Bao giờ báo chí VN bớt đưa tin nhảm, fake khi làm những sự kiện chính trị?!
28-2-2019
Mỗi khi có những sự kiện chính trị quốc tế diễn ra ở Việt Nam thì báo nào ở ta cũng hăng hái đăng ký đưa tin, báo nào cũng cố mà đăng ký kiếm thẻ tác nghiệp cho phóng viên đi làm dù tờ báo hay phóng viên cũng chả chuyên về chính trị xã hội mấy.
Trong khi báo chí phương Tây, các hãng thông tấn rất khó khăn mới có vài cái thẻ đi làm mà phải chia nhau dùng giữa pv quay, chụp, viết. Thậm chí các hãng chia nhau thẻ dùng chung. Điều này là mình trực tiếp chứng kiến bao năm làm thông tấn cho phương tây chứ chả bịa ra.
Vì không hiểu về chính trị quốc tế và vì cuộc đua bài vở của các báo nên trong khi báo Tây thì chú trọng đến nội dung chủ yếu của sự kiện, phân tích bình luận chính trị thì báo chí nước nhà toàn tập trung vào chuyện tào lao như họ đi xe gì? Ăn mặc như thế nào, thậm chí rất vớ vẩn như phóng viên nước ngoài đẹp trai xinh gái ra sao…
Và có những bài báo fake news như ‘để ba lô ngoài đường 30p không mất’ ý là Việt Nam an ninh tốt như dưới đây. Nhân vật trong bài đang tá hỏa lên vì anh ta chả hề được phỏng vấn. Anh chàng Edbrahim Harris, phóng viên quay của hãng Reuters, người Malaysia được VNE chuyển quốc tịch sang Philippines. Tệ nữa, anh này vốn bị tiểu đường, nên kiêng đồ ngọt rất kỹ thế mà bị bài báo cho ăn bánh ngọt từ người dân hiếu khách. . (*)
Mà quay lại chuyện bỏ ba lô ở đấy 30p không mất. Rất tào lao. Khu vực ấy là hạn chế an ninh, ai có thẻ mới được vào, camera, lính gác khắp nơi, làm gì có kẻ cắp lọt vào mà sợ mất. Hay pv VNE cho rằng bọn pv tác nghiệp xung quanh có khả năng ăn cắp???
Bọn mình đi làm sự kiện ở NCC, Phủ Chủ tịch hay các nơi có hàng rào an ninh cũng toàn vứt đồ giữ chỗ rồi đi ăn uống, hút thuốc rồi quay về. Vứt cả máy ảnh, máy tính, máy quay đắt tiền chứ chả riêng ba lô. Điều ấy bình thường, có gì lạ?!
Thế mà cũng thành bài ca ngợi Việt Nam an ninh an toàn thì cũng lạ lùng. Trong khi ai cũng biết ở ta, đến chó xích trong nhà còn bị bắt mất, túi xách, điện thoại hớ hênh dễ bị giật như chơi.
Làm báo là phải viết trung thực, đừng bịa chuyện ra, phỏng ạ?!
(*) Sau khi có phản ảnh từ phía đồng nghiệp Reuters, phóng viên của VNE đã gọi điện xin lỗi Harris về những sai sót liên quan đến anh, bài trên VNE cũng đã edit lại. Thông tin cho các bạn được rõ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.