Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

“Thiên Thu Định Luận” và người bạn sử học của cha (Phần 2)

“Thiên Thu Định Luận” và người bạn sử học của cha (Phần 2)

Dương Tự Lập
26-2-2019
Tiếp theo phần 1
Ngày 14/4/1990, chú Tân cùng mẹ đẻ và con trai trưởng được phép của Đảng, Nhà nước, chính thức sang Trung Quốc (lần đi đầu) thăm lại cha mình hơn mười năm cách biệt. Sau bốn tháng ở chơi với cha, chú Tân và gia đình trở về ngày 10/8/1990. Ba ngày sau, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có thư tay và đem xe hơi Lada tới nhà riêng đón chú Tân đến số 2 Nguyễn Cảnh Chân, nơi làm việc của Linh, gặp gỡ.
Sau mấy tiếng ngồi nói nhỏ to, Linh hết sức phấn khởi, lại cho xe con đem chú Tân chở về tận nhà. Ngày 16/8, chú Tân lặng lẽ đến sứ quán Trung Quốc ở 46 Hoàng Diệu, nơi mà trước đây mẹ chú đã từng đến đó tìm chồng mình rồi nhổ nước bọt phì phì vào cổng hôm nào, gặp Bí thư thứ nhất Hồ Càn Văn.
Nghe thấy tiếng người nói, Trương Đức Duy, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền từ phòng trong đi ra bắt tay chú Tân, với thái độ thân mật và trang trọng. Chú Tân chuyển lời thăm cũng như thuật lại cuộc nói chuyện với Nguyễn Văn Linh, ý nguyện của Linh như thế, như thế… Đại sứ Trương tỏ ra phấn khởi và kể cho chú Tân chuyện này:
– Vừa qua, Thứ trưởng Từ Đôn Tín gặp Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ông Thạch đã có cử chỉ khiếm nhã, lăm lăm nắm tay đập xuống bàn, khiến cho buổi tiếp xúc mất hết không khí thân thiện xã giao bình thường. Quả là trái hẳn với tinh thần đoàn kết của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Thật ra, Thứ trưởng họ Từ gặp ông Thạch chỉ nói lải nhải nhiều về vấn đề Campuchia, rất khó chịu, nên làm ông Thạch nổi đóa. Mấy ngày sau Nguyễn Cơ Thạch mời chú Tân đến văn phòng riêng ở số 14 Nguyễn Gia Thiều của ông, cũng gần nhà chú Tân, nói chuyện. Ông Thạch kể lại sự việc hôm ấy ông đập bàn, bắt Từ Đôn Tín im miệng, không nói đến vấn đề Campuchia.
Nắm được thông tin quan trọng này từ Hoàng Nhật Tân, Đại sứ Trương Đức Duy bỏ qua Bộ Ngoại giao Việt Nam, đi ô-tô màu đen không cắm cờ Trung Quốc, tới thẳng Bộ Quốc phòng, gặp gỡ riêng tướng Anh chột. Lê Đức Anh phấn chấn, niềm nở tiếp Đại sứ Họ Trương, và ngay sau đó báo cáo lại cho Linh hay.
Tại sao Trương Đức Duy lại chọn đi gặp Lê Đức Anh trước mà không gặp ai khác? Việc này cũng do Cục Hoa Nam và Trung Nam Hải điều hành. Hoa Nam Cục nắm rất rõ lý lịch của ông cai Anh chột cũng như “chiến công” của Anh chột thời còn cầm quyền Bộ trưởng Bộ quốc phòng để binh lính đổ máu với Trung Quốc trên biên giới phía Bắc năm 1979, kéo dài mười năm đến 1989.
Lê Đức Anh đã để mất nhiều phần đất đai rơi vào tay Trung Quốc. Số đất Trung Quốc chiếm được của Việt Nam tính ra bằng một tỉnh lớn của miền Bắc. Lê Đức Anh, tội đồ của dân tộc, chưa hết, Anh chột còn là tội đồ của 64 người lính trẻ chết thảm tại thảm sát Gạc Ma khi Anh chột có lệnh mồm không được nổ súng trước quân Trung Quốc ngày 14/3/1988. Đảo mất, người cũng mất, Quốc gia nhục nhã.
Chưa hết, gần hai tháng sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh dự lễ kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống Quân chủng Hải quân Việt Nam (7/5/1955 — 7/5/1988). Trong lời thề Trường Sa của tướng Anh không có một từ ngữ nào nói nặng nói nhẹ Trung Quốc ngoài sự cảm ơn và ngợi ca Trung Quốc mà thôi.
Sợ Trung Quốc, cai đội Anh chột còn sợ một kẻ đao phủ nữa trên mình là Lê Đức Thọ hơn cả sợ cọp. Cứ mỗi lần được gọi đến gặp Sáu búa Lê Đức Thọ, tại nhà riêng của Thọ, thì Anh chột sợ hãi, khoanh hai tay trước bụng cúi đầu đi vào. Lúc ra về cũng cúi đầu đi thụt lùi, thụt mãi đến tận khuất hẳn sau cánh cổng lớn mới dám quay đầu dông thẳng.
Là tướng nhưng có một lần, trong cuộc họp nói chuyện tại Trường cán bộ cao cấp quân đội, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh nói về việc chống Diễn biến Hòa bình. Tướng Anh đã bêu xấu ông nhân sĩ yêu nước Lý Chánh Trung thuộc thành phần phản động là tự diễn biến là trở cờ. Không ngờ có một đại úy sĩ quan bỗng đập bàn đứng phắt dậy quát tướng Anh: Nói láo! Nếu ông ngồi đối diện thì tôi đã tát vỡ mặt ông, rồi người lính đó bỏ đi. Anh là ai? Người ấy là Lý Tiến Dũng con trai nhân sĩ yêu nước Lý Chánh Trung, là người vừa bị Anh chột bêu xấu. Sau này Dũng cởi bỏ áo lính, đi học báo chí và trở thành Tổng Biên tập dũng cảm của tờ báo Đại Đoàn Kết.
Tại Thiên An Môn, Đặng Tiểu Bình – một kẻ mưu mô xảo quyệt giàu lòng thâm dạ hiểm, nhận được báo cáo của Đại sứ Trương Đức Duy báo về rất mừng. Với trí tuệ siêu đểu cáng của họ Đặng thì việc lừa mấy lão già nua quê mùa Việt Nam dễ như giỗ trẻ con ăn kẹo. Đặng bắt mạch kê đơn biết tỏng được Linh đang tâm trạng rất hoang mang, lo sợ trước sự kiện Đông Âu. Đặng hứa sẽ tiếp kiến tại Thành Đô-Trung Quốc, nhưng rồi Đặng đã lánh mặt không thèm gặp khi mấy ông già nước Việt ngô nghê đặt chân tới Thành Đô, để mặc đàn em ra tiếp.
Hội Nghị Thành Đô – hay Mật Ước Thành Đô, là cuộc đi đêm đê tiện, hèn mạt của bọn bán rẻ dân tộc Việt này bắt đầu từ đây. Ngày 2/9/1990, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) tuổi 75, kẻ một thời viết hàng loạt bài trên báo Nhân Dân ký tên “N-V-L”, tức “Nói Và Làm”. Sau nghe nhàm tai bị nhân dân chửi đồng chí “Nói Và Lờ” – “Nhổ Và Liếm” loại khỏi vòng Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch (Phạm Văn Cương). Coi khinh cả dân tộc Việt Nam. Kéo theo em Đỗ Mười (Nguyễn Duy Cống) tuổi 73, xuất thân từ một gã vai u thịt bắp quê mùa chuyên nghề cắt dái lợn, đồng thời là kẻ thất phu phá tan Thành Hồ năm 1978, với sáng kiến “Cải tạo công thương” cùng anh Tô – Phạm Văn Đồng tuổi 84, (tuổi ba ông ở độ tinh hoa phát tiết ra ngoài) tới Thành Đô thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên – Trung Quốc, họp kín trong hai ngày 3 và 4 tháng 9/1990.
Nỗi nhục của cuộc họp này sẽ kín như bưng nếu như tờ Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc và tờ China Daily bằng tiếng Anh không tung ra, rêu rao nhạo báng mấy lão già Việt Nam ngu xuẩn bị lừa vào tròng. Về nước, nghĩ lại, ông Tô-Phạm Văn Đồng lắc đầu: “Mình dại dột quá nên đã bị chúng nó lừa”.
Đồng từng là thủ phạm ký Công hàm năm 1958 gửi cho Chu Ân Lai, Thủ tướng Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đồng ý tôn trọng chủ quyền về hải phận 12 Hải lý của Trung Quốc ngày 4/9/1958 mà ông Nguyễn Khắc Mai, một người cẩn trọng, nguyên là Vụ trưởng Vụ nghiên cứu – Ban Dân vận Trung ương – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Minh triết phẫn nộ: “Một văn bản, Công hàm phản động”.
Chú Dương Danh Dy cũng họ Dương nhà tôi từng làm Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) những năm 1978-1979 khốc liệt của cuộc chiến biên giới phía Bắc bốn mươi năm trước. Học giả hàng đầu nghiên cứu vấn đề về Trung-Quốc, là người đầu tiên đưa hồi ký: “Hồi ức và Suy nghĩ” của Ngoại trưởng Trần Quang Cơ lên internet. Cuốn hồi ký của ông Cơ, người rất nhân cách, từ chối lời mời của Đỗ Mười, thế chân Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
Ông Cơ có thâm niên hơn bốn mươi năm trong ngành ngoại giao, vạch ra sai lầm thất bại thảm hại ê chề của Hội Nghị Thành Đô mà Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch phải lần nữa đập tay xuống bàn than: “Một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu”.
Chú Dy cũng là người đầu tiên viết trên báo quốc tế BBC về thất bại Hội Nghị Thành Đô 1990. Chú mới mất cách nay vài tháng. Tuyệt nhiên không có báo chí nào của Đảng, Nhà nước đưa tin, chẳng ai biết để mà đến phúng viếng thắp hương, nghiêng mình về lòng yêu nước của một con người chân chính. “Tội trạng” chú là vạch ra quá nhiều chuyện bẩn thỉu của thiên triều cộng sản Trung Quốc đối với Việt Nam, mà việc đó thì triều đình cộng sản Việt Nam cấm tuyệt đối.
Xa quê hương nhiều năm trở về, năm 2010, tôi cùng em trai Lê Chí Nguyện tới thăm gia đình chú Hoàng Nhật Tân. Trong lòng tiếc vì để mất cuốn sách Giọt Nước Trong Biển Cả bằng tiếng Anh “A drop in the Ocean”, Hoang Van Hoan`s Revolutionary Remeniscences´ Nhà xuất bản Foreign Languages Press, Beijing 1988, mà tôi mua trong hiệu sách quốc tế Hugendubel tại Munich năm 1992, có ý định biếu chú.
Lúc này nhà chú đã dời sang 29 Nguyễn Gia Thiều, chuyển về ở phòng 102 – E5b tập thể Trung Tự, Đống Đa, gần nhà tôi. Chú đã yếu, bắt đầu có biểu hiện nói lẫn và nặng tai nhưng vẫn ngồi tiếp được chuyện với tôi rất lâu, nhiều nỗi niềm uẩn khúc nhức nhối trong lòng. Tôi linh cảm đây là lần cuối cùng gặp chú. Lúc tôi gần ra về, chú mới rút cuốn phả ký gia tộc, “Thiên Thu Định Luận” trên kệ sách mà chú là tác giả, ký tặng tôi. Chú nói: Trong gia đình anh Dương Quân, chú biết thằng Lập có thể làm được việc gì đó, nên chú tặng cháu cuốn này, biết đâu đấy…!!!
Đầu năm 2014 ở Đức, nhận được tin dữ từ nhà báo sang, chú Hoàng Nhật Tân qua đời. Ở tuổi 89 chú đi, như thế cũng vào diện thọ. Nghĩ đến chú, tôi lại nhớ đến lời mẹ tôi lúc sinh thời, bà thường ca ngợi chú Tân, người con có hiếu. Đúng! Viết “Thiên Thu Định Luận” thanh minh về việc bỏ nước ra đi của Hoàng Văn Hoan chính là chú rất có hiếu với cha mình, cho dù một nghìn năm sau, sau nữa, nhân dân Việt Nam cũng không chấp nhận hành động quay lưng lại với dân tộc của Hoàng Văn Hoan, nương thân cuối đời trên đất Trung Hoa.
Trung Quốc – kẻ thù thiên thu. Đừng quên lời nói đầu trong Dự thảo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1980 ghi rõ: “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của dân tộc”. Một nghìn năm có tới mười bẩy lần cướp nước Việt, nhưng đều bị đánh cho đại bại, tan tác ô nhục. Cái độc nhất là cuộc chiến mở đầu trong lịch sử Việt Nam đánh Trung Quốc cướp nước lại thuộc về phái yếu, thuộc về những người phụ nữ chân yếu tay mềm hai chị em Trưng Trắc – Trưng Nhị. Những người của phái mặc Si-líp đeo Coóc-sê đánh giặc Tầu thế mới ghê chứ. Có phụ nữ nào trên thế giới mà được như phụ nữ dân tộc Việt tôi.
Chuyện của chú Hoàng Nhật Tân cuối đời thanh minh và làm sáng tỏ vấn đề của Hoàng Văn Hoan, cha đẻ mình, đúng ra có ý định từ sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn chết một thời gian. Nếu Ba Duẩn chưa lìa đời thì đó là việc khó có thể thực hiện.
Không quản thời tiết Hà Nội thất thường mưa nắng, chú lóc cóc đạp xe tới Trung ương Đảng cộng sản Ba Đình. Chú đạp xe tới Văn phòng Quốc hội và nhà riêng số 3 Nguyễn Cảnh Chân, gặp Trường Chinh (Đặng Xuân Khu). Chú đến Phủ thủ tướng và tới nhà riêng số 5 Hồ Tây, gặp ông Phạm Văn Đồng. Chú tới khu nhà riêng của ông Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải) ở số 6 Nguyễn Cảnh Chân, để hỏi về bản án tử hình ngày 26/6/1980 mà Chính quyền Việt Nam tuyên bố xử vắng mặt Hoàng Văn Hoan.
Đã không được việc mà tất cả các ông này đều nối gót nhau cũng lần lượt chết hết. Sau chú lại tiếp tục tìm đến nhà Nguyễn Văn Linh. Đến nhà riêng gặp Đỗ Mười ở 11 Phạm Đình Hổ và nơi làm việc số 4 Nguyễn Cảnh Chân. Chú tới Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam số 48 Lý Thường Kiệt. Ở đó họ cũng trả lời chú, là họ chưa bao giờ nhận và thấy bản án tử hình nào như vậy, dẫu họ cũng đã từng được nghe nói đến. Ngay cả tộc trưởng họ Hoàng làng Quỳnh Đôi đã ba lần dẫn đoàn họ Hoàng ra Hà Nội để xin bằng được bản sao phô-tô-cóp-pi tử hình Hoàng Văn Hoan đem về làm vật chứng sau này, cũng được trả lời không có.
Theo các bậc bô lão họ Hoàng làng Quỳnh Đôi phân tích thì có hai khả năng. Một là không có bản án tử hình ấy, chỉ vì Hoàng Văn Hoan cao tay hơn lừa qua cả bậu xậu Bộ Chính trị nên bọn Duẩn – Thọ mới điên ruột tuyên bố mồm là tử hình vắng mặt Hoan. Hai, nếu có thật thì sau khi các ông ấy chết, mấy đứa em thế hệ sau cũng đã coi như mớ giấy lộn quăng vào sọt rác tiêu rồi. Giữ lại chả lợi lộc gì mà còn mang vạ với thằng Tầu vì dẫu sao Hoàng Văn Hoan cũng như là một Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc. Chắc cũng không có bản án tử hình đó thật, hoặc cũng bị vứt đi.
Tròn vành vạnh 5 năm chú Hoàng Nhật Tân rời cõi tạm và cũng tròn 40 năm ngày cha chú, ông Hoàng Văn Hoan bỏ nước sang Trung Quốc. Trời đã không phụ công chú, những năm xưa rất vất vả vì danh dự của cha. Hai năm sau ngày chú về nằm bên cha mẹ chú trên quê hương Quỳnh Đôi, Nghệ An, báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, cơ quan Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, nhà nước và nhân dân trên mạng internet, đã chính thức công bố tên tuổi đồng chí Hoàng Văn Hoan đứng cùng hàng ngũ các đồng chí trong Đảng cộng sản Việt Nam năm 2016.
Cũng thời điểm trên, hàng vạn ngàn cuốn sách: Đặng Tiểu Bình, một trí tuệ siêu việt. Đặng Tiểu Bình-nhà kinh tế chính trị lỗi lạc. Con đường phi thường của Đặng Tiểu Bình. Cha tôi Đặng Tiểu Bình… Được in ấn giấy cực đẹp, được in ra với số lượng cực lớn, được tái bản mỗi lần cực nhiều, không cần sách phải qua kiểm tra kiểm duyệt nào hết.
Đặng Tiểu Bình người bạn thân thiết của Hoàng Văn Hoan cha chú, người anh tôn kính của Đảng cộng sản Việt Nam, tử thù của nhân dân Việt Nam, có nhiều sách về ông ta được xuất bản ở Việt Nam. Trong khi ta chỉ có mỗi cuốn sách: “Gạc Ma-vòng tròn bất tử” của người Việt chúng ta, chủ biên chính là người trong cuộc đánh bọn Đặng Tiểu Bình cướp nước 40 năm trước. Đó là cựu chiến binh, thiếu tướng Lê Mã Lương và Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm. Sách đi qua hàng chục nhà xuất bản, gây tranh cãi thảo luận hàng trăm buổi. Số lần chỉnh sửa cao tới hai mét giấy.
Sách vừa được đồng ý in ấn ngày đầu, thì ngay ngày hôm sau có lệnh thu hồi. Hân hoan đón nhận cuốn sách là người dân yêu nước. Hậm hực chống lại cuốn sách là những thằng tướng lôm côm không số má tên tuổi, không biết từ lỗ nào chui ra, còn nhục nhã và đê tiện nào hơn so với hai người phụ nữ Trưng Trắc Trưng Nhị thuộc phái yếu, mặc Si-líp đeo Coóc-sê đánh bọn cướp nước Trung Quốc. Là con cháu trong nhà, đầu xuân 2019 này, cháu có lời mừng gửi theo hương hồn chú, mặc dù chỉ với Đảng thôi, chứ với dân tộc, thì cha chú vẫn là kẻ có tội.
Người phương Đông xưa có câu: “Phụ thù bất cộng đái thiên / Tử đạo tu dương ái nhật”. Nghĩa là: Thù cha không đội trời chung / Phận làm con ngày ngày nuôi chí. Tôi đồng ý chú Tân với Thiên Thu Định Luận, tôi đồng ý chú Tân nuôi chí trả thù cho cha, đó là người con có hiếu.
Trên bàn giấy, trước mặt tôi là cuốn “Thiên Thu Định Luận” của chú Hoàng Nhật Tân thân tặng. Thưa chú Tân, cháu biết nói sao như lòng tin cậy của chú trao tặng cho cuốn sách này?
Thay cho lòng thành của mình, bài viết như nén tâm nhang. Xin được tưởng nhớ đến bạn bè, đến đồng đội, đến chiến hữu, đến các em của tôi, những người không may mắn nằm lại trên biên giới phía Bắc trong cuộc chiến chống bọn bành trướng Trung Quốc kéo dài mười năm, từ năm 1979 đến 1989. Cũng là nén tâm nhang dâng lên chú Hoàng Nhật Tân, người bạn thân thiết của cha mẹ, người chú kính trọng của anh chị em tôi.
Triết gia lẫy lừng người Pháp Voltaire của thời đại Khai sáng ở thế kỷ 18 đã nói: “Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó” (*). Cháu không đồng ý sự bội phản của cha chú nhưng cháu đồng ý chú thanh minh bảo vệ cho sự bội phản đó. Vậy thì ngược lại, chú có ghét cháu Tự Lập bao nhiêu đi nữa, nhưng xin chú bảo vệ cái quyền được nói lên chính kiến của cháu trong bài viết này chú nhé.
Munich – Germany
Tháng 2/1979 – tháng 2/2019
Dương Tự Lập
___
(*) Câu nói này không phải của Voltaire, mà là của Evelyn Beatrice Hall, nguyên văn như sau: “I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it.
Cuốn “Thiên Thu Định Luận” của ông Hoàng Nhật Tân ký tặng tác giả Dương Tự Lập. Nguồn: Tác giả gửi tới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.