Metsamor, lò phản ứng hạt nhân cổ lỗ ở thành phố thời Liên Xô
Nhìn lại nơi từng là thành phố Liên Xô điển hình, được xây thời thập niên 1970 để thu hút lao động có tay nghề tới làm việc tại nhà máy điện hạt nhân.
Metsamor từng được mô tả như một trong những nhà máy điện hạt nhân nguy hiểm nhất thế giới, bởi nó nằm tại vị trí thuộc vùng hay xảy ra động đất.
Chỉ cách thủ đô náo nhiệt Yerevan của Armenia có 35km, đây là nơi mà ta có thể nhìn thấy Núi Ararat tuyết phủ nằm vắt qua biên giới sang đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà máy này được xây dựng vào khoảng cùng thời gian với nhà máy Chernobyl, hồi thập niên 1970. Khi đó, lò phản ứng hạt nhân Metsamor cung cấp năng lượng cho nhu cầu ngày càng tăng của Liên Xô rộng lớn, quốc gia từng có tham vọng là đến năm 2000 sẽ đáp ứng 60% điện tiêu thụ từ hoạt động hạt nhân.
Nhưng vào năm 1988, mọi thứ thay đổi. Vụ động đất Spitak mạnh 6.8 độ tàn phá Armenia, giết chết khoảng 25 ngàn người. Nhà máy hạt nhân nhanh chóng bị đóng cửa do những quan ngại về an toàn đối với việc cung ứng điện không đáng tin cậy cho hệ thống vận hành nhà máy. Nhiều nhân viên nhà máy quay về nhà ở Ba Lan, Ukraine và Nga.
Đã 30 năm, nhà máy Metsamor và tương lai của nó vẫn là một chủ đề gây tranh cãi tại Armenia.
Một trong các lò phản ứng của nó đã được tái khởi động vào năm 1995, và nay cung ứng 40% nhu cầu năng lượng của Armenia. Những người chỉ trích thì nói địa điểm này vẫn cực kỳ dễ bị tổn hại do động đất, bởi nó nằm trong một khu vực có hoạt động địa chấn.
Tuy nhiên, những người hậu thuẫn cho hoạt động của nơi này, trong đó có các quan chức chính phủ, thì lập luận rằng nó ban đầu được xây dựng trên một khối đá basalt ổn định, và nói nhà máy đã được chỉnh sửa, chẳng hạn như có các cánh cửa tăng cườn chống hỏa hoạn, đã được thực hiện để khiến cho nó càng trở nên an toàn hơn.
Trong lúc cuộc tranh cãi tiếp tục thì cuộc sống vẫn cũng vẫn tiếp diễn đối với những người sống và làm việc ở thị trấn gần đó, nơi cũng mang cùng tên và được xây dựng ngay bên ngoài nhà máy.
Thành phố xây kiểu mô hình Liên Xô này được xây nhằm thu hút các lao động có tay nghề từ khắp nơi trên toàn Liên Xô, từ Baltics cho tới Kazakhstan. Nó được lên kế hoạch nhằm phục vụ cho 36 ngàn dân cư, với một hồ nước nhân tạo, các cơ sở thể thao, và một trung tâm văn hóa.
Trong những ngày huy hoàng, các cửa hàng nơi đây chất đầy đồ, và tiếng đồn về chuyện nơi này có sản phẩm bơ thượng hảo hạng đã lan đến tận Yerevan.
Khi trận động đất xảy ra, việc xây dựng ở thành phố bị dừng lại, và hồ bị cạn nước. Hai tháng sau, Moscow quyết định là nhà máy phải bị đóng cửa.
Sự gián đoạn đối với nguồn cung ứng năng lượng do hậu quả của hoạt động phá hoại ở một số vùng ly khai ở Caucasus đồng nghĩa với việc không thể cho nhà máy vận hành một cách an toàn được nữa.
Những người trụ lại Metsamor nhận ra là mình ở giữa một thành phố mới hoàn thành một nửa và có rất ít các cơ hội việc làm.
Vậy nhưng dân số không phải là được duy trì như trước. Trong cùng năm xảy ra trận động đất, người tỵ nạn bỏ chạy khỏi Azerbaijan để trốn cuộc xung đột tại vùng lãnh thổ có tranh chấp Nagorno-Karabakh, đến ở với cư dân Metsamor.
Trong năm đầu tiên của cuộc xung đột, trên 450 người đã được cấp chỗ ở trong các khu nhà tập thể bỏ trống. Họ dần ổn định cuộc sống và nay sống trong những ngôi nhà mà họ tự xây lên, tại địa điểm lẽ ra đã trở thành khu quận nhà ở kiểu Liên Xô thứ ba.
Chính quyền Armenia đối diện với cuộc khủng hoảng sau khi nhà máy bị đóng cửa, khiến họ buộc phải phân phối điện trên toàn quốc với chỉ tiêu mỗi ngày chỉ có một giờ đồng hồ có điện. Điều này được áp dụng mãi cho tới năm 1993, khi có quyết định tái khởi động phần mới nhất của hai đơn vị thuộc nhà máy, và tiến hành các thử nghiệm an toàn nghiêm ngặt. Lò phản ứng hạt nhân này hiện đang hoạt động nhưng sẽ sớm cần được tân trang.
"Thiết kế của các lò phản ứng hạt nhân kiểu VVR của chúng tôi khá là cũ kỹ. Chẳng hạn như chung không có các phần mái vòm che kín bằng bê tông để che kín các đống đổ vỡ có thể phát nổ," Ara Marjanyan, chuyên gia năng lượng của Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc, nói, và thậm chí còn bổ sung rằng lò phản ứng hạt nhân đã trụ được qua trận động đất kinh hoàng Spitak, là một trong những nhà máy hạt nhân đầu tiên trên thế giới "vượt qua được các phép thử mức chịu đựng hậu Fukushima."
Ngày nay, Metsamor có trên 10 ngàn dân trong đó có rất nhiều trẻ em. Trong các khối nhà chung cư nằm cách các tháp làm mát 5km, mọi người cân đối những nỗi lo âu của mình về sự khan hiếm năng lượng với nguy cơ tiềm ẩn từ nhà máy.
"Những năm đen tối với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng để dấu ấn mạnh mẽ trong tâm trí người dân," Katharina Roters, nhiếp ảnh gia đã chụp hình tài liệu về thành phố, nói, "tới mức họ không thể nghĩ tới chuyện sống mà không có nhà máy này."
Từ 1991 đến 1994, đất nước này đã phải chịu cuộc khủng hoảng năng lượng, khi mà có những lúc người dân rơi vào cảnh không hề có điện.
Ngày nay, thành phố cần được sửa chữa; những mái nhà bị dột và người ta cắt ra những tấm sưởi cũ để làm ghế ngồi. Do không có nguồn cung ứng sưởi, cho nên người dân địa phương thấy rằng dùng tấm sưởi làm vật liệu thay thế hẳn sẽ có ích hơn. Tuy vậy, sảnh tập thể thao vẫn thường náo nhiệt với cảnh trẻ em chơi bóng đá vui vẻ dưới mái nhà dột nát.
Vậy sao họ vẫn ở lại? Roters tìm thấy những thái độ lẫn lộn đối với nhà máy điện hạt nhân. "Các gia đình không còn làm việc trong nhà máy nữa thì căng thẳng, khó chịu về tình hình kinh tế tại Armenia, trong lúc những người vẫn đagn làm việc tại nhà máy thì lạc quan hơn nhiều."
Một số người vẫn hoài niệm về vị thế đặc biệt mà những tòa nhà kiểu Liên Xô của họ từng được hưởng. "Với những lớp người cao tuổi, từng sống qua thời Liên Xô thì thành phố giống như một ngôi nhà an toàn cho họ," Hamlet Melkumyan, nhà nhân chủng học nghiên cứu về Metsamor, nói. "Nơi đây tạo cảm giác có cộng đồng, có sự tin cậy lẫn nhau. Mọi người sẽ gửi chìa khóa nhờ hàng xóm giữ hộ khi họ có việc phải đi xa."
Cảm giác hãnh diện này chính là thứ mà kiến trúc sư Martin Mikhaelyan có trong đầu cùng với kế hoạch đầy tham vọng, mang phong cách cá nhân ông trong việc xây dựng một thị trấn kiểu mẫu.
Trước kia, việc được chọn làm nước cộng hoà nơi đặt nhà máy là một niềm vinh dự, và đến nay, tâm lý hãnh diện quốc gia vẫn còn đó tại Metsamor.
Khi tôi tới thăm vào tháng Ba, phần mái của sảnh thể thao bị dột nước và các khu ban-công tự tạo nhô ra trên phần sân trước. Tuy không bảo dưỡng, nhưng người dân địa phương đã áp dụng cách thức của thành phố của Mikaelyan để phục vụ nhu cầu của mình, tái phối trí trung tâm thành phố, và đỗ xe hơi ở các lối đi trước từng dành cho người đi bộ.
Tiền thuê nhà hàng tháng rất rẻ, từ 30 đến 60 đô la cho một căn hộ rộng 95 mét vuông, và đó là một cộng đồng đoàn kết chặt chẽ với nhau.
"Hàng ngày, mọi người tụ tập bên ngoài sau khi tan làm và bàn tán tin tức," Van Sedrakyan, người làm việc tại nhà máy và điều hành trang Facebook Metsamor, nói. "Bọn trẻ con thì có nhiều chỗ chơi, nhưng chúng tôi thích chúng giành thời gian học hành. Tôi có hai con gái, và tôi hy vọng chúng sẽ ở lại, làm việc tại Metsamor, bởi đó là quê nhà của chúng tôi."
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.
Tin liên quan
- Những khó khăn đằng sau biểu tượng đồng euro
- Nơi duy nhất trên Trái Đất người không phải sống với chuột
- 'Ngoại giao gấu trúc' không chỉ là chuyện đúng, sai
- Cách chào cuối email có thể khiến bạn mất việc
- Bí mật về thời gian bay mà các hãng hàng không muốn giấu
- Cái giá phải trả khi đất nước thay đổi chữ viết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.