Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Độc đảng hay đa đảng để chống tham nhũng?

Độc đảng hay đa đảng để chống tham nhũng?

Trung Nguyễn
3-2-2018
Dư luận viên cao cấp xuất chiêu
Có vẻ như các dư luận viên cao cấp tầm cỡ giáo sư – tiến sỹ như ông Phạm Đình Đảng (bút danh Nhị Lê) đang được huy động để đấu võ mồm với những cây bút dân chủ trên mạng. Tầm cỡ “ghê gớm” như vậy (nghĩa là “thấy ghê” và “phát gớm”) mà còn không dám tổ chức đối thoại công khai như ông Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng từng tuyên bố mà chỉ toàn viết bài độc thoại, thế thì tầm cỡ các bạn dư luận viên bình thường đúng là chỉ còn biết chửi bới văng tục để kiếm cơm qua ngày.
TS Phạm Đình Đảng, bút danh Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh: DT
Dù sao, trình độ dư luận viên cao cấp như ông Đảng viết ra, có khác với dư luận viên bình thường là những thủ thuật ngụy biện tinh vi hơn một chút. Tôi không muốn đấu khẩu gì với ông Đảng nhưng cần phải vạch trần những lừa dối trong loạt bài viết của ông trên báo VietNamNet để “đập tan âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch” với dân là lừa dân, mị dân nhằm bóc lột nhân dân.
Trong hai bài viết “Chúng ta phải tự mình hùng mạnh” và “Từ quốc lệnh 26/1/1946 đến ‘lò đã nóng lên’”, cái ý toát ra từ ông Đảng là các chế độ đa đảng ở nước khác cũng tham nhũng thì việc quái gì Việt Nam phải đa đảng. Chế độ cộng sản độc đảng ở Việt Nam cũng đang chống tham nhũng quyết liệt đấy thôi. Bà con cứ vững tin và ráng chờ kết quả công cuộc “đốt lò” của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đa đảng là điều kiện cần
Thưa ông Đảng, chế độ chính trị đa đảng chỉ mới là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ của nền dân chủ cũng như của việc chống tham nhũng. Ngoài điều kiện đa đảng thì nền-dân-chủ-gần-như-không-tham-nhũng còn cần phải có các điều kiện khác như báo chí tự do để người dân lên tiếng tố giác tham nhũng và được công luận bảo vệ, tòa án độc lập để sẵn sàng xử bất kể ai tham nhũng, kể cả Tổng bí thư đảng cầm quyền, quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực chính trị – kinh tế – xã hội được bảo vệ, sự tham gia tích cực của người dân vào chính trị,…
Đa đảng để bảo đảm quyền làm chủ của dân
Điều kiện đa đảng nhằm mục đích bảo đảm quyền làm chủ đất nước của người dân là quyền được lựa chọn cá nhân, đảng phái lãnh đạo quốc gia qua bầu cử tự do và công bằng. Không có nhiều đảng để lựa chọn, đồng nghĩa với việc dân mất quyền làm chủ đất nước, cũng có nghĩa là đảng cộng sản cầm quyền là ông chủ đất nước còn người dân là đầy tớ, lo đóng thuế phí nuôi ông chủ.
Tôi tự hỏi lúc ông Đảng chọn vợ thì có ai buộc ông phải chọn cô này mà không chọn cô khác không? Quyền tự do chọn vợ của ông không bị ai xâm phạm thì tại sao ông cả gan cổ súy cho chuyện tước đoạt quyền tự do chọn cá nhân, đảng phái lãnh đạo quốc gia của người dân?
Ông Đảng nên đọc lại điều 2 Hiến pháp do các lãnh đạo cộng sản ban hành là: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Như thế, giới lãnh đạo cộng sản đang vi phạm chính điều 2 Hiến pháp, tước đoạt quyền làm chủ của dân, là quyền được bầu ra lãnh đạo quốc gia.
Tôi cũng nhắc cho ông Đảng nhớ là chính ông Hồ Chí Minh, “bố đẻ” của đảng Lao Động và là “bố ghẻ” của đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội, là người “trình diễn” chế độ đa đảng tại Việt Nam từ những ngày đầu của chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ông Đảng chửi chế độ đa đảng cũng có nghĩa là ông chửi Hồ Chí Minh. Ông Đảng nên nhớ là ông Hồ rất linh thiêng vì ông Hồ “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.
Đa đảng nhằm bảo đảm công bằng xã hội
Điều kiện đa đảng cũng nhằm bảo đảm công bằng xã hội. Không có lý do gì cho phép phân biệt công dân – đảng viên cộng sản với công dân – không cộng sản. Tại sao có những người được phép lập đảng cộng sản trong khi những người còn lại thì bị cấm lập đảng không cộng sản? Tại sao có một nhóm người tự cho phép mình có quyền cai trị quốc gia mà không cần qua bầu cử và tất cả những người còn lại phải chấp nhận sự cai trị đó? Tại sao đảng cộng sản chỉ chiếm một phần rất nhỏ dân số, lại có tới gần 100% trong cái quốc hội đại diện cho dân?
Chính vì mắc mứu đó mà Quốc hội của đảng cộng sản không bao giờ dám ra luật cấm công dân lập đảng. Nhưng ai dám lập đảng ở Việt Nam để thực hiện quyền công dân làm chủ đất nước của mình thì sẽ bị quy vào tội “lật đổ chính quyền nhân dân”. Chuyện này rất dễ dàng vì tòa án chỉ nghe theo lệnh của giới lãnh đạo cộng sản. Chưa có phiên tòa xử bất đồng chính kiến nào mà tòa án dám mở công khai cho dân theo dõi tranh luận, đối đáp tại tòa vì rõ ràng chính giới lãnh đạo cộng sản thừa biết các bản án là bất công, vô căn cứ, chỉ nhằm vào đàn áp dân.
Những người cộng sản lên nắm quyền nhờ vào lời hứa xây dựng xã hội công bằng tại Việt Nam. Điều 16 Hiến pháp do giới lãnh đạo cộng sản ban hành cũng công nhận công dân có quyền bình đẳng về chính trị, nghĩa là công dân nào cũng có quyền lập đảng và sinh hoạt đảng phái như các công dân cộng sản. Chế độ độc đảng như vậy là vi phạm điều 16 Hiến pháp, chà đạp lên pháp lý và đạo lý xã hội.
Ngày 15/1/2018, tại hội nghị ngành công an, ông Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước”. Cần nhắc lại là không có điều luật nào trong bộ luật hình sự cấm công dân lập tổ chức chính trị đối lập. Như thế, bản thân ông Trọng đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm cả điều 4 Hiến pháp quy định “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
Liệu người dân có thể tin một đảng cầm quyền vi phạm hiến pháp và pháp luật lại thực tâm chống tham nhũng? Thẩm phán nào ở Việt Nam dám lôi ông Trọng và Bộ chính trị của đảng cộng sản ra tòa vì những việc phạm pháp đó? Đó chính là lý do mà giới lãnh đạo cộng sản rất sợ tư pháp độc lập hay tam quyền phân lập.
Đa đảng nhằm bảo đảm tính liên tục của chính quyền 
Điều kiện đa đảng cũng nhằm bảo đảm sự liên tục của chính quyền. Nếu đảng cầm quyền không còn được dân lựa chọn thì sẽ có sự thay thế ngay lập tức của các đảng đối lập, không để xảy ra tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, bảo đảm ổn định chính trị.
Chính vì không có các đảng khác ngoài đảng cộng sản nên làn sóng bỏ nước ra đi, kiếm quốc tịch ở các quốc gia dân chủ đa đảng của giới trí thức, quan chức cộng sản và giới nhà giàu Việt Nam sôi động giống như Trung Quốc. Họ sợ tình trạng hỗn loạn, mất tài sản khi chế độ cộng sản độc đảng bị người dân phẫn uất vùng lên lật đổ. Đã có nhiều vụ việc mà người dân phải dùng bạo lực để chống lại nhà cầm quyền như ông Đoàn Văn Vươn, Đặng Văn Hiến,…
Nói vậy để thấy chế độ độc đảng tạo ra bất ổn xã hội lớn nhất. Mâu thuẫn xã hội không được giải quyết qua quốc hội đa đảng, báo chí tự do và tư pháp độc lập thì tới lúc các mâu thuẫn được tích tụ đó sẽ phải nổ ra như quả bóng đã bị ép quá chặt. Dân Đồng Tâm đã thề quyết tử giữ đất ngay thủ đô rồi đấy.
Đa đảng nhằm bảo đảm phát triển bền vững
Chế độ đa đảng cũng phù hợp với quy luật biện chứng mà chính các nhà lý luận mác-xít rao giảng, đó là sự phát triển của sự vật là do sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập trong chính sự vật đó. Khi đảng cộng sản phủ nhận đảng đối lập, khi Tổng bí thư đảng cộng sản ra lệnh cho công an bắt bớ đảng viên các đảng đối lập thì nghĩa là đảng cộng sản đã chọn con đường tàn rữa, héo úa, tự sát chứ không phải phát triển.
Nhắc đến biện chứng thì tôi cũng nói cho ông Đảng dễ hiểu là mâu thuẫn lớn nhất của xã hội Việt Nam hiện tại là mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị là giới lãnh đạo cộng sản và tuyệt đại đa số người dân. Đó là lý do mà giới lãnh đạo cộng sản luôn lo sợ bị lật đổ. Thật sự không ai có thể lật đổ được họ ngoài sức mạnh của nhân dân, là những người mà họ đang bóc lột, áp bức qua sưu cao thuế nặng, qua bắt bớ bỏ tù.
Đa đảng khiến giới chính trị phải nỗ lực cạnh tranh
Chế độ đa đảng sẽ khiến đảng cầm quyền phải cố gắng làm tốt công việc quản trị quốc gia vì nếu không họ sẽ bị thay thế bởi đảng đối lập. Một bê bối tham nhũng dù nhỏ cũng có thể khiến đảng cầm quyền phải ra đi, bởi vậy nên lãnh đạo quốc gia phải kiểm soát tham nhũng chặt chẽ nếu không muốn mất quyền. Đảng đối lập luôn giám sát chặt chẽ các chính sách và hành động của đảng cầm quyền và thông báo cho người dân biết khi có sai phạm.
Đa đảng góp phần kiểm soát và cân bằng quyền lực 
Chế độ đa đảng cùng với nhà nước pháp quyền, báo chí tự do, tư pháp độc lập, xã hội dân sự, kinh tế thị trường… tạo thành hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực chặt chẽ, từ đó hạn chế tham nhũng tối đa, nếu có tham nhũng thì kẻ phạm tội cũng nhanh chóng bị trừng phạt. Đó là lời giải cho việc “nhốt quyền lực vào cái lồng” mà giới lãnh đạo cộng sản đang loay hoay tìm cách giải. Thực sự thì họ biết lời giải nhưng họ không dám làm vì quyền lực và quyền lợi bất hợp pháp của họ.
Ngay mới đây, hàng loạt sỹ quan cao cấp của hạm đội 7 hải quân Mỹ đã phải ra tòa vì tội nhận hối lộ. Nước Mỹ có chế độ đa đảng và đầy đủ các điều kiện khác của nền dân chủ nhưng nước Mỹ vẫn có tham nhũng. Điều đó đúng, nhưng nước Mỹ vĩ đại ở chỗ tòa án xét xử tham nhũng không cần biết kẻ phạm tội mang tới hàm tướng hay thậm chí là tổng thống, và báo chí có thể phát hiện và đưa tin công khai về sự việc chứ không cần “chỉ đạo” “đốt lò” của ai mới dám làm.
Kết luận
Sự khác biệt giữa tham nhũng ở chế độ cộng sản độc đảng ở Việt Nam và tham nhũng ở chế độ dân chủ đa đảng ở các nước văn minh khác là tham nhũng ở Việt Nam tràn lan đến mức nó hủy hoại sự phát triển của quốc gia, biến cả dân tộc thành con nợ để làm đầy túi cho giới lãnh đạo cộng sản. Chính báo chí trong nước còn thừa nhận, Việt Nam “rừng vàng biển bạc” dưới sự lãnh đạo “sáng suốt, tài tình” của đảng cộng sản giờ còn thua cả Lào và Campuchia. Các nước có chế độ dân chủ đa đảng khác có tham nhũng nhưng ít và quốc gia của họ vẫn phát triển bền vững.
Thế thì thưa ông Đảng, ông đã biết rồi đây người dân Việt Nam sẽ lựa chọn thể chế chính trị nào rồi chứ?
Và chắc ông Đảng cũng biết rồi đây người dân sẽ đối xử với thành phần cơ hội chính trị, lợi dụng học hàm học vị để lừa dân, nịnh bợ những kẻ cai trị độc tài như thế nào rồi?
© Copyright Tiếng Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.