Cướp đất ở Đồng Tâm và chia ghế ở Ba Đình
Lê Văn Đoành
19-9-2020
Từ “chiến công”…
Vụ án Đồng Tâm đã kết thúc. Những ai có lương tri sẽ mãi nhớ thời khắc rạng sáng ngày 9/1/2020, nhằm đúng Rằm tháng Chạp năm Kỷ Hợi. Đúng cái Rằm cuối cùng trong năm, khi người dân trên cả nước sắp đón giao thừa năm Canh Tý, thì những người cộng sản đã huy động ba ngàn an ninh, cảnh sát, trang bị vũ khí tận răng, chỉ để tấn công một ngôi làng nhỏ ở đồng quê miền Bắc.
Tại đây, họ đã bắn chết và phanh thây một cụ già đảng viên ở tuổi “gần đất xa trời” cả đời theo Đảng, và bắt đi cả gia quyến của cụ, với lý do muôn thuở: Cướp đất!
Nhân dân miền Nam nói riêng và cả nước nói chung, bỗng rùng mình nhớ lại cuộc tấn công có phối hợp gần 100 ngàn quân cộng sản trong tháng 1/1968 vào các đô thị lớn, Huế, Sài Gòn và gần 100 địa điểm khác ngay đêm giao thừa Tết Mậu Thân. Hàng chục ngàn người dân vô tội trong các thành phố lớn ở miền Nam đã bị cộng sản giết hại một cách man rợ đến tàn bạo…
Trở lại câu chuyện Đồng Tâm. Mặc dù đã giết ông Lê Đình Kình và hốt hết gia đình ông, bằng một kế hoạch bài bản tuyệt mật, được Bộ Chính trị phê duyệt, với phương thức tổng lực chiến trường, song nhà cầm quyền vẫn chưa yên tâm.
Phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm với cái kết kinh khủng như mọi người đã rõ. Hai án tử hình dành cho hai con trai ông Kình và một án chung thân dành cho cháu nội, cùng một số bản án tù giam cho nhiều người khác…
Sợ dư luận, sợ cộng đồng xã hội nguyền rủa và lên án, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phải ra văn bản định hướng và răn đe báo chí quốc doanh. Cả hệ thống chính trị được huy động để lấp liếm cho hành động dã man của nhà cầm quyền đối với vụ án Đồng Tâm.
“Hèn với giặc, ác với dân” có lẽ đó là phương châm hành động của nhà nước cộng sản Việt Nam. Nếu ai còn nghi ngờ, hãy xem lại “Thư của ông Chu Đình Xương gởi BCH Trung ương đảng CSVN tháng 2/1983” đăng trên trang Tiếng Dân hôm 12/9/2020. Hàng trăm ngàn đảng viên CSVN đã chết dưới “mặt trời chân lý” của Mao Trạch Đông trong tuyệt chiêu “mượn dao giết người” trong Cải cách ruộng đất và nhiều năm sau đó.
Có lẽ vì là đồng chí nên mọi việc lớn, nhỏ, Việt Nam đều phải tham vấn Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Hà Nội tự nguyện làm “đồ đệ” của họ, chấp nhận phụ thuộc toàn diện. Vì tình “đồng chí”, Việt Nam không dám công khai vạch tội Trung Quốc ăn hiếp ngư dân Việt, luôn phải gọi chệch tội của Trung Quốc thành “nước lạ”, “tàu lạ”. Nhất cử nhất động, họ đều sợ Trung Quốc phật ý, trái với “nhận thức cấp cao” giữa hai Đảng mà Trung Quốc đã cột chặt.
Ở trong nước, bất cứ ai nhắc đến dã tâm của Trung Quốc cũng bị coi là làm ảnh hưởng đại cục, chống phá nhà nước. Nhiều người chỉ vì lòng yêu nước mà gặp họa, bị tù đày, tra tấn, khủng bố cuộc sống…
Thảm án Đồng Tâm chính là “bản sao” mà nhà cầm quyền Việt Nam học tập từ nhà nước cộng sản Trung Quốc trong các cuộc cướp đất, thảm sát đẫm máu tại Tân Cương, Tây Tạng.
Đất Đồng Tâm cướp được, rồi sẽ được chia cho “nhóm lợi ích”, chúng sẽ phân lô bán nền như ở Cồn Dầu, Đà Nẵng, hay Thủ Thiêm ở thành Hồ. Những lâu đài nguy nga tráng lệ, những villa, biệt phủ của quan chức và sân sau của chúng sẽ mọc lên ngay trong từng mét đất nhuộm máu dân lành.
Đến tiếp diễn thanh trừng…
Đầu tháng 10/2020, đảng CSVN sẽ khai mạc hội nghị 13 khoá XII để sắp xếp ghế chính thức cho “ngôi vua tập thể”. Dù chưa xảy ra những “phát súng Yên Bái” nã thẳng vào các đối thủ chính trị, nhưng trong đầu những nhân vật cấp cao đều chứa đầy những mưu mô, quỷ kế.
Nguyễn Đức Chung, ứng viên sáng giá tranh vé Bộ Chính trị, đang bị tạm giam tại B14. Giữa những cơn đau do bệnh ung thư đại tràng, Chung “con” sẽ thấy rõ từng bộ mặt nham nhở, với những nụ cười khả ố và nham hiểm trên khuôn mặt đê tiện của từng chính trị gia mà mình đặt niềm tin và từng ngưỡng mộ.
Tháng 4/2017, Nguyễn Đức Chung nổi lên như một ngôi sao sáng, khi đích thân đi giải cứu 38 cảnh sát cơ động bị bắt làm con tin tại Đồng Tâm. Có lẽ từ ngày ấy, ông Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm đã thấy gai mắt khi bị Chung “con” làm lu mờ.
Giờ đây, sợ phải chết trong tù, Chung “con” làm đơn xin được tại ngoại để chữa bệnh ung thư đại tràng. Xem ra, ân huệ các “đồng chí” dành cho cựu chủ tịch Hà thành gần như không có.
Phạm Minh Chính, một đàn anh kề vai sát cánh với Nguyễn Đức Chung ngày nào, giờ phải đang tránh… bão. Hoàng Trung Hải, vẫn đang nín thở đếm ngược thời gian, lo sợ bị bắt giam vào những tháng cuối cùng của năm nay.
Các ủy viên Bộ chính trị dính dáng đến nhà 3X, đều đã “nhúng chàm”. Có điều ai bị và không bị réo tên mà thôi. Nguyễn Văn Bình, người bị ông Tư Lâu đề nghị tước bỏ ủy viên Bộ chính trị, khởi tố bắt giam, do liên can các vụ án ngân hàng… lâu nay ít chường mặt ra trên truyền thông. Võ Văn Thưởng, “đại đồ đệ” của Lê Thanh Hải, lãnh chúa thành Hồ, dính rất sâu vụ Thủ Thiêm, Vũ “nhôm” và các… hoa hậu quý bà, cũng lo sợ tên mình được xướng lên.
Và chia chác quyền lực
Chính trị như canh bạc. Nếu như từ năm 2013, ai đánh liều hoặc “nhìn xa trông rộng”, nhanh chân đặt “cửa” ông Trọng, thì nay thắng lớn. Những Vương Đình Huệ, Nguyễn Bá Thanh (nếu không chết), Phan Đình Trạc, Nguyễn Hoà Bình, Trương Hoà Bình, Nguyễn Đắc Vinh… đều có cơ hội tiến xa.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, dân Ba Vì, Hà Tây (cũ), là người được Vương Đình Huệ tiến cử với ông Trọng, sẽ thay vị trí của Chung “con”. Một kẻ “thượng đội hạ đạp”, khúm rúm như Chu Ngọc Anh, chỉ dễ sai bảo, chứ làm được gì cho thủ đô.
Người thay Chu Ngọc Anh ở Bộ Khoa học Công nghệ có thể là Nguyễn Hoàng Giang, sinh 1971, quê Hải Phòng, từng là Thư ký riêng của Ngô Văn Dụ, được điều ra Hà Nội hồi tháng 6/2020.
Dư luận đồn đoán, Phan Đình Trạc sẽ được phong Thượng tướng, vào Bộ Chính trị khoá XIII, nắm giữ Bộ Công an. Vương Đình Huệ có thể ngồi ghế Thủ tướng, nếu như Trương Hoà Bình không được hội nghị trung ương 13 giữ lại “nhân sự đặc biệt”.
Nguyễn Đắc Vinh, người được ông Trọng “nâng niu”, sẽ chắc suất vào Ban Bí thư và giữ trọng trách Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Vụ án Hồ Duy Hải sẽ khép lại, nhưng sẽ phải chờ đến khoảng tháng 8 năm 2021, khi mà đại hội XIII và bầu cử quốc hội khoá XV đã chia xong ghế. Nếu Hồ Duy Hải vô tội, thì cả hệ thống chính trị của đảng CSVN sẽ có tội, vì vậy, họ sẽ không chấp nhận điều đó. Cho nên, Hồ Duy Hải vẫn chịu tội tử hình, nhưng sẽ ân xá xuống còn chung thân.
Và dĩ nhiên, số phận chính trị của ông Lê Minh Trí gần như đã được định đoạt trước thềm đại hội. Vụ án Hồ Duy Hải cũng cuốn ông trôi theo luôn. Người ta xầm xì, thật ra ông Trí kháng nghị giám đốc thẩm là “đánh cược” với Nguyễn Hoà Bình, chứ không phải tiếc thương gì cho… thân phận Hồ Duy Hải.
Xong hội nghị 13 sẽ đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, khai mạc vào ngày 20/10/2020. Quốc hội, nơi “thể chế hoá các nghị quyết của đảng” sẽ “diễn” tiếp kịch bản quy trình. Phê chuẩn Bộ trưởng Y tế với Nguyễn Thanh Long, miễn nhiệm bộ trưởng với Chu Ngọc Anh và bãi nhiệm tư cách đại biểu QH của Phạm Phú Quốc.
Cứ như thế, các “quy trình” do những người cộng sản vẽ ra, để dẫn dắt dân tộc này đi theo dấu chân họ, mà không cần phải biết đi đến đâu, về đâu. Họ nghiễm nhiên cai trị bằng bạo lực, dùi cui và sẵn sàng nhả đạn, tàn sát dân chúng nếu như có bạo động xảy ra, đe doạ sự tồn vong của nhà nước cộng sản.
Trung Quốc đã từng đem xe tăng, đại bác nghiền nát hàng vạn sinh viên ở Thiên An môn, thì ai dám bảo sẽ không có lúc, tắm máu ở quảng trường Ba Đình?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.