Những tấm da lừa
24-2-2018
Tại sao đất nước ta lại xảy ra liên tiếp những tội phạm về kinh tế, chức vụ và trật tự xã hội lớn và nhiều đến vậy?
Cách đây không lâu là vụ một nữ nhân viên ngân hàng lừa khách hàng lấy gần 50 tỷ rồi biến mất; cũng tương tự có vụ chiếm đoạt số tiền lên tới hơn 4.000 tỷ (một ngân hàng thuộc sở nhà nước, Vietinbank); mới đây nhất là vụ giám đốc chi nhánh ngân hàng Eximbank tại TP.HCM đã lừa đảo và rút sạch số tiền trong các sổ tiết kiệm của một vị khách cá nhân khoảng 300 tỷ rồi bỏ trốn.
Thêm vào đó là vụ một tên chuyên tổ chức các lớp học dạy làm giàu đã thực hiện cú lừa ngoạn mục đối với hàng trăm, nghìn người để chiếm đoạt số tiền lên tới gần 3.000 tỷ đồng. Trước đây thì có một vụ liên quan đến kinh doanh đa cấp với 66.000 nạn nhân mà tổng số tiền bị chiếm đoạt vào khoảng 2.100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có thể kể thêm những câu chuyện về những vụ án đã, đang và tới đây sẽ được xét xử về các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế hoặc các dự án đầu tư (công) thua lỗ hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đồng để có thể nhìn thấy được một sự khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng trong công tác quản lý và sư dụng tài sản công cùng sự tha hoá chức vụ (quyền lực) trong bộ máy công quyền.
Rõ ràng trong những sự việc kinh hoàng với thiệt hại bằng những con số khủng khiếp ấy, chúng ta thấy được hai tâm lý chung phổ biến của người dân:
Thứ nhất là, người có tiền thường muốn gửi vào ngân hàng, vì như theo họ nghĩ và trong một môi trường kinh tế nhiều bê bối, là một cách kinh doanh an toàn và có lãi (ổn định) nhất. Nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Việc họ bị lừa đảo hoặc có thể trở thành nạn nhân của nhiều hành vi, thủ đoạn và từ bất kỳ ai trong xã hội đều có thể xảy ra. Và với những hậu quả nghiêm trọng như thế, nhưng dường như việc bảo vệ quyền lợi cho họ trên cơ sở luật pháp còn hết sức lỏng lẻo và thật sự là không an toàn chút nào.
Thứ hai là, người dân rất ham làm giàu, muốn tìm con đường nào có thể tạo ra lợi nhuận lớn nhất và nhanh nhất có thể. Nhưng rất đáng tiếc và lấy làm buồn lòng khi mà họ bỏ tiền ra, ngoài lòng tham không đáy được trang bị và làm nhoà tâm trí, thì họ chẳng có chút thông tin, sự hiểu biết và khôn ngoan nào đi kèm. Muốn làm giàu chỉ trong chốc lát, nhưng không chịu tìm hiểu thực sự xã hội này đang được vận hành và diễn ra những tình trạng gì, được quản lý ra sao và bảo đảm thế nào bằng luật pháp, thì việc đổ tiền của giao cho những kẻ mê hoặc bạn bằng việc treo trên đầu bạn những món hời kếch xù và chớp nhoáng cũng giống như bạn đã giao trứng cho ác vậy.
Cũng cần phải bàn thêm về một khía cạnh khác của tâm lý xã hội đối với đa phần người dân hiện nay. Đó là dường như họ không mấy tin vào con người và luật pháp đang hiện diện, nhưng ngược lại, họ lại dễ tin và rất cả tin vào những kẻ đưa ra những lời đảm bảo về sự an toàn đối với các rủi ro cho họ một khi họ bỏ tiền ra và với lời cam kết sẽ biến số tiền đó trở thành một khối tài sản khổng lồ mà bất cần phương cách.
Và cuối cùng họ nhận ra, không có thánh thần nào có thể vãn hồi tài sản hay cứu chuộc lại được cho họ những thiệt hại, khi tất cả niềm tin và số táo họ có đã trao toàn bộ nó cho những con cáo mà, ngay cả chính họ là một phần trong chúng, đang cùng nguỵ trang trong tấm áo choàng dưới lốt một con người chân chính, để cùng sống trong một xã hội được xây đắp và gây dựng bằng lòng gian tham, sự bàng quan (bỏ mặc) và cuối cùng là sự khôn ngoan được lầm tưởng bởi sự u mê và ngu dốt của chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.