Mỹ : Trump cho công bố văn bản mật chỉ trích FBI lạm quyền
Ngày 02/02/2018, Nhà Trắng đã bật đèn xanh cho Hạ Viện Mỹ công bố bản báo cáo do Ủy Ban Tình Báo thực hiện. Tác giả báo cáo dài chưa tới 4 trang, dân biểu bang California, Devin Nunes, một người thân cận với tổng thống Donald Trump, chỉ trích Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI nghe trộm điện thoại nhiều thành viên trong êkíp của ông Trump trong thời gian vận động tranh cử tổng thống.
Cụ thể hơn, nội dung văn bản nói trên gồm những gì và tại sao tài liệu mật này lại có nguy cơ đẩy nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng? Thông tín viên RFI từ Washington, Anne Corpet giải thích :
"Văn bản mật dài 3 trang rưỡi, do phe Cộng Hòa tại Hạ Viện Mỹ soạn thảo, chỉ liên quan đến một khía cạnh nhỏ của cuộc điều tra về nghi án Nga đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Nhiều yếu tố khác của vụ việc đã bị bỏ qua. Đây là một bản ghi nhớ không đầy đủ về một hồ sơ vô cùng phức tạp với rất nhiều ngõ ngách. Đó chính là lý do khiến Cục Điều Tra Liên Bang FBI và nhân vật số 2 trong bộ Tư Pháp Hoa Kỳ phản đối việc cho công bố tài liệu mật nói trên.
Thế nhưng, theo quan điểm của Donald Trump, văn bản này đủ để mọi người hoài nghi về tính trung thực trong cuộc điều tra mà công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang tiến hành. Ngay sau khi cho phép giải mật bản ghi nhớ của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, tổng thống Donald Trump tuyên bố : "Đây là một vụ tai tiếng đang diễn ra trên đất nước của chúng ta. Nhiều người phải lấy làm xấu hổ và còn hơn thế nữa. Rồi chúng ta sẽ thấy chuyện gì xảy ra sau đó. Nhưng nhiều người phải lấy làm hổ thẹn".
Qua mạng Twitter, tổng thống Hoa Kỳ đã trực tiếp nghi ngờ về tính trung thực của FBI và nhiều quan chức cao cấp trong bộ Tư Pháp. Phe Dân Chủ cảnh cáo là trong trường hợp cách chức công tố viên đặc biệt Robert Mueller hay cấp trên của ông này, đây sẽ là một hành vi cản trở tư pháp và điều đó có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng về định chế".
Văn bản mật nói gì ?
Văn bản mật do các nghị sĩ Cộng Hòa soạn thảo và vừa được tổng thống Donald Trump giải mật bày tỏ những « mối quan ngại về tính chính đáng và tính hợp pháp » của một số hành động của FBI và bộ Tư Pháp Mỹ.
Chiếu theo một đạo luật được thông qua cách đây 40 năm, Foreign Intelligence Surveillance Act – FISA, các nhà điều tra của bộ Tư Pháp Mỹ phải trình cho một thẩm phán liên bang những yếu tố cho thấy một cá nhân nào đó bị nghi là đang bí mật làm việc cho một nước ngoài, để được quyền nghe lén điện thoại của người đó.
Theo nội dung văn bản mật vừa được công bố, để được ngành tư pháp cấp phép nghe lén điện thoại, bộ Tư Pháp và cơ quan FBI đã dựa trên những thông tin do một cựu điệp viên Anh Quốc, Christopher Steele thu thập được. Nhân vật này đã làm việc trong khuôn khổ một công tác do đảng Dân Chủ và êkíp tranh cử của bà Hillary Clinton tài trợ, cho nên bị xem là có lập trường chống Trump.
Văn bản mật cũng khẳng định là khi xin phép nghe lén điện thoại ông Carter Page, từng là một thành viên trong êkíp tranh cử của Donald Trump, bốn lãnh đạo cao cấp của FBI và của bộ Tư Pháp đã cố tình không nói đến động cơ chính trị của cựu điệp viên Steele. Hơn nữa bản thân Steele là một nhân vật bị xem là không đáng tin cậy, vì đã nói dối với FBI về những mối liên hệ của ông và đã tiết lộ các thông tin cho báo chí, vi phạm quy định về bảo mật của giới tình báo.
Văn bản mật "quên" nói những gì?
Thế nhưng văn bản mật vừa được công bố lại không nói rõ là ông Carter Page đã bị FBI tình nghi từ năm 2013, tức là từ lâu trước khi cựu điệp viên Steele được giao điều tra về nhân vật này. Văn bản cũng không nói rõ là hồ sơ của Steele không phải là khởi điểm của cuộc điều tra của FBI về khả năng đã có sự thông đồng giữa Matxcơva với êkíp tranh cử của Donald Trump. Cuộc điều tra này chỉ được mở ra vào tháng 07/2016, sau khi cơ quan tình báo Mỹ ghi nhận đã có rất nhiều liên lạc giữa phía Nga với các nhân vật thân cận của ứng cử viên Cộng Hòa.
Ngoài ra, văn bản mật nói trên quên nói rằng việc sử dụng những thông tin từ những nhân vật có các thành kiến hoặc che giấu những ý đồ không phải là chuyện hiếm có. Tùy thẩm phán liên bang đánh giá những thông tin đó đáng tin cậy đến mức nào, rồi từ đó ra quyết định có cho phép nghe lén điện thoại hay không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.