Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

Thấy gì từ bài thơ của TBT Nguyễn Phú Trọng và câu chuyện của Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng?

Thấy gì từ bài thơ của TBT Nguyễn Phú Trọng và câu chuyện của Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng?

Trương Minh Ẩn 
25-2-2018
Ngày 20/02/2018, báo Dân Việt đăng bài ‘Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về khách sạn của ông Lê Thanh Thản’của tác giả Nguyễn Ngân.
Nhưng sau đó thì đổi tựa đề thành ‘Điều làm nên thành công của hệ thống khách sạn của ông Lê Thanh Thản’. Và cắt đi: đoạn đầu, đoạn nói về tâm tư tình cảm của ông Tổng bí thư với cán bộ, nhân viên khách sạn Mường Thanh; bài thơ ông ta viết tay tặng khách sạn này.
Bài thơ của TBT Nguyễn Phú Trọng viết tặng khách sạn Mường Thanh. Ảnh: Mường Thanh
Qua sự vụ, đã có nhiều người lên tiếng bình phẩm về cái gọi là “tự do ngôn luận, tự do báo chí” ở Việt Nam, cũng như sự kiểm soát ngôn luận, kiểm soát báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương. Trong đó có bài tiêu biểu như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bị Ban Tuyên giáo kiểm duyệt?đăng trên báo Tiếng Dân, ngày 22/02/2018. Cho nên, trong bài này tác giả không đề cập đến vấn đề này nữa, mà đề cập các vấn đề khác.
Thứ nhất, xin “khen” ông Tổng, ông làm thơ “rất hay”. Nếu có cuộc thi thơ “con cóc”, chắc chắn ông sẽ đoạt giải đặc biệt. Bên cạnh cái “hay” ông còn có khối kẻ còm lưng luồn trôn, bợ đỡ,… những kẻ cơ hội trong tổ chức của cái gọi là “Hội Nhà văn”.
Mong lắm thay, ông sẽ “nhiệt liệt phát huy thế mạnh làm thơ con cóc” để là tấm gương đầu đàn của đất nước được mệnh danh “cường quốc thơ”, khi dịp Tết Nguyên Tiêu đã cận kề.
Thứ nhì, các vấn đề từ chuyện kể của ông Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tức câu chuyện ông kể về ông và những người liên quan. Trong bài báo có mục đề: ‘Từ câu chuyện bí thư Hà Nam “chật vật” xin cấp phép xây dựng khách sạn’.
Xin trích dẫn những đoạn cần thiết, bỏ qua những đoạn ông tô hồng bản thân kệch cỡm, cũng như xu nịnh ông chủ khách sạn (chuyện này cũng không có gì lạ, các ông nằm trong cùng một hệ thống, chuyên tự tô hồng bản thân, như tác giả T.Lan viết “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, tô hồng ông Hồ Chí Minh. Theo báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngày 07/10/2015, tiết lộ, T.Lan chính là bút danh của ông Hồ Chính Minh: ‘Sưu tầm tên gọi, bí danh và bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ’). Đoạn liên quan tới Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng như sau:
Câu chuyện xây dựng khách sạn Mường Thanh ở Hà Nam đã được Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kể lại phần nào nói lên thành công của chuỗi khách sạn Mường Thanh. Ông Dũng kể: Năm 2013, lúc đó tôi đang là Bí thư tỉnh ủy Hà Nam. Muốn tỉnh phát triển tôi nghĩ ngay đến việc cần phải xây dựng một khách sạn 5 sao tại thành phố Phủ Lý….
… Tôi vô cùng trăn trở và đã quyết định gọi điện mời anh Thản về xây dựng một khách sạn cho tỉnh vì tôi nghĩ chỉ có tập đoàn Mường Thanh mới đủ lực để xây, bởi xây một khách sạn ít nhất cũng phải đầu tư ít nhất 300 tỷ đồng.
Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lưu trú tại khách sạn Mường Thanh Luxury Bắc Ninh vào trưa 12.2.2017 trong chuyến công tác với đoàn Thủ tướng. Ảnh: Mường Thanh/ DV
Nhưng để Hà Nam phát triển thì ngại đến mấy tôi vẫn quyết định gọi điện và anh Thản nói với tôi là Hà Nam chờ một tý nhưng sẽ làm, các anh cứ chuẩn bị mặt bằng sạch và làm các thủ tục cấp phép đi bởi chúng tôi khi đã vào là xây luôn, chúng tôi chỉ xây dựng trong vòng 10 tháng là xong luôn 27 tầng. Tôi nói với anh ấy là các anh cứ yên tâm đi, cả tỉnh tôi đang mong chờ một nơi khang trang để đón khách nên mọi thủ tục chúng tôi sẽ làm, ông Dũng nói.    
Nói là làm, ông Dũng đã họp ban Thường vụ lại để lo thủ tục cấp phép xây dựng nhưng đúng là không dễ thật vì thủ tục chủ yếu nằm ở các Bộ vừa nhiều thủ tục lại vừa lâu. Ví như cấp phép đầu tư thì phải bộ Kế hoạch và Đầu tư, thẩm định giá thì Bộ Tài chính… Nếu mà đợi được hoàn tất thủ tục cấp phép mới xây dựng khách sạn thì phải mất ít nhất 2 năm.
Bởi vậy, ông Dũng đã cho phép Tập đoàn Mường Thanh vừa làm, tỉnh vừa lo xin giấy phép. Tôi bảo các anh cứ làm đi, vừa làm vừa lo thủ tục. Đúng thật, sau 10 tháng tỉnh Hà Nam có toà khách sạn 5 sao và tổ hợp chung cư lớn nhất tỉnh. Các Cụ nói vui giờ cưới con cũng có nơi tổ chức đàng hoàng, ông Dũng kể lại…”
Qua đoạn trích, rõ ràng lời ông Dũng kể vô tình tố thủ tục hành chính của Chính phủ phân cấp cho các Bộ thực sự quá nhiêu khê, mất quá nhiều thời gian. Thủ tục như vậy nó không kiềm hãm sự phát của đất nước mới là điều lạ.
Ông Dũng đứng đầu một tỉnh về mặt hành chính trong thể chế độc đảng, độc quyền, vậy là ông được quyền đứng trên pháp luật. Mường Thanh được phép thực hiện mà không cần được cấp phép là thủ trước tiên từ quyết định của ông. Có thể nói rằng, lời ông là: “Cứ làm đi, ai dám thanh tra, kiểm tra nào? Thủ tục tính sau”. Và trong thời gian làm thủ tục rút ngắn đó ai dám chắc ông không “đi đêm”, để bước qua thủ tục hành chính nhiêu khê?
Tưởng, cũng phải biết rằng, người dân muốn xây dựng, nhưng chưa có giấy phép, mà chỉ cần đổ một xe gạch xuống nơi cần xây dựng là đã có mặt thanh tra đô thị, thanh tra xây dựng,… Họ lập biên bản, họ hạch sách, họ nhũng nhiễu đủ điều. Nhưng vẫn có những căn nhà được xây dựng không phép, chưa kịp có giấy phép. Làm sao có được? Dễ thôi, thì “chạy”.
“Chạy” là chung chi, là hình thức nhanh nhất, hợp thức hóa những điều chưa đủ điều kiện, chưa hợp lý,… Các quan chức, cán bộ sẽ có bỗng lộc từ “chạy” cho người cần “chạy”. “Chạy”, ngay ở Quốc hội đã công nhận, có lẽ cũng đã được đưa vào từ điển. Nói rõ ra, ai dám khẳng định ông Dũng không “chạy”?
Thể chế này sinh ra thủ tục hành chính nhiêu khê, cũng từ đó sinh ra chuyện “chạy”.
Ông Dũng nói: “Các cụ…”, các cụ ở đây là ai? Ông Dũng tiếp xúc với các cụ nông dân? Việc này chắc phải chờ mặt trời mọc vào ban đêm. Ắc hẳn các cụ là các cụ cựu cán bộ, cựu quan chức, hoặc các cụ đại gia. Các cụ giàu thật, giàu nứt đổ vách mới dám nghĩ tới chuyện tổ chức tiệc cưới cho con cái ở chuỗi khách sạn 5 sao Mường Thanh, chứ các cụ nông dân có cái gì mà dám nói chuyện trên mây dưới gió?
Trong đề mục này, còn một đoạn nữa: Câu chuyện ông Dũng kể lại phần nào nói lên những khó khăn của doanh nghiệp khi xin thủ tục cấp phép của các doanh nghiệp, nhất là đầu tư xây dựng bất động sản. Giờ ông Dũng trong tổ cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, chắc ông hiểu cần phải làm gì để giúp doanh nghiệp bớt những thủ tục phiền hà, nhiêu khê khi đầu tư…”
Ông có làm gì không? Còn lâu mới biết, nhưng hiện tại thì mọi chuyện vẫn chưa thấy nhúc nhích. Chuyện thủ tục cũng là chuyện dài nhiều tập, bàn đi bàn lại không biết bao nhiêu lần và cuối cùng thì ‘chuyện muôn năm cũ’.
Về những bất cập trong xây dựng, quý độc giả hãy đọc bài báo: “Rừng dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm bị ủi thô bạo và bài “Núi Sam không thể có hai Bà Chúa Xứ trên báo Tuổi Trẻ, ngày 24/02/2018, cũng như đọc những phản hồi cuối bài để thấy được bao nhiêu vấn đề còn tồn tại.
© Copyright Tiếng Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.