Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Tỷ phú Trần Đình Long: Khi chết đi, ông còn lại những gì?

Tỷ phú Trần Đình Long: Khi chết đi, ông còn lại những gì?

28-3-2018
Lúc chiều, đang trên đường gặp một lãnh đạo Bộ Tư pháp, thì một sếp lớn tỉnh Hải Dương có gọi điện cho mình, chú nói muốn gặp riêng tâm sự, dù tôi cũng quý chú, biết chú rất thương dân nhưng lực bất tòng tâm, lỗi này là lỗi từ bên trên… nhưng mai thì chưa chắc tôi đã về gặp được.
Bởi ngày mai thôi, tôi lại bắt đầu tập trung thực hiện một phóng sự điều tra khác, nếu thành công, ông anh tổng biên tập của một tờ báo uy tín hàng đầu Việt Nam sẽ ký hợp đồng dài hạn với mình, với mức lương thưởng hấp dẫn, không cần bán buôn mấy thứ tào lao để rồi bị mang tiếng…
Trần Đình Long, ông chủ Thép Hòa Phát. Ảnh: internet
Trước khi vắng bóng một thời gian, tôi xin phép dành vài lời tự đáy lòng mình cho tỷ phú Trần Đình Long:
Kính thưa ông Long!
Xin hãy khoan nói tới việc ông có cho người theo tôi, rình mò nhà tôi, đe dọa cả những phóng viên tới tìm gặp dân làng Hiệp Sơn hay không? Xin hãy khoan nói tới việc ông có tác động vào Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, gọi điện cho cả lãnh đạo báo Pháp luật Việt Nam trong nam, ngoài bắc để yêu cầu tôi dừng lại việc nói lên quyền lợi chính đáng của những con người thấp cổ bé họng kia hay không? Ở đây, tôi chỉ muốn nói với ông về một câu chuyện khác, với ý nghĩa rất con người.
Thưa ông Long, trong lần trả lời phỏng vấn gần đây nhất, ông đã từng nói, “tôi có nghĩ đến tiền đâu nên còn chẳng biết là mình có bao nhiêu tiền”.
Vậy là, ông muốn để lại những công trình ngàn tỷ, danh dự làm người, hay nói cách khác là những dấu ấn để đời có đúng không, thưa ông? Nhưng, công trình của ông đặt ngay cạnh nhà dân, như đặt người dân trước cửa tử vậy!
Mà mới đây, Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường) đã chỉ ra rằng, nhà máy luyện thép gần khu dân cư là cực kỳ nguy hiểm, khoảng cách đó phải cách xa vài chục cây số mới đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho người dân.
Nhưng thực tế thì thật đáng sợ, khoảng cách từ nhà máy thép Hòa Phát của ông cho tới nhiều hộ dân chưa đầy 80m – một công trình khiến ông trở thành người giàu có nhất thế giới, nhưng tại sao đến nay nó đã trở thành nỗi khiếp sợ đối với hầu hết dân làng?
Vậy là, tôi có thể tái khẳng định rằng, công trình của ông đã thất bại, thất bại thật rồi! Còn danh dự thì sao?
Thưa ông, chỉ tính riêng việc các ông tác động khiến cho bài báo của tôi – với mức độ chia sẻ chóng mặt bị gỡ, khiến cho tôi bây giờ làm ở đâu cũng phải giấu giếm, thì đã chả còn danh dự gì để nói ở đây cả.
Và khi ông (hay thuộc cấp của ông?) ra lệnh cho những kẻ lạ mặt xông vào làng, đe dọa cả những người đưa sự thật, thì còn danh dự gì để nói nữa đây, thưa ông?
Ông nên nhớ rằng, bài của tôi bị gỡ, nhưng tôi đã kịp thời truyền lại thông tin, truyền lại lửa cho những cây bút khác, để cho họ suy nghĩ lại, vượt qua tính thú, những nỗi sợ vô hình, để đưa thông tin, sự thật ra ngoài công chúng!
Và tất nhiên, lịch sử mới thật đáng sợ, thế hệ sau sẽ suy xét kỹ công, tội của từng người, sẽ còn là một câu chuyện rất dài để nói về những tỷ phú thế giới – những tỷ phú đến từ Việt Nam.
Tất nhiên, tôi không dám phủ nhận những gì các ông mang lại cho đất nước ta ngày hôm nay, nhưng thưa ông, công là công, tội là tội. Cũng giống như những nước phát triển, có những tổng thống cống hiến cả đời vẫn bị đem ra xét xử như thường.
Có thể, tôi sẽ tạm khép lại câu chuyện Hòa Phát ở đây. Ông có chịu bỏ ra một chút tiền nho nhỏ, thậm chí tạm thời quên đi vị trí tỷ phú thế giới để đền bù cho những nỗi đau, mất mát, để cho các cháu nhỏ, dân làng Hiệp Sơn di tản đến một nơi ở mới khang trang, an toàn hơn, cho các thế hệ dân làng đỡ khổ, đỡ phải chết trẻ vì ung thư, mua nước từ xa tới mà vẫn nay đau mai ốm, mồm mắt sưng vù do mạt sắt bay vào hay không?… Và khi đã bị dồn đến chân tường, người dân có chịu đoàn kết, gom hết hồ sơ, tài liệu, kiện các ông ra tòa án Việt Nam, thậm chí tòa quốc tế hay không?…
Tôi sẽ để cho chính ông, chính họ viết tiếp câu chuyện của chính cuộc đời mình. Tôi không muốn biến mình thành nhân vật chính trong bộ phim Chuyện làng Nhô thứ hai tại Việt Nam.
Nhưng, với tất cả lòng kính trọng ông, kính trọng dân làng, tôi chỉ muốn nói với ông rằng, ai rồi cũng phải chết, nếu có kiếp sau, ông sẽ không mang theo được tiền, và nếu có địa ngục thì ông cần xem xét lại cách làm giàu, đừng đánh đổi tính mạng của bất kỳ ai để làm giàu cho mình, để rồi phải mang tiếng xấu, xấu đến muôn đời!
Tôi xin nhắc lại một lần nữa, khi chết đi, ông sẽ không mang theo được tiền, vậy ông mang theo được những gì?
Nhà báo Đỗ Cao Cường. Ảnh: FB tác giả
_____
Đỗ Hoàng
26-3-2018

Cả làng Hiệp Sơn đen sì, nhà máy thép Hòa Phát đêm về phun khói bụi

(GDVN) – Người dân sống ở khu vực phụ cận nhà máy thép Hoà Phát cho rằng những năm gần đây, chỉ riêng xóm 1 đã có tới hơn chục người chết vì ung thư.
Nhà máy luyện thép của Công ty cổ phần thép Hoà Phát (xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, Hải Dương) đi vào hoạt động từ gần 10 năm nay khiến cho người dân xã Hiệp Sơn và khu vực lân cận thường xuyên sống chung với khói bụi, tiếng ồn.
Bụi đen nhuộm khắp xóm làng
Chỉ tay vào cây hồng xiêm trong vườn nhà, nơi những đọt lá cây nhuốm một lớp bụi đen kịt trên mặt bề mặt, ông Nguyễn Thắng Thú (58 tuổi, trú xóm 4 thôn An Cường, xã Hiệp Sơn) thở dài thườn thượt.
“Những lá cây trong vườn này quanh năm bị phủ bụi đen xì thế này, chỉ hôm nào mưa nó mới đỡ tí chút” – ông Thú nói.
Nhà ông Thú nằm giữa xóm 4, cách nhà máy luyện gang thép Hoà Phát chừng hơn 200m qua một cánh đồng. Hầu như cả căn nhà phủ trong màu xám, mái tôn bụi đọng thành lớp giờ đã đổi thành màu xám đen, tường nhà màu xám loang lổ.
Nhà máy thép Hoà Phát nằm kề bên cánh đồng, cách khu dân cư một quãng ngắn, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Ảnh: GDVN
Ông Thú cho hay kể từ khi nhà máy thép Hoà Phát đi vào hoạt động từ những năm 2010, môi trường khu xóm 4 thôn An Cường vốn đã ô nhiễm càng thêm ô nhiễm bởi tiếng ồn, khói bụi.
Nhất là mùa đông gió bắc quẩn mang theo bụi vào xóm, cây cối, mái nhà, sân, vườn của hầu hết các hộ dân đâu đâu cũng loang lổ bụi. Bầu không khí khu vực lúc nào cũng đặc quánh bởi lớp bụi lơ lửng mờ mờ.
“Họ xả bụi vào ban đêm, để chậu nước sáng ra bụi đen phủ thành váng. Những bụi này giống như mạt sắt nhỏ li ti” – ông Thú cho hay.
Người dân đã nhiều lần phát hiện nhà máy xả khói vào ban đêm, từng đụn khói đen toả ra bầu trời.
Mới đây nhất là rạng sáng sáng 20/3, khói bụi từ nhà máy xả ra thành cột đen kịt đặc quánh.
Nhiều người dân trong thôn đã dùng điện thoại ghi lại hình ảnh cột khói đen xì này.
Chị Vũ Thị Thoan (44 tuổi) cho hay khu đồng Đống Húc của người dân hai thôn An Cường và Hiệp Thượng (xã Hiệp Sơn) rộng cả chục hec-ta nằm kề nhà máy thép đã không ít lần bị ảnh hưởng.
Mới đây, cuối năm 2017, hơn 2 sào hành của nhà bà Thoan tự dưng bị táp lá, ngọn hành héo rũ ra như bị trần qua nước sôi. Hàng loạt hộ dân trong thôn mỗi nhà vài sào hành đều chung tình trạng như vậy.
Cũng như xóm 4 thôn An Cường, xóm 1 thôn Hiệp Thượng chỉ cách nhà máy thép Hoà Phát vài chục bước chân, bầu không khí u ám mờ đục.
Lá cây, mái nhà khắp làng đều bị phủ một lớp bụi đen. Ảnh: GDVN
Căn nhà cấp 4 của gia đình bà Tạ Thị Hữu (69 tuổi) nằm gần nhà máy thép nhất, bụi phủ mờ mái nhà, tán cây trong sân phủ một màu xám.
Những hộ dân trong thôn cũng rơi vào tình trạng tương tự, mái nhà nào cũng phủ một màu xám.
Nhiều nhà cửa đóng im ỉm vẫn không thoát được khói bụi. Một gia đình bên cạnh nhà bà Hữu đã phải bỏ đi nơi khác sinh sống, căn nhà đóng cửa im ỉm bỏ hoang đã lâu.
Kêu mãi ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm
Bà Hữu cho hay khói bụi bao phủ nên từ nhiều năm nay người dân hai thông An Cường và Hiệp Thượng đã không còn dám dùng nước mưa.
Một số hộ thì khoan giếng khoan để lấy nước sinh hoạt. Gia đình bà Hữu cùng nhiều hộ trong thôn phải mua nước sạch người ta chở đến với giá hơn 100 nghìn đồng/ xe chừng 3m3.
Ông Tô Văn Khoản (59 tuổi, trú xóm 1 thôn Hiệp Thượng) cho hay khói bụi bao phủ nên từ lâu nhiều người dân của hai thôn An Cường và Hiệp Thượng thường bị tức ngực, khó thở.
Theo ông Khoản, những năm gần đây, chỉ riêng xóm 1 của ông đã có tới hơn chục người chết vì ung thư.
Từ nhiều năm nay, người dân cả hai thông An Cường và Hiệp Thượng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cấp chính quyền những chưa có cơ quan nào giải quyết.
Theo người dân, cứ mỗi lần cơ quan chức năng về kiểm tra thì hoạt động sản xuất của nhà máy giảm đi, mức độ ô nhiễm giảm. Nhưng cơ quan chức năng đi thì đâu lại hoàn đó.
Cột khói nhà máy thép xả ra trong đêm được người dân ghi lại (ảnh cắt từ clip)
Ngày 20/3 vừa qua, sau khi khói bụi nhà máy toả ra đen đặc, người dân hai thôn lại có đơn đề nghị cơ quan chức năng giải quyết vấn nạn ô nhiễm.
Trong đơn người dân phản ánh nhà máy thép Hoà Phát đã xả khói bụi, gây tiếng ồn ảnh hưởng đời sống và sức người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ thường xuyên bị ho. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy cơ quan nào vào cuộc.
Trao đổi với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Kinh Môn, cho biết người dân đã kêu rất nhiều về tình trạng ô nhiễm của nhà máy thép Hoà Phát.
Huyện không đủ thẩm quyền giải quyết nên đã nhiều lần báo cáo lên tỉnh, việc xác định ô nhiễm, xử lý thế nào do cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương.
Uy hiếp nhà báo
Trưa 25/3, khi phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam cùng đồng nghiệp về xã Hiệp Sơn ghi nhận phản ánh của người dân đã bị một số người được cho là bảo vệ nhà máy bám theo uy hiếp.
Cụ thể, khi phóng viên vào nhà người dân ở xóm 1 thôn Hiệp Thượng, các đối tượng này đã xông vào cổng nhà dân đòi “nói chuyện” với phóng viên.
Bị người dân chốt cổng không cho vào, những đối tượng này vẫn lảng vảng ngoài đầu ngõ với ý định chặn đường ra.
Để tránh rắc rối nhóm phóng viên chúng tôi đã phải cầu cứu Công an huyện Kinh Môn đảm bảo an toàn.
Sau khi lực lượng công an đến, những đối tượng này mới chịu rời đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.