doanh thu phát triển quy về thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất là 2.828,744 tỷ đồng trừ đi tổng chi phí phát triển qui về cùng thời điểm là 1.892,002 tỷ đồng). Như vậy giá đất đã có cơ sở hạ tầng của 363.523 m2 là 2.828,744 tỷ đồng; giá một mđất đã có cơ sở hạ tầng là 7,78 tr đồng/m2 (2.828.744 tr đồng / 363.523). So sánh giá một mđất đã có cơ sở hạ tầng của dự án với giá Nhà nước quy định thì thấp xa và nếu so sánh với giá thị trường như ông Nguyễn Văn Đông nêu ở trên (15 tr đồng /m2) thì còn thấp xa hơn nữa. Giả định giá thị trường của ông Nguyễn Văn Đông nói là đúng, nhưng trên thực tế giá thị trường tại hai con đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Tất Thành lúc đó khoảng 20 đến 30 triệu đồng/m2. Cứ chấp nhận giá thị trường như ông Đông nói (15 tr đồng/ m2) thì tổng doanh thu phải là 5.452,845 tỷ đồng (15 tr x 363.523m2). Số tiền sử dụng đất phải nộp cho Nhà nước là 3.560,843 tỷ đồng (5.452,845 tỷ – 1.892,002 tỷ) chứ không phải là con số 936,800 tỷ đồng. Như vậy cách tính giá đất như Quyết định số 3371/QĐ-UBND tỉnh ngày 25/11/2015 và theo ông Đông lập luận là không sát giá thị trường và rõ ràng làm thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 2.600 tỷ đồng (3.560,843 tỷ – 936,800 tỷ).

2/- Trong Văn bản, ông Nguyễn Văn Đông nêu lên giá đất đã có cơ sở hạ tầng nhưng lại không lấy giá đất có cơ sở hạ tầng trong Khu đô thị để so sánh với giá đất có cơ sở hạ tầng sát nách dự án như trên đây mà xác định “đơn giá đất chưa có cơ sở hạ tầng tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết bình quân là: 2.632.000 đồng/m2” [trang 5] để so sánh với giá đất thô được đấu giá thành ở khu vực cách xa hàng cây số một cách vu vơ, bịa đặt, không có cơ sở thực tế, không liên quan gì đến dự án Khu đô thị. Tôi nhận thức đây là đất đô thị chứ không phải Rạng Đông mua đất thô (đất thể dục, thể thao) để xây dựng Khu đô thị. Hơn nữa ngày 06/4/2015 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định 909/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết cho đến ngày 25/11/2015 mới có Quyết định số 3371/QĐ-UBND ban hành giá thu tiền sử dụng đất. Như vậy có phải lập lờ đánh lận con đen một cách trơ tráo không?

3/- Thất thu Ngân sách Nhà nước còn thể hiện qua áp dụng không đúng chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng Khu đô thị. Theo Quyết định 3371/QĐ-UBND ngày 25/11/2015. Tổng chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng của dự án được xác định là 1.693,637 tỷ đồng. Chi phí này cũng là nguồn ngân sách nhà nước do việc bán đất nền mà có (không phải thực hiện dự án Khu đô thị); vì thế trong Quyết số 3371/QĐ-UBND ngày 25/11/2015 mới ghi: “Nếu quyết toán, kiểm toán chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng thấp hơn thì Nhà đầu tư phải nộp khoản chênh lệch vào ngân sách nhà nước”; nếu chi phí này là vốn của chủ đầu tư thì không thể buộc họ nộp lại phần chênh lệch. Mặt khác chi phí này do chủ đầu tư tự đặt ra, chưa được cơ quan chức năng là ngành xây dựng thẩm định là vi phạm pháp luật về Xây dựng. Theo Quyết định số 634/QĐ-BXD ngày 09/6/2014 của Bộ Xây dựng “Về việc công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2013”, ở Chương 3 Suất vốn đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỷ thuật Khu đô thị kiểu mẫu có quy mô từ 20 đến 50 ha, quy định 9,110 tỷ đồng/ ha.

Như vậy tổng chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết chỉ là 565,417 tỷ đồng (9,110 tỷ x 62,0656); chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng chênh lệch 1.128,220 tỷ đồng (1.693,637 tỷ – 565,417 tỷ); số tiền này có phải thất thu ngân sách không?

4/- Ngược dòng thời gian hơn 3 năm về trước, ngày 12/01/2018 Kiểm toán Nhà nước có Văn bản số 23/KTNN-TH gửi kèm “BÁO CÁO KIỂM TOÁN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2016 CỦA TỈNH BÌNH THUẬN”. Ở trang 27 và 28 của báo cáo Kiểm toán Nhà nước kết luận: Do xác định giá đất không đúng nên Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết hụt đi tiền phải nộp ngân sách là 19,993 tỷ đồng. Mặt khác do tính giá đất của quỹ đất 20% nhà ở xã hội khi đưa ra khỏi dự án làm giảm nộp ngân sách nhà nước là 34,464 tỷ đồng. Như vậy cả hai khoản trên đây đã gây thiệt hại ngân sách là 54,457 tỷ đồng. Trong báo cáo số 892/BC-TTCP ngày 04/6/2019 Thanh tra Chính phủ cho biết chủ đầu tư đã nộp vào ngân sách 19,993 tỷ đồng; còn khoản 34,464 tỷ đồng không thấy nói đến.

Thử hỏi nếu không có Kiểm toán thì 19,993 tỷ đồng lọt vào túi Rạng Đông một cách phi lý không? Thực tế không ai có thể chấp nhận cách kết luận của Kiểm toán Nhà nước mà con số thiệt hại ngân sách Nhà nước có thể là hàng ngàn tỷ đồng như trình bày trên đây. 

Nguồn: https://onedrive.live.com/view.aspx?resid=3C53534537F76D4D!115&ithint=file%2cdocx&authkey=!AO8GLAS-5ViK9xI

Trang 2 / 2

Đinh Trung

4-9-2020

Ông Đinh Trung, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận. Ảnh: Báo Bình Thuận

Tiếp theo bài 1 và bài 2

V. VỀ QUỸ ĐẤT 20% TRONG DỰ ÁN CHO NHÀ Ở XÃ HỘI

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận câu kết với Tập đoàn Rạng Đông không dành 20% quỹ đất (hơn 7,2 ha) trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội và cho chủ đầu tư nộp bằng tiền theo giá nhà nước quy định là cố ý vi phạm Điểm a, b Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ và biến thành đất thương mại gây thất thu ngân sách nhà nước.

1/- Trong Văn bản số 82CV/TH-BPT, Rạng Đông cho rằng nhu cầu về nhà ở xã hội của Bình Thuận không lớn. “Vì vậy, trong chương trình tổng thể phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận từ năm 2010 đến năm 2020 (Quyết định số 3931/QĐ-UBND ngày 30/12/2009); Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2015 và giai đoạn 2016 đến năm 2020 (Quyết định số 586/QĐ-UBND ngày 15/3/2013) và điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Phan Thiết (Quyết định số 4072/QĐ-UBND ngày 18/12/2014) đều không bố trí dự án nhà ở xã hội. Mặt khác, tại Nghị quyết số 74/2014/HĐND-NQ được Hội đồng nhân dân Tỉnh khóa IX, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 8/12/2014 cũng không ghi kế hoạch sử dụng đất năm 2015 cho việc phát triển nhà ở xã hội”.[trang 5 – Văn bản số 82CV/TH-BPT]

Việc cho rằng tỉnh Bình Thuận “không có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội” là không đúng với thực tế; vấn đề này phải để cho lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trả lời cho nhân dân Bình Thuận, trước hết cho nhân dân thành phố Phan Thiết và công nhân, viên chức, những người có thu nhập thấp, chứ không phải chức năng của doanh nghiệp. Rạng Đông cho rằng từ năm 2009 đến năm 2015 Bình Thuận không có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phát triển nhà ở xã hội. Nhưng trong văn bản số 37CV/TH-CLB ngày 13/4/2015 gửi Bộ Xây dựng giải trình thêm việc đưa 20% quỹ đất nhà ở xã hội ra khỏi dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết thì Rạng Đông lại cho rằng: “trên địa bàn thành phố Phan Thiết cũng đã bố trí một số quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, song hiện vẫn chưa được đầu tư do nhu cầu về nhà ở xã hội không lớn”. Còn lãnh đạo tỉnh thì cho rằng: “nếu bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội sẽ có chênh lệch rất lớn, tạo ra phân tầng xã hội trực diện”. Như thế có mâu thuẫn không và có phải lộ rõ động cơ, mục đích đưa 20% quỹ đất nhà ở xã hội ra khỏi dự án để thu lợi bất chính không?

2/- Ông viện dẫn: “Ủy ban nhân dân tỉnh đã thận trọng có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng cho phép hoán đổi 20% quỹ đất trong dự án ra ngoài dự án…(Công văn số 985/UBND-ĐTQH ngày 02/4/2015). Theo đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn: “UBND tỉnh Bình Thuận có thể căn cứ vào nhu cầu, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội hàng năm, trung hạn và dài hạn đã được phê duyệt,nghiên cứu để điều chỉnh lại quy hoạch quỹ đất ở dành cho xây dựng nhà ở xã hội sang vị trí khác phù hợp trong thành phố Phan Thiết với diện tích tương đương 20% quỹ đất ở trong dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết…” (Văn bản số 906/BXD-QLN ngày 24/4/2015)”[trang 5]

Thực tế từ năm 2009 cho đến khi UBND tỉnh Bình Thuận đưa quỹ đất 20% ra khỏi dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, chưa có quỹ đất nào dành cho nhà ở xã hội được phê duyệt cả thì điều chỉnh lại quy hoạch quỹ đất này ở chỗ nào? Tôi khẳng định Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận khi có Quyết định số 909/QĐ-UBND ngày 06/4/2015 phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết đã không dành quỹ đất 20% trong dự án cho nhà ở xã hội trước khi Bộ Xây dựng có Văn bản số 906/BXD-QLN ngày 24/4/2015 và Văn bản của Bộ Xây dựng không có hướng dẫn cho phép chủ đầu tư nộp bằng tiền 20% quỹ đất này. Vì vậy không thể nói UBND tỉnh Bình Thuận và Tập đoàn Rạng Đông làm theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng được.

3/- Ông viết: “Cần phải hiểu một cách chuẩn mực và đúng đắn rằng: Việc phát triển nhà ở xã hội không chỉ đơn thuần là việc máy móc tuân thủ các quy định tại Văn bản hướng dẫn riêng (Nghị định 188/2013NĐ-CP, sau này được thay thế bằng Nghị định 100/2015/NĐ-CP), mà còn phải bị điều chỉnh bởi hệ thống các quy định pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan khác, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị…” [trang 6].

Nhưng Rạng Đông không chỉ ra được cụ thể Điểm, Khoản, Điều nào trong các Luật và các Văn bản hướng dẫn nào nói về đưa 20% quỹ đất nhà ở xã hội ra khỏi dự án nhà ở thương mại, Khu đô thị mới. Trong khi các Nghị định trên của Chính phủ đều đã căn cứ vào các Luật mà ông đã đề cập. Như thế thì nhận thức luật pháp và ý thức chấp hành luật pháp như thế nào?

4/- Trong văn bản giải trình, Rạng Đông cho rằng: “chưa có văn bản pháp luật nào quy định, hướng dẫn cũng như chưa có bất kỳ tiền lệ nào về việc đấu giá đất đối với quỹ đất dành cho nhà ở xã hội”. [trang 5]

Vấn đề này hoàn toàn đúng vì nhà ở xã hội là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, ngoài việc không thu tiền sử dụng đất đối với đất quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho xây dựng nhà ở xã hội, còn có nhiều chính sách ưu đãi khác nữa. Ở đây Rạng Đông ngộ nhận hay cố ý cho rằng quỹ đất 20 % nhà ở xã hội mà UBND tỉnh bán với giá rẻ mạt để ông kinh doanh bất động sản vẫn là quỹ đất nhà ở xã hội? Nghị định số 188/2013/NĐ-CP, Điểm a Khoản 2 Điều 6 quy định: “Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, Khu đô thị mới có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% (trừ trường hợp nhà nước thu hồi quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách và trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì chuyển giao quỹ đất này cho UBND cấp tỉnh nơi có dự án”.

Rõ ràng Rạng Đông không có nhu cầu tham gia xây dựng nhà ở xã hội thì phải chuyển giao quỹ đất này cho UBND tỉnh quản lý và tổ chức bán đấu giá (lúc này là đất thương mại, dịch vụ không phải đất nhà ở xã hội nữa) và trả lại tiền cho chủ đầu tư đã xây dựng cơ sở hạ tầng; tiền còn lại đưa vào quỹ phát triển nhà ở xã hội thì có vi phạm pháp luật không? Nếu tổ chức đấu giá 20% quỹ đất này (hơn 7,2 ha) với giá thấp nhất 20 tr đồng /mthì thu về trên 1.000 tỷ đồng. Số tiền này hiện nay có phải đã thất thu ngân sách không?

VI. VIỆC RẠNG ĐÔNG MỜI CÁN BỘ LÃNH ĐẠO TỈNH ĐI NƯỚC NGOÀI

Ông viết rằng: “Giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, Công ty chúng tôi có mời một số cán bộ, lãnh đạo các cơ quan Nhà nước đi công tác kết hợp tham quan, du lịch nước ngoài. Tuy nhiên kể từ năm 2010 đến nay, đặc biệt là sau khi Ban Chấp hành Trung ương có Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có quy định “Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của bộ, ngành và địa phương không tham gia đoàn của các doanh nghiệp đi nước ngoài hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh”. Công ty chúng tôi đã chấp hành nghiêm, không còn mời cán bộ, lãnh đạo cơ quan Nhà nước các cấp đi nước ngoài nữa”. [trang 6]

Thực tế thì sao? Từ ngày 20/3/2013 đến ngày 01/4/2013 Tập đoàn Rạng Đông tài trợ cho đoàn cán bộ tỉnh đi du lịch Mỹ, trong đó có các đồng chí: Phạm Thật – Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng cơ quan điều tra; Trần Anh Tuấn – Giám đốc sở Xây dựng; Nguyễn Ngọc Phước – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh; Nguyễn Văn Tài – Cục trưởng Cục thuế tỉnh; Lê Anh Châu – Giám đốc sở GTVT … Từ ngày 2/9/2013 đến ngày 9/9/2013 chính thức Nguyễn Văn Đông mời và dẫn đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh đi du lịch Liên bang Nga gồm các đồng chí: Hồ Dũng Nhật – Ủy viên TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Thanh Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Đình Nghĩa – Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; Đào Ngọc Nghĩa – Phó Giám đốc Công an tỉnh; Nguyễn Ngọc Phước – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh… Như thế Rạng Đông có giải trình trung thực không? Và rõ ràng lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn Rạng Đông không chấp hành Chỉ thị của Ban Bí thư.

Ngoài ra trong năm 2018, sau khi Bộ Chính trị có Chỉ thị số 38/CT-TW ngày 21/7/2014 về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài lãnh đạo tỉnh còn cho phép doanh nghiệp tư nhân Trường Phúc Hải (không phải Tập đoàn Rạng Đông) mời và đài thọ một số đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh và thành phố Phan Thiết đi Cộng hòa Liên bang Đức và Nhật Bản.

VII. CÓ PHẢI QUY CHỤP, VU KHỐNG VÀ ĐE DỌA?

Trong đơn phản ánh, tôi có đề cập mối quan hệ không bình thường giữa lãnh đạo tỉnh Bình Thuận với Tập đoàn Rạng Đông như Tập đoàn Rạng Đông bán đất giá rẻ cho cán bộ xây nhà, biệt thự; mời cán bộ đi du lịch nước ngoài; cấp thẻ VIP chơi golf cho một số cán bộ lãnh đạo mà dư luận cho rằng Rạng Đông mỗi tháng phải chi cho mỗi thẻ golf từ 50 đến 60 triệu đồng. Đổi lại, Rạng Đông được những ưu đãi như cấp đất không qua đấu giá, định giá tiền sử dụng đất, rừng, tài nguyên rẻ mạt và cho qua khi Rạng Đông có sai phạm như Rạng Đông đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự nghĩ dưỡng Royall Hill hơn 10 ha khi chưa có giấy phép xây dựng; hoặc Ông đã khai không trung thực lý lịch bản thân và gia đình để được giới thiệu bầu đại biểu Quốc hôi và được lãnh đạo tỉnh đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng thời kỳ đổi mới Thực chất mối quan hệ này là lợi dụng nhau, chỉ có cán bộ và doanh nghiệp được lợi và phần thiệt hại thuộc về Nhà nước.

Trong văn bản số 82CV/TH-BPT, Rạng Đông viết: “việc ông Đinh Trung tố cáo là không có cơ sở, không có chứng cứ, sẽ dẫn dắt dư luận đến sự ngộ nhận, hiểu lầm và nhìn nhận không tích cực đối với cán bộ, lãnh đạo các cơ quan Nhà nước; xâm phạm đến một trong những quyền cơ bản của công dân là “quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở” được quy định tại Khoản 1 Điều 32 của Hiến pháp 2013” [trang 7].

Thử hỏi tiền Rạng Đông bỏ ra mời cán bộ đi du lịch; cấp thẻ cho cán bộ chơi golf miễn phí thì khoản thu nhập này của cán bộ có hợp pháp không? Và Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ yêu cầu “Kiểm tra có hay không việc lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Công ty cổ phần Rạng Đông trong Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết” cũng vi phạm Khoản 1 Điều 32 của Hiến pháp?

Trong Văn bản số 82CV/TH-BPT, Rạng Đông viết: “Sau khi có Thông báo của Văn phòng Chính phủ, về việc Phó Thủ tướng thường trực giao cho Tổng Thanh tra Chính phủ thành lập tổ Công tác để kiểm tra, rà soát lại một lần nữa nội dung tố cáo của ông Đinh Trung đối với dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Một số cá nhân không đồng ý đối với dự án, đã cung cấp thông tin cho các báo chí trong nước để đồng loạt đăng tin nhằm tạo sức ép lớn, để đạt được mục đích không trong sáng của mình. Đặc biệt cũng một số cá nhân đó, đã chuyển những thông tin sai lệch cho các cá nhân, tổ chúc phản động ở nước ngoài, để thông qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, bôi nhọ uy tín của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cũng như chúng tôi.” [trang 7]

Chúng tôi rất bức xúc trước những tố cáo hoàn toàn không đúng sự thật, cảm thấy bị xúc phạm nặng nề trước sự quy kết võ đoán, tùy tiện rằng: Chúng tôi và một số cá nhân trong các cơ quan Nhà nước đã câu kết để đạt lợi ích nhóm. Do hạn chế trong tư duy, nhận thức; sự hẹp hòi ích kỷ vốn có. Họ hoàn toàn không đặt lợi ích, mong muốn chính đáng của người dân lên hàng đầu; không vì sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và sự tùy tiện trong suy nghĩ, áp đặt ý chí chủ quan khi nhìn nhận vấn đề… đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của chúng tôi và các vị lãnh đạo khác. Vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẵn sàng có những biện pháp phòng vệ chính đáng mạnh mẽ, không khoan nhượng, để bảo vệ lẽ phải và uy tín của chính mình”. [trang 8]

Những lời lẽ trên đây tôi cho rằng ông Nguyễn Văn Đông cố tình quy chụp, vu khống và đe dọa. Về báo chí trong nước đều hoạt động theo Luật Báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng (Ban Tuyên giáo TW), sự quản lý của Nhà nước (Bộ TT& TT) và người chịu trách nhiệm mỗi tờ báo là Tổng Biên tập. Nếu Ông thấy báo đăng thông tin không đúng, “không trong sáng” thì có quyền khiếu kiện đến các chủ thể lãnh đạo và quản lý nói trên. Còn cá nhân nào cung cấp thông tin cho cá nhân, tổ chức phản động nước ngoài cũng như bôi nhọ uy tín các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương thì Rạng Đông không nêu chứng cứ cụ thể cũng như cán bộ lảnh đạo Đảng, Nhà nước là những ai, nội dung bôi nhọ là gì?

Để bảo vệ lẽ phải và uy tín của doanh nghiệp, tôi nghĩ chỉ có thể bằng luật pháp, chứ không phải bằng tiền hoặc bằng rất nhiều tiền và tuyệt đối không phải bằng mưu mô, thủ đoạn theo kiểu ma-phia, xã hội đen. Tôi sẽ đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra kết luận, xử lý cá nhân cung cấp thông tin sai lệch cho các cá nhân, tổ chức phản động nước ngoài để bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ Trung ương đến địa phương như ông Nguyễn Văn Đông đã viết trong Văn bản sô 82CV/TH-BPT. Đồng thời có biện pháp chỉ đạo bảo đảm an ninh nội bộ, thực hiện đúng Chỉ thị của Bộ Chính trị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”, không để tình hình đáng tiếc xảy ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.