Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

Tranh luận: Trung Quốc có đe dọa các giá trị tự do, dân chủ phương Tây?

Tranh luận: Trung Quốc có đe dọa các giá trị tự do, dân chủ phương Tây?

Phùng Anh Khương
Ông Donald Trump chào và trò chuyện với các nghệ sĩ hát bội Trung Quốc biểu diễn ở Tử Cấm Thành trong chuyến công du Châu Á của mình hồi năm 2018. Nhiều người cho rằng sự trỗi dậy của Donald Trump ở phương Tây là cơ hội tốt để Trung Quốc vượt mặt Hoa Kỳ. Ảnh: Andrew Harnik/Associated Press

Kỳ 1

Chính quyền Trung Quốc hàng thập niên qua vẫn đã luôn tỏ thái độ thù địch với các giá trị dân chủ, tự do chính trị theo kiểu phương Tây – những thứ mà hàng trăm ngàn người biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989 đã dũng cảm đứng lên đòi hỏi để rồi bị đàn áp đẫm máu và tù tội.
Việc Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới nhờ vào mô hình Trung Quốc, đã khiến cho nhiều người phải tự vấn: Phải chăng đó là một mô hình phát triển chính đáng? Phải chăng những giá trị tự do dân chủ không đáng giá như người ta mường tượng?
Việc mô hình Trung Quốc có vẻ đang được trọng vọng trên thế giới mấy năm qua cũng khiến nhiều người tại các nước phương Tây lo ngại, bởi vì điều đó tiềm ẩn rủi ro sẽ có thêm nhiều lãnh đạo quốc gia xem mô hình Trung Quốc là lý tưởng.
Khả năng lan rộng của mô hình Trung Quốc không chỉ nằm ở giá trị mà người ta tin là mô hình này có được, mà còn chính vì một Trung Quốc giàu mạnh hơn có thể dùng tiền, quyền để mua ảnh hưởng, áp đặt chính sách tại nước ngoài và dập tắt mọi chỉ trích.
Bằng cách đó, Trung Quốc có thể đẩy mạnh một quá trình “thay đổi luật chơi” toàn cầu, góp phần biến các giá trị tự do dân chủ, pháp quyền của phương Tây thành thừa thãi. 
Xuất phát từ những lo ngại đó, vào tháng 6/2018, tạp chí The Economist đã tổ chức một cuộc tranh luận công khai giữa các chuyên gia hàng đầu với câu hỏi: Phương Tây có nên lo ngại là việc Trung Quốc trỗi dậy sẽ đe dọa các giá trị tự do dân chủ không?
Nhà báo James Miles, cựu trưởng văn phòng The Economist tại Bắc Kinh, là người điều tiết cuộc tranh luận.
Cuộc tranh luận được chia làm hai vòng. Vòng một là các bên trình bày quan điểm. Vòng hai là các bên đáp trả luận điểm bên kia.
Quan điểm cho rằng Trung Quốc đe dọa các giá trị tự do, dân chủ
Người trả lời “có đe dọa” là một giáo sư chính trị học của trường Claremont McKenna, ông Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei).
Trước hết ông Bùi định nghĩa các giá trị tự do dân chủ phương Tây. Đó chính là một tập hợp các tư duy nhấn mạnh việc tôn trọng và bảo vệ: quyền cá nhân (individual rights), tự do (freedom), và pháp trị (the rule of law).
Sau đó, ông mở đầu cuộc tranh luận bằng một nhận xét thẳng thắn: Câu hỏi chủ đề của cuộc tranh luận có vẻ mang màu sắc “lo bò trắng răng”, bởi vì thực trạng thế giới hiện nay cho thấy các nền tự do dân chủ phương Tây đang có nguy cơ bị hủy diệt bởi ba yếu tố nội tại vốn không liên quan đến Trung Quốc:
  • Tình trạng chia rẽ, phân cực chính trị sâu sắc giữa các phe phái tả – hữu (political polarisation);
  • Bất ổn thể chế bên trong các hệ thống dân chủ khiến quy trình đưa ra các quyết sách chính trị hiệu quả trở nên khó khăn, tốn kém và vô phương hướng (institutional dysfunction);
  • Chủ nghĩa dân túy đang lan tràn (raging populism) khiến người dân không còn tin vào các thiết chế dân chủ truyền thống.
Ba yếu tố nói trên cần được những người ủng hộ dân chủ phương Tây ưu tiên giải quyết trước.
Tuy nhiên, ưu tiên giải quyết các vấn đề “thù trong” đó không có nghĩa là lờ đi “giặc ngoài” – nguy cơ đến từ những chính thể độc tài trên thế giới đang trỗi dậy.
Những chính thể độc tài này hiện nay không hề đóng cửa co cụm với nhau, trái lại chúng vẫn đang tích cực thách thức các giá trị tự do dân chủ phương Tây cũng như quyền lợi của các nước dân chủ trên toàn cầu. Trung Quốc chỉ là một trong những chính thể độc tài đó.
Tuy nhiên, vì sao Trung Quốc lại đáng sợ hơn các chính thể độc tài khác, ví dụ như Nga? Theo ông Bùi, yếu tố chính là sức mạnh kinh tế – “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”.
Trung Quốc mạnh về kinh tế hơn Nga rất nhiều và đang tích cực dùng sức mạnh kinh tế đó để đe dọa các giá trị dân chủ phương Tây theo ít nhất là hai cách: làm gương “soái ca độc tài” cho toàn thế giới và thao túng và thay thế, sửa đổi các định chế toàn cầu.
Trong cách đầu tiên, Trung Quốc chủ yếu dùng các chỉ số thành công kinh tế của mình để duy trì một hình ảnh “chính thể độc tài có năng lực” (competent autocracy).
Hình ảnh “soái ca độc tài” này khiến nhiều người trên thế giới buộc phải nghi ngờ những nền dân chủ “có đức mà không có tài”, có tự do dân chủ nhưng không có năng lực phát triển đất nước.
Ông Bùi cho rằng nhiều người dân tại các nước dân chủ có những lý do chính đáng để cảm thấy thất vọng khi thấy các nền dân chủ tự do của họ không giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, không làm kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, và khi thấy xã hội bị chia rẽ, mất đoàn kết bởi một thứ chính trị dựa quá nhiều vào căn cước và chủng tộc (identity politics).
Tuy nhiên, khi xem Trung Quốc làm gương cho nước mình, nhiều người do thiếu kiến thức thực tế đã bỏ qua những lỗi hệ thống lù lù ẩn sau diện mạo đẹp đẽ của kinh tế Trung Quốc: ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, những chính sách sai lầm bị lấp liếm, bất bình đẳng thu nhập sâu sắc, và chính sách kế hoạch hóa gia đình hà khắc.
Đánh giá đúng mức độ thành công kinh tế của Trung Quốc trong dài hạn là một chủ đề mà các chuyên gia vẫn đang còn tranh cãi.
Do đó, cách “làm gương” của Trung Quốc tuy có tác dụng nhưng không đáng sợ bằng những hậu quả đe dọa rình rập theo sau.
Các giá trị tự do dân chủ phương Tây chỉ có thể duy trì ảnh hưởng trên thế giới thông qua ba phương tiện “cầm thực vực đạo” vốn do phương Tây nắm kiểm soát chính: hệ thống thương mại tự do toàn cầu, các thiết chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank), và trật tự an ninh toàn cầu.
Trong cách đe dọa thứ hai, Trung Quốc thực tế đang tiến hành thao túng và thay thế các hệ thống toàn cầu để làm yếu đi ba cột trụ “cầm thực vực đạo” nói trên của phương Tây.
Bắc Kinh lợi dụng hệ thống thương mại toàn cầu đó để làm giàu theo một cách không công bằng: Họ đi buôn thoải mái ở các nước khác nhưng các nước khác thậm chí còn không được bước chân vào Trung Quốc. Họ nắm độc quyền nhà nước trong các ngành kinh tế quan trọng như công nghệ internet, tài chính, viễn thông, năng lượng và giao thông vận tải; và duy trì ảnh hưởng mọi lúc mọi nơi kể cả đối với những ngành công nghiệp dân dụng thông thường.
Còn với các thiết chế tài chính quốc tế, Trung Quốc đang tự gây dựng những thiết chế có khả năng cạnh tranh với phương Tây. Đáng kể nhất có thể kể đến Ngân hàng Phát triển Mới và Ngân hàng đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á.
Chính sách Vành đai – Con đường của Trung Quốc cũng được ông Bùi xem là một công cụ biến các ràng buộc kinh tế thông qua cho vay dài hạn thành ảnh hưởng chính trị.
Trật tự an ninh toàn cầu do phương Tây kiểm soát hoạt động dựa trên hai yếu tố chính: luật pháp quốc tế và sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Trung Quốc đang thách thức cả hai yếu tố đó qua nhiều hoạt động bành trướng quân sự ở khu vực châu Á.
Tiêu biểu nhất là việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạotrên Biển Đông trong khi ngang nhiên từ chối công nhận một phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế khẳng định rằng các yêu sách tranh giành biển đảo của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Theo ông Bùi, thái độ xem thường luật pháp quốc tế đó của Trung Quốc phản ánh thực tế là chính quyền cộng sản Trung Quốc trọng sức mạnh súng ống bạo lực, khinh sức mạnh luân lý luật pháp.
Điều duy nhất khiến Trung Quốc kiềm chế, chưa dùng bạo lực quân sự để đẩy mạnh các hoạt động bành trướng đe dọa an ninh toàn cầu là do Trung Quốc còn e ngại sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ.
Đến khi sức mạnh quân sự Trung Quốc vượt Mỹ rồi, mà Trung Quốc vẫn duy trì thái độ xem thường luật pháp của họ, thì chẳng còn gì ngăn cản nổi Trung Quốc áp đặt một thứ an ninh toàn cầu mới – thứ an ninh toàn cầu của một cường quốc bá quyền xem thường luật pháp.

Quan điểm cho rằng Trung Quốc KHÔNG đe dọa các giá trị tự do dân chủ

Người đưa ra quan điểm này trong cuộc tranh luận là một giáo sư ngành chính sách công của trường Đại học Quốc gia Singapore, ông Kishore Mahbubani.
Theo ông Mahbubani, lo ngại nguy cơ từ Trung Quốc đúng là “lo bò trắng răng”. Bởi vì nếu các giá trị tự do dân chủ mà suy tàn tận diệt thì chỉ có thể là do tự sát chứ không phải do bị mưu sát.
Ông Mahbubani cho rằng giới trí thức và chính trị gia phương Tây trong nhiều thập niên qua đã chọn một thái độ sai lầm: xem các giá trị tự do dân chủ của mình là hay, là nhất, là trường tồn vĩnh cửu.
Chính tâm lý ngạo mạn và tự mãn đó đã khiến cho các nước phương Tây trở nên chây ì: họ vừa không chăm lo bảo vệ, kiện toàn các thiết chế chính trị và nền tảng tư tưởng của mình, vừa không chịu khó phân tích học hỏi từ các mô hình phát triển xã hội mới như mô hình Trung Quốc.
Phương Tây đã quên mất một điều: chuyện các giá trị tự do dân chủ sẽ sống còn hay biến mất suy cho cùng không nằm ở chỗ chúng đẹp đẽ ra sao, mà nằm ở chỗ chúng có giúp cho quốc gia tạo dựng và duy trì một xã hội công bằng (just) và có trật tự tốt (well-ordered) hay không.
Ông Mahbubani trích dẫn một loạt số liệu cho thấy là các nước phương Tây (Mỹ và châu Âu) trong nhiều thập niên qua, đã không cải thiện được điều kiện kinh tế trong nước cũng như không nâng cao thêm chất lượng cuộc sống người dân, trong khi Trung Quốc thì đã làm được việc đó một cách hoành tráng.
Không những chây ì, “ngủ quên trên chiến thắng”, phương Tây còn có một số động thái “tự bắn vào chân mình”.
Ông Mahbubani cáo buộc rằng chính các nền dân chủ tiến bộ phương Tây đã “tạo điều kiện” cho việc hình thành và trỗi dậy những lãnh đạo dân túy (populist) như Donald Trump và những quyết sách sai lầm ở mức tự sát như quyết định từ bỏ Liên minh Châu Âu của Anh quốc (Brexit).
Thế Trung Quốc có chủ động đe dọa các giá trị tự do dân chủ không? 
Mahbubani cho là không, bởi hai nguyên nhân:
Một, giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đủ khôn để nhận ra rằng, trong thế giới toàn cầu hóa thương mại hiện nay, sự tồn tại và hưng thịnh của các nước phương Tây tạo điều kiện tốt cho sự tồn tại và hưng thịnh của Trung Quốc, tức là một dạng “mất các anh rồi tôi chơi với ai, cho nên mong các anh (và các giá trị tư tưởng của các anh) cùng sống”.
Hai, Trung Quốc không giống phương Tây ở chỗ Trung Quốc không có nhu cầu xuất khẩu các tư tưởng chính trị. Trung Quốc thừa hiểu rằng mô hình của họ không phải đi đâu cũng làm được.
Phương Tây cần “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, tập trung lo quét dọn nhà cửa, “thanh lý môn hộ” trước để bảo vệ các giá trị tư tưởng của chính mình, thay vì lo lắng về Trung Quốc. Đó là kết luận của ông Mahbubani.
***
Trong phần sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem cả hai bên trong cuộc tranh luận đáp trả luận điểm của nhau như thế nào.
Nguồn Kỳ 1: https://www.luatkhoa.org/2019/06/tranh-luan-trung-quoc-co-de-doa-cac-gia-tri-tu-do-dan-chu-phuong-tay-ky-1/
*
Kỳ 2
Múa lân mừng năm mới tại phố người Hoa ở London. Ảnh minh họa: Paul/Flickr
Một tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc về sự kiện Thiên An Môn tại Hội nghị thượng đỉnh Đối Thoại Shangri-La năm 2019 đã khẳng định tính chính đáng và ưu việt của “mô hình Trung Quốc”: cho tự do về kinh tế nhưng giữ chặt không thả tự do chính trị, và từ chối mô hình dân chủ phương Tây.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc và “mô hình Trung Quốc” đã làm các nước dân chủ phương Tây phải lo lắng đặt câu hỏi: phương Tây có nên lo ngại là việc Trung Quốc trỗi dậy sẽ đe dọa các giá trị tự do, dân chủ không?
Tạp chí The Economist đã tổ chức một cuộc tranh luận giữa các chuyên gia về câu hỏi này. Trong phần trước chúng ta đã được đọc phần trình bày luận điểm mở đầu của hai chuyên gia: ông Bùi Mẫn Hân đại diện bên tranh luận “Có”, và ông Kishore Mahbubani đại diện bên tranh luận “Không”.
Trong phần này, hai ông hồi đáp gì với luận điểm của nhau?
Hồi đáp của ông Bùi Mẫn Hân: Lo ngại về Trung Quốc là có cơ sở
Ông Bùi Mẫn Hân tiếp thu cả trình bày của ông Mahbubani và của các độc giả góp ý trên trang mạng của tờ The Economist. Ông Bùi xác định ba điểm đáng để được thảo luận thêm.
Thứ nhất, ông Mahbubani và nhiều độc giả có chung một cáo buộc: khi lo ngại về Trung Quốc, các nước dân chủ phương Tây đang “đổ lỗi để tự biện hộ”, đang trách người trước khi trách mình.
Ông Bùi không cho rằng việc nhìn nhận sâu sắc nguy cơ từ Trung Quốc là “đổ lỗi”, là bị ám ảnh quá đáng về Trung Quốc. Nhìn nhận nguy cơ đó không có nghĩa là bỏ qua các điểm yếu hiện nay của các thể chế dân chủ phương Tây.
Chính các điểm yếu bên trong những thể chế dân chủ phương Tây (vốn đã được ông Bùi đề cập trong trình bày mở đầu) đang giúp Trung Quốc trỗi dậy dễ dàng hơn rất nhiều, và theo đó, càng làm Trung Quốc tăng khả năng thao túng và thay thế các hệ thống toàn cầu, làm suy yếu các trụ cột góp phần bảo vệ giá trị tự do, dân chủ phương Tây.
Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc bắt đầu thực hiện các dự án toàn cầu đầy tham vọng của họ ngay sau năm 2008 – khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, kéo theo sau một loạt vấn đề nghiêm trọng, góp phần làm các nước dân chủ phương Tây yếu kém đi và rối loạn hơn.
Thứ hai, ông Bùi không đồng ý với quan điểm của ông Mahbubani và những độc giả nào cho rằng Trung Quốc không có nhu cầu truyền bá và xuất khẩu hệ tư tưởng giá trị của họ ra toàn thế giới.
Ông Bùi đưa ra một số dẫn chứng cho thấy Trung Quốc thực sự có mưu đồ quảng bá giá trị tư tưởng ra thế giới.
Trung Quốc đã đầu tư hàng tỉ đô-la cho các viện Khổng Tử mọc lên trên khắp thế giới, cho Đài Truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTN) như một đối thủ với các kênh tin quốc tế như BBC của Anh và CNN của Mỹ, và cho nhiều chương trình tuyên truyền quốc tế khác.
Trung Quốc đang tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế do chính Bắc Kinh tổ chức để quảng bá mô hình “soái ca độc tài” của họ, như Diễn đàn Hợp Tác Trung Quốc – Châu Phi (Forum on China-Africa Cooperation – FOCAC).
“Tuyên truyền miệng” từ giới lãnh đạo cũng cho thấy Trung Quốc đang đề cao các ý tưởng hay khái niệm mang tính thách thức trực tiếp các giá trị tự do dân chủ phương Tây, như khái niệm “lựa chọn Trung Quốc” (China option) hay khái niệm “cộng đồng cùng chung số phận” (community with shared destiny).
Thứ ba, thực ra thì ngoài những bất đồng nói trên, theo ông Bùi, cả hai bên của cuộc tranh luận đều đang khá thống nhất về một điểm: làm sao để phương Tây ứng phó lại nguy cơ đe dọa các giá trị dân chủ từ Trung Quốc?
Cả hai bên tranh luận đều cho rằng công việc quan trọng nhất của các nước dân chủ phương Tây là phải làm cho hệ thống dân chủ của họ vững mạnh trở lại.
Việc phải cạnh tranh với Trung Quốc về kinh tế, tư tưởng và địa chính trị có một tác dụng phụ hữu ích: người dân đoàn kết lại và giới tinh hoa lãnh đạo tại các nước dân chủ phương Tây, trong cách nhìn nhận rằng họ đang có một nhiệm vụ chung – cùng chung tay giúp nước mình cạnh tranh với Trung Quốc.
Vấn đề cần lưu ý là phương Tây không nên phản ứng thái quá khi xử lý nguy cơ từ Trung Quốc. Phương Tây phải ứng xử dựa trên một lòng tin sâu sắc vào các sức mạnh nội tại của hệ giá trị tự do, dân chủ của họ.
Ông Bùi rất tán đồng một ý kiến độc giả cho rằng các khiếm khuyết nền tảng bên trong hệ thống độc tài kém tự do cứng nhắc của Trung Quốc chắc chắn sẽ giới hạn khả năng dùng sức mạnh của nước này. Trong khi đó, dân chủ có những điểm mạnh mà thể chế độc tài có vẻ không có: khả năng tự điều chỉnh (self-correcting) và tự làm mới chính mình/tái khởi (rejuvenating).

Hồi đáp của ông Kishore Mahbubani: Trung Quốc không hiếu chiến và phá hoại các cơ chế quốc tế như nhiều người tưởng

Ông Mahbubani tiếp tục khẳng định rằng Trung Quốc không hiếu chiến và đáng sợ như nhiều người lo ngại.
Ông ủng hộ lập luận bằng các phân tích lịch sử Trung Quốc. Trung Quốc đã cho thấy là họ (không như Liên Xô cũ) rất uyển chuyển, có khả năng biết tự điều chỉnh và thật lòng muốn hòa nhập với toàn cầu chứ không phải là chăm chăm đi lo làm bá chủ thiên hạ.
Ông Mahbubani công kích góc nhìn của ông Bùi rằng Trung Quốc hiếu chiến, thực tế cho thấy tính từ năm 1979 đến nay, trong năm nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chỉ có mỗi Trung Quốc là chưa hề tham gia cuộc chiến tranh nào.
Dĩ nhiên, Trung Quốc không phải là vị thánh, nhưng có nước bá quyền nào là hoàn toàn tốt đẹp đâu.
Nếu Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết Biển Đông năm 2016 của tòa án quốc tế tại La Haye, thì Hoa Kỳ cũng đã từng phớt lờ Tòa Công lý Quốc tế năm 1986 khi tòa này xử vụ Nicaragua kiện Hoa Kỳ.
Ông Mahbubani cáo buộc là đại diện mạnh nhất của phương Tây – Hoa Kỳ – đang rất “đạo đức giả” khi phê phán Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) trong khi chính Hoa Kỳ chưa phê chuẩn văn bản này.
Liên quan đến các khuyết điểm của Trung Quốc trên trường quốc tế, ông Mahbubani cho rằng ông Bùi Mẫn Hân và giới quan sát phương Tây đang từ chối nhìn vào các động thái cho thấy Trung Quốc tôn trọng chứ không phải đang “thao túng và thay thế” các hệ thống toàn cầu.
Trung Quốc vẫn đang tôn trọng các hiệp định thương mại đa phương và song phương, vẫn đang tuân thủ Hiệp ước Paris về bảo vệ môi trường.
Ông Mahbubani cáo buộc: chính Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump mới tỏ ra là nước bá quyền xem thường luật pháp quốc tế và các hệ thống toàn cầu. Hoa Kỳ đang có những quyết định thương mại đơn phương chống lại chính các đồng minh của họ như Canada và Liên minh Châu Âu; Hoa Kỳ cũng đơn phương rút ra khỏi Hiệp ước Paris.
Việc Hoa Kỳ của Trump ngày càng “hướng nội”, từ chối ủng hộ và tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu nhằm thúc đẩy liên minh quốc tế như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương(TPP), cũng cho thấy rằng nước này không còn là nước ủng hộ mạnh mẽ các hệ thống toàn cầu nữa.
Thông qua những chương trình đầy tham vọng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực(RCEP) và Dự án Vành đai – Con đường, chính Trung Quốc đang dùng sức mạnh kinh tế để trám vào chỗ trống do Hoa Kỳ để lại, nhờ đó góp phần duy trì các hệ thống toàn cầu thông qua hợp tác kinh tế và thương mại.
Ông Mahbubani lập luận rằng phương Tây nên chấm dứt bị Trung Quốc ám ảnh; thay vào đó, tập trung vào giải quyết các rắc rối nội tại, những rắc rối mà ông Bùi Mẫn Hân đã chỉ ra khá chính xác.
Ông Mahbubani cũng cho rằng phương Tây có thể giải quyết rắc rối nội tại thông qua duy trì hợp tác sâu rộng với Trung Quốc, bởi vì kinh tế Trung Quốc sẽ còn phát triển mạnh và chính phát triển kinh tế là một trong những chìa khóa giải quyết những rắc rối nội tại đó.
Theo quan điểm của Mahbubani, cứ giàu có là sẽ khỏe khoắn và tự tin trở lại. Các nước dân chủ phương Tây khỏe khoắn, tự tin mới chính là những thành trì vững chắc nhất bảo vệ các giá trị tự do dân chủ.
Ông Mahbubani tiếp tục phủ nhận việc Trung Quốc đang tìm cách xuất khẩu mô hình phát triển của họ ra thế giới. Ông không cho rằng đó là một việc có liên quan đến chủ đề đang được bàn cãi ở đây: vận mệnh của các giá trị tự do dân chủ phương Tây.
Kết quả tranh luận
Bên cạnh trình bày các ý kiến chuyên gia, The Economist cũng cho độc giả vào bình luận và bỏ phiếu ủng hộ các bên tranh luận.
Kết quả cuối cùng sau 12 ngày bỏ phiếu cho thấy bên “Có đe dọa” của ông Bùi Mẫn Hân giành chiến thắng trước bên tranh luận “Không đe dọa” của ông Kishore Mahbubani.
Có 8891 độc giả tham gia bỏ phiếu và 62% trong số đó đồng ý rằng phương Tây nên lo ngại là việc Trung Quốc trỗi dậy sẽ đe dọa các giá trị tự do, dân chủ.
Có vẻ đa số độc giả theo dõi cuộc tranh luận này cảm thấy các luận điểm rõ ràng với dẫn chứng cụ thể của ông Bùi Mẫn Hân có sức thuyết phục hơn.
Độc giả Việt Nam có lẽ cũng rút ra được một số bài học từ cuộc tranh luận này để nhìn rõ hơn các nguy cơ từ Trung Quốc.
Hy vọng nhiều người Việt Nam cũng đang tự hỏi: Trung Quốc đe dọa thế nào đến các nỗ lực dân chủ hóa và phát triển đất nước của Việt Nam?
P.A.K.
Nguồn Kỳ 2: https://www.luatkhoa.org/2019/06/tranh-luan-trung-quoc-co-de-doa-cac-gia-tri-tu-do-dan-chu-phuong-tay-ky-2/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.