Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

Giáo dục – bức tranh phác họa nan đề bất tín tại Việt Nam!

 

Giáo dục – bức tranh phác họa nan đề bất tín tại Việt Nam!

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh trên mạng

Tuần trước, cả mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức cùng xôn xao khi có người phát giác, sách Bài tập Toán cho trẻ con lớp một dạy trẻ tập đếm “cơ, rô, chuồn, bích”. Giáo dục, sách giáo khoa,… lại tiếp tục gặp sóng gió!

Đến cuối tuần. một số chuyên gia giáo dục lên tiếng. Chẳng hạn cô Nguyễn Thị Thu Huyền (Tiến sĩ Giáo dục, Hiệu phó trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan ở TP.HCM). Cô Huyền nhận định: Từ hình ảnh “cơ, rô, chuồn, bích”, suy diễn thành tập cho trẻ con làm quen với bài bạc, phản giáo dục, vừa là… quá xa, vừa là sự áp đặt thô bạo quan niệm của một số người lớn lên trẻ em. Cô Huyền đưa ra một số dẫn chứng, chứng minh, cách tiếp nhận tri thức của trẻ con khác với cách cảm nhận của người lớn. Cô giáo này kể thêm một số ví dụ cho thấy, phụ huynh lo lắng thiếu chính xác và thái quá về những nội dung đang được ngành giáo dục dạy cho trẻ con (1)…

Liên quan đến sự kiện vừa kể, có chuyên gia giáo dục như cô Nguyễn Hoàng Ánh (một Phó Giáo sư, Tiến sĩ về giáo dục), không giấu sự bất bình khi bảo rằng: Lực cản lớn nhất đối với giáo dục tại Việt Nam là… phụ huynh (2)!

***

Giữa trận bão dư luận về “cơ, rô, chuồn, bích” trong sách Bài tập Toán của trẻ con lớp một tại Việt Nam, tuần rồi, trên mạng xã hội có một số phụ huynh Việt Nam sống ở Mỹ, chia sẻ thông tin, hình ảnh về gói sách giáo khoa, học cụ mà họ nhận được từ trường để hỗ trợ cho lũ trẻ là con, cháu họ dùng để học tại nhà bởi dịch do COVID-19 gây ra vẫn chưa lắng xuống. Tuy mớ sách giáo khoa, học cụ gửi cho lũ trẻ con đang học lớp một, lớp hai ở Mỹ ấy, có cả những… hột xí ngầu, một… bộ bài 52 lá (3) khiến chính phụ huynh ở Mỹ và những thân hữu của họ tại Việt Nam ngạc nhiên nhưng không có bất kỳ ai nghi ngờ, chỉ trích cả hệ thống giáo dục lẫn chương trình giáo dục ở Mỹ!

Vì sao hình ảnh “cơ, rô, chuồn, bích” in trong sách giáo khoa chỉ có thể gây bão dư luận ở Việt Nam, chứ không bị phản đối ở Mỹ, dù hệ thống giáo dục Mỹ, chương trình giáo dục Mỹ không chỉ in mà còn gửi cả… công cụ và trẻ con có thể sử dụng để rèn luyện… kỹ năng bài bạc? Không cần mất nhiều thời gian để đọc – đối chiếu – ngẫm nghĩ vẫn có thể tìm ra câu trả lời một cách dễ dàng: Phụ huynh người Việt sống tại Mỹ và phụ huynh người Việt sống tại Việt Nam, không nghi ngờ hệ thống giáo dục, chương trình giáo dục trẻ con tại Mỹ, cho dù hệ thống giáo dục và chương trình giáo dục này cung cấp cả… xí ngầu, cũng như một… bộ bài đủ 52 lá cho trẻ con!

Vì sao phụ huynh người Việt nói riêng và người Việt nói chung lo lắng thiếu chính xác và thái quá về những nội dung đang được ngành giáo dục dạy cho trẻ con? Thậm chí có những biểu hiện và phản ứng đến mức một số chuyên gia giáo dục phải lên tiếng than phiền như cô Nguyễn Hoàng Ánh: Lực cản lớn nhất đối với giáo dục tại Việt Nam là… phụ huynh?

***

Khoan bàn đến chuyện đúng – sai đối với những ý kiến, nhận định như đã dẫn từ các chuyên gia giáo dục ở phần đầu của bài viết này. Thêm một lần nữa, thực tế chỉ ra, vấn đề cốt lõi của giáo dục nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung là công chúng… bất tín cả về thành tâm, thiện ý của những viên chức đứng đầu các hệ thống, lẫn khả năng quản trị, điều hành của các hệ thống này! Làm sao có thể trấn an phụ huynh nói riêng và công chúng nói chung khi thực thi “miễn học phí” cho giáo dục công lập nhưng những khoản ”phụ phí” khiến “tiền trường” càng ngày càng nặng, phụ huynh phải đóng cả tiền… ghế (4), giáo dục không còn là phúc lợi công cộng và nghèo khó đồng nghĩa với thất học?

Làm sao có thể tạo ra sự tin cậy đối với nỗ lực “đổi mới giáo dục”, gầy dựng được thiện cảm và sự tín nhiệm đối với “chương trình mới” khi giá bán sách giáo khoa năm sau luôn luôn cao hơn năm trước với rất nhiều lỗi về… kiến thức căn bản (5)?

Giáo dục chỉ là một trong nhiều lĩnh vực cho thấy sự bất tín của công chúng đã đến mức độ có thể hủy diệt cả cái đúng và cản trở nỗ lực cải sửa. Nếu không có tình trạng vàng, thau lẫn lộn, ắt không có lo lắng thiếu chính xác và thái quá. Vì sao?

Có phải vì những lời vàng, ý ngọc về sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội, về việc phải xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa,… luôn luôn song hành với việc liên tục cắt bỏ thẳng tay các khoản đầu tư lẽ ra phải hết sức thỏa đáng cho phúc lợi xã hội để hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tiếp tục phung phí công qũy? Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đừng dùng phần lớn công quỹ cho việc nuôi… công bộc, cho những dự án nhằm tô vẽ định hướng,hoặc những hoạt động như… đại hội đảng các cấp, Ban Giám hiệu nhiều trường học trên khắp Việt Nam sẽ không phải, không có lý do để mạnh dạn đặt ra những khoản phí như… “tiền ghế” !

Cứ nhìn và ngẫm nghĩ ắt sẽ thấy, bất tín không chỉ hủy diệt giáo dục mà đang hủy diệt cả phần hồn lẫn phần xác của một dân tộc! Một dân tộc bị lừa gạt đến mức luôn phải đề cao cảnh giác, phân hóa do nghi ngại mọi thứ thì tương lai dân tộc đó ra sao?

Chú thích

(1) https://afamily.vn/vu-viec-vo-bai-tap-toan-lop-1-day-tre-bai-bac-qua-viec-dem-co-ro-chuon-bich-tien-si-giao-duc-nguyen-thi-thu-huyen-len-tieng-20200916185627095.chn

(2) https://baoquocte.vn/pgsts-nguyen-hoang-anh-phu-huynh-viet-moi-la-luc-can-lon-nhat-cua-giao-duc-124077.html

(3) https://www.facebook.com/dongle.huynh/posts/3890808154266869

(4) https://tuoitre.vn/tp-hcm-yeu-cau-dung-thu-tra-lai-tien-ghe-ngoi-hoc-sinh-cho-phu-huynh-20200914082359863.htm

(5) https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/sach-toan-in-hinh-nghe-si-cai-luong-sach-van-16-nam-ghi-sai-ten-tac-gia-673843.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.