Hàng Tàu & Chính sách
26-6-2019
Hôm qua, một dự án sản xuất phải tạm dừng toàn bộ. Toàn bộ hội đồng quản trị và giám đốc họp khẩn vì một khái niệm: Thế nào là hàng Việt. Người yêu cầu tổ chức cuộc họp khẩn ấy nói “vì không muốn thành con tin của AN kinh tế, Hải quan, QLTT và Thuế”.
Chính tôi cũng đi tìm hiểu khái niệm ấy bởi không ít lần nghe những nỗi lo về việc doanh nghiệp rất sợ bị tấn công theo nhiều nghĩa vì làm ăn với Trung Quốc. Câu chuyện biểu tình (có đập phá) ở Đồng Nai, Bình Dương 2014 không đơn giản chỉ là chuyện giàn khoan HD981 kéo vào biển Đông…
Giờ mà kiểm tra toàn bộ các doanh nghiệp nhập hàng Trung Quốc về lắp ráp như Asanzo thì dân chúng há hốc mồm luôn. Nhưng có lẽ những ai “bật đèn xanh” để đưa quy trình của Asanzo ra ánh sáng cũng đã tính đến việcc làm lộ nhanh chuỗi hàng Tàu lốt Việt với các Shark Tank tiếp theo nhanh đến vậy. Cả những doanh nghiệp vỏ Việt, ruột Tàu khác vốn kiệm lời xưa nay cũng được cư dân mạng nhắc đến rồi.
Việt Nam là sân sau, là bãi rác của Tàu ư?
Câu hỏi này Chính phủ nên nghiêm túc đánh giá lại vì “cảm xúc thâm căn” của người Việt với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc không hề đơn giản. Cuộc biểu tình 2014 là một lời cảnh báo lớn rồi. Tiếp đó là cuộc biểu tình tháng 6/2018 với vấn đề đặc khu cũng có liên quan Tàu.
Nhìn nhận thêm các vấn đề khác lớn hơn như nền sản xuất quá yếu, sự phụ thuộc vào công nghệ và hàng hoá Tàu trên nhiều lĩnh vực, cả các yếu tố gây ô nhiễm môi trường từ công nghệ và hàng hoá Tàu; sẽ thấy doanh nghiệp hoang mang ra sao và người tiêu dùng- người dân lo lắng thế nào.
Trách nhiệm chính sách thuộc về Nhà nước và cụ thể nhất là hành lang pháp lý. Hôm qua xem một loạt khái niệm liên quan đến hàng Việt thấy quá mơ hồ. Đến nỗi một nông dân kinh doanh ở Đồng Tháp còn ngao ngán: “Ấn coi về các yếu tố trong chỉ dẫn địa lý nè, mấy ông nhà nước lấy chỉ số khoa học và đặc tính thì ít mà cơ sở toàn tính từ thì nhiều…”
Tôi không chắc lắm về việc những chính trị gia trong “tam trụ” hiện nay và các Bộ trưởng đương nhiệm có biết việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn những sản phẩm thuần Việt khi lấy ý kiến lại bỏ qua những hộ gia đình có lịch sử sản xuất tính bằng trăm năm hay không? Họ bị cán bộ địa phương bắt “nhượng địa” cho những sản phẩm chỉ ra đời hơn chục năm hoặc vài năm gần đây. Thậm chí na ná sản phẩm truyền thống cũng được ngồi “mâm trên”. Nước chấm công nghiệp được gọi là nước mắm cũng theo cách đó.
Người dân chưa nhìn thấy “cú hích” của CPTTP và sắp tới là EVFTA (tôi đoán là đám đông nhiều người còn mơ hồ về hai Hiệp định này). Nhưng ngay cả những “sân sau” xưa nay quen dựa dẫm, dẫu năm được thông tin chính sách và “đi trước đón đầu”, cũng sẽ khó khăn triển khai bởi mâu thuẫn cũ và mới của tư duy lẫn dòng tiền. Người Việt luôn thích hình ảnh hơn khái niệm, chọn cảm tính hơn lý tính mà….
Đã có người nhìn Asanzo và chỉ đúng vấn đề của họ: khủng hoảng pháp lý. Nhưng nhìn cả quốc gia thì phải nói là khủng hoảng thể chế lộ ra từ không chỉ Asanzo. Không chỉ trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Tôi cho rằng chính phủ cũng nhận thấy điều đó nên các điều khoản nhân quyền lẫn kinh tế đã có sự nhượng bộ để đạt thoả thuận ký kết EVFTA vào cuối tháng 6/2019. Nhưng cải cách sâu, rộng từ chính bộ máy cồng kềnh thiếu hiệu quả hiện nay với quan hệ chằng chịt của rất nhiều “gia tộc” mới nổi từ sau 1975 và mối quan hệ đầy mâu thuẫn với Tàu mới quan trọng.
Rất nhiều nỗi lo nhưng tôi lại thấy có ánh sáng hy vọng từ… Châu Âu. Nếu 30/6/2019 ký xong EVFTA thì thị trường khó tính nhất thế giới (bao hồm khó tính với đối tác cả về mặt nhân quyền) sẽ gò “khuôn phép” chính sách của Việt Nam theo hướng có lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Nhìn xa hơn là một lời cảnh báo dịu dàng nhưng cũng vô cùng dứt khoát: Chơi với EU, Nhật, Mỹ, Úc, Ấn nhiều bao nhiêu thì phải bớt lại “16 chữ vàng”, “bốn tốt” bất nhiêu. Đó là cách mà Đông Lào phải “chọn phe”!
Xin chú ý, bài viết này không bài Tàu cực đoan. Xu hướng hàng Tàu chất lượng cao vẫn được các nước nói trên chấp nhận. Nhưng hàng Tàu “chợ” sẽ bị bóp chết không thương tiếc nếu nó vẫn cứ muốn thống trị những “thị trường chư hầu”. Mà giờ muốn làm “chư hầu” cho bên mạnh hơn cũng phải khéo léo với chiêu bài dân tuý. Trong cuộc chiến tranh thương mại thế giới đang diễn ra, bên mạnh hơn chắc chắn 100% không phải là Tàu!
Trên con đường lịch sử ấy, ai đi ngược xu hướng thì sẽ đóng vai trò nạn nhân tiêu biểu sau khi biến người dân và những doanh nghiệp tự thân của quốc gia này là nạn nhân như cách mà các doanh nghiệp vỏ Việt, ruột Tàu đã làm.
Không cải cách thể chế thì cả quốc gia sẽ là con tin của thể chế tồi, bao gồm những người tạo ra thể chế ấy. Riêng câu này thì tôi tin là “thượng tầng kiến trúc” chính trị hiểu sâu hơn “hạ tầng cơ sở nhân dân”. Còn hiểu nhưng có cải cách quyết liệt hay nửa vời thì đành chờ xem tiếp vậy…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.