Chính phủ Việt Nam vừa tổ chức một hội nghị về Tiêu thụ lúa. Tờ Tuổi Trẻ tường thuật đó là hội nghị đầu tiên có sự tham dự của cả Bộ trưởng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Bộ công Thương và Ngân hàng Nhà nước (1).
Sở dĩ chính phủ Việt Nam phải tổ chức một hội nghị về tiêu thụ lúa vì giá lúa liên tục giảm, nông dân đồng bằng sông Cửu Long chấp nhận lỗ nặng, bán như cho nhưng vẫn không có người mua (2).
Điều đó đồng nghĩa với việc nông dân mất cả chì lẫn chài. Thời gian, công sức, vốn liếng đổ vào một vụ lúa không những không sinh lợi mà còn tạo thêm nợ nần vì mất vốn, mất cả khả năng trả nợ lẫn lãi!
Tình cảnh nông dân thê thảm tới mức, Ngân hàng Nhà nước phải yêu cầu hệ thống ngân hàng thương mại nới lỏng điều kiện cho vay, giảm lãi để các doanh nghiệp kinh doanh nông sản mạnh dạn vay tiền, mua lúa cho nông dân...
Hội nghị về Tiêu thụ lúa là bằng chứng mới nhất về tương lai của nông dân, rộng hơn là nông nghiệp, triển vọng của kinh tế - xã hội càng ngày càng bấp bênh, đáng ngại. Lúa không thoát khỏi vòng luẩn quẩn cố hữu: Càng được mùa càng khốn khổ!
Giống như trước đây, lãnh đạo các cơ quan hữu trách của chính phủ Việt Nam, lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cùng thú nhận chưa biết làm thế nào để nông dân thoát khỏi tình trạng luôn luôn cần… giải cứu.
Không chỉ có lúa! Bà Vũ Kim Hạnh (Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp) kể trên facebook của bà rằng, nông dân trồng tiêu ở Tây Nguyên, nông dân trồng điều ở Bình Phước cũng bạc mặt vì giá tiêu, điều giảm sâu nhưng chẳng ai mua (3).
Trong ba thập niên vừa qua, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn không tìm được hướng cho lúa nói riêng, nông sản nói chung (bao gồm cả cá, tôm, gia cầm, gia súc,…) phát triển ổn định.
Hoạt động của nông dân giống hệt như đánh bạc và họ thường… thua. Cho dù loay hoay với vô số thử nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi nhưng kết quả của mọi thử nghiệm đều đắng. Nông nghiệp èo uột, nông thôn bế tắc, nhiều nơi chỉ còn người già, trẻ con.
***
Xưa nay, cho dù hệ thống chính trị Việt Nam ra rả về tam nông (nông dân, nông thôn, nông nghiệp) và cương quyết không buông bỏ mục tiêu “xây dựng nông thôn mới”, cho dù từ 2010 đến 2015, hệ thống công quyền Việt Nam đã chi cho chương trình “xây dựng nông thôn mới” 850 tỉ, trong giai đoạn 2016 đến 2020 sẽ tiếp tục chi thêm 193 ngàn tỉ nữa để “xây dựng nông thôn mới” nhưng nông dân trên khắp Việt Nam vẫn lũ lượt dắt díu nhau đi làm thuê khắp nơi, kể cả ở ngoài Việt Nam.
Cho dù các dự án liên quan đến phát triển nông thôn, nông nghiệp liên tục được phê duyệt, ngốn hết ngàn tỉ này tới ngàn tỉ khác kèm hứa hẹn tăng thêm sinh khí cho nông thôn, sinh lực cho nông nghiệp, mới nhất là “Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1” (trị giá 3.309,5 tỉ đồng) ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng chẳng bao giờ có dự án nào để tạo ra – duy trì thị trường cho các loại nông sản để nông dân yên tâm sống ở nông thôn và chí thú với nông nghiệp.
Bất kể sự can gián của các chuyên gia làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau (4), “Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1” vẫn được triển khai (5). Kiểm soát mặn trong phạm vi 909.000 héc ta để “giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển với vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn - Cái Bé” để làm gì nếu nông sản, thủy sản tiếp tục không có đầu ra, tiếp tục phụ thuộc vào sự thất thường của các thị trường như thị trường Trung Quốc?
Giả dụ đúng là “Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1” đem lại những lợi ích to lớn cho nuôi trồng thủy sản ven biển và sản xuất nông nghiệp thì cảnh báo của ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, tại hội nghị về tiêu thụ lúa mới diễn ra hôm 27 tháng 2: Đừng mùa nào, năm nào cũng xin cấp vốn ưu đãi. Đừng chạy theo số lượng. Cố gắng xuất khẩu ở số lượng có thể kiểm soát được chất lượng – có đáng bận tâm không?
Nếu đem thực trạng của nông thôn, hiện tại cũng như tương lai của nông dân đặt bên cạnh vô số “chiến dịch giải cứu”, chương trình “xây dựng nông thôn mới”, các dự án đủ loại liên quan đến nông nghiệp ắt sẽ thấy, “chính sách tam nông”, các dự án được quảng cáo nhằm phát triển nông nghiệp, không vì nông dân, chẳng hề đoái hoài đến nông thôn, cũng không thèm bận tâm tới nông nghiệp. Hết ngàn tỉ này tới ngàn tỉ khác đã hay sắp chi chỉ tạo ra cơ hội làm giàu cho một số cá nhân hữu trách.
Khoản 2, Điều 2 Hiến pháp Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xác định, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Có chân nào trong ba chân được khẳng định là nền tảng ấy thực sự là móng không? Nhà nước xã hội chủ nghĩa tất nhiên phải do đảng cộng sản lãnh đạo. Đảng cộng sản nào thì cũng phải dựa vào “giai cấp công nhân” và “giai cấp nông dân”. Nhìn vào hiện tại cũng như tương lai của “giai cấp công nhân”, “giai cấp nông dân” ở Việt Nam sẽ thấy đảng CSVN có… chân chính như họ vẫn tự nhận hay không.
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.