Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

Á khôi Kim Vân: 'Ra ngoài mới biết thế giới muôn màu'

Á khôi Kim Vân: 'Ra ngoài mới biết thế giới muôn màu'

Kim VânBản quyền hình ảnhKIM VÂN
Image captionKim Vân bên bạn bè
Á khôi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết Kim Vân nói chính vì dám bước ra ngoài mà cô hòa nhập được với cộng đồng và giúp đỡ mọi người.
Sinh ra trong một gia đình bốn anh chị em ở Quảng Nam, cả Pham Thị Kim Vân và anh trai đều bị bại liệt, di chứng sau những cơn sốt hồi nhỏ. 
Hoàn cảnh gia đình đã thôi thúc trong Vân khát vọng rời nhà, nơi 'trú ẩn' an toàn trong vòng tay bố mẹ, để bước vào đời, trên xe lăn. 
Phan Thị Kim Vân giành ngôi Á khôi cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2019Bản quyền hình ảnhKIM VAN
Image captionPhan Thị Kim Vân giành ngôi Á khôi cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2019
Vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Kim Vân cũng vừa giành danh hiệu Á khôi cuộc thi Vẻ đẹp Vầng trăng Khuyết 2019 và danh hiệu 'Hoa khôi Thân thiện'.
Trong thời gian là sinh viên, Kim Vân đã xây dựng một chương trình hỗ trợ người khuyết tật sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Chương trình vận hành trong 2 năm, mang lại kết quả khả quan: Nhiều sinh viên khuyết tật đã tự tin sử dụng xe bus làm phương tiện chính để đi học, đi làm. Việc này giúp các bạn cảm thấy độc lập hơn, đồng thời tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại nếu phải sử dụng các phương tiện khác.
Nhưng Kim Vân nói, cô từng nhút nhát, sống khép kín trong suốt 12 năm học phổ thông.

12 năm khép kín

Kim VânBản quyền hình ảnhKIM VAN
"Hồi nhỏ tôi không thế. Từ năm lớp 1 đến lớp 12 con đường tôi đi học đơn giản lắm, chỉ từ trường về nhà. Tôi không tham gia bất cứ một hoạt động nào của trường tổ chức, bạn rủ đi chơi cũng không đi. Vì tôi sợ đúng cái nhiều người khuyết tật sợ: Tôi ngại nhờ. Tôi sợ làm phiền người ta, sợ ảnh hưởng cuộc vui của họ," Kim Vân kể lại với BBC.
"Bố tôi đưa tôi đi học rồi đón về hàng ngày. Đơn điệu như vậy."
"Học xong lớp 12, tôi lại quyết định thi Đại học Quảng Nam để ở gần nhà. Lúc đó tự tôi đi bằng xe lăn hoàn toàn. Tôi phải tự lết lên 5 tầng lầu để lên lớp. Có một số hôm gặp bạn thì bạn cõng lên hoặc cõng xuống. Tôi học kế toán vì nghĩ dễ xin việc, chỉ phải ngồi một chỗ như lời khuyên của mọi người. Nhưng sau một năm tôi nhận ra nghề này không phù hợp với mình. Tôi giấu nhà thi ngành tâm lý ở TP Hồ Chí Minh. Đậu rồi tôi mới báo cho gia đình biết." 
"Bố mẹ lúc đó nói thôi ở nhà đi, có gì ăn đó. Nhưng bạn và anh chị tôi động viên, nói thôi cứ đi, khi nào mệt thì quay về." 
"Lên Sài Gòn, tôi thay đổi hoàn toàn, tôi đi nhiều hơn, nói nhiều hơn, làm nhiều hơn. Tôi hầu như biến thành một người khác. Có lẽ khát vọng thay đổi ấy đã ở trong tôi từ lâu."
"Cho đến hiện tại tôi thấy quyết định ra đi của mình là đúng đắn. Nhưng cũng có lúc mệt mỏi, buồn thì lại muốn về. Vì giữa thành phố đông đúc ồn ào này tôi cũng phải sống như bao người khác," Kim Vân tâm sự. 

'Hỗ trợ người khuyết tật đi xe bus'

Kim VânBản quyền hình ảnhKIM VAN
Ý tưởng hỗ trợ người khuyết tật sử dụng xe bus nảy ra trong Vân khi cô bắt đầu dùng xe bus làm phương tiện di chuyển hàng ngày và nhận ra nhiều rào cản đối với những người như mình.
"Có hai rào cản chính, là người khuyết tật không dám nhờ, và người giúp đỡ cũng không biết giúp thế nào," Vân nói. 
"Tôi đã đi xe bus từ năm nhất đến năm tư đại học, mỗi ngày tôi đi đến 4 -5 chuyến xe bus lận, tính ra phải 'huy động' tới mười mấy người giúp đỡ tôi. Đến nỗi bác tài nhớ tôi luôn. Ra xe là họ giúp luôn, không phải nhờ gì nữa."
"Nhưng lần đầu tiên thì không được như vậy. Khi đó tôi đi cùng với một người bạn gái. Bạn ấy chỉ mang giúp được cái xe lăn lên xe bus, nhưng không bế nổi tôi. Vậy là chiếc xe bus đầu tiên từ chối không cho lên mà chỉ chuyến sau. Chuyến sau cũng vẫn bỏ tôi. Bốn chuyến đều bỏ tôi. Hai đứa đứng giữa đường khóc luôn. Có chiếc xe dừng lại nhưng bác tài hỏi làm sao mà đi? Câu hỏi đó khiến tôi nhận ra rằng họ không biết giúp thế nào. Có nhiều trường hợp họ hỏi tôi đi đâu, đi làm gì, khuyết tật thế này ở nhà cho nó khỏe. Tôi thì không chấp nhận việc đó."
"Nhưng đó chỉ là những trường hợp hi hữu, có những bác tài rất nhiệt tình giúp đỡ. Cho nên tôi nhận thấy cái gì cũng có hai mặt."
"Với người khuyết tật, họ sợ làm phiền. Đấy là mấu chốt vấn đề. Thứ hai là họ rất ngại. Chẳng hạn với người khuyết tật vận động thì cần được bế lên xe. Người khiếm thị thì cần dắt."
"Với người bình thường, họ có thể muốn giúp nhưng ngại, hoặc không biết giúp thế nào. Ví dụ họ ngại không dám bế người khuyết tật, hoặc lẽ ra phải dắt người khiếm thì thì lại kéo họ." 
"Cho nên cần sự hợp tác giữa hai bên. Và tôi muốn làm việc với cả hai nhóm đối tượng này. Nhờ giúp đỡ và giúp đỡ cũng là kỹ năng cần phải học, là điều tôi rút ra sau những trải nghiệm của bản thân."
"Tôi đã tổ chức 7 lớp training cho cả các bạn lành lặn và các bạn khuyết tật. Lên một danh sách những việc cần, nên làm và hướng dẫn làm thế nào. Cùng với đó là tuyên truyền để chương trình được lan tỏa, nhiều người biết hơn và giúp được nhiều người hơn. Sau hai năm, kết quả khá khả quan, rất nhiều bạn trước ngại đi xe bus nay đã tự đi làm đi học bằng xe bus." 

'Đi ra ngoài mới biết thế giới muôn màu'

Trong bài thuyết trình trước Ban Giám Khảo Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết, Kim Vân chọn kể về câu chuyện của mình. Một cô bé từng luôn sợ hãi bị nhìn với ánh mắt thương hại, sợ làm phiền, sợ nhờ vả. 
"Người khuyết tận ngại đi. Việc ở nhà quá lâu sẽ khiến họ sợ, họ sợ những ánh mắt dèm pha, sợ những điều tệ hại mà họ tưởng tượng. Làm sao để bước qua ngưỡng cửa "đầu tiên" là phụ thuộc vào số năm họ ở nhà, và cả tham vọng bay xa của họ tới đâu?"
Vân nói với BBC rằng dũng cảm bước ra ngoài, cô nhận ra rằng bước đầu tiên để ra ngoài xã hội rất quan trọng với người khuyết tật. "Người khuyết tật cứ bị gia đình nói là không làm được, không ra ngoài được, ngoài kia phức tạp… nhưng nếu họ không thử thì sao biết được."
"Mong mọi người đừng nhìn người khuyết tật như một cồng đồng tách biệt, chỉ nên ở trong các trung tâm cho người khuyết tật. Hãy đón nhận sự hiện diện của họ ở đó, xem sự đi ra xã hội của họ như một điều tất yếu. Hãy để họ hòa nhập bình thường." 
"Để hỗ trợ, tôi muốn cộng đồng người khuyết được chăm sóc hơn về đời sống tinh thần. Hiện cách chăm sóc là cứ cho nhận, cho nhận, mà không hỏi là người khuyết tật cần gì. Kiểu cho con cá mà không cho cần. Hãy tạo cơ hội để họ được làm việc."
"Ra ngoài mới thấy nó xứng đáng để đi ra hơn là chỉ ở nhà. Đi ra ngoài tôi thấy thế giới muôn màu."
Thế giới muôn màu của Vân là những năm tháng sinh viên sôi động, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, giúp đỡ được nhiều bạn sinh viên khuyết tật khác. Cô cũng đi dạy gia sư và làm thêm một số việc khác để tự nuôi mình, không phải xin tiền bố mẹ, dù 'tháng nào hết tháng nấy'. 
Và hiện giờ, sau khi tốt nghiệp, Vân vừa đi làm cho một công ty mỹ phẩm, bán hàng online, vừa đi chữa bệnh trẹo cột sống, vừa học thêm tiếng Anh, và cũng ấp ủ nhiều dự định giúp cộng đồng khuyết tật khác.

'Tự đứng vững để giúp được mình và mọi người'

Vân nói cô có nhiều tham vọng nhưng thấy mình chưa đủ năng lực, nên muốn đi từng bước. Trước hết phải có tiền nuôi bản thân, tự đứng vững trước, rồi mới giúp được người khác.
Vân muốn khôi phục lại chương trình hỗ trợ người khuyết tật sử dụng phương tiện công cộng, nhưng với quy mô lớn hơn, khả năng lan tỏa cao hơn. 
Bên cạnh đó, cô muốn xây dựng một quỹ để có thể kịp thời đáp ứng các nhu cầu của sinh viên khuyết tật như cung cấp thông tin về nơi ăn ở, đi học, chính sách hỗ trợ, hay xe lăn.
"Có rất nhiều bạn sinh viên khuyết tật mới đi học liên lạc với tôi để hỏi các thông tin này. Hoặc nhờ xin xe lăn. Một mình tôi không thể lo hết. Hiện tôi có một nhóm ba người bạn cùng ấp ủ ý tưởng lập quỹ giúp các bạn khuyết tật theo nhu cầu của họ, và hiện vẫn đang suy nghĩ phát triển theo hướng nào. Tôi chỉ vừa mới ra trường thôi."
"Có những tờ báo viết về tôi như người hùng, như là cuộc sống của tôi màu hồng vậy đó. Nhưng thực tế thì tôi cũng những khó khăn, nỗi khổ. như bao người khác trong thành phố đông đúc này." 
"Muốn giúp được nhiều người, tôi cũng muốn giúp mình đứng vững. Và còn anh tôi nữa. Anh là người khuyết tật nhưng chính tôi cũng chưa giúp anh được nhiều." 
"Sức anh quá yếu, chỉ ngồi được một lúc lại nằm. Anh chỉ đi được xe lăn, loanh quanh trong nhà hoặc gần nhà nên tôi đã thành lập một tủ sách ở quê để anh đọc và giúp tụi nhỏ học, có thêm niềm vui. Tôi cũng mua máy tính để anh được kết nối với bên ngoài. Tôi mới chỉ làm được đến chừng đó."
"Nhưng từ những trải nghiệm trong đời sống, tôi biết rằng "đừng bao giờ để sợ hãi và thất vọng chôn vui ước mơ của bạn". Tôi hi vọng đoạn đường sau của tôi cũng nhiều thi vị như đoạn tôi đã kể."
Câu chuyện về Á khôi Phan Thị Kim Vân nằm trong loạt bài "Những phụ nữ Việt truyền cảm hứng" của BBC. Trước đó chúng tôi có bài viết về Hoa khôi một chân Bế Thị Băng và MC khiếm thị Hương Giang.
Nếu các bạn muốn giới thiệu thêm những gương mặt truyền cảm hứng cho cộng đồng, xin gửi email cho tác giả MyHang.Tran@bbc.com.

Chủ đề liên quan

Tin liên quan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.