Kiến nghị của nhóm luật sư Đồng Tâm
Kiến nghị mới nhất của nhóm luật sư Đồng Tâm được gia đình các bị can mời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can tại phiên tòa sơ thẩm ngày 7/9/2020.
***
ĐƠN KIẾN NGHỊ TRƯỚC NGÀY XÉT XỬ
(Đối với vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 09/01/2020 tại thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội)
Hà Nội, ngày 03-09-2020
Kính gửi:
– Ông Trương Việt Toàn, Thẩm phán, Chủ toạ phiên toà;
– Ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội;
– Ông Nguyễn Duy Giảng, Viện trưởng VKSND TP Hà Nội.
Chúng tôi, những luật sư có tên dưới đây:
1. Luật sư Ngô Anh Tuấn;
2. Luật sư Lê Văn Hoà;
3. Luật sư Đặng Đình Mạnh;
4. Luật sư Nguyễn Hà Luân;
5. Luật sư Lê Văn Luân;
6. Luật sư Hà Huy Sơn;
7. Luật sư Nguyễn Văn Miếng;
8. Luật sư Nguyễn Khả Thành;
9. Luật sư Ngô Ngọc Trai;
10. Luật sư Trương Chí Công;
11. Luật sư Dương Lê Ước An;
12. Luật sư Bùi Hải Quảng;
13. Luật sư Phạm Lệ Quyên.
Chúng tôi là những người bào chữa cho 21/29 bị can trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 09/01/2020 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (bao gồm: Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Viết Hiểu, Bùi Thị Nối, Trần Thị Phượng, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Thị Bét, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Lụa, Lê Đình Quân, Bùi Duy Tuấn, Trịnh Văn Hải, Đào Thị Kim, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Hiển, Nguyễn Thị La).
Riêng 03 luật sư Ngô Anh Tuấn, Lê Văn Hoà, Đặng Đình Mạnh còn là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Dư Thị Thành, là vợ của ông Lê Đình Kình (đã chết) – bà Thành có đơn yêu cầu khởi tố vụ án “Giết người” đối với chồng bà nhưng tới nay chưa được xem xét, giải quyết.
Kính thưa các Quý vị!
Trong suốt quá trình tố tụng của vụ án, cả ba giai đoạn: điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử, các luật sư bào chữa chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn từ chính các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng, khiến cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thân chủ đang bị tạm giam là rất khó khăn và không đạt hiệu quả như mong muốn. Cụ thể:
TRONG GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA
Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an TP Hà Nội liên tục gây khó dễ cho các luật sư:
– Chậm trễ trong việc cấp Thông báo bào chữa cho một số luật sư tham gia bào chữa cho các bị can được gia đình mời, bao gồm: Luật sư Ngô Anh Tuấn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Luật sư Lê Văn Hoà…
– Không cho luật sư được tiếp xúc riêng với thân chủ trong Trại tạm giam dù vụ án này không liên quan tới an ninh quốc gia hoặc là trường hợp đặc biệt khác theo quy định của pháp luật.
– Không cho luật sư được tiếp cận hồ sơ vụ án sau khi đã kết thúc điều tra mặc dù các luật sư có đề nghị nhiều lần.
TRONG GIAI ĐOẠN TRUY TỐ
– VKSND TP Hà Nội không cho các luật sư được tiếp cận hồ sơ vụ án để đưa ra các kiến nghị nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ mặc dù các luật sư cũng nhiều lần gửi văn bản yêu cầu.
– Một số luật sư gửi các văn bản khiếu nại hoặc yêu cầu gặp lãnh đạo VKSND TP Hà Nội nhưng tất cả đều không được giải quyết.
TRONG GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ ĐƯA VỤ ÁN RA XÉT XỬ
– TAND TP Hà Nội cũng rất chậm trễ trong việc cho các luật sư được sao chụp hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiến nghị, phản ảnh của các luật sư và sự can thiệp của Đoàn Luật sư TP Hà Nội và Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì yêu cầu này mới được chấp thuận.
– Mặc dù vậy, trong hồ sơ vụ án có 02 USB lưu giữ một số Clip, hình ảnh sự việc diễn ra vào ngày 09/01/2020, Thư ký toà không cho luật sư copy dữ liệu này. Cho đến nay, chỉ còn 03 ngày nữa vụ án được đưa ra xét xử nhưng các luật sư vẫn chưa được copy để nghiên cứu mặc dù đã nhiều lần đề nghị.
NGAY CẢ MỘT CƠ QUAN CÓ VAI TRÒ TRUNG GIAN, LÀ NƠI GIAM GIỮ CÁC BỊ CAN, ĐẢM BẢO VIỆC THI HÀNH ÁN SAU NÀY LÀ TRẠI TẠM GIAM SỐ 2- CÔNG AN TP HÀ NỘI CŨNG GÂY KHÓ KHĂN CHO CHÚNG TÔI:
– Không giải quyết thủ tục thăm gặp bị can dù luật sư đã có đầy đủ các hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Nhiều lần một số luật sư vào thăm gặp thân chủ phải quay về sau khi cán bộ Trại Tạm giam gọi điện, nhận chỉ đạo của cấp trên và báo lại luật sư chưa thể được gặp và không giải thích gì thêm.
– Sau khi hồ sơ vụ án được chuyển qua Toà án, khi luật sư vào thăm gặp và trao đổi một số nội dung liên quan tới vụ án, luôn có 02 cán bộ Trại Tạm giam ngồi cạnh luật sư và ngồi cạnh thân chủ, nhấc điện thoại bàn nghe công khai toàn bộ nội dung cuộc trao đổi của luật sư và thân chủ; hơn thế nữa, trong một số cuộc gặp, cán bộ Trại Tạm giam còn ngang nhiên xen vào cuộc trao đổi giữa luật sư và thân chủ – hành động này là trái quy định của pháp luật và vượt quá thẩm quyền giám sát của cán bộ quản lý trại giam.
Từ việc không được tiếp xúc hồ sơ vụ án theo đúng thời quy đinh của pháp luật, không được gặp gỡ, trao đổi riêng với thân chủ để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ nên đại đa số các luật sư bị động trong quá trình làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng vì một bên nói theo hồ sơ và một bên nói “chay”. Cũng chính vì thế mà sau khi sao chụp hồ sơ và được thăm gặp các bị can trong Trại Tạm tạm giam, chúng tôi phát hiện ra một số nội dung trong bản kết luận điều tra, cáo trạng mâu thuẫn với lời khai của các bị can có trong hồ sơ và mâu thuẫn với lời khai của họ khi được tiếp xúc trực tiếp với luật sư mà không có mặt của Điều tra viên. Điều nghiêm trọng hơn, nhiều tình tiết mới có thể làm thay đổi căn bản nội dung của một số sự việc đã xảy ra trong vụ án, nó đi ngược lại với một số nội dung đã nêu lên trong bản kết luận điều tra và cáo trạng nhưng không còn thời gian để xác minh, đối chất làm rõ.
Đi sâu vào nội dung vụ án được khái quát tương đối đầy đủ trong bản Cáo trạng số 241/CT-VKS-P2 ngày 24/6/2020 của VKSND TP Hà Nội, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề chưa đúng hoặc sai sự thật như sau:
QUY CHỤP TỘI DANH CHO NGƯỜI ĐÃ CHẾT
Dù bất kỳ tình huống nào xảy ra thì cụ Lê Đình Kình cũng đã chết. Luật pháp quy định “Không ai được xem là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của toà án” do đó, việc VKSND TP Hà Nội vội vàng quy kết “Hành vi của Lê Đình Kình đã phạm tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự” là trái quy định của pháp luật. Hơn thế nữa, từ cách quy kết này dẫn tới cách sử dụng từ ngữ, cách xưng hô với một người già, gần 60 năm tuổi Đảng một cách trống không, miệt thị là hành động thiếu văn hoá và tỏ rõ thái độ phân biệt đối xử.
THÔNG TIN “MẬP MỜ” VỀ VỤ VIỆC TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI VÀ QUÁ TRÌNH ĐỐI THOẠI, GIẢI QUYẾT ĐẤT ĐAI XẢY RA TẠI XÃ ĐỒNG TÂM
Bản Cáo trạng đã nêu lại gần như y nguyên nội dung các thông tin theo các văn bản mà Thanh tra TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ nêu ra trong các “Kết luận số 2346” và “Thông báo số 611”. Tuy nhiên, việc “cắt gọt” bớt nội dung sự thật khiến người đọc sẽ có cái nhìn không thiện cảm với các bị can; vì thực chất, từ khi xảy ra tranh chấp, chưa có bất kỳ một cuộc đối thoại đúng nghĩa nào được diễn ra để người dân có bức xúc được dịp trình bày những ấm ức trong lòng mình để các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe và xem xét thấu đáo (ngay cả cuộc “đối thoại” với chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, tại UBND huyện Mỹ Đức vào năm 2017). Trang 4 Cáo trạng ghi “Thanh tra Chính phủ phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức mời công dân xã Đồng Tâm lên UBND huyện đối thoại về kết quả thanh tra nhưng các công dân này không lên đối thoại” là sai sự thực vì trong thư mời có ghi rõ nội dung là “Thông qua nội dung của Thông báo số 611/TB-TTCP ngày 25/4/2019” – rõ ràng theo thông báo này thì việc mời người dân Đồng Tâm lên chỉ để thông qua cho họ biết nội dung Thông báo này (mà thực chất báo chí, truyền thông đã công khai liên tục từ tháng 4/2019). Nói cách khác, việc thông báo cho người dân có khiếu nại biết các thông tin mà đã công khai cho toàn thể dân chúng biết rồi là hành động mang tính chống chế, khiên cưỡng nhằm hợp thức hoá thủ tục còn thiếu sót của TTCP mà thôi. Như vậy, Cáo trạng đã “hô biến” những sai sót của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thành sai sót, thậm chí là sai phạm của người dân nhằm nghiêm trọng hoá hành vi chống đối của họ ngay từ lúc khởi đầu.
Nếu các cơ quan quản lý nhà nước đã thực tâm cố gắng đối thoại với người dân thì có thể, sự kiện đau lòng ngày 09/01/2020 đã không xảy ra.
VỀ KẾ HOẠCH “TẤN CÔNG” VÀO ĐỒNG TÂM NGÀY 09/01/2020
Theo trang 5 Cáo trạng, kế hoạch “tấn công” vào Đồng Tâm do Công an TP Hà Nội đưa ra và “Kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương và đã được Bộ Công an phê duyệt” – như vậy, đây là một kế hoạch bài bản, có sẵn, không phải là sự kiện ngẫu nhiên, nó trái ngược hoàn toàn với những thông tin ban đầu khi mới xảy ra sự kiện được Bộ Công an đã đăng tải trên trang web công khai và được các tờ báo lớn nhỏ đăng tải, dẫn nguồn về việc hành động tấn công diễn ra trên cánh đồng Sênh.
Cho tới tận bây giờ, rất nhiều người dân vẫn hiểu rằng, những người dân Đồng Tâm, những bị can bị bắt trong vụ án này đã chống lại lực lượng thi hành công vụ trên cánh đồng Sênh, nơi xảy ra tranh chấp đất đai chứ không phải là trong làng Hoành hay trong nhà cụ Kình… Những thông tin nhiễu loạn khiến và được suy diễn theo hướng xấu hơn cho tình trạng của các bị can.
VỀ HÀNH VI VÀ CÁI CHẾT CỦA CỤ LÊ ĐÌNH KÌNH
Về hành vi của cụ Kình
Trang 13 Cáo trạng nêu: Cụ Kình đã nhiều lần có hành vi tấn công lực lượng chức năng: dùng tuýp sắt gắn dao nhọn tấn công làm sướt da một chiến sỹ, không xác định danh tính (lần 1), dùng tuýp sắt gắn dao nhọn tấn công một chiến sỹ khác nhưng không bị thương (lần 2), có thể là người ném lựu đạn từ trong phòng ra nhưng không nổ (lần 3)… do vậy, lực lượng chức năng đã phải bắn để tiêu diệt. Khi chết, tay phải cụ Kình vẫn cầm một quả lựu đạn chưa nổ. Nếu xét theo dữ liệu mà VKDND TP Hà Nội đưa ra, việc tiêu diệt cụ Kình là cần thiết và đúng pháp luật. Tuy nhiên, cần xem xét lại thực tế rằng, kể từ sau khi bị đánh gãy chân vào năm 2017, cụ Kình chủ yếu ngồi xe lăn do ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng. Thời gian sau này (khoảng vài tháng trước khi xảy ra sự kiện ngày 09/01/2020), cụ Kình đã không cần dùng tới xe lăn nhưng đi lại phải chống gậy; do vậy, việc cho rằng cụ Kình một tay giữ cây gậy sắt để giữ thăng bằng, một tay cầm dao tuýp để tấn công lực lượng chức năng là thiếu cơ sở thực tế. Việc khẳng định cụ Kình cầm dao tấn công có thể chỉ là cơ sở để khẳng định việc bắn cụ là chính xác mà thôi chứ việc chứng minh thực tế có thể xảy ra hay không bằng cơ sở khoa học cần phải thực nghiệm lại hiện trường.
Về cái chết của cụ Kình
Theo bản Kết luận điều tra số 210/KLĐT-PC01 (Đ3) ngày 05/6/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an TP Hà Nội và bản Cáo trạng số 241/CT-VKS-P2 ngày 24/6/2020 của VKSND TP Hà Nội thì cụ Kình bị bắn hai phát từ phía sau lưng, cách chừng 2-2,5m, nhưng khám nghiệm tử thi cho thấy, hai vết thương phía trước ngực tròn nhỏ, không có xây xát nhưng hai vết thương sau lưng lớn hơn, bờ mép vết thương nham nhở chứng tỏ đạn được bắn từ hướng trực diện, từ trước ra sau và loại đạn là loại đạn chạm nổ nên vết thương đạn xuyên qua phía sau sẽ lớn hơn phía vào.
Việc suy luận này cũng trùng hợp với nội dung lời khai của bị can Bùi Viết Hiểu khi tiếp xúc với luật sư trong trại giam rằng cụ Kình bị bắn ngay trước mặt ông Hiểu “người bắn đứng trước cụ Kình khoảng 1m, nòng súng to như cổ tay, nhắm thẳng vào ngực cụ Kình. Cụ Kình ngã xuống, chết trước mặt tôi, sau đó chó nghiệp vụ vào kéo xác cụ Kình đi…”.
Như vậy, cần xác định rõ việc cụ Kình có thực sự thực hiện hành vi chống trả lực lượng chức năng hay không và việc bắn chết cụ Kình đã đúng quy định pháp luật hay chưa.
QÚA TRÌNH MỔ TỬ THI CỦA CỤ KÌNH
Cơ quan thực hiện việc mổ tử thi cụ Kình không mời đại diện gia đình, không có sự đồng ý hoặc chứng kiến của đại diện của gia đình cụ Kình là không đúng quy định của pháp luật.
VỀ VẾT THƯƠNG TRÊN NGƯỜI BỊ CAN BÙI VIẾT HIỂU
Trong bản Kết luận điều tra có nhắc tới bị can Bùi Viết Hiểu bị thương nhưng không xác định được cơ chế hình thành vết thương, còn bản Cáo trạng thì hoàn toàn không thấy nhắc tới nội dụng này. Tuy nhiên, theo lời khai của ông Bùi Viết Hiểu khi gặp luật sư trong Trại Tam giam thì sau khi bắn chết ông Kình, người ta soi đèn sáng và bắn vào 2 phát vào ông: 1 phát vào chân và một phát vào ngực. Việc ông thoát chết là nằm ngoài dự tính của người bắn vì họ nhắm bắn vào tim nhưng đạn sượt xuống sườn và chạm nổ khiến ông bị thủng 3 lỗ hành tá tràng, 2 lỗ đại tràng. Tới gần 11h trưa ngày 09/01/2020, sau thời gian chờ chết nhưng ông không chết mà rơi vào trạng thái hôn mê, tim mạch ngừng thì mới được đem đi cấp cứu.
Cần xác định rõ rằng việc không nhắc tới các vết thương của bị can Bùi Viết Hiểu là sự cố tình lờ đi hay chỉ là sự cố, lỗi chủ quan về mặt nghiệp vụ; và dù cho nó xuất phát từ nguyên do gì thì cũng cần phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
HIỆN TRƯỜNG DẪN ĐẾN CÁI CHẾT CỦA 3 CHIẾN SĨ CẢNH SÁT
Cần xác định rõ nguyên nhân dẫn tới việc cả 3 chiến sỹ này đều bị rơi xuống giếng trời giữa nhà ông Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức xem có phải do nguyên nhân là do sơ suất khi mà trinh sát không nắm rõ và thông báo về địa hình hay thực sự là do sự tấn công của bị can Lê Đình Chức và những người có liên quan; vì rõ ràng, với vị trí này, một người không thông thuộc địa hình, việc trượt chân tay rơi xuống hố là điều hoàn toàn có thể xảy ra và cần thực nghiệm hiện trường để xác định lại một cách chính xác.
Từ các vấn đề còn thiếu sót về mặt tố tụng lẫn nội dung trong suốt thời gian qua của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 09/01/2020 tại thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, với tư cách là luật sư bào chữa cho các bị can có tên nêu trên, chúng tôi đồng kiến nghị với các ông: Chủ toạ phiên toà sơ thẩm ngày 07/9/2020; Ông Chánh án TAND TP Hà Nội; Ông Viện trưởng VKSND TP Hà Nội với nội dung như sau:
Vì hồ sơ vụ án còn có quá nhiều điểm mâu thuẫn chưa được làm rõ và không thể khắc phục được ngay trong phiên toà sắp tới, nên đề nghị TAND TP Hà Nội trả hồ sơ lại cho Cơ quan điều tra để cơ quan này điều tra làm rõ những nội dung mà chúng tôi nêu ở trên đây, đặc biệt là việc cần phải dựng lại hiện trường tổng thể của vụ án, có sự tham gia của các cơ quan tiến hành tố tụng, các bị can và luật sư của họ, có đại diện gia đình bị can và bị hại (nếu cần)… để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Bên cạnh đó, để khắc phục những thiếu sót trong khâu chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, đảm bảo vụ án được giải quyết một cách khách quan, triệt để, sau khi hồ sơ được chuyển qua toà án để đưa vụ án ra xét xử, cần triệu tập thêm những người sau đây:
– Bà Dư Thị Thành, vợ cụ Lê Đình Kình (Nhân chứng, đại diện bị hại);
– Chị Nguyễn Thị Duyên, vợ bị can Lê Đình Uy (Người có quyền và nghĩa vụ liên quan);
– Những chiến sỹ cảnh sát bị thương trong khi thi hành công vụ (bị hại);
– Chiến sỹ cảnh sát đã bắn chết cụ Kình, làm bị thương bị can Bùi Viết Hiểu;
– Giám định viên;
– Các điều tra viên;
– Những người khác theo danh sách đề nghị triệu tập của Luật sư Lê Văn Hoà (có công văn kèm theo).
Mặt khác, để đảm bảo đúng nguyên tắc của một phiên toà dân chủ, công khai theo Hiến pháp và pháp luật, đề nghị HĐXX sơ thẩm đảm bảo quyền tự do tác nghiệp, đưa tin của báo chí, quyền tham dự phiên toà của thân nhân các bị hại, bị can và những người dân quan tâm để nêu cao tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm. Đặc biệt, để khắc phục được các lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ở các giai đoạn trước đó, đề nghị HĐXX sơ thẩm vụ án này cần lưu ý đảm bảo quyền được trình bày, quyền tự bào chữa và nhờ người bào chữa của các bị can; đảm bảo việc sẽ nhắc nhở, yêu cầu các vị đại diện VKS giữ quyền công tố phải tham gia đối đáp tới cùng các luận cứ bào chữa mà các luật sư đưa ra theo đúng quy định và tranh luận, đối đáp được ghi rõ trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trên đây là nội dung kiến nghị của các luật sư bào chữa, rất mong Quý vị xem xét một cách cẩn trọng, khách quan, vô tư, đúng pháp luật nhằm đảm bảo quyền của và lợi ích hợp pháp của các bị can; đảm bảo tính nghiêm minh của pháp chế xã hội chủ nghĩa, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội.
Xin chân thành cảm ơn!
CÁC LUẬT SƯ ĐẠI DIỆN KÝ ĐƠN
1. Luật sư Ngô Anh Tuấn
2. Luật sư Lê Văn Hòa
3. Luật sư Nguyễn Hà Luân
4. Luật sư Lê Văn Luân
5. Luật sư Bùi Hải Quảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.