Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Đôi điều về hai cái chết

 

Đôi điều về hai cái chết

Phạm Đình Trọng

1-9-2020

1. CÁI CHẾT CỦA MỘT CON NGƯỜI

Nhà văn tỉnh lẻ ở hội Văn Nghệ Đồng Tháp, Đinh Thành Nam. Cuộc đời lận đận. Viết văn âm thầm. Nhà khoa học địa vật lí Nguyễn Thanh Giang. Lặng lẽ làm khoa học. Sắc sảo trong lí luận đấu tranh chống độc tài cộng sản. Nhà khoa học Nguyễn Thanh Giang mất ở tuổi ngoài tám mươi và nhà văn âm thầm lao động chữ nghĩa Đinh Thành Nam mất ở tuổi ngoài bốn mươi, tôi đều có bài viết ngậm ngùi thương tiếc khi cuộc đời lại mất đi một người bình dị và lương thiện.

Nhưng ông Lê Khả Phiêu. một ông tướng ba sao quân đội cộng sản đã từng đứng đầu đảng cộng sản đương nắm chính quyền, đứng đầu bộ máy quyền lực nhà nước cộng sản, khi hết lộc Trời về hư vô ở tuổi vừa chớm chín mươi, tôi không thể viết được một chữ. Đến một chữ trên các báo cộng sản ca ngợi ông Phiêu, tôi cũng không đọc nổi.

Nhắc đến ông Phiêu, tôi chỉ nhớ đến những hải lí biển mang hồn thiêng cha ông người Việt ở vịnh Bắc Bộ, nhớ những kilomet đất rộng dài của lãnh thổ Việt Nam ở thác Bản Giốc, nhớ bức tường thành kì vĩ cổng nước của lịch sử Việt Nam ở Lạng Sơn đều đã thuộc lãnh thổ Tàu cộng theo hiệp định phân định biên giới đất liền và lãnh hải mà ông Lê Công Phụng, một đồng hương Thanh Hóa với ông Phiêu, trưởng đoàn Việt Nam trong đàm phán biên giới, đã kí với Tàu cộng thời ông Phiêu đứng đầu đảng cộng sản cầm quyền cũng là người đứng đầu bộ máy quyền lực nhà nước cộng sản.

Nhắc đến ông Phiêu tôi lại nhớ đến hình ảnh những cột mốc biên giới Việt Trung được phân định theo công ước Pháp Thanh năm 1895, nay những cột mốc biên giới đó đã lùi sâu vào lãnh thổ Trung Hoa. Nhìn hình ảnh những khối đá, những khối bê tông cột mốc biên cương khắc chìm tên nước Việt Nam bằng chữ Nôm, chữ La Tinh được chôn sâu vào đất mẹ Việt Nam vạch đường ranh đất đai của tổ tiên người Việt từ cuối thế kỉ 19 đang bị đám người Hoa đào lên, khiêng đi phi tang, xóa dấu vết biên giới lịch sử Việt Trung, tim tôi lại thắt nghẹn, đau nhói và uất hận cái hiệp định biên giới Việt Trung kí ngày cuối cùng năm 1999 dâng mảnh đất thấm đẫm mồ hôi và máu các thế hệ người Việt, dâng mảnh đất đang lưu giữ hàng chục ngàn, trăm ngàn hài cốt, mộ phần nhiều thế hệ người Việt cho Tàu cộng.

Nhắc đến ông Phiêu, tôi chỉ nhớ đến ngôn ngữ võ biền, lính tẩy, nhỏ nhen hận thù, lên gân lập trường chuyên chính vô sản của ông Phiêu khi tiếp Tổng thống Mỹ hào hoa Bill Clinton. Trong khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton chìa bàn tay con người nhân loại ra với ông Phiêu thì ông Phiêu người đã gày còm, nhỏ quắt, đen đúa lại cứ khư khư bó mình trong con người giai cấp vô sản lạc lõng, cứ hậm hực cay cú không thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ý thức hệ, không thoát ra khỏi tầm nhìn người lính trận, chỉ thấy ta – địch, thắng – thua.

Nhắc đến ông Phiêu tôi chỉ nhớ đến việc vừa có chức người đứng đầu đảng cộng sản, vừa nắm quyền lực tối cao trong nhà nước cộng sản, ông Phiêu liền mời văn nghệ sĩ đồng hương Thanh Hóa tụ họp để nhân lên niềm vui Thanh Hóa, nhân lên thời cơ Thanh Hóa. Tôi được nghe kể rằng trong tưng bừng festival thời cơ Thanh Hóa đó, có người hãnh diện hoan hỉ nói rằng mảnh đất Thanh Hóa đế vương duy nhất của Việt Nam có tới ba dòng họ làm vua, có tới ba làng quê Thanh Hóa phát vương. Vua Lê Lam Kinh phát tích từ đất Lam Sơn lưu vực sông Chu. Vua Nguyễn Gia Long phát tích từ đất Hà Trung phù sa sông Lèn. Vua Lê cộng sản phát tích từ đất Đông Sơn đồng bằng sông Mã.

Không biết có phải vì ông vua cộng sản đất Đông Sơn sông Mã không kìm nén được niềm sung sướng ngất ngây mà có cuộc gặp vua tôi Thanh Hóa ở kinh kì Hà Nội? Còn người dân cả nước thì nhận được cú thất vọng ê chề đầu tiên. Đứng đầu đảng cộng sản, nắm quyền lực tối cao triều đình cộng sản, người dân tưởng ông Phiêu đã là người của cả nước, hóa ra ông Phiêu vẫn chỉ là người của cầu Bố, rừng Thông Thanh Hóa.

Ông cộng sản Lê Khả Phiêu vừa trở thành người đứng đầu triều đình cộng sản, lập tức giám đốc công an Thanh Hóa Hoàng Ngọc Nhất liền được lệnh điều động về triều đình làm Thứ trưởng bộ Công an và đồng hương Thanh Hóa Nguyễn Dy Niên lên Bộ trưởng bộ Ngoại giao. Nếu năm 2001, ông Phiêu lại có được niềm sung sướng của năm 1997, giữ được chiếc ngai đảng trưởng thì ông Thứ trưởn bộ Công an Hoàng Ngọc Nhất lên Bộ trưởng Công an là điều đương nhiên.

Nghĩa tử là nghĩa tận. Từ biệt người trở về với cát bụi phải là những lời tiễn biệt tốt đẹp. Người nắm quyền lực quốc gia, người lo hạnh phúc cho muôn nhà, lo giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, lo phồn vinh cho cả nước mà hiến đất, dâng biển của cha ông cho kẻ thù truyền kiếp của lịch sử Việt Nam. Mà tư duy chưa thoát khỏi con người công cụ, võ biền. Mà tình cảm cục bộ, nhỏ nhen, danh nghĩa con người của dân tộc của đất nước mà tình cảm chỉ quanh quẩn trong bờ tre, chòm xóm quê nhà, không biết đến quốc gia, không biết đến trăm họ Việt Nam. Làm sao có thể có lời tốt đẹp về con người vóc dáng quá nhỏ, công lênh quá nhẹ mà tội trạng quá lớn, quá nặng đó.

Lặng lẽ để mau quên đi một người có trọng trách với dân với nước mà làm hại nước, làm đau lòng dân. Lặng lẽ để mau quên đi một người có vai trò và thời cơ tô đậm thêm nét son lịch sử Việt Nam nhưng lại làm ô nhục lịch sử Việt Nam.

Đón đọc kì sau: CÁI CHẾT CỦA MỘT TIẾNG NÓI

Người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu tiếp Tổng thống Mỹ Bill Clinton ở Hà Nội. Photo Courtesy
Đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam, Lê Khả Phiêu đến Bắc Kinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.