Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Khi nghịch lý trở thành bình thường

Khi nghịch lý trở thành bình thường

Thạch Đạt Lang
28-3-2018
Đầu tuần trước, mạng xã hội lan truyền 3 tấm ảnh về ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng CHXHCNVN tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN – AUSTRALIA với những lời chế giễu: Sorry sir! Me no English!
Bên dưới là hình ông Phúc ngủ gục trong lúc mọi người đang chăm chú nghe thuyết trình và hình khuôn mặt cúi gằm, buồn, tiu ngỉu khi lãnh đạo các nước đang vui vẻ, chào hỏi nhau ở hậu trường, sau khi họp.
Hai tấm ảnh này được thủ tướng Úc, ông Malcoml Turnbull đăng trên Fanpage của mình ngày 17/3.
Khi đưa những tấm ảnh này lên Fanpage của mình, không nghi ngờ gì ông Turnbull đã có ý khôi hài, nhẹ nhàng chỉ trích, chế giễu pha lẫn một chút khinh bỉ ông Nguyễn Xuân Phúc mà không cần phải nói một lời nào.
Những tấm ảnh này mang lại những nụ cười cay đắng cho nhiều người Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại, kèm theo những lời chửi mắng nặng nề như: ngu dốt, mất tư cách, không tự trọng, làm mất thể diện quốc gia, không biết nhục…
Chuyện của ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ vừa tạm lắng xuống, mạng xã hội ồn ào trở lại về chuyện ông TBT Nguyễn Phú Trọng sang Pháp bị tiếp đón lạnh nhạt, rẻ rúng. Nhiều bài báo lề trái bình luận, đánh giá về chuyến đi của ông Trọng là một sự thất bại, là cái vỗ mặt nặng nề người lãnh đạo cao nhất của chế độ CSVN. Báo lề phải im hơi, lặng tiếng sau khi khua chiêng, gióng trống về chuyến đi: “Mình có thế nào người ta mới khinh như thế”.
Từ những tấm ảnh về ông Phúc, cuộc tiếp đón ông Trọng, người ta dễ dàng tuôn ra những lời chửi mắng, nở những nụ cười khinh bỉ hay cay đắng, xót xa, nhưng có bao nhiêu người đặt câu hỏi: Tại sao một đất nước có hơn 93 triệu dân, hơn 24.000 tiến sĩ, hàng ngàn phó giáo sư, giáo sư, viện sĩ hàn lâm – cho dù 2/3 là dỏm và giả – lại có một ông thủ tướng, một chữ tiếng Anh cắn làm đôi không biết? Đi họp với lãnh đạo quốc tế lúc thì ngủ gục, khi mặt mày bí xị như bị táo bón kinh niên giữa các nguyên thủ quốc gia khác vui vẻ, thân mật trò chuyện với nhau?
Đó quả thật là một nghịch lý, một nghịch lý rất khó giải thích nhưng lại trở nên bình thường, đơn giản, không còn nhiều người quan tâm. Tại sao?
Không có gì khó hiểu. Chẳng qua tâm thức người Viêt Nam như thế. Cái tâm thức hèn nhát, thờ ơ, ỷ lại, ích kỷ, hời hợt, lười suy nghĩ nhưng lại rất hung hăng, hiếu chiến, dễ bị kích động vì những nguyên nhân chẳng ra làm sao. Một cái nhìn có ánh mắt khó chịu trong một quán cà phê, quán nhậu, hay một sự cọ quẹt, va chạm nhỏ khi đi lại trên đường phố, dễ dàng trở thành một cuộc cãi vã, ấu đã, hành hung nhau, có thể dẫn đến chết người.
Tâm thức đó ăn sâu vào trong máu người Việt Nam qua nhiều thế hệ, một phần do bản chất người VN, phần do hệ thống giáo dục dưới chế độ cộng sản, cộng với điều kiện sinh hoạt của xã hội.
Người dân VN dễ dàng nổi giận, chửi rủa nhau, thậm chí xô xát để giành phần phải về mình trong một tai nạn giao thông nhẹ nhưng lại im lặng chịu đựng khi xe của họ bị sụp vào một ổ gà lớn, một công trình xây cất dở dang không có bảng cảnh báo, ngựa chắn… gây ra tai nạn, phải “nhập viện” vì thương tích, xe cộ bị hư hại nặng nề.
Người ta có thể chửi mắng, xô đuổi một người nào đó vô tình đậu xe trước cửa nhà mình nhưng sẽ im lặng nếu đó là xe của công an. Tương tự như việc không có ai phản đối gì khi 5-6 tên công an chìm bắc ghế ngồi trước cửa nhà hay đóng chốt ở đầu ngõ để theo dõi những người mà họ muốn trần áp, giam lỏng.
Cả một xã hội đơn giản chấp nhận sự vi phạm luật lệ, vi phạm hiến pháp một cách trắng trợn của lực lượng công an. Lực lượng, thay vì giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, ngăn chận cướp bóc, điều tra tội phạm… lại được chế độ sử dụng thành sức mạnh kềm kẹp, trấn áp những tiếng nói phản biện ôn hòa, đồng thời hà hiếp người dân.
Tâm thức chịu đựng, chấp nhận sự cai trị rẻ rúng, khinh bỉ, chà đạp công lý của chế độ CS, không dám phản đối, từ một quan chức nhỏ như anh chủ tịch xã, chị công an phường đến các cán bộ lãnh đạo cao cấp, gần 43 năm qua đã trở thành một tập quán, một thói quen trong suy nghĩ: “Phản đối cũng không đi đến đâu! Nên tìm cách khác”.
Sự nhẫn nhục, cam chịu của con người, lâu dần trở thành thói quen, một quán tính. Người ta trở nên hèn nhát, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, gia đình, tìm dủ mọi cách bon chen, mưu lợi, luồn lách để sinh tồn, kể cả hãm hại người khác. Xã hội phát triển ra sao, giáo dục như thế nào không còn là điều quan trọng. Đất nước, môi trường, bị mất mát, hủy hoại ngày càng nặng nề, chẳng còn mấy ai quan tâm, lo lắng.
Người dân VN hãy tự hỏi, chúng ta còn có thể cười cay đắng, chua xót hay hả hê, thích thú hoặc chửi thề, nguyền rủa về những tấm ảnh tương tự như thế trong bao lâu nữa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.