Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

Phong vị Tết: Áo dài cho ký ức xưa


Phong vị Tết: Áo dài cho ký ức xưa


Tác giả: Saomai Pham
KD: Bạn đọc Saomai Pham gửi cho Blog bài viết naỳ. Dù mặc đầm hay quần tây  😀  , thì áo dài vẫn là một loại y phục mình thích và trân trọng nhất. Nhưng có nhiều bộ chỉ mặc 1-2 lần rồi treo vì lại thích …may bộ mới. Và mình không kén chọn hàng hiệu vì “Y phục xứng kỳ đức”. Có những tấm vài màu sắc rất giản dị, thậm chí “già”, vậy mà mặc vẫn rất đẹp, trang nhã và sang trọng, vừa ý và thích thú.
Xuân sắp về rồi. Bỏ lại mọi lo toan, bận bịu, mệt mỏi buồn bã… , xin đăng bài viết này để bạn đọc thư thái, về một quan niệm thẩm mỹ- áo dài VN
————–
Hình minh họa: Ba thiếu nữ và áo dài. Tranh của Họa sĩ Tô Ngọc Vân (1940).
Tôi là một phụ nữ cổ điển và bảo thủ trước những giá trị và chuẩn mực đã được thời gian chắt lọc mà có được. Một trong những giá trị đối với tôi là bất di bất dịch, là niềm hãnh diện không gì có thể diễn tả nổi trước bạn bè năm châu, ấy là chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam.
Với riêng cá nhân mình, tôi thấy tôi hợp với những tha thướt mềm mại vốn có của chiếc áo dài. Tôi hợp với những chất liệu lụa tơ tằm, mà chỉ lụa, không thêu rồng vẽ phượng, không vẽ hoa sen, không trưng phố cổ… Không gì cả. Chỉ giản đơn, thuần túy là tà áo dài đơn sắc hoặc hoa nhỏ li ti mềm mại phối với quần lụa đen hoặc quần lụa trắng mà thôi!
Chắc chắn tôi không hợp với cuộc sống hiện đại đâu, ít ra là trong cách nghĩ về việc mặc áo dài của chị em phụ nữ bây giờ. Có lẽ những cách tân, những khám phá hay những đổi mới trong việc may áo dài không khiến tôi thấy cần phải thay đổi quan niệm của mình về áo dài. Tôi cứ cổ điển vậy thôi giữa phố phường với các sắc màu rực rỡ của những tà áo khác. Bởi với tôi, tôi không chỉ mặc trên mình chiếc áo dài đơn thuần. Tôi mặc áo dài cho cả những ký ức xưa của tôi về nó. Cổ điển đến mức bảo thủ với đầy ắp những hoài niệm trong tim- ấy mới chính là tôi, là Saomai Pham của các bạn!
Tôi vẫn còn nhớ, những chiếc áo dài đầu tiên tôi nhìn thấy là những chiếc áo dài của bà và của mẹ tôi hồi tôi còn bé tí, có lẽ còn bé hơn con gái của tôi bây giờ. Hồi đó bà tôi hay tranh thủ giờ nghỉ trưa của cả nhà, với giỏ khâu và cặp kính lão, bà cặm cụi tự khâu áo dài đi lễ. Chính vì cứ quanh quẩn bên bà hỏi điều nọ điều kia nên tôi cũng có khái niệm này: để có được một cái áo dài ưng ý bà phải bỏ ra nhiều công sức và kỹ lưỡng, tỉ mỉ đến như thế nào.
Đầu tiên là hàng chục những chi tiết phải đo, rồi cộng trừ tính toán những cử động tay, cử động nách để sao cho mặc lên những chỗ như eo, như vai, như nách không bị căng quá hay nhăn nhúm quá mà vẫn cử động thoải mái, không gò bó như “bó giò” vào người.
Tôi được bà tôi giảng giải về những ý nhị của người mặc áo dài, bởi chỉ là qua việc mặc áo dài thôi mà người ta đã có thể đánh giá được tư cách của người mặc rồi. Ví dụ hở eo hay còn gọi là hở lườn đến đâu thì được coi là kín đáo, nề nếp, khuôn phép. Chỉ cần thêm một hay hai centimet ở eo thôi là đã có thể coi đấy là sự mời gọi lả lơi không đứng đắn rồi.
Mà đâu chỉ có phần eo của người mặc. Một khi đã khoác lên mình cái áo dài thì cái việc đi đứng, cười nói cũng phải khác. Không thể cứ đi lại hùynh huỵch, nói năng toang toác, cười cợt hô hố được. Mỗi khi ngồi xuống là phải nhẹ nhàng xếp tà áo sau lên đùi. Ngồi cũng phải khép nép ý tứ chứ không thể ngồi dạng háng ra hay rung tít đùi, rung bần bật cả bàn lẫn ghế như đàn ông con trai được.
Điều tối kỵ của việc mặc áo dài là không được mặc chất liệu quá mỏng để lộ đồ mặc nho nhỏ bên trong. Như thế là không tự trọng, “như thế là hư thân mất nết”. Mặc như thế thì đừng trách sao đàn ông con trai họ chòng ghẹo sàm sỡ. “Mình cứ nghiêm chỉnh đứng đắn thì đàn ông có thích đến mấy họ cũng chỉ dám ngắm từ xa. Đố anh nào dám bờm xơm ong bướm”- bà tôi vẫn dạy các con các cháu của bà như vậy.
Bà tôi còn kỹ lưỡng đến mức, quy định cả màu sắc và kích thước những đồ lót bên trong khi mặc áo dài. Tuyệt đối cấm bên trong mặc màu sẫm. Tuyệt đối cấm “những thứ cứ toen hoẻn bằng bàn tay”, bởi: “chỉ những đồ hư hỏng, vô giáo dục mới ăn mặc kiểu ấy!”…
Mẹ tôi cũng luôn nâng niu gìn giữ những chiếc áo dài của mình. Tôi còn nhớ chiếc áo dài cưới của mẹ, nhớ cả dây hoa cài đầu, cài ngực của mẹ cài hôm cưới. Mọi thứ được mẹ tôi lưu giữ với một sự nâng niu và cẩn trọng đặc biệt.
Ngay từ khi bé tí bé tẹo tôi đã biết mẹ tôi được gọi là “người đàn bà đẹp” bởi vóc dáng rất mềm mại cân đối của mẹ. Với tôi, mẹ tôi là người mặc áo dài đẹp nhất trên đời. Không ai có thể so sánh được với mẹ của tôi cả!
Tôi còn nhớ cả chuyện hễ có cưới xin hay hội hè gì đó, một vài cô bạn của mẹ đến mượn mẹ áo dài để mặc. Nhưng mà lạ làm sao, cũng là chiếc áo dài ấy, cũng là một người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài của mẹ mà sao không ai mặc đẹp bằng mẹ tôi cả. Ai cũng phải công nhận điều ấy chứ không riêng gì tôi. Hoá ra đúng là “người đẹp vì lụa”, nhưng mức độ đẹp cũng khác xa nhau lắm. Đẹp đến mức san bằng cả đố kỵ hẹp hòi. Đẹp đến mức ai cũng tấm tắc khen. Đó hiển nhiên là sự đẹp đã được đặt ở đẳng cấp cao rồi!
Đến lượt mình, là thế hệ thứ ba, tôi tự hào là đã mang tà áo dài Việt Nam xuất hiện tại những dịp đặc biệt quan trọng ở thủ đô Paris thanh lịch.
Tôi luôn có cảm giác mình trở nên mềm mại hơn, thanh cao hơn khi mặc áo dài. Thế nhưng bạn bè tôi lại nói chính chiếc áo dài Việt Nam trông thì đơn giản hơn nhiều lần so với trang phục dân tộc của nhiều nước khác, nhưng lại … cực kỳ sexy, cực kỳ quyến rũ!
Tôi biết là họ nói không sai. Chiếc áo dài Việt Nam của chúng ta quyến rũ ở mọi chi tiết. Đầu tiên là cổ áo. Thoạt nhìn, tưởng cổ áo cao là kín đáo, là “kín cổng cao tường” nhưng đây lại chính là nơi khoe cái cổ cao thanh tú của người mặc. Rõ ràng là ai cổ ngắn, ai cổ to bè không thể mặc áo dài có cổ được, họ sẽ có những lựa chọn khác. Có thể là chỉ cổ ba phân, hoặc cổ thuyền, cổ áo Trần Lệ Xuân chẳng hạn.
Rồi hai tà áo nữa. Tôi luôn thích mặc áo tà dài bởi chính hai tà áo dài mới tạo nên sự uyển chuyển mềm mại của dáng đi. Nếu như cổ áo khoe cái cổ như cái cổ thiên nga của người mặc, thì hai tà áo mềm như hai dải lụa quấn quýt lại ngầm khoe cái dáng điệu đà, nhẩn nha nữ tính của chủ nhân. Cộng với điểm nhấn là chiếc quần lụa thoắt ẩn thoắt hiện, cả thân hình người phụ nữ với đường cong mềm mại không giấu đi đâu được khiến cho mọi mắt nhìn đều đọng lại với đầy đủ mọi sắc thái sững sờ, suýt xoa, trầm trồ và cả…ao ước!
Sẽ rất thiếu hụt nếu như không kể đến chi tiết hai tay áo. Tay áo dài luôn bảo đảm ôm vừa vặn khít khao với trọn vẹn cánh tay người mặc. Không lùng bùng loè xoè, không chật căng chật ních, sự ôm gọn khiến cho sự quyến rũ của cánh tay đàn bà được đẩy đến mức tối đa. Vậy là kín đến mức không hở ra dù chỉ một milimet da thịt, nhưng cánh tay tròn lẳn mềm mại chỉ đàn bà mới có đã đọng trong trí não người ngắm khác giới rồi. Ai bảo là không quyến rũ nào?
Tôi luôn nhận được những lời khen mỗi khi tôi mặc áo dài. Tôi cho đó là những lời thán phục không giấu diếm của họ dành cho chiếc áo dài của Việt Nam mình chứ không chỉ là khen chiếc áo dài của SMP!
Tôi tự hào lắm và dù là ở xa, tôi vẫn luôn có ý thức giữ gìn những gì thuộc về Việt Nam của mình.
Tôi không có cơ hội để biết hết các nhà may áo dài có tiếng ở Việt Nam, nhưng tôi cũng đã được biết thế nào là chiếc áo dài mang thương hiệu Sỹ Hoàng. Không thể nói gì khác, mỗi một chiếc áo dài Sỹ Hoàng là một tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ do ảnh hưởng của cặp mắt của “ông hoạ sĩ nhà” của mình, nên tôi thích cái khía cạnh bay bổng trong hội hoạ mà chỉ có áo dài Sỹ Hoàng mới có.
Tôi cũng sở hữu những chiếc áo dài của Thuận Việt, Ngân An, La Hằng. Mỗi người mỗi vẻ, chính là những tác phẩm áo dài của họ làm cho tôi thêm duyên dáng và mềm mại.
Mẹ tôi vẫn luôn gắn bó với áo dài Ngọc Châu- Nguyễn Thiện Thuật- Quận 3 ở Sài Gòn. Gắn bó đến mức bảo thủ, mẹ tôi không may áo dài ở bất cứ nơi nào khác! Thật là một sự bảo thủ đáng yêu, tôi nghĩ vậy!
Một điều đáng mừng là khác với thời của mẹ tôi- chiếc áo dài như là một hoài niệm xa xăm, như là một sự xa xỉ, diệu vợi- ngày nay chiếc áo dài đang ở thời đỉnh cao của mọi giá trị. Tuy vậy, đây cũng là thời của những phá cách, của những cách tân và cả của …làm xấu đi chiếc áo dài nức tiếng của chúng ta. Nếu chất liệu quá thô, sẽ làm mất đi sự tôn dáng của áo dài. Nếu tà ngắn mà vải lại không mềm thì kể như sự cách tân đã trở thành phá hỏng. Ấy là ý kiến cá nhân tôi là như vậy.
Mà thôi, ngay từ đầu tôi đã nhận mình là cổ điển và bảo thủ rồi. Bàn sâu hơn về chuyện này có lẽ lại bị mang thêm cái tiếng là người âm lịch mất thôi!
Sự phong phú về màu sắc và kiểu dáng của áo dài thời nay có thể ví như sự đa hương, đa sắc của những đoá hoa mùa xuân vậy. Rồi thời gian sẽ làm công việc của mình là chỉ lưu giữ lại những gì thực sự tôn lên vẻ đẹp thướt tha riêng có của phụ nữ Việt. Tất cả những tạp lai, chắp vá mà lại nhân danh cách tân nhất định sẽ nhường chỗ cho vẻ đẹp không bao giờ xưa cũ của áo dài truyền thống. Nhất định là như vậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.