Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Marseille lọt vào tầm nhắm của Trung Quốc

Marseille lọt vào tầm nhắm của Trung Quốc

media
Một cảnh thành phố cảng Marseille. Ảnh chụp ngày 23/01/2018. REUTERS/Jean-Paul Pelissier
           
Các tạp chí Pháp ra mắt đọc giả tuần này phần lớn dành hồ sơ trang bìa và nhiều bài bên trong cho tình hình xã hội Pháp qua những chủ đề khác nhau. Đáng chú ý nhất có lẽ là hồ sơ trên trang kinh tế của L’Express : « Marseille, đích nhắm mới của Trung Quốc ». Tuần báo Pháp giải thích : Trong kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới, Trung Quốc đang nhắm đến cảng Marseille của Pháp để làm một đầu cầu tiến vào Châu Âu.

Bài viết mở đầu với phần nói về một bộ phịm truyện tình cảm rất ăn khách trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc, lấy bối cảnh là Marseille và vùng Provence, miền Nam nước Pháp : Có đến gần 150 triệu người say mê theo dõi câu chuyện của hai gia đình người Ôn Châu tại thành phố cảng Pháp.
Trong mắt tác giả bài báo, Bắc Kinh có vẻ như muốn chiêu dụ du khách Trung Quốc đến đấy, nhưng giới tài phiệt mới của Trung Quốc thì chẳng cần ai dụ dỗ đã đến Marseille rồi. Trong năm 2017, đã có 25 đoàn đến vùng này của Pháp, so với vỏn vẹn 6 đoàn vào năm trước.
Trong chuyến công du Bắc Kinh ngày 09/01/2018 của thống thống Macron, Pháp đã ký hợp đồng xây dựng một nhà máy hóa chất trị giá 100 triệu euro tại cảng Marseille với tập đoàn Trung quốc Quechen Silicon Chemical.
Nói đến sự hiện diện của Trung Quốc tại Marseille thì còn phải kể đến hàng chục nhà bán sỉ vải sợi, đã dời đến hoạt động ở khu vực thương mại Marseille International Fashion Center 68, rộng khoảng 60.000 mét vuông, và biến Marseille thành trung tâm bán sỉ vải sợi lớn nhất Pháp, ngoài Aubervillliers ở phía bắc Paris.
Tác giả bài báo hóm hỉnh cho là « câu chuyện tình » giữa Bắc Kinh và Marseille đâu phải chỉ mới có vào hôm nay. Vào thế kỷ XIX và cho đến đầu những năm 1960, người Trung Hoa đến Châu Âu đều xuống cảng Marseille sau một hành trình kéo dài cả tháng. Sau đó quan hệ lạnh nhạt đi cho đến khi cựu thị trưởng Robert Vigouroux thắt chặt lại quan hệ nhân dịp Marseille kết nghĩa với Thượng Hải năm 1987.
Theo bài viết, tại Marseille hiện có khoảng 2000 kiều dân Trung Quốc sinh sống, với hơn 500 là sinh viên. Và dấu hiệu thể hiện sự quan tâm của Trung Quốc đối với Marseille là Diễn Đàn Kinh Tế Pháp-Trung lần thứ 12, đầu tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên đã rời vùng Paris để xuống Marseille.
Cái gì làm cho Trung Quốc ngày nay nhắm đến Marseille như thế ? 
Tác giả bài viết nhìn thấy một số ưu thế hấp dẫn như số 40.000 công việc làm trong ngành kỹ thuật số, cũng như các ngành nghiên cứu chuyên sâu, mũi nhọn như trong năng lượng hay drone…, một hệ thống viễn thông thuộc loại phát triển nhất. 
Trong không đầy 2 thập niên, Marseille đã trở thành điểm đến của nhiều đường cáp ngầm dưới biển, nhất là những đường dây đến từ Châu Á, và thu hút một phần đầu tư quan trọng của thế giới trong lãnh vực này.
Nhưng lợi thế của Marseille trong mắt Trung Quốc trước tiên là vị trí địa lý của thành phố cảng này, và hoạt động của Marseille ngày càng phát triển: 20,4 triệu tấn hàng xuống cảng vào năm ngoái, tăng 10% so với năm trước, cao gấp đôi mức trung bình ở Châu Âu. Trụ sở tập đoàn vận tải biển thứ 3 thế giới CMA-CGM làm việc chặt chẽ với Bắc Kinh cũng ở Marseille. Các tập đoàn Trung Quốc đang ráo riết tìm nơi xây kho hàng.
Vị trí của Marseillle khiến cảng này không chỉ là một đầu cầu vào châu Âu mà còn là một cánh cửa tiến vào Bắc Phi và Tây Phi, rất thuận lợi cho kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc. 
Bài viết trích lời lãnh sự Trung Quốc tại Marseille, công nhận rằng : « Marseillle hiện là thành phố thu hút nhất sự chú ý của chúng tôi, dĩ nhiên là sau Paris ».
Lãnh đạo Marseille rất hoan nghênh công cuộc hợp tác mang lại đầu tư và việc làm cho thành phố cảng, tuy nhiên một số người không khỏi đắn đo, thận trọng.
Xử lý sao đối với những thành phần thánh chiến hồi hương ?
Về thời sự châu Âu, Courrier International đã dành trang bìa và hồ sơ chính cho một vấn đề nhức nhối cho nhiều quốc gia phương Tây hiện nay : Đó là xử lý thế nào đối với những công dân nước mình đi tham gia thánh chiến ở Irak hay Syria, nay trở về nước. 
Tuần báo Pháp tự hỏi trên trang bìa là phải chăng đối với thành phần đã đi thánh chiến, chuyện trở về nước là điều bất khả ? Câu hỏi này được đặt bên trên một bức tranh minh họa cho thấy ba bóng người màu đen trên phông nền màu đỏ lửa, một người đàn ông, một phụ nữ và một đứa bé, cả ba đều mang trên lưng một vật thể có hình dạng một trái lựu đạn. Lời giải thích kèm theo nêu bật vấn đề đang được tranh cãi gay gắt : Xét xử các chiến binh thánh chiến và gia đình của họ, giúp họ khôi phục lại cuộc sống bình thường, hay ngăn họ trở về nước ?
Bài xã luận của Courrier International khẳng định rằng « Cần phải xét xử các phần tử thánh chiến » và giải thích vì sao phải làm như vậy.
Trích một câu nói của Gandhi, biểu tượng của chủ nghĩa bất bạo động, theo đó « Nếu cứ áp dụng phương châm mắt đền mắt, thì cả thế gian sẽ trở thành đui mù », tờ báo nêu bật bài toán khó đang đặt ra cho các nền dân chủ phương Tây : Làm gì với hàng trăm kẻ thánh chiến đã bỏ đi tham gia chiến đấu, một tay cầm súng AK, một tay cầm dao, nhân danh một vương quốc Hồi Giáo giả hiệu và ngày nay đang tàn lụi ? 
Làm gì với những thanh niên cực đoan, với những bộ não chỉ biết giết chóc, với những cánh tay cầm vũ khí sẵn sàng sử dụng bạo lực chưa từng thấy mượn danh tôn giáo ? Phải làm gì với những phụ nữ đó, đã ra đi từ Pháp, Anh, hoặc Đức, để sinh ra thế hệ chiến binh Hồi Giáo tương lai ? 
Và phải làm gì trước một công luận hoang mang, một đám đông thẫn thờ vì bị tổn thương sâu bên trong bản thân mình, và sống trong nỗi sợ hãi là những kẻ gọi là đã ăn năn đó lại nổi lên thành những phần tử thánh chiến ?
Đối với Courrier International, có một nguyên tắc đó là tuyệt đối không bao giờ được quên rằng « sức mạnh của nền dân chủ của chúng ta chính là đến từ việc thượng tôn luật pháp. »
Hiểm họa mới : Hồi Giáo cực đoan ngay trong lực lượng an ninh Pháp
Cũng bàn về các thành phần Hồi Giáo cực đoan, tạp chí L’Express đã nêu lên một hiện tượng đang khiến cho ngành an ninh Pháp hết sức lo ngại : Đó là khả năng một số nhân viên cảnh sát và hiến binh ngả theo xu hướng Hồi Giáo cực đoan.
Theo L’Express, hiện đã có khoảng vài chục cảnh sát và hiến binh Pháp bị giám sát chặt chẽ vì bị tình nghi là đang chuyển biến theo chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan, và một đạo luật mới sẽ cho phép trừng phạt những người này, thậm chí sa thải họ một cách dễ dàng hơn. 
Tờ báo đã nêu lên một vụ mới xẩy ra gần đây : Ngày 16 tháng Giêng vừa qua, các cơ quan tình báo đã bắt giữ một người đàn ông 23 tuổi đã « tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech » trong một đoạn video quay vào mùa thu năm ngoái trước lá cờ đen của tổ chức này. Trên mạng Internet, người này tỏ ý muốn mua vũ khí, và khi khám soát nhà của thanh niên này, người ta tìm thấy « những sản phẩm có thể được sử dụng để chế tạo chất nổ ».
Điều đáng nói, theo L’Express, là nếu cảnh sát không biết gì về nghi phạm này, thì hiến binh lại biết rất rõ anh ta. Lý do rất đơn giản : anh ta nguyên là trợ lý hiến binh tình nguyện.
Theo L’Express, trường hợp trên không phải là duy nhất, và đó đang là một ác mộng cho Bộ Nội Vụ Pháp, với một kịch bản như sau : « Một cảnh sát viên hay hiến binh chạy theo xu hướng Hồi Giáo cực đoan và quyết định hành động giúp thánh chiến, cung cấp thông tin cho "anh em" của mình, tiết lộ danh tánh và địa chỉ của đồng nghiệp, mở cửa kho vũ khí cho các phần tử thánh chiến, hoặc sử dụng ngay vũ khí của mình để gây ra một vụ tàn sát. » Đây là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra vì cảnh sát giờ đây đã có quyền mang súng theo người ngoài giờ làm việc.
Cho đàn ông nghỉ hộ sản khi vợ sinh : bí quyết thúc đẩy bình quyền nam nữ
Cũng đề cập đến Pháp, nhưng trái với đồng nghiệp Courrier International hay L’Express, tuần báo L’Obs đã giành trang bìa cho một vấn đề nhẹ nhàng hơn : Quyền nghỉ « hộ sản » của những người đàn ông khi vợ sinh con. Quan điểm của tờ báo đã được nêu bật trong hàng tựa lớn ở trang bìa « Quyền nghỉ hộ sản của người làm cha : Chìa khóa cho quyền bình đẳng nam nữ ».
Tạp chí L’Obs đã nhắc lại rằng chính phủ Pháp vừa cho mở ra cuộc tranh luận về việc nên hay không nên biến việc cho đàn ông nghỉ phép để chăm sóc con nhỏ khi vợ vừa mới sinh thành một chế độ bắt buộc ? Nên hay không nên kéo dài thời gian được nghỉ phép trong trường hợp đó ? 
Đối với L’Obs, nếu người cha có điều kiện chăm sóc đứa bé tương tự như người mẹ, cách nhìn nhận sự việc sẽ thay đổi, và phụ nữ sẽ có thể được hưởng một quyền bình đẳng nam nữ thực sự trong công việc.
Hồ sơ dài 10 trang của L’Obs rất lý thú, và cho ta biết nhiều điều về các nước đi tiên phong trong việc cho đàn ông nghỉ hộ sản như là Iceland hay Thụy Điển. Tại Iceland, quốc gia đầu tiên áp dụng chế độ cho người cha nghỉ hộ sản khi vợ sinh, thì thời gian nghỉ là 9 tháng cho cả hai vợ chồng, được phân bố như sau : ba tháng đầu tiên cho người vợ, ba tháng cho người cha, và ba tháng cho cả hai người, phân chia tùy theo sắp xếp của chính họ. Con số này cao hơn rất nhiều so với vỏn vẹn 14 ngày tại Pháp. 
Bạo lực trong trường học tại Pháp
Trong hồ sơ trang bìa, L’Express chú ý đến các thành phố khác của Pháp, những nhấn mạnh đến góc độ xã hội : tình trạng bất an do bạo lực trong trường học, với một ví dụ được nêu bật trong hàng tựa : « Một trường trung học trong tình trạng chiến tranh ».
Đó là trường hợp của trường trung học chuyên nghiệp Gallieni ở thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp với lời kêu cứu của các giáo viên : « Nhà Nước Cộng Hòa đang bỏ rơi chúng tôi ! ».
Theo L’Express, tại trường học này, các giáo viên tố cáo một tình trạng bạo lực chưa từng thấy đang đe dọa từ học sinh đến giáo viên và nhân viên, và dĩ nhiên là tác hại đến giáo dục. 
Tuần báo Pháp đã đọc được một bản phúc trình chính thức trong đó có những số liệu thống kê cho thấy rõ tình trạng bất an của trường này : từ 60 đến 80 học sinh đang phải chịu chế độ giám sát tư pháp ; một số có vũ khí trên người ; 95% người được hỏi (học sinh và nhân viên) đã xác nhận mình là nạn nhân của bạo lực ... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.