Hội nghị thành đô ngày 3.9.1990 chính là con đẻ của Cách mạng Tháng 8!
Âu Dương Thệ
1-9-2020
Trong khoa học chính trị, học thuyết NHÂN-QUẢ rất được quan tâm, ở đây không theo nghĩa siêu hình trong tôn giáo, mà là quan sát những diễn biến và vận động trong xã hội rất thực tế có thể theo dõi và kiểm chứng rõ ràng. Muốn có trái ngon thì phải biết chọn giống, phải có người biết vun trồng, trông nom. Không thể chỉ ước mơ, chỉ ngồi chờ sung rụng, lại không biết chăm sóc thì kết quả ra sao ai cũng có thể thấy trước!
Chính trị học đã chứng minh rằng, nhân loại đã trải qua những kỉ nguyên từ thô sơ bộ lạc, du mục tới định cư canh tác, thành lập các quốc gia, từ độc tài phong kiến chuyển sang dân chủ, từ bình diện quốc gia tiến lên hợp tác quốc tế với các định chế và mức độ khác nhau. Tuy nhiên không phải các tiến trình này đều diễn ra êm thắm và cùng đạt thành công ở các nơi trên thế giới.
Có những quốc gia nay đã giã từ độc tài và thiết lập được các định chế dân chủ cao. Nhưng trong khi đó có những nước vẫn còn phải sống trong độc tài cá nhân hay đảng trị. Có những nước đã phát triển cao, nhân dân hạnh phúc; nhưng cũng có những nước người dân còn phải sống đói rách, nhân phẩm bị trà đạp. Những trình độ khác nhau này đều có những nguyên nhân nội tại và dẫn tới các kết quả tốt hoặc xấu. Cho nên muốn tránh cái xấu thì phải biết học cái tốt! Nhiều tổ chức và quốc gia đã biết rút kinh nghiệm bản thân và bên ngoài để đưa đất nước tiến lên văn minh, nhân dân hạnh phúc!
Khoa học chính trị đã chứng minh là, một chính quyền yêu nước thực sự và biết tôn trọng dân thì phải thực hiện các chính sách nhắm vào hai mục tiêu song song là huy động nội lực và phát huy ngoại lực cho lợi ích chung là nhân dân hạnh phúc, đất nước độc lập. Nội lực và ngoại lực gắn kết chặt chẽ với nhau như bóng với hình, bổ sung cho nhau; nếu nó phù hợp vời lòng dân và thích ứng với thời đại sẽ làm cho dân giầu, nước mạnh. Ngược lại, nếu nội lực bị chia rẽ, bị đàn áp và ngoại lực chỉ biết tôn thờ những lí thuyết viển vông, coi thù là bạn, coi bạn là thù thì dẫn đất nước vào chiến tranh, hủy hoại sinh mạng của nhân dân, phá hủy tài nguyên đất nước, cuối cùng dẫn tới dân tộc nghèo đói và lệ thuộc ngoại bang.
Như thế điều tiên quyết để có một chính quyền yêu nước thực sự thì phải có những người lãnh đạo có đức, có tài, không gian dối và lừa đảo nhân dân. Tức là, muốn lãnh đạo cả dân tộc thì họ phải có tư duy sáng suốt và thái độ đàng hoàng tử tế. Người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa, nhưng đồng thời phải có đầu óc thực tế đưa ra những chính sách sáng suốt đáp ứng đòi hỏi chính đáng của nhân dân, phù hợp với hoàn cảnh của thời đại, không được phép viển vông lấy mộng làm thực, bắt nhân dân hi sinh phi lí và hủy hoại sức mạnh của dân tộc và tài nguyên của đất nước! Nói tóm lại, những người lãnh đạo xứng đáng phải thực hiện tốt được hai mục tiêu cốt lõi là, xây dựng được nội lực đồng thuận và vững mạnh, đồng thời thiết lập được ngoại lực biết kết bạn và chọn đồng minh với các nước văn minh để gìn giữ độc lập, ngăn ngừa chiến tranh.
Chính sách nội lực đúng đắn phải tôn trọng người dân, bất kể chính kiến, mầu da, thành phần xã hội và tôn giáo; phải biết khơi dậy và cổ động sự đóng góp của mọi người vào công việc chung, từ chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa; tạo ra được đồng thuận và tín cậy lẫn nhau trong mọi thành phần trong xã hội; nghiêm cấm các chính sách kì thị hay đàn áp; khuyến khích tài năng, sáng kiến mang lại lợi ích chân chính cho cá nhân và cộng đồng; giúp đỡ và đùm bọc những người gặp khó khăn, tật nguyền…
Chính sách đối ngoại đúng đắn phải đặt mục tiêu hàng đầu là bảo vệ độc lập, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy đất nước phát triển để sánh vai với các dân tộc tiến bộ từng thời đại. Muốn thế người lãnh đạo đảng cầm quyền phải có tầm nhìn cao, có đầu óc thực tế, chọn đúng bạn để kết hợp thành đồng minh, như thế tránh những hi sinh của nhân dân, phí phạm tài nguyên của đất nước, đồng thời củng cố được độc lập dân tộc!
Vẫn biết không thể chờ đợi người lãnh đạo lúc nào cũng sáng suốt. Tuy nhiên nhân dân chờ đợi người lãnh đạo phải có bản lãnh và tinh thần trách nhiệm cao; nếu thấy đã vi phạm sai lầm thì họ phải dám vượt khỏi cái bóng đen của mình, nhận trách nhiệm và xin lỗi nhân dân, nhưng đồng thời phải bắt đầu làm lại hoàn toàn mới thực sự! Nếu không làm được như vậy thì phải can đảm trả lại quyền tự quyết của nhân dân!
***
Nguyễn Phú Trọng thường khẳng định, công tác cán bộ là then chốt của then chốt và đưa ra các tiêu chuẩn chọn lọc cán bộ ở cấp chiến lược phải có đức-tài. Đứng về phương diện các khoa học xã hội thì người lãnh đạo có tài phải biết chọn tư duy đúng, tức là phải có tư tưởng và giải pháp thích hợp để giải quyết thành công các vấn đề mà đất nước và xã hội đang phải đối phó. Nói một cách hình tượng, trong việc chọn lựa tư duy và cách giải quyết thì người lãnh đạo có thể ví như một kiến trúc sư muốn xây dựng một căn nhà hay một lâu đài vững chắc và khang trang; muốn thế phải vận dụng kiến thức, phải cân nhắc nhiều lãnh vực khác nhau. Như thế người lãnh đạo không được phép dễ dãi cả tin, chỉ nghe bùi tai rồi vội vàng ôm ấp coi đấy như khuôn vàng thước ngọc, là đũa thần không chỉ cho cá nhân mình, đảng của mình mà còn trói buộc cả dân tộc phải theo!
Người lãnh đạo có đức (đạo đức) thì phải có thái độ đàng hoàng, không lừa dối, phải thành thực với chính mình và với nhân dân.Cho nên đánh giá một chính trị gia tốt hay xấu phải căn cứ vào tư duy và thái độ của họ xuyên qua các quá trình hành động, cách xử thế và kết quả việc làm của họ. Nếu có thái độ đúng đắn, đàng hoàng thì khi xét kết quả công việc của mình làm, nếu tốt thì nói là tốt, nếu sai thì phải nhận lỗi trước nhân dân và phải nghiêm túc sửa chữa ngay!
Như vậy những người cầm đầu CSVN từ trước tới nay đã có tư duy khoa học, hành động chín chắn và thái độ đàng hoàng tử tế không? Là người sáng lập ĐCSVN, tuy chưa biết thế giới đại đồng là gì và những hậu quả độc hại và cực kì nguy hiểm của chủ trương coi hận thù và phân chia giai cấp tai hại như thế nào trong việc tàn phá nội lực dân tộc ta, nhưng Hồ Chí Minh (HCM) đã coi chủ nghĩa Marx-Lenin là đũa thần để tiến hành Cách mạng Tháng 8 (1945) để cướp chính quyền. Từ đó trở đi HCM và những người kế nghiệp từ Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh tới Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện các chính sách, bên ngoài thì tôn thờ chủ nghĩa Marx-Lenin, chọn các đế quốc từ Liên xô tới Trung quốc (TQ) làm người đỡ đầu. Trong nội trị thì họ thực hiện tàn bạo hai chủ trương lấy hận thù và phân chia giai cấp để đàn áp nhân dân. Chính vì vậy đã gây ra những cuộc chiến tranh với bên ngoài cả với những đồng minh chính và các cuộc nội chiến cực kì tàn khốc và kéo dài suốt từ giữa thập niên 40 tới cuối thập niên 80 của thế kỉ trước. Cùng với đó là chính sách trả thù và ngược đãi nhân dân cực kì nham hiểm và tàn bạo nhất trong lịch sử dân tộc. Suốt trên 30 năm qua chỉ “đổi mới” giả vờ theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” để đánh lừa nhân dân nhằm củng cố chế độ toàn trị và bảo vệ quyền lợi phe nhóm, mở tung cửa cho bọn quan đỏ tham nhũng và bóc lột!
Do áp dụng tư duy sai lầm của chủ nghĩa Marx-Lenin cùng với các chính sách gian ác bạo ngược với nhân dân từ các bạo chúa Stalin tới Breschnev nên đế quốc Liên xô đã sụp đổ từ đầu thập niên 90, kéo theo sự tan rã của các nước CS Đông Âu từ 30 năm nay. Nhưng trong dịp 100 năm Cách mạng Tháng 10 Nga Nguyễn Phú Trọng vẫn buộc chặt trong tư duy bảo thủ sai lầm, tiếp tục ngang ngược cho rằng, “Tinh thần Cách mạng Tháng Mười và những thành quả lịch sử cũng như những cống hiến to lớn của nhân dân các dân tộc trong Liên bang Xô-viết đối với loài người mãi mãi không bao giờ phai mờ, mãi mãi sẽ còn ghi đậm trong tâm trí của mọi người có lương tri trên toàn thế giới!” [1]
Giữa khi ấy trong đối nội từ Đỗ Mười tới Nguyễn Phú Trọng cũng không dám nhìn nhận các biện pháp kìm kẹp tư tưởng và sáng kiến của nhân dân là sai lầm, phá hoại nội lực. Trong khi Đỗ Mười bị bệnh điên khùng nhưng vẫn trở thành thủ lãnh cực kì giáo điều và độc tài đàn áp nhân dân và phá hoại đất nước gần cả nửa thế kỉ, qua nhiều chức vụ khác nhau từ đầu thập niên 70 thế kỉ trước tới thập niên đầu Thế kỉ 21, đã mù quáng, thiếu văn hóa và lỗ mãng phán rằng:
“Trong điều kiện nước ta hiện nay không có sự cần thiết khách quan để lập nên cơ chế chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập. Thừa nhận đa đảng đối lập có nghĩa là tạo điều kiện cho sự ngóc đầu dậy ngay tức khắc và một cách hợp pháp các lực lượng phản động, phục thù trong nước và từ nước ngoài trở về hoạt động chống tổ quốc, chống nhân dân, chống chế độ.” [2]
Nối gót bạo chúa Thái thượng hoàng Đỗ Mười trong chính sách kìm kẹp dân trí và phá hoại nội lực, Nguyễn Phú Trọng cũng vẫn giữ thói cao ngạo CS: “Từ thực tế thì thấy là, chúng tôi thực hiện một đảng vẫn là hiệu quả nhất “ và còn hống hách tước quyền tự quyết của nhân dân VN: “Chúng tôi nói là, ở VN chưa thấy sự cần thiết khách quan cần phải có chế độ đa đảng.”!!! [3]
Chính vì những chính sách nội trị và đối ngoại cực kì sai lầm suốt trên bẩy thập niên vừa qua nên kết quả thực tiễn hiện nay là lợi tức đầu người của VN mới chỉ đạt ở mức trung bình thấp khoảng trên 2000 USD/năm, theo tiêu chuẩn quốc tế. Hãy nhìn vào hàng chục triệu nông dân vẫn phải canh tác theo lối con trâu đi trước cái cày đi sau như những thế kỉ trước. Hãy nhìn vào hàng triệu công nhân phải làm gia công, sống đói rách trong các phòng trọ “như chuồng gà”. Hãy nhìn vào các thanh niên và cả phụ nữ còn con thơ, nhưng đang bị giam giữ, chỉ vì không thể nhắm mắt làm ngơ trước những sai trái của bạo quyền đang tước đoạt các quyền tự do dân chủ căn bản của nhân dân. Hãy nhìn vào các hải đảo của VN đang bị phương Bắc chiếm đóng. Hãy nhìn lên những người đang có quyền lực trong Bộ chính trị (BCT), cả nhiều tướng Công an và Quân đội; họ đang sống phè phỡn trong những biệt điện, nhà lầu được xây dựng từ những đống tiền tham nhũng do chiếm đất, cướp nhà, bóc lột, bóp cổ và đàn áp nhân dân!
Nhưng hãy nhìn sang những nước có hoàn cảnh gần với VN từ sau Thế chiến thứ hai như Nam hàn, Đài loan, Nhật và Đức. Cũng từ những đống tro tàn của chiến tranh và hận thù, nhưng các chính quyền và dân tộc này đã biết lấy nội lực làm căn bản để cùng nhau kề vai sát cánh xây dựng lại đất nước. Nay những quốc gia này đã trở thành những nước công nghiệp hàng đầu, lợi tức đầu người hàng năm lên tới mấy chục ngàn Dollar, các quyền công dân căn bản được tôn trọng, trong đó cả quyền tham dự bình đẳng của công dân vào công việc chung của cộng đồng.
***
Trong những ngày này những người cầm đầu chế độ toàn trị hiện nay đang huy động bộ máy Tuyên giáo, hồ hởi kể lể và tung hô những điều họ gọi là “thành quả 75 năm Cách mạng Tháng 8” (CMT8) theo CNXH. Trên 7 thập niên cầm quyền, trong chính trị thì đây là thời gian khá dài để chứng tỏ tư duy, thái độ và bản lĩnh của chính đảng cầm quyền và những người lãnh đạo xuyên qua 3-4 thế hệ như thế nào. 75 năm sau “CMT8” nhưng những người cầm đầu và có trách nhiệm hiện nay đã nghĩ như thế nào và nói gì những thành quả 75 cai trị trong việc thực hiện nội trị và đối ngoại của họ? Họ có sáng suốt và thái độ thành thực để nhìn ra những sai lầm, những tội ác gây ra cho nhân dân và đẩy đất nước vào lệ thuộc đế quốc? Họ có bản lĩnh và lòng tự trọng dám rũ bỏ những tư duy sai lầm và thái độ lừa đảo?
Mới đây đúng vào dịp kỉ niệm 75 năm thành lập ngành Công an (CA), Tô Lâm, Ủy viên BCT và bộ trưởng CA, lại vẫn không thấy là tội ác, nhưng vẫn giở thói kiêu ngạo CS hãnh diện kể lại việc CA thực hiện chỉ thị của HCM tổ chức giết hại những người hoạt động chính trị thuộc các chính đảng khác ngay trong giai đoạn đầu sau khi cướp chính quyền!: “Chiến công tiêu biểu, đánh dấu một mốc son chói lọi là khám phá, tiêu diệt tổ chức phản cách mạng Quốc dân Ðảng tại số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) ngày 12-7-1946, khẳng định sức mạnh, uy tín của chính quyền nhân dân, một chiến công oanh liệt của lực lượng CAND trong đấu tranh chống phản cách mạng.” [4]
Chỉ vì mù quáng tôn thờ chủ nghĩa Marx-Lenin nên họ đã thẳng tay đàn áp và thủ tiêu những người khác chính kiến là phá hoại nội lực dân tộc. Cũng vào dịp này tại lễ kỉ niệm 75 năm “Ngày truyền thống Công an” chính Nguyễn Xuân Phúc cũng đã liệt kê các hoạt động đàn áp những người khác chính kiến và kìm kẹp nhân dân của ngành công an suốt 75 năm qua. Ông Phúc vẫn bênh vực thái độ cực kì sai lầm “chỉ biết còn Đảng là còn mình” của ngành công an, gọi đó là hành động “cách mạng” và ra lệnh cho Công an phải trung thành tuyệt đối: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải luôn giữ vững nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện và trực tiếp về mọi mặt của Đảng.” [5]
Như vậy suốt 75 năm Công an đã cực kì tàn ác với dân, nhưng nay cả Nguyễn Xuân Phúc tới Tô Lâm vẫn bám giữ tư duy sai lầm và thái độ cao ngạo CS, đã biến Công an thành lực lượng tay sai cho ĐCS đàn áp dân, lực lượng phá hoại nội lực dân tộc rất tàn bạo! Đúng lí ra cả hai ngành Công an lẫn Quân đội phải đứng ngoài các đảng phái và chỉ biết trung thành với tổ quốc và bảo vệ sinh mạng và các quyền lợi chính đáng của nhân dân!
Trong khi ấy Thường trực Bí thư Trần Quốc Vượng, người đang được Nguyễn Phú Trọng nắm tay chỉ đường để ăn thua với Nguyễn Xuân Phúc vào ghế cao nhất trong Đại hội 13 sắp tới, cũng bôi son trét phấn, tập tành đóng kịch làm như người biết trọng nhân tài, trí thức và văn nghệ sĩ. Sau khi tham dự “Gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ”nhân “kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” ngày 31.7, ông lại chỉ đạo trong dịp Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) “Công bố “Sách vàng sáng tạo VN năm 2020”.[6] Trong những dịp này, Trần Quốc Vượng làm như người giả câm giả điếc không biết rằng, cơ quan Tuyên giáo và MTTQ trực tiếp dưới quyền của BCT và Ban bí thư; từ ngày ĐCSVN cướp chính quyền đã là những trung tâm đàn áp trí thức, văn nghệ sĩ tồi tệ và nham hiểm nhất. Từ việc HCM lừa lọc dựng lên các đảng Dân chủ và Xã hội cuối thập niên 40 để dụ dỗ những nhân sĩ và trí thức nhẹ dạ; rồi tới thanh trừng, bôi nhọ và giam cầm các nhà văn, trí thức tên tuổi trong phong trào Nhân văn Giai phẩm trong thập niên 50; hay do tranh chấp về đường lối trong BCT nên phe Lê Duẩn đã dựng lên vụ “Xét lại chống Đảng” trong thập niên 60-70 để cô lập các Võ Nguyên giáp và nhiều cán bộ cao cấp và nhân sĩ tên tuổi; lập ra Mặt trận Giải phóng miền Nam cuối năm 1960 để che mắt nhân dân VN và thế giới gây ra cuộc nội chiến tàn khốc cho dân tộc dưới chiêu bài “chiến tranh giải phóng”; tới giả vờ hồ hởi tuyên bố “cởi trói” cho các người cầm bút và trí thức thời Nguyễn Văn Linh, nhưng sau đó lại loại Trần Xuân Bách khỏi BCT và Trung tướng Trần Độ khỏi Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương trong thập niên 90, chỉ vì những người này công khai phản biện đòi Đổi mới phải đi bằng cả hai chân chính trị và kinh tế!
Dưới thời Nguyễn Phú Trọng vẫn mở miệng than thở là làm sao không có những tác phẩm văn học có giá trị và những học giả có tầm vóc quốc tế. Nhưng chính ông ta vẫn hằn học và đe dọa những trí thức và văn nghệ sĩ tên tuổi, kể cả những đảng viên tiến bộ và ra lệnh cực kì phản động: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước… dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước” và “không để tư nhân sở hữu báo chí”. [7]
Trong bài giới thiệu các văn kiện của Đại hội 13 vào đầu năm tới ông Trọng vẫn hầm hè đe dọa các đảng viên tiến bộ, không để “chệch hướng”, không để “đổi mầu”; nghĩa là trước sau vẫn cột chặt đất nước vào chủ nghĩa sai lầm Marx-Lenin, tiếp tục đàn áp những người dân chủ và kìm kẹp nhân dân![8] Một người nuôi tham vọng cao, nhưng tư duy quá thấp, bản lãnh quá tồi, lại đang bị bệnh nặng. Vì thế Nguyễn Phú Trọng không phải là người giải quyết các vấn nạn khó khăn của dân tộc ta, trái lại đang trở thành gánh nặng và lực cản cho đất nước và cả cho Đảng!
Trong khi ông Tổng-Chủ thẳng tay đàn áp nội lực thì ông Thủ cũng khinh thường các doanh nhân và tư thương VN, nhưng lại ra tay mời đón các “đại bàng” từ bên ngoài!Hiện nay ông Phúc đang bắt toàn chính phủ và các đia phương phải thành lập “Tổ công tác đặc biệt đón “đại bàng đến VN”. Trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 22.5.2020 Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh: “Cần các biện pháp, cách làm thiết thực, cụ thể để tranh thủ luồng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao…” [9] Điều này có nghĩa là, Nguyễn Xuân Phúc đang trải thảm đỏ mời các đại tư bản nước ngoài vào làm ăn ở VN được hưởng những ưu đãi tối đa về sử dụng đất, xây nhà, mức thuế thấp nhất và còn được tự do chuyển lợi nhuận về các công ti mẹ ở nước ngoài! Hậu quả tất yếu là hàng triệu công nhân VN chỉ làm gia công, nhận đồng lương chết đói, vợ chồng và con cái phải sống trong những phòng trọ chật chội như những “chuồng gà”. Chủ trương kinh trong trọng ngoài dẫn tới các doanh nhân và tư thương VN bị chèn ép một cổ hai tròng, vừa bị các xí nghiệp ngoại quốc đè nén, lại bị các quan đỏ tham nhũng chấn lột! Đây là một nguyên nhân chính khiến kinh tế VN suốt mấy chục năm qua không thể ngóc đầu lên được và chủ trương của Đảng đưa VN trở thành nước công nghiệp vào năm nay (2020) hoàn toàn thất bại![10]
***
Nhân dịp nhìn lại các kết quả 75 năm của “Cách mạng Tháng 8” không thể bỏ qua hậu quả cực kì nguy hiểm sau 30 năm Hội nghị bí mật Thành đô để nhận rõ tư duy sai lầm, thái độ và bản lĩnh cực kì tồi tệ của những người cầm đầu CSVN khi ấy và hiện nay. Hai biến cố lịch sử này không chỉ trùng hợp ngày tháng mà còn trùng hợp cả về tư duy, thái độ và bản lãnh của những người cầm đầu CSVN từ 1945 tới nay! Đây chính là NHÂN và QUẢ bắt nguồn từ những tuy duy, thái độ và hành động cực kì sai lầm và nguy hại từ người sáng lập ĐCSVN tới những người đang nắm quyền lực hiện nay.
Cũng vào dịp Cách mạng Tháng 8, 30 năm trước đây Bắc kinh đã phủ dụ được Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng âm thầm bí mật sang Thành đô (Tứ xuyên, Trung quốc) gặp nhau tại nhà khách Kim ngưu (Trâu vàng) 3-4.9.1990 xin cầu hòa với điều kiện chấp nhận yêu sách của Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng là “khép lại quá khứ”! Khi ấy vị thế của chế độ toàn trị CSVN đang gian nguy như sợi chỉ treo ngàn cân. Bên ngoài thì BK mở cuộc chiến ở biên giới phía Bắc từ 1979, đồng thời viện trợ súng đạn cho Pol Pot để quân đội CSVN bị sa lầy ở chiến trường Kampuchia. Cùng lúc đó Hà nội còn bị Mĩ và phương Tây phong tỏa kinh tế và ngoại giao, còn Liên xô -cái phao cuối cùng của CSVN- cũng đang tan rã. Trong khi đó nạn đói khủng khiếp bùng nổ ở trong nước và nạn lạm phát phi mã lên tới 700-800%.
Cho nên chỉ vài tháng sau Đại hội 6 (12.1986) một số người có quyền lực khi ấy là Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã tổ chức những cuộc họp bí mật để bàn về chính sách đối ngoại, cụ thể là với BK, để cứu chế độ và chính tương lai chính trị của họ. Khi đó câu hỏi trung tâm được họ nêu ra trong các cuộc họp bí mật là, giữa XHCN và chủ nghĩa bá quyền thì những người cầm đầu CS Trung quốc coi bên nào nặng hơn? Cả ba người trên đã tin rằng, các người cầm đầu CSTQ đặt tình đồng chí cao hơn chủ nghĩa dân tộc cực đoan!!! Cho nên họ tin rằng, nếu CSTQ trụ được thì CSVN cũng trụ được! Vì tin như thế nên họ thỏa thuận với BK là, các vấn đề tranh chấp trên biên giới và biển Đông chỉ giải quyết song phương giữa hai nước và không để quốc tế hóa, đồng thời không bên nào được quyền làm phức tạp thêm tình hình.
Nhưng tình hình ở biên giới và biển Đông 30 năm qua diễn ra có đúng như sự tin tưởng của Hà nội? Bắc kinh có giữ lời hứa không? Phía nào đang hưởng lại, bên nào đang bị thiệt hại? Câu trả lời rõ rệt nhất thể hiện rất rõ xuyên qua một chuỗi các sự kiện: Hiệp ước Biên giới giữa hai nước 30.12.1999. BK nhiều lần cho các tầu hải giám và tầu thăm dò dầu khí xâm phạm trắng trợn thềm lục địa VN trong các năm 2011, 2014 và nhất là trong mấy năm gần đây. BK còn trắng trợn biến các đảo xâm chiếm thành các tiền đồn đe dọa an ninh và quốc phòng của VN và đường hàng hải quốc tế; ngăn chặn VN khai thác tài nguyên ngay trên thềm lục địa VN; bắn phá các thuyền đánh cá và giết hại ngư dân VN!
Trước những hành động xâm lấn trắng trợn trên của bá quyền BK, Nguyễn Phú Trọng vẫn im lặng vì đã từng tuyên bố “Tình hình biển Đông không có gì mới” và tiếp tục đưa ra chủ trương “4 không”: “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”[11]
Những hành động bá quyền ngang ngược trên biển Đông chính là mưu đồ của Tập Cận Bình từng bộc lộ trong nhiều dịp là thể hiện “Giấc mơ vĩ đại của Trung quốc” với mục tiêu đưa Trung quốc sẽ trở thành siêu cường số 1 trên thế giới vào giữa Thế kỉ 21 vào dịp kỉ niệm 100 năm ĐCSTQ chiếm đóng lục địa Trung hoa.
Riêng trực tiếp với VN, Nguyễn Phú Trọng trải thảm đỏ mời họ Tập đọc diễn văn trước Quốc hội ở Hà nội ngày 6.11.2015. Trong diễn văn dài 20 phút Tập Cận Bình đã giảng dậy cho những người cầm đầu CSVN thế nào là chủ trương và cách thực hiện chính sách “4 tốt”của Bắc kinh và nhắc nhở phải tin vào “lòng tốt” của Bắc kinh: “ Tín giả, giao hữu chi bản” ( lòng tin là cái căn bản để xây dựng tình bạn).” [12]
Họ Tập còn rót vào tai Nguyễn Phú Trọng và 500 đại biểu QH hãy tin vào “4 tốt” của BK:
“Thứ nhất, Trung Quốc Việt Nam cần là đồng chí tốt có thể tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau… Chế độ chính trị của hai nước tương đồng, lí tưởng và niềm tin giống nhau, có chung lợi ích chiến lược. Trung Quốc, Việt Nam kiên trì với sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, kiên trì đi theo con đường Chủ nghĩa xã hội…”
500 đại biểu Quốc hội còn phải vảnh tai nghe họ Tập xuyên tạc lịch sự rằng, người Hán không có cái “Gen” xâm lấn các dân tộc khác!” Nhưng chỉ một ngày sau, tại Singapur Tập Cận Bình đã nói toạc ý đồ bá quyền thực sự:
“Hãy để tôi nói rõ: những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung quốc kể từ thời xa xưa”. Họ Tập còn đe dọa “Chính quyền Trung quốc có nhiệm vụ phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích chính đáng của Trung quốc.” [13]
Những sự kiện trên đã chứng minh rõ ràng là, trong chính sách đối ngoại những người cầm đầu CSVN từ HCM cho tới Nguyễn Phú Trọng chỉ toàn là những người mơ mộng hão huyền, lại mang bệnh tư ti nhược tiểu, cho nên đã bị lừa đảo bao nhiêu lần. Chính cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ khi phân tích về Hội nghị Thành đô cũng đã thấy rất rõ sự ngờ ngệch trong đối ngoại như nuôi ong tay áo của những người cầm đầu CSVN, nên đã phải than rằng:
“Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là TQ sẽ giương cao ngọn cờ CNXH, thay thế cho Liên xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng VN và CNXH thế giới!”[14]
Để độc giả hiểu rõ thêm về vấn đề quan trọng này, dưới đây là trích phần: “Hội nghị Thành đô – Cầu hòa với Bắc kinh ở thế “Kim ngưu”, Chương hai, VII, Tập I “Việt Nam “Đổi mới”?! Hay: Treo đầu dê, bán thịt chó!” của tác giả vừa xuất bản trong năm 2019. Qua đó thấy rõ quan hệ NHÂN-QUẢ giữa CMT8 và Hội nghị Thành đô cực kì nguy hiểm cho VN![15]
__________
Hội nghị Thành đô – Cầu hòa với Bắc kinh ở thế “Kim ngưu”
Trong quan hệ VN-TQ sau 1975 có lẽ Hội nghị Thành đô ở Tứ xuyên (TQ) vào đầu tháng 9.1990 có tầm quan trọng đặc biệt, nó ảnh hưởng trực tiếp sâu xa và lâu dài tới ngoại giao và an ninh quốc phòng của VN nói chung và cả thái độ của chế độ toàn trị đối với nhân dân nói riêng, đặc biệt đối với các giới trong xã hội và cả một phần quan trọng trong đảng muốn có một VN độc lập. Vì từ sau Hội nghị này, chế độ toàn trị phải hủy bỏ các lễ kỉ niệm hàng năm về cuộc chiến tranh biên giới đầu 1979 để thực hiện yêu cầu “khép lại quá khứ” của cựu thù; không những thế còn cấm đoán và đàn áp nhân dân tham gia các cuộc thăm viếng các nghĩa trang chôn cất các bộ đội đã hi sinh cho cuộc chiến này! Đặc biệt nghiêm trọng là nhóm cầm đầu dùng mọi cách cấm đoán, đàn áp các cuộc biểu tình của thanh niên và trí thức và bắt giam nhiều người trong các cuộc biểu tình tố cáo các hành động xâm lấn của TQ trên biển Đông.
Hội nghị Thành đô đánh dấu sự thay đổi sâu sắc và toàn bộ của chế độ toàn trị không chỉ về chiến lược ngoại giao-quốc phòng và an ninh, mà còn quyết định cả mục tiêu dài hạn trong các lãnh vực này. Liệu những người có trách nhiệm trong quyết định này khi đó có đủ sáng suốt, bình tĩnh và tầm nhìn về những hậu quả về những việc làm của họ đối với VN, hay chỉ giải quyết theo tình thế để nhằm cứu đảng như các giai đoạn 1944 – 45, khi tìm cách mua chuộc -bằng các kí lô vàng quyên được từ nhân dân qua “Tuần lễ vàng”- các tướng của đoàn quân Tưởng Giới Thạch xuống miền Bắc tiếp quản và giải giới quân đội Nhật cuối Thế chiến Thứ 2[16]. Hay cũng như kế hoãn binh tạm hòa với Pháp để cứu chính quyền CS mới thoát nôi vài tháng qua thủ đoạn HCM đội lốt chính quyền Việt Minh sang Pháp đàm phán nhưng giao cho Võ Nguyên Giáp (BT Nội vụ) và Huỳnh Thúc Kháng thẳng tay đàn áp các đảng đối lập không CS ở trong nước. Tất cả những thủ thuật chính trị quỉ quyệt và tàn bạo này đã được HCM lập lại với câu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phải cứu đảng bằng mọi giá!
Đã gần 30 năm trôi qua nhưng BCT vẫn giữ bí mật và không dám công bố các tài liệu trực tiếp liên hệ tới Hội nghị Thành đô cũng như tiến trình đi tới quyết định để TBT Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch HĐCP Đỗ Mười và Cố vấn BCHTU Phạm Văn Đồng thân hành bí mật sang gặp TBT Giang Trạch Dân và TT Lý Bằng tại “Kim ngưu tân quán” (Nhà khách chính phủ) ở Thành đô (Tứ xuyên) ngày 3 và 4. 9.1990.[17] Đây vẫn là thái độ cực kì sai lầm coi việc nước, việc chung liên quan tới tương lai cả một dân tộc là chuyện riêng của một nhóm vài người. Nhưng đây cũng chứng tỏ sự lo ngại của chế độ toàn trị trước phản ứng của dư luận về quyết định đi họp Hội nghị Thành đô. Một số những tài liệu bên lề do một số cán bộ cao cấp, như Hồi ức của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ, hay của nhân vật chính trong cuộc nhưng để một thân tín viết lại như sách kể về Tướng Lê Đức Anh của Đại tá Khuất Biên Hòa…Qua đó Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Lê Đức Anh được coi là những người chủ động trong kế hoạch Thành đô. Các cố vấn BCHTU Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ vì lí do sức khỏe chỉ đóng vai cố vấn nhiều hơn. Riêng Trường Chinh chỉ tham dự một số cuộc họp của BCT thảo luận về chính sách mới với BK, nhưng ông đã mất cuối tháng 9.1988.
Chỉ sau Đại hội 6 vài tháng, đầu tháng 3.1987 BCT đã họp để bàn về chính sách đối với TQ. Điều nên để ý là, cuộc họp quan trọng này đã không diễn ra ở trụ sở Trung ương đảng như thường lệ, nhưng lại tại “Nhà Con rồng-Bộ Quốc phòng”. Đáng chú ý nữa, đây không phải là cuộc họp BCT bình thường mà lại là “Bộ Chính trị hẹp”, tức là chỉ có mặt những nhân vật chính có tiếng nói quyết định. Theo lời thuật lại của tướng Lê Đức Anh qua ngòi bút của Khuất Biên Hòa, trong cuộc họp này chỉ có Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nguyễn Cơ Thạch và Lê Đức Anh cùng các Cố vấn BCHTU Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Mới từ tháng 12. 86 Lê Đức Anh thay Lê Trọng Tấn làm Tổng Tham mưu trưởng (mất đột ngột, trước ĐH 6 được coi là người sẽ giữ chức bộ trưởng Quốc phòng) và từ giữa tháng 2.87 nắm chức bộ trưởng Quốc phòng. Lê Đức Anh không chỉ tường thuật cho BCT tình hình quận sự ở biên giới Việt-Trung ông vừa quan sát trở về, mà còn đưa ý kiến về chính sách đối với BK và Wahington. Trong đó cho thấy Lê Đức Anh tin và còn bào chữa cho BK, nhưng vẫn kết án Washington: “Tôi thấy rằng họ không có ý đồ xâm lược, mà họ gây xung đột biên giới với ta nhằm một mục đích khác, ngoài ý đồ xâm lược. Còn Mỹ, sau thất bại chiến tranh VN, Mỹ cấu kết với phản động quốc tế, dùng Pôn Pốt ở Cam-pu-chia đánh ta để trả thù, làm cho ta suy yếu và ngăn chặn sự ảnh hưởng của VN với khu vực.”[18]
Theo Trần Quang Cơ thì trong cuộc họp hai giả thuyết chính về TQ đã được nêu ra thảo luận là, giữa XHCN và bá quyền thì BK coi bên nào nặng hơn; Nguyễn Văn Linh tin rằng BK vẫn đặt nặng yếu tố XHCN hơn.[19] Điều cần lưu ý là, sau cuộc “họp BCT hẹp” này Lê Đức Anh đã được giao công tác chính trong việc soạn thảo chính sách đối với BK. Đúng ra lãnh vực ngoại giao thì thuộc thẩm quyền của của bộ Ngoại giao, đứng đầu khi ấy là Nguyễn Cơ Thạch. Như vậy đã cho thấy ông Thạch bị mất ảnh hưởng. Lí do dẫn tới tình hình này đến từ hai phía, BK không tin tưởng là Nguyễn Cơ Thạch muốn có một đường lối thân thiện với họ, trong khi đó cả Nguyễn Văn Linh lẫn Đỗ Mười đang muốn chuẩn bị một thế ngoại giao mới để mở đường thoát khi cần thiết. Đây là kết quả các chuyến sang Mạc tư khoa để cầu viện thất bại của hai người trong vài năm qua. Họ còn chứng kiến tận mắt những thay đổi chính trị ngày càng sâu rộng ở Liên xô từ khi Gorbatschow làm TBT từ đầu 1985.
Các biến động chính trị ở Liên xô và Đông Âu, các nước CS từng là chỗ dựa tin cậy cho CSVN suốt nhiều thập kỉ, đã gây nên sự hoảng sợ rất trầm trọng cho HN, như người gặp trận động đất kinh hoàng. Vì thế khi ấy nhóm cầm đầu CSVN, nhất là những nhân vật bảo thủ giáo điều, đã có những phản ứng co cụm như một hành động phản xạ khi gặp tình thế nguy nan. Trong hoàn cảnh đó họ lại vội vã mở cái túi bọc ra đọc câu thần chú “dĩ bất biến, ứng vạn biến”! Làm sao cứu đảng, cứu chế độ, cứu chính mình đây? Tình hình thế giới cuối thập niên 80 có những đặc điểm rất rõ ràng: Đông Âu CS đang tan rã. Liên xô đang rơi vào tổng khủng hoảng do cuộc cải tổ “Perestroika” và “Glasnost” của Gorbatschow. TQ đang bị rối loạn sau biến cố Thiên an môn. Trong khi ấy Mĩ và đồng minh ở Tây Âu đang vượt lên cả thế và lực. Lần đầu tiên từ sau Thế chiến Thứ hai HK trở thành siêu cường duy nhất cả về chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự.
Dưới con mắt của Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và những nhân vật giáo điều bảo thủ trong BCT thì cựu thù Mĩ trước sau vẫn là đối thủ nguy hiểm chỉ tìm cách xóa bỏ chế độ toàn trị ở VN để rửa nhục. Trong khi Hoa kì (HK) và Liên xô đang xích lại với nhau do những cải tổ cởi mở của Gorbatschow, thì HK và EU lại kết án chà đạp nhân quyền và tẩy chay BK sau biến cố Thiên an môn. Trong hoàn cảnh đó từ Nguyễn Văn Linh tới Đỗ Mười, Lê Đức Anh thấy là chỉ còn BK có thể dựa vào. Vì ĐCS TQ vẫn nắm chủ động. Giữa các yếu tố BK bá quyền hay BK CS thì những người có quyền lực trong BCT lúc đó tin ở BK CS nhiều hơn. Tháng 9.89 Đặng Tiểu Bình đã bắn tiếng cho Hà nội (HN) là, BK muốn cùng với HN và Bình nhưỡng lập thế tam giác sắt để bảo vệ thành trì XHCN ở Á châu.[20] Liên xô không còn là chỗ dựa đáng tin cậy nữa, trong khi đó Chủ nghĩa Tư bản do Mĩ cầm đầu đang đe dọa sự sống còn của CSVN. “Vạn biến” của họ trong lúc này là phải cầu hòa -sẵn sàng làm thân “Câu Tiễn”- với BK để giữ cái “bất biến” là giữ độc quyền cho ĐCS! Điều này trùng hợp với lo lắng và ước muốn của Nguyễn Văn Linh và nhóm giáo điều trong BCT CSVN. Thái độ này Nguyễn Văn Linh đã nói rõ trong diễn văn bế mạc HNTU 7 (8. 89), như đã trình bày ở trên. Dưới sự môi giới của Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã gặp bí mật Đại sứ TQ ở VN Trương Đức Duy nhiều lần và tiếp đến với Từ Đôn Tín, trợ lý Bộ trưởng ngoại giao TQ, sang HN vào giữa tháng 6.1989 để chuẩn bị chuyến thăm cấp cao ở TQ. Mặc dầu trong dịp này đã xẩy ra va chạm giữa Nguyễn Cơ Thạch với Từ Đôn Tín. Từ đó mọi cuộc tiếp xúc với HN, BK không còn xuyên qua bộ Ngoại giao VN mà đi trực tiếp với BCT.
Ở đây cần phải mở một dấu ngoặc để hiểu thêm về sự kiện tại sao nhóm cầm đầu CSVN đã không ra lệnh nổ súng ở đảo Gạc-ma thuộc quần đảo Trường sa ngày 14.3.1988 khiến 64 binh sĩ Hải quân VN đang trấn đóng bị tầu chiến TQ giết hại. Sự kiện quan trọng là các đơn vị Hải quân VN đóng trên đảo này khi đó đã được lệnh không được bắn trả lại các tầu chiến của Hải quân TQ. Tới nay Lê Đức Anh -khi ấy là bộ trưởng Quốc phòng- vẫn gián tiếp phủ nhận việc ra lệnh. Nhưng nếu so sánh ý định của Nguyễn Văn Linh-Đỗ Mười khi ấy muốn bằng mọi giá cải thiện nhanh bang giao với BK để cứu đảng với thế rất yếu của HN trước BK thì việc HN tránh những va chạm võ trang trên đảo với BK là một khả năng rất lớn.
Theo Đại tá Khuất Biên Hòa, người sau này được Lê Đức Anh giao cho nhiệm vụ viết sách về các hoạt động của ông, đã thuật lại là, liền sau ĐH 6 “ngay đầu năm 1987, có cuộc họp “Bộ Chính trị hẹp” tại Nhà Con rồng-Bộ Quốc phòng” khi ấy hai nhân vật cầm đầu Đảng và Chính phủ tin cậy tân bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh, giao cho nhiệm vụ soạn thảo và thực hiện kế hoạch này. Trong hai lần thị sát biên giới phía Bắc tướng Anh đã ra lệnh cho các đơn vị chính quy phòng thủ biên giới “không bắn, không chửi lại nữa.” Và “họ bắn sang ta bằng đạn pháo, thì ta “bắn lại” bằng tình hữu nghị!”. Sau đó tướng Anh ra lệnh “ cho rút từng phần các đơn vị chủ lực về phía sau, về tuyến hai để đưa dân quân, bộ đội địa phương và bộ đội biên phòng lên tuyến một”. Đây là sách lược “Tháo ngòi nổ xung đột biên giới Việt – Trung” của Lê Đức Anh.[21]
Ý định này tướng Anh cũng đã trình bày thẳng với Đại sứ TQ tại VN Trương Đức Duy trong cuộc gặp bí mật cùng dùng cơm tại bộ Quốc phòng. Khuất Biên Hòa thuật lại lời của Lê Đức Anh nhắn với lãnh đạo CSTQ qua Trương Đức Duy: “Đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, công lao của VN là chính nhưng là công chung của hai Đảng, hai nước. Vậy mà bây giờ tại sao lại xung đột với nhau. Việc này không phải do dân và bộ đội gây ra, mà do lãnh đạo của hai nước gây ra. Đề nghị đồng chí Đại sứ báo cáo với lãnh đạo của TQ. Tôi mới nhận chức nhưng cũng sẽ báo cáo với lãnh đạo của VN; để lãnh đạo hai nước gặp nhau giải quyết việc này”.[22]
Nếu so sánh với Công hàm của TT Phạm Văn Đồng gởi TT TQ Chu Ân Lai 18.9.1958 nhìn nhận quần đảo Hoàng sa là lãnh thổ TQ thì quyết định của Lê Đức Anh ra lệnh không cho các đơn vị Hải quân VN đóng trên Gạc-ma không được nổ súng ngày 14.3.1988 để Hải quân TQ chiếm đảo và giết hại 64 binh sĩ VN đang đồn trú là việc càng hiểu được trong cách tính toán “đảng trước nước sau” của họ không có gì xa lạ. Vì dám “Tháo ngòi nổ xung đột biên giới Việt – Trung” suốt cả trên ngàn cây số thì “tháo ngòi nổ” ở Gạc-ma không phải là chuyện lớn dưới con mắt của Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười khi ấy!
Một dẫn chứng quan trọng khác càng chứng tỏ rõ ràng thêm về ý đồ của Lê Đức Anh tin tưởng và tùng phục BK. Nhân dịp kỉ niệm 33 năm thành lập Quân chủng Hải quân VN (7.5.1955-7.5.1988) Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh đã tới thăm đảo Trường Sa lớn. “Chuyến thăm đảo diễn ra ngay sau khi TQ đánh chiếm Gạc Ma rạng sáng 14/3 làm 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 hy sinh”. Trong dịp này Lê Đức Anh đã có bài diễn văn, trong đó không một lần nói tới hay kết án việc tầu chiến TQ đã giết hại 64 binh sĩ Hải quân VN hai tháng trước vẫn đang gây chấn động và căm thù trong mọi giới, nhưng lại ca ngợi sự giúp đỡ của TQ trong chiến tranh và tình hữu nghị giữa hai nước và còn tin tưởng rằng, CSTQ ngày nay khác với TQ phong kiến trước đây:
“Với mối quan hệ giữa ta và TQ: Trong những năm 50 và những năm 60 quan hệ giữa VN và TQ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trong những năm từ 1965 đến 1970 là rất to lớn và hiệu quả. Nhân dân VN vô cùng biết ơn sự giúp đỡ to lớn đó của nhân dân TQ đã dành cho mình.
Mặt khác, thắng lợi của chúng ta cũng đã góp phần đáng kể phá vỡ sự bao vây của đế quốc Mỹ đối với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Năm 1976, Đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đi thăm và cảm ơn các nước và bầu bạn trên thế giới đã ủng hộ và giúp đỡ VN đánh thắng đế quốc Mỹ. Tới TQ, các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta đã cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của TQ đối với sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân VN, thì người lãnh đạo cao nhất của TQ lúc bấy giờ đã nói: TQ cảm ơn VN, chính nhờ VN chống Mỹ mà Tổng thống Mỹ đã phải thân hành đến TQ để cầu thân với TQ”.
Nói tóm lại, cả hai nước đã giúp đỡ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực, với tinh thần anh em sâu đậm. Chúng ta đinh ninh rằng tình sâu nghĩa nặng đó sẽ kéo dài mãi mãi và nhất định nó sẽ xóa nhòa, đi đến xóa hẳn trong ký ức của dân tộc VN những tội lỗi mà các triều đại phong kiến TQ đã gây đau khổ cho dân tộc VN suốt hàng ngàn năm đô hộ. “[23]
Trong khi đó thái độ giã từ Mạc tư khoa và quay về với BK đã không còn úp mở mà trở thành công khai. Đầu tháng 6.1990 báo chí đưa tin Nguyễn Văn Linh thăm Sứ quán Liên xô và TQ cùng một ngày[24], cử chỉ này là lần đầu tiên sau hơn cả chục năm. Chỉ hơn hai tuần trước khi gặp bí mật ở Thành đô, Đỗ Mười đã công khai hoan nghênh tuyên bố của Thủ tướng TQ Lý Bằng trong chuyến thăm Singapore là “hi vọng sẽ bình thường hóa quan hệ với VN”.[25] Để vận động cho giải pháp hòa với BK, phía HN đã tuyên bố rút quân khỏi Campuchia, đồng thời nhượng bộ yêu sách của BK về “giải pháp đỏ” để Sihanouk và phe Pol pot tham gia chính quyền liên hiệp ở Campuchia.
Cuối tháng 8.90 TBT Giang Trạch Dân và TT Lý Bằng đã mời Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười sang Thành đô họp bí mật để thảo luận về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và giải quyết cuộc chiến Campuchia. BK còn ngỏ là mong cả Cố vấn Phạm Văn Đồng cùng sang vì sẽ có mặt Đặng Tiểu Bình. Họ còn nói, chọn Thành đô để giữ bí mật, vì vào dịp đó TQ đang chuẩn bị Đại hội Thể thao Á châu lần thứ 11 (ASIAD) ở BK từ 22.9-7.10. Hội nghị đã họp tại nhà khách “Kim Ngưu” trong hai ngày 3 – 4. 9.1990. Ngày 2.9 phái đoàn gồm Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng không có bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch sang Thành đô. Sau hai ngày họp hai bên đã kí “Biên bản tóm tắt” gồm 8 điểm. Theo Trần Quang Cơ thì trong đó 7 điểm liên quan tới vấn đề Campuchia, chỉ có một điểm nói về tái lập quan hệ Việt-Trung.[26]
Kết quả Hội nghị Thành đô đã tạo thêm mâu thuẫn ngay trong BCT và gây bất bình gay gắt giữa phe Hun sen với HN. Trong cuộc họp đông đủ của BCT từ 15-17.5.91 ít tuần trước ĐH 7 để tổng kết công tác ngoại giao, Phạm Văn Đồng và Võ Văn Kiệt chỉ trích Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã vội vàng, hớ hênh và mắc bẫy BK trong việc chuẩn bị cũng như trong khi đàm phán. Còn Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Lê Đức Anh thì lại bào chữa cho thái độ của họ. Trong khi hai bên nói là phải giữ “bí mật” về Hội nghị Thành đô, thì Nguyễn Cơ Thạch đã cho biết, BK đã cho phe Hun sen xem băng ghi âm về cuộc hội đàm Trung-Việt cốt để gây chia rẽ. Không những thế BK còn bắn tin để các nước Tây phương biết về cuộc gặp này cũng với mục tiêu tương tự.[27] Nhưng giữa khi ấy HN lại cố tình làm rùm beng chuyến đi của Võ Nguyên Giáp là “khách quí đặc biệt của chính phủ TQ” (19.9) sang dự Đại hội Thể thao Á châu lần thứ 11 và đây là chuyến thăm BK đầu tiên sau hơn 10 năm (26.9).[28] Nhưng vào đúng dịp Võ Nguyên Giáp đang có mặt ở BK thì trong cuộc họp báo ngày 20.9 khi các kí giả nước ngoài hỏi về chuyến đi bí mật sang TQ của TBT Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng có thực hay không và nội dung các vấn đề thảo luận giữa hai bên. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao CSVN đã gián tiếp xác nhận về cuộc họp bí mật này: “Theo yêu cầu của phía TQ, có những cuộc gặp giữa VN và TQ cần phải giữ bí mật”.[29] Tờ Bangkok Post ngày 19.9.90 đã “công khai hoá bản Thoả thuận Thành Đô”, cho biết VN đã đồng ý với TQ về giải pháp giải quyết cuộc chiến Campuchia theo yêu sách của BK.[30]
Vài năm sau cựu Thứ trưởng bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ, người đã tham gia trực tiếp trong nhiều cuộc đàm phán trong tiến trình chuẩn bị cho Hội nghị Thành đô từ 1987, đã nhận định về nguyên nhân và hậu quả của Hội nghị này đối với VN:
“Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là TQ sẽ giương cao ngọn cờ CNXH, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng VN và CNXH thế giới, chống lại hiểm hoạ “diễn biễn hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu.”[31]
Nhưng theo tính toán của nhóm cầm đầu CSVN khi ấy, đặc biệt là Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Lê Đức Anh, việc đạt tới thỏa thuận ở Thành Đô 1990 là một thành công lớn. Vì nó giúp cho họ giải quyết được nhiều khó khăn nan giải trước mắt: 1. Trong thời điểm Liên xô sụp đổ mà được BK che chở, một nước CS lớn với hơn một tỉ người, là một đảm bảo an ninh và thế ngoại giao tốt. 2. Giải quyết được cuộc chiến tranh sa lầy ở Campuchia suốt 10 năm hao người tốn của. Nó còn giúp HN không còn phải đương đầu với cuộc chiến ở biên giới phía Bắc. 3. Nhờ đó có thể giảm quân số, giải quyết nạn đói trầm trọng. 4. Hòa với BK và chấm dứt chiến tranh Campuchia còn giúp HN giải tỏa được bao vây ngoại giao và kinh tế của Mĩ và Tây phương, tạo thế thuận lợi hơn trong việc đàm phán về kinh tế-thương mại với Mĩ, EU và các nước trong khu vực Đông á và Đông nam á để thiết lập thị trường mới và thu hút vốn đầu tư để sớm phục hồi nền kinh tế VN đang trong thời kì suy vong.
______
Ghi chú:
[1] . Nguyễn Phú Trọng diễn văn tại Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917 – 2017), Nhân dân 5.11.17
[2] . Đỗ Mười, Báo cáo chính trị tại Đại hội 7; Âu Dương Thệ, Việt Nam „Đổi mới“ ?! Hay: Treo đầu dê, bán thịt chó!“, Tập II, tr. 243
[3] . Như trên
[4] . Tô Lâm trả lời “Mãi mãi xứng đáng là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Ðảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân“, Nhân dân 18.8.2020
[5] . Chính phủ (CP) 16.8.20 http://baochinhphu.vn/Cac-bai-phat-bieu-cua-Thu-tuong/Phat-bieu-cua-Thu-tuong-tai-Le-ky-niem-75-nam-Ngay-truyen-thong-Cong-an-nhan-dan/404488.vgp
[6] . CP 24.8.20
[7] . Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 10, 12.1.15
[8] . http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Chuan-bi-va-tien-hanh-that-tot-Dai-hoi-XIII-cua-Dang-dua-dat-nuoc-buoc-vao-mot-giai-doan-phat-trien-moi/405736.vgp, CP 1.9.20
[9] . Dân trí 22.5.20
[10] . Âu Dương Thệ, Tập II, Chương chín:Kết quả thực tiễn trên 30 năm “Đổi mới”, sđd. Tr. 177-240
[11]. https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/chinh-sach-quoc-phong-viet-nam-bon-khong-598381.html
[12]. Diễn văn của Tập Cận Bình tại Quốc hội http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/11/151107_xi_jinping_vn_speech_complete].
[13] . Reuters và Thanh niên 7.11.15
[14] .Trần Quang Cơ, Hồi ức, tr. 68
[15] . Âu Dương Thệ, sđd: https://www.amazon.com/Vi%E1%BB%87t-Nam-%C4%90%E1%BB%95i-m%E1%BB%9Bi-Hay/dp/0244794367
[16] . Vương Văn Bắc, Lịch sử chính trị VN hiện đại, Viện Đại học Đà lạt 1966, tr. 100 t.th.; Ông bà Trịnh Văn Bô và căn nhà niềm tin Quốc Phương, BBC 17.11.17, https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42026386; Lê Thiên, Ông bà Trịnh Văn Bô và Bà Cát Hanh Long: Những kẻ bị lừa vì cả tin ông Hồ, Báo Tiếng dân 19-11-2017. Nhà văn Vũ Thư Hiên còn cho biết, HCM ra lệnh cho cha ông (Vũ Đình Huỳnh) phải cung cấp cả thuốc phiện cho các tướng Tầu; Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, sđd., tr. 116.
[17] . Trần Quang Cơ, Hồi ức
[18] . Khuất Biên Hòa, Đại tướng Lê Đức Anh với vấn đề Trung quốc và biển Đông, VNN 1.2.15
[19] . Trần Quang Cơ, nh.t, tr. 18 tt
[20] . China Daily 9.10.89; Âu Dương Thệ, Ngoại giao cho đảng không nhất thiết là ngoại giao của quốc gia, DC&PT số 9,5.97, tr.33
[21]. Khuất Biên Hòa, Đại tướng Lê Đức Anh với vấn đề Trung quốc và biển Đông, VNN 1.2.15
[22] . Sđd.
[23] . Lời thề của Đại tướng Lê Đức Anh ở Trường Sa năm 1988,VNN 14.3.18. Xem thêm: Nhóm biên soạn ‘Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử’ phản đối sự quy chụp chính trị: http://www.lethieunhon.vn/2018/08/nhom-bien-soan-gac-ma-vong-tron-bat-tu.html; VIDEO: Tướng Lê Mã Lương nói về ‘Gạc Ma – Vòng tròn bất tử’, Dân quyền 16.7.18
[24] . ND 6.6.1990
[25] . ND 14.8.1990
[26] . Trần Quang Cơ, sđd, tr. 64 tt.
[27] . Trần Quang Cơ, tt
[28] . ND 19., 26.9.90
[29] . ND 21.9.90
[30] . Trần Quang Cơ, sđd, tr. 64tth
[31] . Trần Quang Cơ, sđd, tr. 68
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.