Ông Trần Đức Anh Sơn bị ‘cảnh cáo’ vì bài viết
6-2-2018
Một nhà nghiên cứu Biển Đông bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng thi hành kỷ luật về Đảng do ‘đăng tin bài trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật, bịa đặt’.
Theo đó, vi phạm của tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng là “viết và đăng tin bài trên mạng xã hội có nội dung sai sự thật, bịa đặt, không đúng với quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, theo thông cáo chính thức của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng.
Vi phạm này bị Đảng Cộng sản đánh giá là “nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân” ông Sơn.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Trần Đức Anh Sơn.
Ông Trần Đức Anh Sơn được nhiều người biết đến về những công trình nghiên cứu Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Trên Facebook cá nhân, ông Anh Sơn đã đăng tải bài viết ‘Đôi lời muốn nói’ sau khi nhận quyết định kỷ luật.
Trong bài viết này, ông Sơn không nói rõ bị kỷ luật vì những bài viết cụ thể nào nhưng cho hay “nhận được yêu cầu giải trình” về những gì ông “viết trên Facebook trong ba năm qua”, từ “giữa tháng 11/2017”.
“Sau đó thì tôi đã trải qua ba vòng kiểm điểm ở ba cấp khác nhau trong hai tháng qua theo quy trình vì đã vi phạm một số điều trong Quy định 47 “Về những điều đảng viên không được làm”.
“Việc Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng công bố mức kỷ luật chiều nay là bước sau cùng của quy trình đó. Tôi đã chuẩn bị tinh thần và chấp nhận hình thức kỷ luật này.”
Ông cũng nói ‘”cần yên tĩnh để vượt qua giai đoạn khó khăn này, và cũng cần có thời gian để toàn tâm toàn ý làm cho xong cuốn sách Đồ Sử ký kiểu thời Nguyễn”.
Quy định mơ hồ nên xử lý ‘tùy tiện’?
Về mặt pháp lý, luật sư Phùng Thanh Sơn nói với BBC ngày 6/2 rằng “hướng xử lý này là tùy tiện do các quy định liên quan rất mơ hồ”.
So sánh với các vụ án hình sự liên quan đến hành vi tuyên truyền chống phá nhà nước gần đây, luật sư từ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng “về mặt pháp lý, ông Sơn và những người bị cáo buộc trước đây đều có điểm chung là đăng tải “nội dung sai sự thật, bịa đặt, không đúng với quan điểm của đảng, pháp luật của nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của đảng và nhà nước”.
“Nhưng đường hướng xử lý thì lại khác biệt. Ông Sơn chỉ bị cảnh cáo còn nhiều trường hợp khác đã bị xử lý hình sự.”
“Điều này không có nghĩa ông Sơn cũng cần bị xử lý hình sự, mà vấn đề là hiện trạng pháp lý hiện nay liên quan đến tội danh tuyên truyền chống nhà nước rất mơ hồ, chỉ định tính mà không định lượng, dẫn đến việc áp dụng luật một cách tùy tiện.”
“Pháp luật chưa có định nghĩa thế nào là tuyên truyền và thế nào là đưa thông tin; thế nào chống nhà nước và thế nào là đưa thông tin bất lợi cho nhà nước…”
Quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Sơn xuất hiện trong bối cảnh Việt Nam kết án tù một số nhà bất đồng chính kiến với tội danh “tuyền truyền chống nhà nước.”
Mới nhất, trong sáng 6/2, tòa án ở Vinh, Nghệ An xét xử nhà hoạt động Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong với nhiều tội danh, trong đó có việc “thường xuyên đăng tải, chia sẻ trên Facebook cá nhân những thông tin, tài liệu tuyên truyền nói xấu chế độ, cổ vũ phong trào đa nguyên, đa đảng”, theo truyền thông Việt Nam.
Hôm 1/2, tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên bác sỹ Hồ Hải bốn năm tù giam, hai năm quản chế cũng với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Ngày 31/1, ba nhà hoạt động gồm Trần Hoàng Phúc, Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển nhận án lần lượt là sáu, năm và bốn năm tù.
Theo luật sư Sơn, “lo sợ bị khép tội tuyên truyền chống nhà nước nên các cá nhân ngại bày tỏ quan điểm, bức xúc của mình. Mà bức xúc xã hội bị đè nén đến một lúc nào đó thì nó buộc phải bùng nổ.”
“Lúc này các bức xúc đó rất dễ chuyển hoá thành sự thù hận và khi đó hậu quả của nó thì không thể lường trước được.”
Luật sư Sơn cho rằng, vì những lý do nói trên, “ĐSCVN nên bãi bỏ tội danh tuyên truyền chống nhà nước”, qua đó cũng khuyến khích được các cá nhân ‘bày tỏ quan điểm của mình.’
“Nhờ đó mà ĐCSVN đo lường được chính xác thái độ cũng như bức xúc của người dân để có những điều chỉnh kịp thời trong việc quản trị quốc gia.”
“Người săn bản đồ”
Tờ NewYork Times từng có bài viết về ông Trần Đức Anh Sơn năm 2017 với tiêu đề ‘Người săn bản đồ ủng hộ lập trường của Việt Nam về chủ quyền trên Biển Đông.
Theo đó, nhiều năm trước, giới chức Đà Nẵng đề nghị ông Sơn đi tìm kiếm các tài liệu và bản đồ trên khắp thế giới để hỗ trợ chứng cứ cho khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Sau đó ông kết luận rằng Việt Nam nên thách thức các hoạt động của Trung Quốc tại một số đảo thuộc các vùng biển đang tranh chấp, như Philippines đã làm và đã thành công. Nhưng cấp trên của ông ‘không bị lay chuyển’ bởi đề xuất này.
“Họ luôn luôn nói với tôi, “Sơn, hãy giữ bình tĩnh”, “Đừng nói xấu về Trung Quốc”, ông Sơn nói trong bài báo trên New York Times.
Ông cho biết đã tìm thấy bằng chứng trong hơn 50 cuốn sách bằng tiếng Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – về việc một nhà thám hiểm Việt Nam thời Nguyễn đã cắm cờ ở Hoàng Sa và Trường Sa vào những năm 1850.
Theo bài báo của New York Times, ông Trần Đức Anh Sơn sinh năm 1967 tại Huế. Cha ông chết năm 1970 trong khi chiến đấu cho quân miền Nam Việt Nam.
Ông lớn lên trong nghèo khó, sau đó trở thành sinh viên xuất sắc của trường Đại học Huế, nơi ông làm khóa luận về đồ sứ thời nhà Nguyễn. Ông Sơn sau đó trở thành giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế.
“Tôi không phải là một chính trị gia,” ông Sơn nói với New York Times. “Tôi là một nhà khoa học.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.