Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

“Chúng tôi vẫn ở đây”

“Chúng tôi vẫn ở đây”

6-2-2018
Dân oan Dương Nội. Ảnh: FB Chuyện của Thịnh
Thông báo là tôi vừa mới hoàn thành xong bộ ảnh về làng Dương Nội. Tuy nó chưa đầy đủ và nắm bắt được hết tinh thần của người dân nơi đây, tinh thần quật cường, bảo vệ công lý của họ. Nhưng tôi nghĩ rằng, chụp cũng đã lâu, đã đến lúc cần phải dừng lại. Kể ra, mất toi mấy tháng, cũng mất khối tiền, nhưng không có tiếc, công việc xã hội của một cậu nghệ sĩ không chuyên, mất tiền là đúng.
Đầu tiên là chẳng hiểu vì sao lại thích Dương Nội, có lẽ vì quen thằng Trịnh Bá Phương trước. Nhà nó có hai anh em, thằng em đẹp giai tên Bá Tư. Bố mẹ nó đi tù. Lúc bố mẹ nó bị bắt, Phương thay mặt gia đình để làm trưởng nhóm giữ đất. Phương kém mình 4 tuổi, nó bán cua, nhưng là thằng bán cua nôỉ tiếng ở trên thế giới, vì có hơn 40.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội. (hình như sau mấy lần bị report cướp nick, số theo dõi sụt giảm bây giờ hình như còn 29.000 follower). Mình nể phục nó vì thấy nó bảo vệ đất của làng, cách nó chiến đấu với điều bất công, cách nó mang điều luật ra “chém” với công an, đôi lúc hơn cả luật sư… Về làng nó chơi, thì nhận ra, rất nhiều người trong làng giống nó, cũng chẳng sợ cường quyền, cũng mang điều này khoản nọ trong sách luật ra để bảo vệ đất đai và quyền của mình. Trong làng khối người bị đi tù, thế mà chẳng hề hấn, vẫn chiến, vẫn hừng hực khí thế. Làng thằng Phương cổ vũ rất nhiều cho bà con các làng khác… Hình như thế nên thích Dương Nội.
Câu chuyện nỗi oan của làng, nếu mình không đặt hoàn cảnh vào thì chẳng thể hiểu hết. Chuyện là. Nếu tự nhiên một ngày, không rõ ngày tháng, có một nhóm người đến mua đất nhà mình — đất làm ăn, cấy trồng, hương hoả bao đời, từ đời ông cha cố tổ, có giấy lưu truyền… Họ phát loa, họp hành nói trả tiền to, tận hai trăm lẻ tám nghìn đồng một mét. Hộ nào ước có vài sào đất thì cũng được cả trăm triệu. Ừ thì to, đương nhiên sẽ có nhiều hộ đồng ý giao đất lấy tiền, nhưng cũng sẽ đầy hộ tiếc đất không bán, bảo là giá quá rẻ, là nông dân đang cấy cầy sinh lời, giờ bán đất, lấy đâu món gì làm ăn, quyền của mình mà.. Nhóm người muốn mua đất thấy vậy gọi côn đồ đến phá quấy, gọi chính quyền địa phương đến, chính quyền địa phường mời chính quyền to đến, chính quyền to điều công an, quân đội, nói chung là lực lượng vũ trang đến… doạ dẫm cưỡng chế, oánh cả trai lẫn gái cả bà già. (trên mạng đầy) đánh tung cả mồ mả, lộ cả xương trắng hêú. Ai mà cứng đầu thì bắt đi tù… làng Dương Nội có 7 người cứng đầu, đi tù hết. Bà Thêu mẹ thằng Phương ra tù rồi nhưng vẫn cứng đầu đấu tranh lại bị bắt phát nữa (mấy hôm nữa thì ra lần hai)… Số đất mua với giá hơn 200 nghìn một mét, nhóm người đó bán liền tay 35 triệu một mét, chỗ nào chưa bán họ phân lô xây những khu biệt thự liền kề, khu vui chơi giải trí cấp cao, bán giá còn đắt hơn, họ thuê bảo vệ canh gác ở khắp nơi. Cả làng Dương Nội oằn mình thành cái công trường suốt ngày cành cạch, tang thương. Đấy đặt vào hoàn cảnh này dễ điên mất.
Ngày qua ngày, những người dân cầm cuốc đấu tranh nhìn từng toà nhà lạ, to chàng ảng mọc lên trên mảnh đất làng mình. Tiếng búa máy, máy xúc, xe ben chạy tới chạy lui, bụi mù trời… Khối người ám ảnh, khối người căng thẳng quá hoá trầm cảm, hơi tí xúc động, dễ khóc tu tu, dễ tổn thương, dễ bức xúc không làm chủ được bản thân. Ruộng chẳng có để làm, chẳng biết chuyển đổi nghề kiếm tiền, sáng ngồi xem ti vi, chiều đứng xem ti vi, tối nằm xem ti vi, nghĩ thì lắm, rồi chẳng may ngộ ra về xã hội lại càng bức xúc, thấy bị lừa từ lâu rồi chứ chẳng phải đời này, càng cay. Bất công, quyết đòi công lý bằng hướng bất bạo động, gửi đơn kiện cho nó chính quy, đoàn người cứ đi bộ từ Hà Đông lên Hà Nội, cầm băng rôn, mặc áo tang, bêu nắng bêu mưa như ăn mày mấy năm trời, khổ ơi là khổ. Đang có đất làm ăn thành ra người trắng tay, đi xin tiền trợ giúp. Chẳng ma nào tin, rồi người ta đồn là phản động phá hoại nhà nước. Dễ bị bắt đi tù như chơi. Cái nhóm người đó cứ bơ va bơ vơ, cứ đi nhưng cũng chẳng biết phương nào mà đi.
Nhóm bơ vơ đó còn khoảng 200 hộ, gần chục năm vẫn quyết không nhận tiền đền bù, dù đón nhận bao nhiêu giày xéo, đớn đau, cô lập, chia rẽ. Nhưng họ vẫn ở đây…
Bộ ảnh này là hành trình chiếm lại vùng đất của họ, không hẳn chính xác địa điểm theo từng cá nhân, nhưng là vùng họ đã đi lại bao đời và coi như miền chôn rau cắt rốn. La Dương, La Khê, La Phù, Độc Lập… Ừ, họ vẫn ở đây, “Chúng tôi vẫn ở đây”. Hàng trăm ngôi biệt thự xây xong không ai mua, cứ nằm đó lùi lũi rêu phong. Có biết rằng, dưới móng nhà là biết bao sự sống đã được sinh sôi, có thể được sinh sôi. Trong miền kí ức, ở đó vẫn vang lên tiếng cười khúc khích các cô thôn nữ, tiêngs cười hào sảng chào nhau làm đồng, cổng làng gốc Duối vẫn nghe tiếng ông già kéo thuốc nhả khói trắng trời..
Khi bắt đầu nghĩ chụp bộ ảnh này, tôi thấy mình đứng ở “kèo trên”. Tôi không có nỗi đau của Dương Nội, tôi chỉ cố thấu cảm để giúp Dương Nội, để mọi người biết đến nhiều hơn về cái dằn vặt của người dân trong làng. Kèo trên tuy không làm tôi mất đi sự chân thành, nhưng khi chụp xong, tôi cắt suy nghĩ rất nhanh, mục đích giúp đã xong. Tôi quay về với những dự định mới, loay hoay với những thử nghiệm mới. Tôi thấy được an ủi về mặt đạo đức, trách nhiệm phần tôi giờ đây chỉ còn là đưa được những hình ảnh chụp được cho nhiều người biết tới. Tôi không còn hay vào Dương Nội nữa.
25 tháng 12- 2017 Noel. Thấy nhớ lũ bạn cũ, vào Hà Đông chơi, uống rượu đánh đàn hát thổi tung quán ông anh tên Hiệp… vui, cười, say… Lúc chia tay về nhà, không hiểu sao lại đi Dương Nội. Đi 10 phút tới nơi. Dừng ở đường Lê Trọng Tấn, bên trái là nghĩa trang La Dương, bên phải là cổng làng. Dựng xe, đứng và cười tủm tỉm. Bao nhiêu kỉ niệm ùa về.
Cái làng này nhân vật nào cũng có tính cách kì lạ và buồn cười. Nếu không phải đi vào vòng xoáy của người dân mất đất, thì tiếng cười chẳng bao giờ tắt ở trên môi. Quá nửa đêm rồi, không biết anh Hà chồng chị Hạnh đồng nát đang ngủ thế nào, nhà ông ấy to, 2 tầng, không sơn, màu xi măng vẽ phấn chằng chịt. Ông ấy đang ngáy như kéo bễ, mặt hình sự ra vẻ ghê gớm lắm nhưng hiền khô. Hai vợ chồng đèo nhau trên con xe Cub 90 thổ tả, có hai cái khung sắt treo hai bên, chở được mọi thứ, cái xe khốn nạn bị hỏng nan hoa, lúc nào đi cũng xiên xẹo như thủng lốp. Thằng Huân dở ngọng líu lô là con út thì đang chảy nước dãi ướt hết gối, cái gối không có vỏ, nó ngủ mắt gà, thi thoảng mớ giật đùng đùng nói lảm nhảm. Đối diện ngõ vợ chồng ông Hà, qua một cái chợ là nhà ông Miên, ông ấy thì không ở nhà rồi, đi Hải Phòng trông công trường cho thằng hai, vợ ông bán trứng gà trong chợ. Nhà ngay sát chỗ mất đất, qua có con kênh đen sì rộng 2 mét và bức tường khoét thủng. Nghe tiếng xe, xúc xe tải chạy cả đêm trong đất nhà mình, ông Miên dễ cẳng thẳng nên thuờng xuyên về Hải Phòng. Đi sâu thêm vào làng là nhà Bà Hào, nhà chị Phượng, chị có bốn cô con gái xinh đáo để… Nhà ông Sự làng dưới, đang gác vợ ngủ và cười toe toét, cổng nhà ông ấy có cây Doi, ở đó có con chó cái đen rất gớm ghiếc, mồm thì hay sủa đe doạ nhưng mắt thì lấm lét nhìn. Cái Nhung dở, thì không biết có mơ đang mặc váy hồng ngắm những vì sao màu xanh lá sáng lung linh hay không. Nhung mách “ Em yêu màu xanh của cánh đồng, nên nhìn cái gì em cũng thấy màu xanh lá, kể cả những vì sao”. Lãng mạn là thế, nhưng chẳng ai như nó, để bắt đội thi công không cướp đất làng, nó đứng luôn lên gầu máy xúc đang hoạt động. Muốn xúc đất làng nó bước qua xác nó. Ghê ra phết!
Đứng đó vẩn vơ tưởng tượng, cười hi hi, đã đi nhiều ngóc ngách trong làng, đến những buổi họp xem người dân học cách đoàn kết, rồi thì làm bộ ảnh, có lúc bê cả đống đạo cụ như thằng dở hơi, lắp ghép lắp ghép… ( Xem ảnh sẽ thấy đạo cụ).
Tự nhiên cảm giác lạ, thấy Dương Nội như nhà, như quê bố ở Vân Đình, như quê mẹ ở Trung Hà, như nơi sinh ra ở Láng, như nơi chôn rau cắt rốn. Tự nhiên thấy Dương Nội cho mình nhiều hơn, tự nhiên thấy đứng kèo dưới, thấy muốn được bấu víu, thèm được thân thương.
Mấy hôm nay chính quyền lại mang người vào phá Nghĩa Trang cướp đất, làm vỡ cả tiểu, gây bức xúc. Thằng Bá Phương, vợ nó chửa sắp vỡ chum, nhưng vẫn đến Livestream đều, nó vốn đâu có sợ, người làng cũng thế, sợ cái dái khô.
Và cuộc chiến ở đây vẫn chưa bao giờ dừng, vẫn giằng co. Bên thế yếu là dân, bên thế mạnh thì là quan. Ai chẳng biết. Nhưng “Chúng Tôi vẫn ở đây” chúng tôi không đi đâu cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.