“Phản xạ có điều kiện”
28-6-2019
Taxi và xe máy đụng nhau, đôi nam nữ đi xe máy một bị thương nặng, một tử vong. Tài xế taxi xuống xe nhìn rồi bỏ đi. Dư luận cho rằng đó là lối hành xử vô cảm.
Bạn tôi mới kể, mấy năm trước đang ngồi ăn trong quán thấy đụng xe bèn ra giúp, gọi xe cấp cứu. Lát sau người nhà nạn nhân vào tận quán… chửi. May có người làm chứng không là phiền to. Cái cảm giác bị đối xử như vậy sau khi giúp người ấy hẳn bẽ bàng lắm!
14 năm trước cũng thấy tai nạn, tôi gọi xe đưa cả hai nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu. Con trai của nạn nhân già hơn khi vào phòng cấp cứu thì việc đầu tiên là nhằm vào mặt tôi tung ra một đấm. Phản xạ né được, mũi không sao nhưng sức ép của cú đấm làm chảy máu cam. Trúng mặt “trọn vẹn” thì…
Có những điều làm người ta sợ và thành vô cảm: sợ phiền phức! Một thứ phiền phức vô cùng bậy bạ, trái ngang.
Em học sinh Đỗ Quang Thiện (lớp 12A2 Trường THPT Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bị đề nghị án tù vì đưa người bị tai nạn giao thông vào viện cách đây 5 năm. Thiện vẫn may vì báo chí lên tiếng với các bằng chứng thuyết phục.
Năm 1979, ông Trần Văn Chiến (sinh năm 1960, ở xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) đã phải ngồi tù vì… cung cấp thông tin tội phạm cho công an địa phương. Bị tuyên chung thân nhưng ông Chiến thực sự ngồi tù “chỉ “ 16 năm, 3 tháng nhờ cải tạo tốt. Quãng dài đằng đẵng ngồi tù ấy là do bởi phải nhận tội do bị “lúc trong trại tạm giam nói câu nào bị đánh câu đó, đau quá mới kí bậy..”.
Đọc đến đây bạn còn muốn cứu người không?
Cứu hay không là quyết định của cá nhân nhưng việc bỏ mặc nạn nhân có thể vi phạm hành chính hay thậm chí là vi phạm hình sự.
Nhưng tôi biết chắc một điều những người dám và biết cứu giúp người khác lại chẳng lo mình vi phạm pháp luật. Trước hết, đó là sự biểu hiện của nhân tính; hoàn toàn khác với lũ súc vật “bỏ mặc đồng loại” như Marx nói.
Lại nói về bỏ mặc, liệu 15.000 hộ dân Thủ Thiêm với mấy chục ngàn nhân khẩu đớn đau suốt 20 năm vì những sai phạm nghiêm trọng đã không được nhắc đến trong kết luận thanh tra là sẽ đền bù ra sao cho từng ấy thời gian oan khuất. Và quốc gia này không chỉ mỗi Thủ Thiêm…
Nhìn xa hơn một chút, từ 1975-1978 là giai đoạn lấy đất của dân đưa vào hợp tác xã. Đến 1986-1990 là trả lại đất cho dân theo chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh “để dân về chân đất cũ”. Nhưng những cán bộ đương quyền thời ấy đến thời này có thực hiện đâu? Nghĩa là một sai phạm mang tính hệ thống, trải đều khắp quốc gia gây tiếng oan dậy đất, lời oán ngút trời.
So với sự vô cảm của một tài xế thì điều ấy nên gọi là gì?
Gọi là gì tôi chưa nghĩ ra nhưng nếu cần nghĩ những hành vi tàn nhẫn, bất nhân như vậy trở nên phổ biến như một “phản xạ có điều kiện” của Ivan Pavlov.
Nhưng “phản xạ” cướp bóc ấy có thể thấy rất rõ từ “điều kiện” độc quyền quyền lực, độc quyền chân lý!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.