Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

Luận chánh trị về tham nhũng

Luận chánh trị về tham nhũng

24-2-2019
Tham ô tham nhũng là thứ đáng ghét nhứt trên đời. Lén lút lấy tài sản của người khác, gọi là trộm cắp, đáng ghét 1. Dùng vũ lực khống để đoạt tài sản của người khác, gọi là cướp, đáng ghét 10. Dùng quyền thế để tước đoạt tài sản của đông người, tức là của dân, gọi là tham nhũng, đáng ghét ngàn vạn lần so với trộm cướp.
Cho nên, đạo làm quan, trước hết phải thanh liêm, đồng thời phải có tài cán. Thanh liêm mà không tài cán là vô dụng, tài cán mà không thanh liêm thì hại nước hại dân.
Dân ghét tham nhũng là đương nhiên không cần bàn cãi. Nhưng quan, cả quan tham nhũng lẫn quan thanh liêm có ghét tham nhũng hay không là chuyện đáng bàn. Đã là quan, dù là quan tham nhũng hay quan thanh liêm đều chống tham nhũng, không chống tham nhũng thì nói ai nghe, nhưng cả hai loại quan này có ghét tham nhũng hay không thì rất khó nói.
Ở Trung Quốc, sau khi Lưu Bang “chém rắn khởi nghĩa”, đã thu hút rất nhiều người tài cán giúp mình dựng nghiệp. Trương Lương là một nhân tài xuất chúng, trong màn trướng giúp Lưu Bang định thiên hạ. Thiên hạ định rồi thì một loạt công thần bị sát hại, các công thần bị sát hại phần lớn đều là những nhân tài không tham nhũng, trong đó có danh tướng Hàn Tín. Trương Lương là người thấu rõ tâm địa của các bậc quân vương hơn ai hết, nên đại sự thành công liền bỏ về nhà để giữ thân. Nhưng có người vẫn giữ được thân mà không bỏ về, như thừa tướng Trần Bình. Ngay cả khi Lữ Hậu chuyên quyền, chức Thừa tướng của Trần Bình vẫn vững như bàn thạch.
Ấy là do Trần Bình biết theo một đạo lý mà Trương Lương biết rõ nhưng không theo. Đạo lý đó là tham nhũng tuy vô đạo nhưng trong một số trường hợp là sách lược giữ thân. Trương Lương từng nhắc Lưu Bang, rằng nếu vào Hàm Dương trước Hạng Vũ thì nên công khai tham lam tài sản ăn chơi xả láng, nhưng do cái bí kíp dặn dò đó không kịp mở ra xem, nên ông đã không làm theo khi vào kinh đô của vua Tần, mà ngược lại đã giữ gìn tài sản cẩn thận và làm những chuyện nhân đức để yên lòng dân chúng. Trương Lương biết rất rõ rằng, Lưu Bang mà sớm thể hiện sự quang minh lỗi lạc thì kiểu gì cũng bị Hạng Vũ sát hại, phải thể hiện tư cách lưu manh thì mới giữ được mạng. Bởi vậy mà Lưu Bang suýt bị Hạng Vũ giết, phải vất vả lắm mới toàn mạng mà về Thục chờ thời.
Còn Trần Bình thì tự mình biết nhìn xa trông rộng. Khi về dưới trướng Lưu Bang, ông đã cố tình tạo ra lời đồn đến tai Lưu Bang rằng ông là kẻ tham lam thích ăn hối lộ. Ta không biết chắc Trần Bình có ăn hối lộ thật hay không, tôi nghĩ có lẽ là không, nhưng điều tiếng đó đến tai Lưu Bang khiến cho Lưu Bang yên lòng về vị trọng thần này. Một kẻ tài giỏi mà có chút tham lam thì không thể có mộng đế vương, chẳng có gì đáng lo ngại.
Bởi vậy từ thời cổ đại đến nay, quân vương chống tham nhũng hay bao che cho tham nhũng còn tùy thuộc vào kẻ tham nhũng là kẻ nào. Bao che nếu kẻ đó hữu ích cho mình, tuyệt diệt nếu kẻ đó trở thành vô dụng. Anh em ông Thaksin ở Thái Lan bị kết tội tham nhũng, nhưng chính quyền quân sự Thái Lan rất lo ngại anh em ông trở lại cầm quyền, nếu trở lại cầm quyền thì cũng thứ luật pháp ấy nhưng anh em nhà ông sẽ không còn mắc tội tham nhũng nữa. Bà tổng thống Park Geun hye bị kết tội tham nhũng tống vào tù, nhưng nếu phe bà ấy mà tái thẳng cử thì bà ấy sẽ vô tội. Đó là luật pháp co giãn theo chánh trị.
Ở Việt Nam thì hơi đặc biệt. Tham nhũng ở nước ta được coi là vô cùng trầm trọng, theo như dân chúng hiểu thì những kẻ tham nhũng không biết lấy gì đong cho hết. Tham nhũng trầm trọng ở Việt Nam là tham nhũng thật, chứ không phải tham nhũng co giãn theo chánh trị. Các văn kiện Đảng và Nhà nước cũng ghi nhận điều đó. Nhưng đã có rất ít quan chức cấp cao ra tòa vì tội tham ô. To như ông Đinh La Thăng phải thọ án 30 năm tù nhưng hồ sơ chẳng thấy có dòng nào ghi ông tham nhũng. Mấy ông tướng ra tòa vừa rồi bị kết án tù nhưng cũng không tướng nào trên giấy tờ có tội tham ô. Không kết được tội tham nhũng thì các quan chức tướng lãnh sau khi ra tù, thời thế chuyển vần biết đâu sẽ trở thành các chính khách. Cố ý làm trái trong một hệ thống luât pháp lỏng lẻo chồng chéo thì có gì đáng xấu hổ ! Họ biết vậy nên dù bị tù có người vẫn tự tin nghĩ đến tương lai.
Có vẻ như công cuộc đốt lò vẫn chưa dùng đến những đòn chí mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.