Vì sao chóp bu Việt Nam cấp tập công du Ấn Độ?
bxvnSat 12:10 AM
Phạm Chí Dũng/Cali Today
Thêm một lần nữa, không phải “tích cực và chủ động thông tin đối ngoại” từ phía hệ thống báo đảng Việt Nam, mà là báo The Times of India (TOI) ngày 19/2/2018 cho biết “Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang sẽ có chuyến thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 2 đến ngày 4/3/2018, đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Ấn và khẳng định tái cam kết mở rộng quan hệ quốc phòng, an ninh”.
Từ trước đến nay, đa số những cuộc công du đối ngoại của giới chóp bu Việt Nam lại được thông báo đầu tiên bởi các cơ quan chính phủ nước ngoài hay báo chí quốc tế.
Vào tháng Giêng năm 2018, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến Ấn Độ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ và 10 quốc gia Đông Nam Á diễn ra ở New Delhi nhân ngày Cộng hoà Ấn Độ lần thứ 68.
Ấn Độ là một đồng minh quân sự của Hoa Kỳ, và cùng với Nhật Bản có vai trò đối trọng với chiến lược bành trướng và những hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc ở châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng.
Mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã được duy trì một cách ổn định từ nhiều chục năm qua, nhưng chủ yếu về quan hệ trao đổi thương mại song phương.
Tuy Ấn Độ là một trong số hơn một chục đối tác chiến lược của Việt Nam, nhưng chỉ đến năm 2016 giới chóp bu Việt Nam mới quyết định vay khoảng nửa tỷ USD tín dụng quân sự của Ấn Độ. Những tin tức vào thời gian đó cho biết Ấn Độ sẵn sàng bán cho Việt Nam các loại tên lửa siêu thanh BraMos có tầm bắn xa 250 cây số, cũng như hỏa tiễn đất đối không Akash mà quân đội Ấn đang sử dụng. Tuy nhiên cho đến nay, chưa nghe nói gì về hoạt động mua bán cụ thể về khí tài quân sự giữa hai nước. Vô tình hay hữu ý, tiến độ chậm chạp này cũng giống như việc Việt nam đã chưa mua được của Mỹ loại khí tài quân sự và vũ khí nào có giá trị, cho dù vào tháng 5/2016 Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận về mua bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Thủ tướng Ấn Độ, ông Nahendra Modi, tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ ASEAN, New Delhi, 25/1/2018. Ảnh: AFP
Chuyến công du Ấn Độ của Trần Đại Quang có thể được xem là sự kiện đối ngoại tiếp sau cuộc viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis. Trong cuộc viếng thăm này, phía Mỹ đã xác nhận sẽ đưa một hàng không mẫu hạm đến Việt Nam trong thời gian tới. Kể từ năm 1975, đây là lần đầu tiên một phương tiện quân sự chiếm vị trí chủ lực trong lực lượng hải – không quân Mỹ là hàng không mẫu hạm sẽ cập cảng Việt Nam.
Mới đây, đã có tin không chính thức về việc hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ đến Việt Nam vào đầu tháng 3/2018.
Sự kiện Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis thăm Việt Nam, cùng triển vọng lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Mỹ sẽ đến Việt Nam trong năm 2018 cho thấy một chủ trương có thể tạm gọi là “dựa Mỹ đối Trung” của giới chóp bu Việt Nam – như một biện pháp tình thế trong ngổn ngang và hỗn tạp tâm thế “không ưa Mỹ nhưng vẫn cần Mỹ”, vẫn chưa có gì thay đổi tính từ giữa năm 2014 đến nay và đặc biệt trong gần nửa năm qua.
2014 là năm tung tóe vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như chốn không người và như một cú vỗ mặt nảy đom đóm vào Bộ Chính trị Việt Nam. Thế nhưng sau đó, giới chóp bu Việt Nam có vẻ vẫn chưa tỉnh ngộ về thực chất “bạn vàng” là thế nào và vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách “đu dây chính trị”.
Nhưng vì sao gần đây Việt Nam lại có khuynh hướng gần gũi hơn với Mỹ về quân sự và các đồng minh quân sự của Mỹ?
Trước những sự kiện James Mattis thăm Việt Nam và Trần Đại Quang đi Ấn Độ, vào cuối tháng 7/2017 đã xảy ra một sự kiện mà được dư luận xã hội liệt vào loại “nhục quốc thể”: chính quyền Việt Nam phải “giương cờ trắng” khi yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam – ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”. Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ “nhục quốc thể” ấy, nhưng vụ “giương cờ trắng” này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Chưa hết, sau thất bại ở Bãi Tư Chính, Việt Nam lại có nguy cơ bị Trung Quốc cản trở việc khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh – dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam, nơi được phát hiện bởi Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ và có thể sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.
Một khả năng có thể xảy ra là trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn ngay trên vùng biển của mình, Hà Nội đã một lần nữa phải “cầu viện” Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ. Việc một hàng không mẫu hạm của Mỹ có thể hiện diện trong vùng biển Đà Nẵng, mà không phải là Cam Ranh, trong thời gian tới rất có thể là một động tác nhằm bảo vệ ExxonMobil khai thác ở vùng biển Đà Nẵng, đồng thời phục vụ quan điểm “tăng cường hơn nữa sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông” nhằm đối trọng với những sức ép đang gia tăng không ngừng và có thể kích động chiến tranh từ phía Trung Quốc.
Khá rõ ràng là sau vài cuộc thăm dò mang tính khởi động vào năm 2017, năm 2018 rất có thể sẽ có nhiều bằng chứng hơn về “tình thân” giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Nhật Bản và Ấn Độ, được thể hiện bằng “giao lưu hải quân”, mua vũ khí nhỏ giọt và có thể còn gia tăng cả cơ chế tập trận chung, làm tiền đề tiến tới tập trận chung Việt - Mỹ, chẳng hạn “Hổ Mang Vàng”, trong tương lai không quá xa.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.