Mấy bài học từ U23 Việt Nam
3-2-2018
Những chiến thắng của U23VN tại vòng chung kết U23 châu Á 1/2018 đã thổi bùng ngọn lửa phân khích tột độ của dân ta. Nhưng hưng phấn tâm – sinh lý thì lên cực điểm nhanh, rồi xẹp cũng nhanh! Vấn đề còn lại, là rút ra bài học gì? Có mấy điều xin cùng chia sẻ…
1. Muốn sánh vai, cạnh tranh ở tầm quốc tế, các bạn trẻ phải chịu khó trui rèn về TÀI NĂNG và PHẨM CHẤT đạt trình độ ngang tầm người ta. Lứa U23 này các em được rèn giũa, khổ luyện hơn 10 năm ở các lò đào tạo chuyên nghiệp, mới có các tố chất Nhanh, Mạnh, Bền, Khéo … đến như vậy. Đá 3 trận liền 120p với các đối thủ mạnh hơn, trong điều kiện khó khăn, vẫn đương đầu được… Nhưng tài năng muốn phát huy cao độ lại cần tu dưỡng phẩm chất, là người đàng hoàng, trung thực, khiêm tốn, gắn kết cùng tập thể vươn tới khát vọng chung. Cả đội hình U23 lần này không thấy em nào nhuộm tóc, xăm người, khệnh khạng, ăn chơi, tỏ ra “ngôi sao” như lứa U23 tài năng thuở nào. Lĩnh vực nào cũng vậy, nhân cách văn hóa thấp, dẫu có tài năng cũng không phát triển bền vững, vươn xa được.
2. Các thầy cô giáo, người lãnh đạo hãy KHAI PHÓNG tiềm năng, khát vọng của tuổi trẻ bằng hành đông: khai mở tự do tư tưởng, tự do thể hiện, tự do sáng tạo cho lớp trẻ; giải phóng mọi năng lực của mỗi cá nhân và cả tập thể, thoát khỏi mặc cảm rụt rè sợ hãi, tự ti, áp đặt định kiến, chủ nghĩa bình quân…; khuyến khích mọi cá nhân bộc lộ hết năng lực của mình, tự khẳng định chính mình… Cái cách mà HLV Park đã khai phóng cho U23, hãy áp dụng với tuổi trẻ ở mọi lĩnh vực, nhất là trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Chỉ khi tuổi trẻ tự tin, được tự do thể hiện, sáng tạo mới bộc lộ hết các tiềm năng, đem lại những thành quả bất ngờ.
3. Lấy sự CẠNH TRANH TẬP THỂ của cả đội với các đội khác để giành chiến thắng của cả đội/cả đơn vị mình với các đơn vị khác làm mục tiêu và động lực phấn đấu chung của cả tập thể; chứ không thi đua giữa các cá nhân trong đơn vị xem ai “tiên tiến xuất sắc” hơn. “Thi đua” trong như vậy có thể kết quả là, thành tích chung của đơn vị rất tồi tệ, nhưng lại có rất nhiều người “tiên tiến”, “xuất sắc”, “Chiến sĩ thi đua”! Kiểu thi đua đó chỉ gây ganh đua mất đoàn kết nội bộ, hủy hoại cảm hứng phấn đấu chung của tập thể và nỗ lực sáng tạo của mọi cá nhân… Đội trưởng Xuân Trường nói chí lí: U23 VN không có ai là ngôi sao, cả tập thể là ngôi sao chung!
4. Người lãnh đạo (HLV, các thầy, cô giáo, người lãnh đạo đơn vị) phải có TÂM, có TÀI … ngang TẦM châu lục, như HLV Park! Chưa được như vậy thì phải học hỏi vươn lên ngang tầm người ta mới cạnh tranh được với người ta, một cách sòng phẳng, bền vững. Thế hệ trẻ có tiềm năng bao nhiêu nhưng vào tay người HLV/người lãnh đạo thiếu Tầm nhìn, vô Tâm, bất Tài… cũng lụn bại!
5. Bài học U23 rất thiết thực với ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC (NNL) chất lượng cao. Thế hệ trẻ VN rất giàu tiềm năng, nếu có các chuyên gia có Tâm, có Tài, tuyển chọn một cách khoa học, khách quan, đào tạo có bài bản theo chuẩn quốc tế, thì ta đâu có thiếu NNL chất lượng cao trong mọi lĩnh vực. Ngay đào tạo NNL xuất khẩu, ta cũng xuất khẩu kỹ sư, bác sĩ, CN kỹ thuật, chứ đâu chỉ người lao động đơn giản, đi làm “cu li”!
6. Quay lại BÓNG ĐÁ. Một đội U23 dẫu làm nên kỳ tích trong một giải đấu, cũng chỉ là “hiện tượng” mà thôi, chưa khẳng định cả nền bóng đá VN đã vượt tầm châu lục. Còn nhớ đội tuyển BĐ Đan Mạch từng một lần thần kỳ: vô địch châu Âu 1992 và vô địch cúp liên lục địa 1995, sau đó lại trở về vị trí khiêm tốn của mình; Đội tuyển BĐ Hy Lạp cũng làm nên thần thoại: Vô địch châu Âu 2004, rồi trở về vời thực tại… Vì vậy muốn BĐVN phát triển bền vững, các CLB phải học bài học từ U23 để xây dựng nền tảng của BĐVN. Hy vọng BĐVN không giẫm theo bước chân của BĐ Đan – Hy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.