Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Người dân Đồng Tâm có chống người thi hành công vụ ở đêm 9-1-2020?

 

Người dân Đồng Tâm có chống người thi hành công vụ ở đêm 9-1-2020?

Vân Khanh

Chống người thi hành công vụ, được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.

Trích Vụ án Tiên Lãng, Hải Phòng năm 2012:

Ngày 05/01/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng. Lực lượng cưỡng chế phá dỡ nhà ông Vươn. Vụ nổ súng sáng 05 tháng 01 không chỉ tồi tệ nhất trong lịch sử cưỡng chế ở Hải Phòng mà còn làm chấn động dư luận cả nước.

Ngày 10/01/2012, 04 bị can gồm Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sinh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được toại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú”.

Hành vi chống người thi hành công vụ của các ông, bà kể tên ở trên là xác lập, song đến phần gọi là “động cơ gây án”, thì sau đó phía nhà chức trách nhìn nhận có sai lầm trong thi hành công vụ, đưa đến người dân có hành vi được gọi là “chống người thi hành công vụ”.

Ở vụ án xảy ra vào đêm 9-1-2020 ở nhà ông Lê Đình Kình, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, thì theo những gì mà các bên liên quan được báo chí tường thuật, cho thấy các thủ tục hành chính theo luật định về việc nhà chức trách muốn vào nhà dân để thực thi công vụ, đã không được tuân thủ.

Vụ tấn công đã diễn ra tại thôn Hoành của Đồng Tâm, chứ không phải tại khu đất đang tranh chấp bên ngoài, do đó lý do “chống người thi hành công vụ” trong trường hợp này chỉ được xác lập khi người dân được thông báo rõ ràng theo trình tự pháp luật về công vụ. Chỉ sau khi các thủ tục này được tiến hành, và người dân không những từ chối chấp hành, mà họ còn dùng hung khí để chống đối đến cùng thì mới là “chống người thi hành công vụ”.

Lẽ thường, bất kỳ ai có hành vi xâm phạm đất đai, gia cư bất hợp pháp vào giữa đêm, đẩy người dân rơi vào tình thế tự vệ, khi có kẻ vào nhà mình nổ súng, thả hơi cay, bắt người…, thì tất yếu là người dân sẽ chống lại tới cùng để bảo vệ cái quyền dân sự Hiến định của công dân.

Tội chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; đ) Tái phạm nguy hiểm”.

Các yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ, chi tiết thế này:

Một, về mặt khách quan, có hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ. Hành vi này được thể hiện qua việc người phạm tội đã sử dụng sức mạnh có hoặc không kèm theo hung khí để tác động lên thân thể người đang thi hành công vụ như đấm, đá, đánh…. Tuy nhiên hành vi dùng vũ lực nếu gây ra thương tích, thì tỷ lệ thương tật phải chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

Có hành vi đe dọa dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ. Hành vi này được thể hiện qua người phạm tội có các lời nói, cử chỉ sẽ sử dụng vũ lực để uy hiếp tinh thần người thi hành công vụ. Có hành vi dùng các thủ đoạn khác để uy hiếp người thi hành công vụ.

Các hành vi nêu trên nhằm vào các mục đích sau: Cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ. Nghĩa là làm cho người có trách nhiệm thi hành công vụ không thể thực hiện được hoặc rất khó khăn trong thực hiện công vụ được giao.

Ép buộc hạ thực hiện hành vi trái pháp luật. Được thể hiện qua việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay các thủ đoạn khác uy hiếp người thi hành công vụ để buộc họ phải làm những việc có lợi cho người phạm tội mà những việc đó trái pháp luật.

Người bị hại của tội này phải là cán bộ công chức được phân công thực hiện nhiệm vụ, công vụ hoặc những người khác được giao thực hiện các nhiệm vụ, công vụ.

Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ mà gây hậu quả chết người hoặc đã có để dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng với hậu quả đã gây ra.

Hai, về mặt khách thể, hành vi nêu trên xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan quản lý Nhà nước, của cán bộ, công chức và những người được giao nhiệm vụ, công vụ.

Mặt chủ quan là người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có đủ khả năng lực trách nhiệm hình sự.

Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất về mặt pháp lý ở vụ án Đồng Tâm, người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật. Nếu người thi hành công vụ lại là người làm trái pháp luật mà bị xâm phạm, thì hành vi của người có hành vi xâm phạm không phải là hành vi chống người thi hành công vụ.

Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm, phía luật sư bảo vệ quyền lợi của bị cáo đã yêu cầu công khai về văn bản pháp lý liên quan cho yêu cầu công vụ, tuy nhiên đã không được Hội đồng xét xử đồng ý.

V.K.

VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.