Tranh luận giữa quốc hội và chính phủ Việt Nam về Dự luật sửa luật đầu tư công hứa hẹn nợ nần quốc gia sẽ tiếp tục làm dân chúng Việt Nam bị thương nặng hơn và chết.
Lõi của Dự luật sửa luật đầu tư công (đặt định những ràng buộc liên quan tới việc sử dụng công quĩ làm vốn đầu tư) là thay đổi thẩm quyền quyết định đầu tư: Quốc hội chỉ xem xét, bỏ phiếu chấp thuận hay từ chối cho phép thực hiện những dự án trị giá từ 20.000 tỉ đồng trở lên. Chính phủ sẽ xem xét, phê duyệt những dự án sử dụng công quỹ dưới mức này (1).
Một số đại biểu quốc hội không ưng với dự tính vừa kể. Theo họ, qui định về thẩm quyền quyết định đầu tư ở Luật Đầu tư công hiện hành (buộc phải trình quốc hội xem xét, tổ chức bỏ phiếu đối với những dự án sử dụng công quĩ từ 10.000 tỉ đồng trở lên) vốn đã hạn chế quyền hiến định dành cho quốc hội (quyết định phân bổ - sử dụng ngân sách) thành ra mười năm vừa qua, quốc hội chỉ xem xét, bỏ phiếu quyết định đầu tư hai dự án.
Một số đại biểu khác thì cho rằng, nên chấp nhận đề nghị của chính phủ (sửa Luật Đầu tư công hiện hành, dành cho chính phủ quyền tự quyết đối với những dự án đầu tư dưới 20.000 tỉ đồng) để hoạt động đầu tư công linh hoạt, sát thực tế. Chưa kể, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư còn “dọa”, nếu không chấp nhận, quốc hội sẽ bị các dự án đầu tư công nhấn chìm vì mỗi năm, quốc hội chỉ họp hai kỳ, làm sao xem xét – phê duyệt cho nổi (?).
Trong cuộc tranh luận về Dự luật sửa luật đầu tư công, cả quốc hội lẫn chính phủ đều cố gắng chứng tỏ, hai bên đều vì dân, vì nước, trọng hiến, trọng pháp…
Nếu trọng hiến, trọng pháp và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thật sự “của dân, do dân, vì dân”, tại sao không ai giải thích cho dân tường, vì sao Luật Đầu tư công hiện hành không mất hiệu lực nhưng suốt mười năm, quốc hội chỉ xem xét, phê duyệt hai dự án sử dụng trên 10.000 tỉ của công quỹ, trong khi Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư công bố một thống kê, cho biết, chỉ trong năm năm vừa qua, có tới 9.000 dự án loại này?
Quan tâm đến công quỹ - sức dân, tại sao không đại biểu nào của dân tại quốc hội chất vấn xem ai phải chịu trách nhiệm khi chính phủ vay tiền khắp nơi rồi để đó không dùng cho toàn dân trả lãi, đến hạn sẽ phải hoàn đủ vốn. Chẳng lẽ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước với những con số như tỉ lệ giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ chỉ đạt 48,1%, tỉ lệ giải ngân vốn vay ngoại quốc chỉ đạt 53,6% không làm đại biểu nào sốt ruột (2)?
Dự luật sửa luật đầu tư công có ngăn được tình trạng giải ngân chậm – một kiểu diễn đạt hoa mỹ về thực trạng vay trong, mượn ngoài rồi để tiền nằm đó, chỉ sinh lãi, không sinh lợi – tiếp tục được cảnh báo là “đã diễn ra trong nhiều năm, chưa có giải pháp mạnh, hiệu quả để điều chỉnh cũng như khắc phục”, có khiến chính phủ chùn tay, ngưng“ban hành chính sách mới mà chưa xác định cụ thể về nguồn lực bảo đảm”?
Dự luật sửa luật đầu tư công có làm rõ, có đặt được nền móng để truy cứu trách nhiệm những cá nhân soạn – lập – phê duyệt các dự án đầu tư bằng công quỹ, vốn chỉ khiến nợ nần bao gồm cả vốn lẫn lãi trong và ngoài Việt Nam càng ngày càng lớn? Có cản được những dự án mà Bộ Chính trị xác định là “chủ trương lớn và nhất quán” như Dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên năm 2009?
Không và ai cũng biết là không thì bày ra sửa làm gì? Quốc hội vẫn họp mỗi năm hai kỳ, vẫn tìm nhiều cách để chứng tỏ đang đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của toàn dân nhưng nợ nần của Việt Nam đã vượt mức ba triệu tỉ đồng. Riêng năm ngoái, chính phủ đã dùng 250.000 tỉ đồng để trả nợ, trả lãi cho các khoản đã vay (3) và trong khối nợ khổng lồ đó có cả tiền nuôi chính phủ, bao các đại biểu ăn ở, đi lại, chi tiêu khi họp quốc hội!
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.