Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

Khí tiết của các thầy đáng lo hơn đạo đức của ông Nhạ

Khí tiết của các thầy đáng lo hơn đạo đức của ông Nhạ

Nguyễn Tuấn Khoa
3-3-201
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và câu nói nổi tiếng của ông ta. Nguồn: Zing
Nhờ có internet, những xấu xa của các ông quan CS ở mọi ngành được phơi bày hàng ngày. Người đọc chưa kịp quen mắt với những điều xấu xa đó thì lại bị sốc với những điều xấu xa mới.
Ngày 18/02 người dân trong nước lại ồn ào với một scandal mới: Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Phùng Xuân Nhạ bị vạch trần nhiều tội: gian dối trong nghiên cứu khoa học, thiếu trình độ, nghi vấn về con đường khoa bảng, không phải là giáo sư nhưng lại làm chủ tịch HĐCDGSNN…
GS Nguyễn Tiến Dũng ở Pháp và cộng sự đã khởi đầu bằng một bài viết với lập luận chặt chẽ như một nghiên cứu khoa học. Ít ngày sau, một số trang mạng của DLV có những bài công kích cá nhân nhưng không đề cập những lập luận của GS Dũng. Tiếp theo đó là Facebook và máy tính của GS Dũng bị đánh sập, có nghi vấn rằng hacker do nhà nước bảo trợ đứng phía sau?
Rồi nhiều ông quan giáo dục, như ông GS Vũ Minh Giang, bắt đầu lên tiếng bênh vực ”người đồng hội”. Ông Giang có sự chuẩn bị cẩu thả, lập luận khi trả lời trên BBC quá yếu nên đã bị GS Dũng bẻ gẫy bằng một thư ngõ gửi HĐCDGSNN. Thấy sự việc có vẻ không thuận lợi, GS Dũng chuẩn bị đi bước tiếp theo là gửi thư cho ông Trọng, người có quyền lực cao nhất hiện nay. Theo tôi việc làm này chỉ gây khó cho ông Trọng và tạo tiếp tiếng vang chứ chuyện ông Nhạ rồi cũng sẽ chìm vào quên lãng như bao nhiêu chuyện tồi tệ trước đó!
Tại sao ĐCSVN không bao giờ nặng tay đối với nhưng sai phạm của những đảng viên của mình?
ĐCSVN luôn tự ca ngợi về tài lãnh đạo của mình và đạo đức đảng viên. Họ luôn tạo hình đẹp giả tạo về đảng và các đảng viên trên các phương tiện truyền thông. Cách giải quyết những sai phạm đối với đảng viên và các ông quan CS là “đói bụng nhưng vẫn ngậm tăm”. Đảng CSVN chọn các ông quan dựa trên sự trung thành tuyệt đối. Do khó tìm được người thay thế nên họ ra sức bảo vệ; những người được cứu sẽ càng trung thành hơn. Họ không muốn cách chức các ông quan này dưới áp lực của công luận vì như vậy sẽ vô tình giúp đám đông này hình thành một lực lượng chống đối và có thể tiến đến lật đổ chế độ.
Mặt khác, nếu con đường quan lộ của các ông quan CS được lót bằng tiền hay bằng “rất nhiều tiền” thì việc đánh đổ họ càng khó khăn hơn nữa. Thật vậy, ai đủ quyền lực đưa họ lên thì người đó đủ mạnh để bảo vệ họ. Sự nghiệp chính trị của các ông quan sai phạm chỉ thực sự lung lay nếu họ là đối thủ chính trị của người đầy quyền lực hiện nay. Ông Nhạ không phải là người của 3X nên ông vẫn còn tại chức nhiều năm nữa, hay tệ hơn, chuyển sang làm một vị trí cao tương đương mà không có một án kỷ luật nào, tôi tin vậy. Nghĩ như vậy nên tôi không mấy hy vọng sẽ có một quyết định công bằng của đảng CSVN đối với ông Nhạ.
Điều tôi băn khoăn hiện nay là có quá ít các nhà giáo đương chức dám công khai đưa lên quan điểm của mình về đạo đức kém của ông Nhạ. Gần đây, được biết thầy Hoàng Tụy đã lớn tiếng rằng: “Thật nhục cho nền giáo dục và khoa học VN. Một bộ trưởng mà như thế, biết tự trọng thì nên từ chức”. Mối băn khoăn này đã gợi cho tôi nhớ tới 2 vị giáo sư mà tôi hết lòng kính trọng:
Gs Vũ văn Mẫu, tốt nghiệp ĐH Luật Khoa Paris, dạy ĐH Luật Khoa Hà Nội và Sài Gòn sau đó. Ông giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại Giao của chính phủ Ngô Đình Diệm trong 8 năm, từ năm 1955 đến 1963. Năm 1963, để phản đối TT Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo, ông đã cạo đầu giống như một nhà sư rồi xin từ chức. Khi ông cố gắng rời Việt Nam Cộng Hòa để tham gia một cuộc hành hương đến đất Phật Ấn Độ, thì bị bắt và bị quản thúc.
Gs Nguyễn Minh Thuyết tại phiên chất vấn thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong kỳ họp quốc hội tháng 11 năm 2010 đã dồn ông Dũng:
– Nêu vi phạm điều 33 luật doanh nghiệp khi để cho Phạm Thanh Bình làm chủ tịch kiêm TGĐ Vinashin.
– Phê phán bản kiểm điểm của ông Dũng vì không nêu ai chụ trách nhiệm ngoài BGD Vinashin.
– Đề nghị lập Ủy Ban Điều Tra độc lập của quốc hội.
– Kết luận: “Tôi xin thành thật nói với thủ tướng là tôi không đồng tình với sự tự phê bình của thủ tướng (là) chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu chính phủ”.
Ngay hôm sau, website của chính phủ đăng 3 bài công kích giáo sư Thuyết của các tác giả Đinh Thế Cường, Nguyễn Chính và Việt Hải. GS Thuyết lại đăng đàn và chất vấn ông Dũng: “Thủ tướng cho biết ai đã chỉ đạo đăng tải một số bài công kích chụp mũ ĐBQH trên website của CP? Việc CP cho đăng những ý kiến như vậy trên website của mình có phải là hành động khôn ngoan không?
Cách chức một ông Nhạ không thể vực dậy một nền giáo dục dối trá! Khi sự thay đổi vấn đề cốt lõi liên quan đến một thể chế còn ở rất xa, các thầy giáo xin hãy làm chậm sự suy đồi của một nền giáo dục bằng cách dũng cảm lên và truyền khí tiết cho học trò. Chính học trò của các thầy ngày nay sẽ là nhân tố chính cứu nền giáo dục của chúng ta và quan trọng hơn là chặn đứng sự xâm lăng văn hóa của Trung Cộng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.