Thomas Bass: ‘Phạm Xuân Ẩn không đưa tin giả’
Tina Hà GiangBBCvietnamese.comBản quyền hình ảnhAFPImage caption’Những gì chúng ta có đến nay chỉ là tranh cãi về di sản của Phạm Xuân Ẩn’
Trả lời BBC, tác giả Thomas Bass nói ông Phạm Xuân Ẩn đầu tiên là một nhà báo giỏi và dùng kỹ thuật báo chí cho hoạt động của một điệp viên.
Nói chuyện với Tina Hà Giang của BBC Tiếng Việt hôm 23/02/2018, ông Bass cũng nêu những điều bất đồng của ông với hai tác giả khác viết về Phạm Xuân Ẩn là Larry Berman và Luke Hunt.
BBC: Được biết ông sẽ cho phát hành ấn bản mới của cuốn "The Spy Who Loved Us" vào cuối năm nay, có phải ông có thêm nhiều dữ kiện về nhân vật Phạm Xuân Ẩn?
Thomas Bass: Sách của tôi sẽ được tái xuất bản vào cuối năm nay ở dạng nguyên thủy, mặc dù tôi có viết thêm một lời nói đầu mới. Cuốn ‘The Spy Who Loved Us’ xuất hiện năm 2009, lúc ấy Phạm Xuân Ẩn đã qua đời, vì vậy, chúng ta không biết gì nhiều thêm về cuộc đời ông ta so với lúc sách mới xuất bản. Tôi tái xuất bản cuốn sách vì Phạm Xuân Ẩn là một nhân vật đáng chú ý, và ‘The Spy Who Loved Us’ chưa bao giờ được xuất bản dưới dạng bìa mềm. Tôi nghĩ sách bìa mềm có thể hữu ích cho một số người.
BBC: Ông có biết là tác giả Luke Hunt vừa xuất bản một cuốn sách mới về Phạm Xuân Ẩn tên là ”The Spy Who Did Not Love Us,” không?
Thomas Bass: Vâng, đúng vậy. Ông Luke Hunt có vẻ đang muốn bình phẩm về cuốn sách của tôi qua một số nhận xét trong sách của ông ấy. Tôi đã đọc cuốn sách này. Tôi nghĩ sách của tác giả Luke Hunt đưa ra nhiều tuyên bố vô căn cứ mà tôi nghĩ không đúng. Hiện có bảy cuốn sách viết về Phạm Xuân Ẩn, và tôi tưởng tượng chúng ta sẽ có thêm bảy cuốn nữa. Ông Ẩn là một nhân vật đáng chú ý, và thực sự là đề tài thu hút được nhiều người viết.
Bản quyền hình ảnhSILVIA DE SWAANImage captionThomas Bass, tác giả cuốn ‘The Spy Who Loved Us: The Vietnam War and Pham Xuan An’s Dangerous Game’, 2009
BBC: Chúng tôi vừa phỏng vấn ông Luke Hunt hôm qua. Ông ấy nói rằng Phạm Xuân Ẩn muốn trốn khỏi Việt Nam, ông nghĩ gì về điều này?
Thomas Bass: Ông Luke Hunt thực sự đã tuyên bố như vậy trong cuốn sách của mình. Ông ấy nói rằng Phạm Xuân Ẩn đã hai lần tìm cách trốn khỏi quê hương bằng thuyền và trở thành một thuyền nhân. Tôi tin rằng điều này là hoàn toàn hư cấu, vô căn cứ, không đúng sự thật. Tôi đơn giản là không tin. Tôi khuyên bạn không nên trích dẫn Luke Hunt về vấn đề này. Mặt khác, có phải Phạm Xuân Ẩn đã hối tiếc hoặc hoang mang? Để tôi đặt câu hỏi này một cách khác, có phải ông ta đã chỉ trích chế độ cộng sản sau năm 1975? Câu trả lời chắc chắn là có. Chiến thắng của Cộng Sản trong Chiến tranh Việt Nam đã làm Phạm Xuân Ẩn thất vọng về nhiều phương diện. Điều đó là sự thật.
BBC: Nhưng ông Luke Hunt khá cả quyết về điều đó. Ông ấy nói đã nghe việc ông Ẩn muốn trốn khỏi Việt Nam từ một vài người ông phỏng vấn, trong đó có Bác sĩ Trần Kim Tuyến?
Thomas Bass: Vâng, Phạm Xuân Ẩn như bạn biết, đã giúp ông Tuyến trốn thoát khỏi Việt Nam. Tôi không tin rằng sau đó họ nói chuyện với nhau. Vì vậy, ông Tuyến, cựu giám đốc tình báo của miền Nam Việt Nam, có lẽ đã có những lý do riêng của mình để đưa ra những tuyên bố này khác, nhưng tôi không tin rằng ông Tuyến, vào thời điểm đó đang sống ở nước Anh, có thể có điều kiện để biết rằng Phạm Xuân Ẩn muốn trở thành một thuyền nhân.
BBC: Trước khi viết sách, ông đã có dịp làm việc với Phạm Xuân Ẩn tại Việt Nam?
Thomas Bass: Không, tôi không đủ tuổi để gia nhập quân ngũ hay làm một nhà báo trong thời chiến tranh Việt Nam. Tôi gặp Phạm Xuân Ẩn lần đầu tiên vào năm 1992 khi tôi bắt đầu đến thăm nước này. Trước đó tôi chưa bao giờ làm việc với Phạm Xuân Ẩn.
Image captionHiện vẫn còn nhiều tranh cãi về ông Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn trước 1975
BBC: Được biết đang làm việc với ông cho cuốn sách về mình, thì ông Phạm Xuân Ẩn đổi ý và hợp tác với người khác, hình như là ông Larry Berman, theo ông thì lý do tại sao?
Thomas Bass: Vâng, Larry Berman là nhà viết cuốn tiểu sử được cho là chính thức của Phạm Xuân Ẩn. Thoạt đầu, tôi tiếp xúc với Phạm Xuân Ẩn để viết một bài cho tạp chí The New Yorker, nhưng sau một loạt bài phỏng vấn và nhiều nghiên cứu cho tạp chí The New Yorker, tôi quyết định chuyển những tài liệu đó thành một cuốn sách. Phạm Xuân Ẩn cũng đã làm việc với Larry Berman về một cuốn sách. Sách của Berman phát hành trước sách của tôi. Tôi tin rằng sách của ông Berman có nhiều điều không chính xác. Tôi từng thảo luận và chỉ trích cuốn sách của ông ta, và đưa một số điều này vào cuốn ”Censorship in Vietnam,” cuốn sách mới nhất về của tôi về Việt Nam.
BBC: Ông có thể nói qua về một vài bất đồng với Larry Berman về nhân vật Phạm Xuân Ẩn như được mô tả trong cuốn ”The Perfect Spy”?
Thomas Bass: Vâng, chẳng hạn Larry Berman nói Phạm Xuân Ẩn được 4 huy chương quân sự, trên thực tế ông Ẩn được trao 16 huy chương quân sự. Người ta muốn phải chính xác về số lượng huy chương quân sự mà ông Ẩn được trao, chính xác về quân hàm và cấp bực của những huy chương đã được cấp để đánh giá sự tham gia và vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong cuộc chiến. Chẳng hiểu ông Berman vì sao mà không có thông tin chính xác, và chắc chắn ông đã không điều tra tình hình một cách kỹ lưỡng đúng mức.
BBC: Ngoài số huy chương quân sự mà ông cho là ông Larry Berman viết sai, khác biệt chính giữa cuốn sách của ông và sách của Larry Berman là gì?
Thomas Bass: Vâng, cuốn sách của tôi là một nỗ lực mô tả con người đa diện của Phạm Xuân Ẩn về nhiều mặt. Hình ảnh của Phạm Xuân Ẩn trong tiểu sử chính thức của ông không sâu sắc và không toàn diện. Ngoài ra, tôi đã dành rất nhiều thời gian nói chuyện với mạng lưới gián điệp của Phạm Xuân Ẩn, và tất cả những thông tin xung quanh đến từ những người khác làm việc với Phạm Xuân Ẩn tạo ra một kết cấu phong phú cho câu chuyện không có trong 6 tiểu sử khác của ông ấy. Cuốn sách của Larry Berman vẽ lên hình ảnh rực rỡ của Phạm Xuân Ẩn như một ‘gián điệp hoàn hảo’. Tôi không biết như thế nào là một gián điệp hoàn hảo.
BBC: Theo ông thì Phạm Xuân Ẩn đã làm thế nào để tránh không bị phát giác?
Thomas Bass: Có một câu ông Ẩn thường hay nói để giải thích phương pháp của mình. Ông nói ‘Tôi không bao giờ nói dối với ai. Tôi luôn nói sự thật.’ Tất nhiên, cả cuộc đời của ông Ẩn là một gian dối, vì thế chúng ta phải hiểu ngữ cảnh của câu nói này. Tôi cho rằng ông ta nói đúng. Nếu bạn đưa ra cùng một thông tin cho tất cả 4 cơ quan tình báo mà bạn làm việc với, họ sẽ không phát giác ra vai trò điệp viên của bạn. Đó là phương pháp làm việc của ông ta. Phạm Xuân Ẩn phân tích tình hình rồi nói với mọi người về điều ông nhận xét, nghĩa là ông nói người cộng sản sẽ chiến thắng cuộc chiến đó, và rằng đây là một phong trào chống thực dân, họ sẽ thắng thế, tôi nghĩ ông ta đã nói thế với tất cả mọi người.
BBC: Ông gọi Phạm Xuân Ẩn là gián điệp tứ trùng. Tại sao? Ông có thể nói rõ về quan hệ của của ông Ẩn với CIA không?
Thomas Bass: Vâng, Phạm Xuân Ẩn đã làm việc với tất cả bốn cơ quan tình báo được đề cập trong cuốn sách của tôi. Ông làm việc cho người Pháp một thời gian trong vai trò kiểm duyệt tại bưu điện. Ông làm việc trong lãnh vực tâm lý chiến với Edward Lansdale và CIA của Hoa Kỳ trong một thời gian ngắn. Ông Lansdale chính là người giúp Phạm Xuân Ẩn đến Hoa Kỳ để theo học ngành báo chí.
Trở về Việt Nam sau khi được đào tạo như một nhà báo, ông Ẩn làm việc cho tình báo của Nam Việt Nam, và dĩ nhiên, ông là một điệp viên tầm cỡ của Bắc Việt trong cuộc chiến Việt Nam. Chúng ta phải hiểu rằng, khi là một gián điệp tứ trùng thì bạn nhận được tin tức từ nhiều nguồn khác nhau, đồng thời cũng cung cấp tin tức cho những nguồn này, đấy là một quá trình hết sức phức tạp. Đó là lý do tại sao Phạm Xuân Ẩn chắc chắn phải là một trong những điệp viên vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 20, người có thể tung hứng công việc của một gián điệp tứ trùng thì phải là một người xuất sắc.”
BBC: Có vẻ như ông đã rất ‘yêu’ ông ấy. Phải chăng ông đã yêu, hoặc ít nhất là yêu quý tài năng của Phạm Xuân Ẩn?
Image captionThomas Bass coi Phạm Xuân Ẩn trước hết là một nhà báo giỏi
Thomas Bass: Vâng, tôi nghĩ thế (cười). Trước khi ông Ẩn ngừng nói chuyện với tôi, chúng tôi đã có được một mối quan hệ rất thân thiết. Ông Ẩn làm tôi nghĩ nhiều đến cha tôi. Cha tôi không phải là một gián điệp, nhưng ông ấy cũng là một nhà đàm luận rất thu hút, một người du lịch đó đây khắp nơi, và là một nhà phân tích giỏi về các vấn đề thế giới. Tôi thích ngồi đối diện với Phạm Xuân Ẩn trong phòng khách nhà ông và nghe ông nói chuyện hàng giờ đồng hồ, lắng nghe những phân tích thế giới của ông, mà tôi cho là rất chính xác. Ông Ẩn là một nhà phân tích đại tài về các vấn đề thế giới.
BBC: Chuyện gì đã xảy ra giữa hai người? Tại sao ông ta lại đột ngột thay đổi ý định cộng tác với ông về cuốn sách?
Thomas Bass: Chẳng biết tại sao. Đột nhiên ông Ẩn nói với tôi rằng cuốn sách của tôi được viết quá nhiều từ phía bên trong, rằng tôi đã dành quá nhiều thời gian nói chuyện với người Việt trong mạng lưới của ông ấy. Cũng có thể ông ta nhận được lệnh từ người chỉ huy về việc nói chuyện với tôi, không ai biết được, nhưng đến một lúc nào đó, chúng tôi không trò chuyện nữa.
BBC: Ông đánh giá tình bạn của Phạm Xuân Ẩn với Đại Tá Phạm Ngọc Thảo và ông Trần Kim Tuyến như thế nào?
Thomas Bass: Đây là những câu hỏi rất hay. Đánh giá gián điệp rõ ràng là một khoa học chưa phát triển, bởi vì điệp viên, theo bản chất của họ, là những người ẩn mình, bí mật, có những câu chuyện chúng ta sẽ không bao giờ biết rõ. Miền Nam Việt Nam bị biết bao nhiêu là gián điệp trà trộn, toàn bộ hành chính bị gián điệp len lỏi vào từ trên xuống dưới, trong đó có rất nhiều điệp viên giỏi, như ông Phạm Ngọc Thảo. Thảo là một gián điệp nhị trùng có khả năng và hiệu quả cao.
Ông là một điệp viên giỏi và sau chiến tranh, được nâng lên vị trí tướng và chôn cất trong nghĩa trang chiến sĩ của Việt Nam. Nhưng chúng tôi không biết nhiều về mạng lưới mà Phạm Ngọc Thảo hoạt động, và dĩ nhiên ông đã gặp một kết cục khủng khiếp, bị tra tấn đến chết. Về Trần Kim Tuyến, bản thân ông ta không phải là gián điệp, nhưng ông điều hành mạng gián điệp tình báo của miền Nam Việt Nam, cho đến khi bị quản thúc tại gia và cuối cùng phải trốn khỏi Việt Nam.
BBC: Tình bạn giữa Phạm Xuân Ẩn và Phạm Ngọc Thảo có chân thật không? Họ có biết nhau là điệp viên không?
Thomas Bass: Tôi không biết việc Phạm Xuân Ẩn làm việc với Đại tá Phạm Ngọc Thảo, và việc Phạm Xuân Ẩn có biết Phạm Ngọc Thảo cũng là một điệp viên cộng sản không, tôi không có câu trả lời. Bạn biết là gián điệp họ hoạt động trong từng chi bộ, với mục đích giữ mỗi chi bộ tách biệt với nhau, bởi vì nếu chúng không tách rời thì toàn bộ mạng gián điệp có thể bị phá hủy nếu một chi bộ bị phát hiện.
Về việc Trần Kim Tuyến có biết Phạm Xuân Ẩn là gián điệp không? Tôi cho là không, tôi xin nói rằng Phạm Xuân Ẩn đã không tiết lộ cho Trần Kim Tuyến ông ta là một điệp viên của miền Bắc Việt Nam.
BBC: Chắc là quan hệ giữa Phạm Xuân Ẩn và Trần Kim Tuyến phải thân thiết, thì ông ấy mới giúp ông Tuyến rời Việt Nam, đúng không?
Thomas Bass: Vâng, nhưng một lần nữa, bạn biết đấy, ở giữa cuộc chiến, khi bạn cố dò tìm tin tức để giết quân địch và chiếm ưu thế quân sự cho phe mình, thì tình bạn là cái gì? Tình bạn ấy có thực sự, có chân thành không, hay là thứ tình bạn giúp người ta có thông tin quan trọng tới mức chết người? Phạm Xuân Ẩn và bác sĩ Trần Kim Tuyến quen biết nhau trong một thời gian rất dài, và bác sĩ Tuyến giúp nhiều cho sự nghiệp của Phạm Xuân Ẩn, nhưng đây cũng có thể là thứ tình bạn mang lại lợi ích song phương. Chúng ta không thể biết được.
BBC: Ông có nghĩ ông Phạm Xuân Ẩn rất cay đắng sau năm 1975, khi ông không được phép theo gia đình sang Mỹ, mà bị cải tạo và dường như không được chính quyền cộng sản tin tưởng?
Thomas Bass: Đúng, sau năm 1975, khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn lẽ ra là được chuyển đến Washington DC cùng với gia đình và tiếp tục làm việc cho tạp chí Times để làm gián điệp cho Bắc Việt.
Thế nhưng, ông Ẩn đưa gia đình ông rời Việt Nam đến Washington DC và sau đó chính ông cũng dự định lên đường thì vào phút chót, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam không cho ông ra khỏi đất nước. Dĩ nhiên họ làm thế, hoặc vì không tin tưởng ông ta, hoặc vì ông ta biết quá nhiều và họ không thể chấp nhận rủi ro trong việc để ông thoát đi, hoặc một phe của cộng sản đã đánh bại phe khác trong việc tranh dành quyền lực. Không ai biết chuyện gì đã thực sự xảy ra, nhưng đó chắc hẳn phải là một dấu hiệu cho Phạm Xuân Ẩn thấy rằng những ngày là một gián điệp được tin tưởng của ông đã qua, và ông ta phải triệu tập gia đình về Việt Nam.
Phải mất một năm gia đình của ông Ẩn mới về lại được Việt Nam và vào thời điểm đó, Phạm Xuân Ẩn nói chung đã bị gạt qua một bên, được đưa đến sống trong một biệt thự và ít có ảnh hưởng đến chính quyền Bắc Việt. Ông ấy có cay đắng không, có nghĩ rằng chính quyền Việt Nam sau năm 1975 có nhiều sai lầm không? Tôi nghĩ là có. Ông Ẩn chỉ trích họ không đủ năng lực, tham nhũng, và có nhiều quyết định sai lầm, và một lần nữa, ông ấy phân tích rất chính xác.
BBC: Ông Ẩn có công khai chỉ trích chính quyền không?
Thomas Bass: Chắc chắn với một số khách phương Tây ông đã đưa ra những nhận định này. Ông có công khai chỉ trích chính quyền không? Tôi không chắc lắm. Sau khi bình luận với tôi, có thể ông đã hối tiếc khi nói chuyện quá thẳng thắn. Tôi nghĩ với người phương Tây ông sẽ không dấu chỉ trích của mình. Tôi không rõ ông đã bình luận như thế nào với đồng nghiệp Việt Nam.
BBC: Ông có thể đưa ra một số ví dụ về những lời chỉ trích mà Phạm Xuân Ẩn nói với ông không?
Thomas Bass: Vâng, có quá nhiều chỉ trích nên rất khó xác định. Sau năm 1975 [chính quyền] Việt Nam đã mắc nhiều sai lầm dốt nát. Một là toàn bộ mạng lưới các trại cải tạo cưỡng bách lao động, hay nhà tù, trong đó họ giam giữ những người miền Nam đến mười bảy năm hay không biết là bao lâu. Cách hành xử này sau khi chiến tranh chấm dứt đã làm Phạm Xuân Ẩn kinh ngạc. Nỗ lực loại bỏ người Hoa khỏi việc kiểm soát thị trường gạo đã gây ra cuộc khủng hoảng cho thuyền nhân và làm cho nền kinh tế bị kiệt quệ, tạo ra nạn đói ở Nam Việt Nam. Việc điều hành nền kinh tế là một tai họa sau năm 1975, Phạm Xuân Ẩn chắc chắn phê bình về điều đó, quan hệ với Trung Quốc là một điều khác, cả một danh sách dài…
BBC: Nói tóm lại, ông Phạm Xuân Ẩn có hối tiếc đã dành cả cuộc đời của mình, chấp nhận bao nguy hiểm làm điệp viên để theo chủ nghĩa cộng sản?
Thomas Bass: Tôi phải nói rằng câu trả lời là không. Ông Ẩn là một người quan sát tinh tế về lịch sử, và trong hoàn cảnh lịch sử của đất nước mình, ông đánh những lá bài mình được chia. Trong trường hợp của ông, Việt Nam ở trong một khoảnh khắc cách mạng muốn lấy lại vị thế của một quốc gia có chủ quyền, ở giữa không chỉ một, mà hai cuộc chiến giữa đế quốc và thuộc địa. Lựa chọn duy nhất ông mà Phạm Xuân Ẩn có là ủng hộ cộng sản, và ông đã làm điều đó một cách hiệu quả và trung thành. Tôi không nghĩ rằng ông ta hối tiếc một quyết định như vậy. Ông ấy có lấy làm tiếc với những gì xẩy ra sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng hối tiếc thì không!
BBC: Có ý kiến cho rằng, các tác giả ngoại quốc có khuynh hướng đánh giá quá cao vai trò của Phạm Xuân Ẩn trong Chiến tranh Việt Nam. Tựa đề như ‘người Điệp Viên xoay chuyển tình thế cuộc chiến Việt Nam’ có thể nghe rất hấp dẫn, nhưng có phải là quá lời không, chắc chắn phải có những điệp viên khác ngoài Phạm Xuân Ẩn?
Thomas Bass: Trước tiên, là một nhà báo bạn biết rất rõ rằng tựa đề phần lớn không phải do tác giả viết. Tờ The Daily Beast có khuynh hướng hay đưa ra những tựa đề rất giật gân, rất kém. Tôi không ủng hộ tựa đề đó, nó thật vô lý. Đó không phải là tựa đề của tôi, không phải là lời của tôi. Phạm Xuân Ẩn là điệp viên có hiệu quả cao, là người đóng vai trò rất quan trọng trong việc Bắc Việt thắng nhiều trận đánh và cuối cùng chiến thắng. Liệu Bắc Việt có thắng không nếu không có Phạm Xuân Ẩn? Có lẽ thế! Nhưng trong phân tích cuối cùng, ông được Việt Nam đánh giá cao. Ông đã cứu được nhiều mạng sống bằng cách cảnh báo trước về sự di chuyển của quân đội Mỹ và các cuộc tấn công từ [phe phản chiến] Mỹ và Đảng Cộng hòa về chiến tranh Việt Nam.
Bản quyền hình ảnhAFPImage caption’Những gì chúng ta có đến nay chỉ là tranh cãi về di sản của Phạm Xuân Ẩn’
BBC: Ông ấy có thể đã cứu được nhiều người lính Bắc Việt, nhưng tôi chắc chắn, Phạm Xuân Ẩn cũng chịu trách nhiệm về nhiều cái chết của lính Mỹ. Là một người Hoa Kỳ, ông có ghét Phạm Xuân Ẩn?
Thomas Bass: Không, cuộc chiến Việt Nam là một sự việc bị dẫn dắt sai và phạm pháp từ ngày Hoa Kỳ nhúng tay vào. Vì vậy, về vấn đề này, tôi chắc chắn cảm thấy một thông cảm nhất định nào đó với Phạm Xuân Ẩn. Ông chiến đấu cho đất nước mình. Nếu bàn cờ đảo ngược, tôi cũng làm y như Phạm Xuân Ẩn.
BBC: Bí quyết thành công của Phạm Xuân Ẩn là gì? Có phải ông ta đã đưa tin giả để giúp Bắc Việt thắng cuộc?
Thomas Bass: Niềm say mê ban đầu của tôi đối với người đàn ông đó là việc ông ấy là một nhà báo, và là một nhà báo giỏi. Tôi tin rằng ông Ẩn đã sử dụng kỹ thuật báo chí trong việc làm tình báo. Vì thế phần lớn trong cuốn sách The Spy who Loved Us của tôi nói về mối quan hệ giữa gián điệp và báo chí. Này nhé, các phóng viên tường trình khám phá của họ cho thế giới, còn gián điệp thì tường trình khám phá cho chủ nhân của họ.
Vì vậy, tuy các kênh thông tin rất khác nhau, nhưng tôi tin rằng kỹ thuật và phương pháp thì tương tự. Cũng đúng là nhiều nhà báo đã làm gián điệp, và nhiều gián điệp đã cố gắng làm phóng viên, nhưng tôi không biết ai có hiệu quả như Phạm Xuân Ẩn.
Câu hỏi khác là có phải Xuân Ẩn đã đưa thông tin sai lệch? Có phải ông ấy đã có những tường trình dối trá, đã đưa tin giả? Câu trả lời là không, tôi nghĩ rằng ông ấy đưa tin thực. Tôi nghĩ Hoa Kỳ đã bị tấn công nặng nề trong Tết Mậu Thân và trong trận Ấp Bắc.
Tôi nghĩ tường trình của Phạm Xuân Ẩn về những trận này hoàn toàn chính xác. Việc tường trình rằng cuộc chiến Việt Nam có thể thắng được, với ánh sáng cuối đường hầm, tôi nghĩ đó mới là tin giả. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng Phạm Xuân Ẩn, dưới bất kỳ hình thức nào, đã tường trình giả mạo hoặc đưa thông tin sai lệch.
BBC: Vậy thì theo ông, trong tận đáy tâm hồn mình, ông Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo hay một gián điệp?
Thomas Bass: Vâng đó chính là tiêu đề cuốn sách của tôi, The Spy Who Loved Us, có nghĩa là điệp viên yêu Hoa Kỳ. Tôi nghĩ theo nhiều cách, Phạm Xuân Ẩn được đào tạo ngành báo ở Hoa Kỳ và làm báo như một nhà báo phương Tây. Tôi nghĩ ông ấy thích thảo luận cởi mở, công khai và tự do xuất bản. Phạm Xuân Ẩn thật sự yêu thích điều đó. Vì vậy, trong tâm hồn của ông, tôi nghĩ ông là một nhà báo. Ông yêu những phong cách của phương Tây. Nhưng ông cũng là một người theo chủ nghĩa dân tộc và là người Việt Nam, và trong hoàn cảnh lịch sử đất nước, lựa chọn duy nhất mà ông ta có là ủng hộ nỗ lực của cộng sản nhằm đẩy lực lượng thực dân ra khỏi Việt Nam.
BBC: Ông có chi tiết nào thêm về cuộc đời sau chiến tranh của ông ấy mà bây giờ mới tiết lộ được không?
Thomas Bass: Trước hết, chúng ta sẽ không có bất kỳ thông tin mới nào về Phạm Xuân Ẩn cho tới năm mươi, bảy mươi, hay một trăm năm nữa, khi các kho lưu trữ tài liệu may ra được bạch hóa, mà chúng ta có thể đọc được, những tường trình mà ông ta gửi đi cho quân đội Bắc Việt, sẽ rất thú vị khi chúng ta được đọc, và tìm hiểu ý nghĩa thực sự của những huy chương quân sự ông ta đã được trao… Huy chương chiến đấu là huy chương cao nhất được cấp cho những ai thực sự thắng trận, vậy thì chính xác là Phạm Xuân Ẩn làm được gì để được cấp đến 2 huy chương chiến đấu.
Cho đến khi chúng ta có được những tài liệu đó, những gì chúng ta sẽ có chỉ là tranh cãi về di sản của Phạm Xuân Ẩn. Chúng ta sẽ có những người tuyên bố rằng ông ấy muốn trở thành thuyền nhân, và tôi đoán đó sẽ là quan điểm của người miền Nam Việt Nam, hay từ Hà Nội, rằng ông Ẩn tiếp tục làm gián điệp cho đến ngày ông qua đời. Tôi nghĩ những gì đang xảy ra vào thời điểm này là một cuộc tranh cãi về di sản thực sự của ông.
Về tác giả Thomas Bass: ông ra cuốn ‘The Spy Who Loved Us: The Vietnam War and Pham Xuan An’s Dangerous Game‘ năm 2009 và sẽ bổ sung thêm nhiều chi tiết cho lần tái bản cuối năm 2018.
Chúng tôi sẽ giới thiệu phỏng vấn của Tina Hà Giang với hai tác giả còn lại:
Larry Berman, người viết cuốn ‘Perfect Spy: The Incredible Double Life of Pham Xuan An, Time Magazine Reporter and Vietnamese Communist Agent‘ (2008). Bản tiếng Việt của sách đã bị kiểm duyệt nhiều đoạn ở Việt Nam.
Luke Hunt, tác giả cuốn ‘The Punji Trap: Pham Xuan An – The Spy Who Didn’t Love Us‘, đầu tháng 2/2018, gọi Phạm Xuân Ẩn là ‘Điệp viên không hề yêu quý chúng ta’, như để bác bỏ cách nhìn của Thomas Bass.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.