Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

Mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy

Mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy

Trần Bang
Kỹ sư – Cựu chiến binh đánh Tàu
28-2-2019
Chiều mùng ba Tết Kỷ Hợi ( 7/2/2019) tôi đến chúc Tết thầy Lê Phú Khải, và cùng thầy đến chúc Tết nghệ sĩ ưu tú Kim Chi mới đi Mỹ về.
Thầy Khải trước kia là giáo viên dạy văn trường Sư phạm Hải Hưng, sau thầy về dậy cấp 3 Cẩm Giàng mà tôi là học trò. Từ năm 1974 thầy chuyển sang viết báo, sau ngày 30/4/1975 thầy làm phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Miền Nam.
Cuốn sách mới nhất của thầy xuất bản tháng 9/2018 là cuốn Nước Việt của ai, trước đó là cuốn hồi ký Lời Ai Điếu nổi sóng dư luận, được xuất bản ở Mỹ năm 2016.
Lời Ai Điếu đặc biệt hấp dẫn do có nhiều chi tiết của những người trong cuộc. Tướng Lê Hữu Qua là chú ruột của thầy kể về sự lưu manh của Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn, Thứ trưởng Lê Quốc Thân, tính bảo thủ và vô tích sự của Phạm Văn Đồng. Tướng Qua kết luận: “Phạm Văn Đồng chỉ làm hại đất nước!”.
Nhắc đến Phạm Văn Đồng, tôi nhớ có lần chở thầy Lê Phú Khải đến chùa Diệu Pháp ở Phường 13 quận Bình Thạnh dự đám giỗ ông Lê Hiếu Đằng. Thầy Khải nói: sau này đất nước có dân chủ, phải bỏ tên đường mang tên kẻ bán nước (Công hàm 1958) hại dân như thế này!
Thầy Lê Phú Khải viết gần 20 đầu sách, hàng trăm bài báo phản ánh sự thật, phản ánh tấm lòng của ông với dân với nước từ nền tảng tri thức sâu rộng, với cách nhìn thẳng thắn từ nguồn thông tin phong phú. Thầy có những cuốn sách, những bài báo không thể in trong hệ thống tuyên giáo bởi “người viết không sợ bị kiểm duyệt và tự kiểm duyệt”.
Thầy còn trực tiếp tham gia xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam, chống ô nhiễm môi trường và tham gia tưởng niệm liệt sĩ Hoàng Sa, Trường Sa, liệt sĩ Gạc Ma, liệt sĩ chống Trung Quốc xâm lược 6 tỉnh biên giới Việt Nam 17/2/1979 hàng năm, dù thầy đã ở tuổi gần 80. Tôi kính trọng, khâm phục, ngưỡng mộ thầy Khải vì chất “kẻ sỹ” đó của thầy như khi thầy tự nói về mình.
Hôm nay thầy Khải kể, Thủ tướng Phan Văn Khải hơn thầy chưa đầy 10 tuổi, trước kia thường quen biết và chịu ơn gia đình thầy, khi đương chức, gọi thầy lên và hỏi “mày có cần gì không?” . Thầy Khải đã trả lời: Tôi cần Thủ tướng cai trị đất nước cho tử tế!
Nếu thầy không là một kẻ sỹ, không mưu tìm một cuộc sống có ý nghĩa, trăn trở vì nước, vì dân như nghệ sĩ Kim Chi từng tâm sự trong cuộc nói chuyện, thì với quan hệ với cấp chóp bu lâu năm, với quyền lực thứ tư của một nhà báo đẳng cấp, lão thành, thầy đã không chỉ sống khiêm tốn trong căn hộ chung cư với đồng lương hưu ít ỏi hơn 1 sỹ quan cấp uý hiện nay.
Nhưng chính những thao thức vì vân nước, những đồng cảm với nỗi khổ đau của nhân dân đã bộc lộ qua những trang viết thẳng thắn, với đời sống vật chất khiêm tốn đó, đã đem lại cho thầy sự yêu quí, kính trọng của giới trí thức, của những người Việt công chính. Đó chẳng phải là hạnh phúc đích thực của một kẻ sỹ sao?
Thầy Lê Phú Khải đã nói: “Nghệ sĩ Kim Chi là một nghệ sĩ có tư tưởng” có lẽ đó là câu nói cô đọng, chính xác về  nghệ sĩ Kim Chi.
Sài Gòn, ngày mồng 3 Tết Kỷ Hợi 2019
Trần Bang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.