Boris Johnson: 'Putin dùng World Cup như Hitler'
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ví cách thức Tổng thống Putin quảng bá cho World Cup tại Nga giống với việc Hitler lợi dụng Olympics Berlin hồi 1936 để tuyên truyền cho Đức Quốc xã.
Hôm 21/03, ông Johnson nói Dân biểu thuộc đảng Lao động Anh, ông Ian Austin "hoàn toàn chính xác" khi nói tổng thống Nga muốn dùng World Cup để "tô điểm" cho "chế độ tàn bạo của ông ta ở Nga".
Căng thẳng Anh - Nga tiếp tục lên cao sau khi hai bên tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao của nhau vì vụ cha con ông Sergei Skripal "bị ám sát không chết" bằng "chất độc thần kinh" tại Anh.
Ông Boris Johnson, một cựu nhà báo, thường có các phát biểu làm dư luận "dậy sóng".
Các quan chức và Hoàng gia Anh sẽ không tới Nga dự World Cup nhưng đội tuyển Anh sẽ vẫn sang.
'Phải bảo đảm an toàn cho cổ động viên Anh'
Ông Johnson nói ông sẽ yêu cầu Nga đảm bảo an ninh cho cổ động viên Anh.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói ông Johnson đã "bị đầu độc bằng sự thù hận".
Phát ngôn viên Downing Street xác nhận ông ngoại trưởng phát biểu đại diện cho chính phủ Anh, và rằng họ đang làm việc chặt chẽ với cảnh sát để chuẩn bị cho World Cup.
Ông Johnson nói rằng điều này "vô cùng quan trọng" khi mà trong số 23 nhà ngoại giao Anh bị trục xuất khỏi Nga có cả người chịu trách nhiệm về vấn đề cổ động viên bóng đá.
Đến nay đã có 24 ngàn cổ động viên xứ Anh (England) nộp đơn đi xem World Cup Moscow.
Số đơn vào cùng thời điểm hồi World Cup Rio 2014 là 94 ngàn.
Ông Johnson nói: "Con số này thấp hơn nhiều, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không quan ngại sâu sắc tới việc họ sẽ được đối xử ra sao."
Bộ Ngoại giao Anh sẽ ra các khuyến nghị đi lại vào thời điểm gần với kỳ World Cup.
Vụ tấn công Salisbury
Vấn đề nổi lên trong lúc Ủy ban chuyên trách về đối ngoại thuộc Hạ viện Anh đang bàn thảo về vụ tấn công Salisbury.
Ông Sergei Skripal và con gái Yulia vẫn đang trong tình trạng nguy kịch trong bệnh viện sau khi bị đầu độc bằng chất Novichok của Nga.
Cựu nhân viên tình báo quân đội và con gái được phát hiện nằm gục trên ghế, bất tỉnh hôm 4/3.
Hôm thứ Năm, bà Theresa May nói với các lãnh đạo EU rằng tuy nỗ lực ám sát gia đình Skripal xảy ra trên đất Anh, nhưng mối đe dọa từ Nga đặt tất cả các quốc gia châu Âu vào tình thế nguy hiểm.
Bà nói tại hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu tại Brussels rằng "Anh quốc sẽ kề vai sát cánh với Eu và Nato để cùng nhau đối diện với những mối đe dọa này," và sẽ nói thêm rằng "Đoàn kết lại, chúng ta sẽ thành công."
Trước đó, ông Boris Johnson đã mô tả đây như 'một dấu hiệu' từ Tổng thống Putin rằng "không ai có thể thoát khỏi cánh tay báo thù vươn ra rất dài của Nga".
Ông nói: "[Vụ tấn công] là một dấu hiệu cho thấy Tổng thống Putin và nước Nga muốn hăm dọa những người định đào tẩu rằng: 'Đây là điều sẽ xảy ra với ngươi nếu ngươi quyết định hỗ trợ cho một đất nước mang các giá trị khác. Ngươi sẽ bị ám sát."
Ông cũng nói rằng Nga chọn Anh để tấn công bởi Anh đã nêu lên sự lộng hành của Nga.
Adolf Hitler trở thành lãnh đạo nước Đức vào năm 1933, và đã lợi dụng sự kiện Berlin đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa hè 1936 để tuyên truyền cho chế độ Phát xít.
Ông ta đã đưa ra những quy định nhằm đảm bảo rằng toàn bộ các tổ chức thể thao ở Đức đều phải thực hiện chính sách 'chỉ có người Aryan', khiến thế giới phản đối.
Bất chấp các đe dọa tẩy chay, kỳ thế vận hội vẫn diễn ra.
Phát biểu tại phiên điều trần của ủy ban Hạ viện, ông Austin nói: "Ý tưởng của Putin trong việc trao World Cup cho thủ quân đội chiến thắng; ý tưởng của Putin trong việc dùng sự kiện này để quảng bá, đánh bóng cho chế độ tham nhũng bạo tàn mà ông ta là người phải chịu trách nhiệm, khiến cho tôi thấy rùng rợn."
Người ta nghe thấy ông Boris Johnson nói "Tôi e rằng điều đó hoàn toàn chính xác, hoàn toàn chính xác" trong lúc ông Austin phát biểu.
Ngoại trưởng Anh sau đó nói thêm: "Sự mô tả của ông về những gì sẽ diễn ra tại World Cup Moscow, ở mọi địa điểm thi đấu, tôi cho rằng việc so sánh với 1936 là hoàn toàn chính xác."
"Tôi cho rằng đây là viễn cảnh đáng buồn nôn khi nghĩ về sự vinh quang của ông Putin trong sự kiện thể thao này."
'Trừng phạt đội tuyển là sai lầm'
Tuy nhiên, khi ông Austin nói ông tin rằng đội tuyển bóng đá cần phải rút lui khỏi giải đấu, ông Johnson đã không đồng ý.
"Cân nhắc mọi lẽ thì sẽ là sai nếu trừng phạt họ [các cổ động viên] hoặc đội bóng, những người đã rất nỗ lực trong suốt một thời gian dài, hy sinh cả cuộc đời vì nó," ông nói.
Về vấn đề an toàn cho các cổ động viên, ông Johnson nói ông cần có một "một cuộc trao đổi khẩn cấp" với phía Nga về việc họ định "thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng với FIFA trong việc chăm sóc toàn bộ các cổ động viên" ra sao.
Tuy nhiên, ông thừa nhận là cuộc trao đổi này vẫn chưa diễn ra.
Bất chấp việc có vụ tấn công, ông Johnson nói mục tiêu chung trong việc cải thiện quan hệ với Nga vẫn "không thay đổi". Đây là những vấn đề dã được thảo luận trong chuyến đi của ông tới Moscow hồi 12/2017.
Ông nói Anh vẫn được "nhiều người Nga ngưỡng mộ" và Anh muốn duy trì tình bạn với họ, bởi cuộc tranh cãi là với Điện Kremlin chứ không phải với người Nga.
Moscow: 'Anh có thể đã đứng sau vụ Skripal'
Trong lúc đó, Đại sứ Anh tại Nga, Laurie Bristow bị cáo buộc là đã làm mất mặt Bộ Ngoại giao Nga tại Moscow khi được gọi lên để thảo luận về vụ Skripal.
Một tin tweet của Bộ Ngoại giao Anh nói rằng đại diện của Bộ này đã có mặt, nhưng nói thêm:
"Chúng tôi không nhận được lời giải thích thỏa đáng nào về việc làm sao mà một chất độc được sản xuất tại Nga lại được sử dụng trên đất Anh."
"Thay vào đó, Nga tiếp tục đưa ra những lời dối trá, những thông tin sai."
Dmitry Peskok, phát ngôn viên của Tổng thống Putin, nói: "Có lẽ đây là một bằng chứng hùng hồn khác nữa về sự vô lý, khi mà các câu hỏi được đưa ra nhưng người ta lại không sẵn lòng muốn nghe những câu trả lời."
Phát biểu tại cuộc họp, quan chức Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Yermakov cho rằng Anh có thể đã đứng đằng sau vụ tấn công.
"Hoặc là giới chức Anh không thể bảo vệ được đối tượng khỏi cuộc tấn công ngay trên lãnh thổ nước mình, hoặc họ, cho dù là trực tiếp hay gián tiếp, tôi không cáo buộc bất kỳ ai, đã tổ chức vụ tấn công nhắm vào công dân Nga," ông nói.
Ông Yermakov cũng không đồng ý với kết quả điều tra của Anh theo đó nói chất độc Novichok đã được sử dụng trong vụ tấn công.
"Việc sử dụng bất kỳ chất độc quân sự nào cũng sẽ dẫn tới những tổn thương nhân mạng ngay lập tức, ngay tại địa điểm trúng độc," ông nói.
"Những gì xảy ra tại Salisbury thì khác hẳn."
Tại Salisbury, các thanh tra viên từ Tổ chức Chống Vũ khí Hóa học đã tới thu thập chứng cứ, gồm cả các dấu vết tại quán rượu The Mill, nơi cha con ông Skripal đã vào uống trước khi bị trúng độc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.