Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Ca sĩ Mai Khôi bị thẩm vấn và thanh niên VN ‘đội sổ’ về sự tham gia đời sống chính trị

Ca sĩ Mai Khôi bị thẩm vấn và thanh niên VN ‘đội sổ’ về sự tham gia đời sống chính trị

bxvn1:25 AM


Ánh Liên (VNTB)



Việt Nam xếp thứ 152/183 quốc gia về sự tham gia của thanh niên vào đời sống chính trị, theo Báo cáo đánh giá chỉ số phát triển thanh niên 2016.

Thứ hạng 152/183 cho thấy sự tham gia của thanh niên Việt Nam vào đời sống chính trị còn rất yếu’, Hoàng Xuân Châu, Trưởng nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu thanh niên đưa ra tại hội thảo ‘Sửa đổi luật Thanh niên theo hướng tiếp cận phát triển thanh niên’, do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và T.Ư Đoàn tổ chức chiều 28.3.

Rất yếu’ là điều phản ánh chính xác, nhưng nên bày tỏ thêm là ‘không thể chấp nhận’ được để có thể cải thiện được vấn đề. Bởi mấu chốt không nằm ở việc sửa đổi luật Thanh niên theo hướng nào, mà nằm ở nhà nước cởi bỏ quan điểm chính trị thuần túy cho một nhóm đối tượng ra sao.



Thanh niên Việt Nam và hoạt động chính trị chủ yếu là... LGBT hoặc bình đẳng giới.Ảnh: UNFPA Vietnam

Cũng là thanh niên, nhưng một nhóm thanh niên được phân cấp làm thủ lĩnh và học làm lãnh đạo; nhóm thanh niên còn lại là tôi tớ trung thành, là thành tố mà nhà nước muốn giữ nguyên ở vị trí sản xuất vật chất, của cải xã hội. Và tuyệt nhiên, mọi thứ nếu dính dáng đến chính trị đều bị cấm ngặt.

Chính trị bảo trợ và chính trị cấm đoán

Ở Việt Nam, muốn tham gia chính trị buộc phải thuộc lòng Điều 4, Điều 117 (tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - hai điều quan trọng nhất để khiến thanh niên tham gia đời sống chính trị và không phải rơi vào cái vòng phán xét mà nhà nước đặt ra là ‘phản động’.

Các đợt sinh hoạt chính trị được cho rộng lớn trong nước mà thanh niên Việt Nam ngày nay có thể tham gia là, viết bài tìm hiểu về một sự kiện lịch sử nhất định. Và sau đó, giới truyền thông có thể tung hô: Sau 3 tháng triển khai ‘Tìm hiểu lịch sử quan hệ/ sự kiện…’ đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia’. Nhưng thực tế, sự ‘tham gia’ đó lại là việc giao chỉ tiêu bài viết tìm hiểu cho từng chi đoàn/công đoàn cơ sở, thành ra, ‘tìm hiểu’ trở thành ‘sao chép’ lẫn nhau nhằm tạo nên một khối lượng bài thi khổng lồ để bên tổ chức (Trung ương Đoàn, Ban Tuyên giáo, và một số tổ chức thuộc khối chính trị - xã hội) có thể tự tin ‘báo cáo thành tích’ cuối năm.

Vào năm 2013, nhân sự kiện Quốc Hội Việt Nam ban hành Hiến pháp mới, nổi lên cái gọi là ‘Nghị viện trẻ’ (hay còn gọi là Diễn đàn Quốc hội trẻ Việt Nam) - gắn nó như là ‘kênh thông tin giúp nâng cao ý thức chính trị cho giới trẻ’. Thực tế, đây là một mô hình hay, ít nhất đảm bảo thanh niên hiểu biết về cấu trúc lập pháp, các hoạt động nghị trường, và giả lập một môi trường chính trị để thanh niên có cơ hội tham gia bàn thảo. Tuy nhiên, sau một vài hoạt động nhỏ lẻ và được vài trang tin đưa tin, hoạt động này sau đó lại chìm lỉm.

Thanh niên Việt Nam được tiếp cận với một phương trình chính trị an toàn nhất như hoạt động tình nguyện, lập nghiệp; giáo dục chính trị tư tưởng; xây dựng phát triển Đoàn,… Riêng về mảng nhân quyền (vốn nhạy cảm) thì được thực hành và bàn thảo với chủ đề định sẵn như LGBT, bình đẳng giới vậy.

Rõ ràng, thanh niên Việt Nam bị tước đi cái quyền tìm hiểu và tham gia chính trị, mặc dù các văn bản Luật có liên quan vẫn cổ vũ. Tất cả đưa đến câu hỏi thường niên: sau bao nhiêu năm bị kiềm tỏa, giới trẻ có quan tâm đến thời cuộc?




Đôi khi chính trị của thanh niên là tham gia tìm hiểu về một sự kiện lịch sử do nhà nước bảo trợ. Ảnh: Mylai Peace Fondation

Dĩ nhiên là có

Dĩ nhiên là có, và nàng ca sĩ Đỗ Nguyễn Mai Khôi là một ví dụ điển hình như thế. Ca sĩ Mai Khôi, người đã bị tạm giữ tại sân bay Nội Bài trong vòng 8 giờ đồng hồ, khi cô trở về nước sau chuyến lưu diễn ở châu Âu. Cô bị tịch thu nhiều bản album mới, tra soát cuốn nhật ký, bị phía an ninh tra hỏi ‘đi đâu, gặp ai, làm gì, nói gì’.

Sở dĩ phía an ninh phải làm việc với nàng ca sĩ này chỉ bởi, vào năm 2016 - Mai Khôi tự ứng cử làm thành viên Quốc Hội, tiếp đó - cô nàng là một trong những đại diện của phía Xã hội dân sự Việt Nam được tham gia và gặp gỡ Tổng thống Obama nhân chuyến thăm của ông đến Hà nội; là ca sĩ và nhạc sĩ sáng tác ra những bài hát có sắc màu chính trị như: Trái tim vô cảm, Bus trip, Vui lòng thưa ngài, trôi vào tự do…(*)

Là nghệ sỹ, tôi chỉ hát về những gì đang cào cấu tim tôi, về những gì tôi đã tận mắt chứng kiến, về những nỗi bất bình, về những mong muốn cơ bản, về những giá trị phổ quát của con người, chỉ vì thế thôi mà tôi đã bị tạm giữ 8 tiếng’, ca sĩ Mai Khôi cho biết trên Facebook cá nhân của mình.

Không dừng lại, nhiều trang mạng tấn công, nhục mạ, nguyền rủa cô là ‘tiếp tay ngoại bang; dâm chủ’,…


Mai Khôi vẫn cứ hát, vẫn cứ tiếp tục đi, cô ‘độc lập’ với một phong cách mạnh mẽ; cùng với 129 người bị bắt giữ và rất nhiều người bị đe dọa, đánh đập, bỏ tù. Cô là một minh chứng cho việc, thanh niên Việt Nam có quan tâm đến thời cuộc, và bị đe dọa bởi chính Nhà nước vì sự quan tâm đó.



Vận động tranh cử’ của ca sĩ Mai Khôi là hoạt động hiếm hoi trong đời sống chính trị và bản thân Nhà nước Việt Nam không thích điều này. Ảnh: FB Mai Khoi

Please, sir’ (thưa ngài), giai điệu đòi cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải trả quyền tự do cho người dân vẫn cứ len lỏi, lập lòe, và chờ đợi một ngày bùng phát lên. Trong khi chờ điều đó diễn ra, thanh niên Việt vẫn cứ đội sổ về quan tâm chính trị.
A.L.
__________
(*) Phong trào hát và sáng tác ca khúc chính trị tại Việt Nam có từ ngay trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam tại cả hai miền Nam-Bắc. Thậm chí sau năm 1975, phong trào ca khúc chính trị tiếp tục nổi lên với nhiều nhóm nhạc. 
VNTB gửi BVN.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.