Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Những mối đe dọa của Đồng bằng sông Cửu Long (Bài 2)

Những mối đe dọa của Đồng bằng sông Cửu Long (Bài 2):

bauxitevnWed 8:41 AM


Việt Nam vô cùng lo lắng vì Trung Hoa và Lào xây đập sông Mekong
(Vietnam sweats bullets as China and Laos dam the Mekong) 
David Brown
Bình Yên Đông lược dịch
clip_image001
Đây là bài thứ hai trong loạt bài của David Brown, một viên chức ngoại giao làm việc tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ Sài Gòn trước năm 1975, phân tích về những mối đe dọa mà Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam đang đối mặt.  Những mối đe dọa này – dù có thể đã thấy hiển hiện trước mắt (những dự án phát triển thủy điện và thủy nông ở thượng nguồn sông Mekong) hay chỉ mới là những suy đoán còn khá “lờ mờ” cho nhiều thập niên trong tương lai (ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, sự sụt giảm nghiêm trọng của nguồn nước, nguồn lợi thủy sản, cây trồng, mực nước biển dâng…), hoặc nữa xuất phát từ chính những hạn chế chủ quan (chính sách phát triển sai lầm và thiển cận của chế độ CS kể từ sau chiến thắng 1975) – thì đều là có thật và rất cần có những giải pháp cấp thời và hữu hiệu để cứu vãn “vựa lúa của cả nước”.  
Tuy là một nhà ngoại giao, những ý kiến của tác giả khá trung thực và chính xác về mặt khoa học, rất đáng để những người có trách nhiệm hiện nay – trong phạm vi vùng miền nhất là phạm vi quốc gia – suy ngẫm thật nghiêm túc, nhằm xây dựng sớm một chiến lược quy mô và sát thực để kịp thời đối phó với những nguy cơ trước mắt cũng như lâu dài mà giới khoa học và cư dân bản địa đều hiểu là hiểm họa khôn lườngcho một vùng đất quan trọng của Việt Nam. 
Bài dịch do bạn Bình Yên Đông, thành viên BVN thực hiện. 
Bauxite Việt Nam
Vài nét chấm phá
Lào mong muốn trở thành “bình điện của Châu Á”, những nhà xây đập Trung Hoa cũng có ý định như thế. Liệu Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (ĐBSCL) sẽ trụ được trông cuộc đấu tranh sống còn?
  • Sông Mekong là mạch sống của Đông Nam Á. Nó chảy qua 6 quốc gia và ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 60 triệu người.
  • Trung Hoa và Lào đang xây đập ngang sông ở nhiều nơi. Và Thái Lan đang có kế hoạch chuyển nước với quy mô lớn có thể ảnh hưởng thêm đến dòng chảy của sông.
  • Vẫn chưa rõ các đập ở Lào có thể được tài trợ hay không. Liệu Bắc Kinh có nhảy vào? 
Đây là bài thứ hai trong một loạt 4 bài chi tiết tìm hiểu những mối đe dọa đối với ĐBSCL và nêu một số gợi ý về làm thế nào để đối phó.
clip_image003Hình trái: Sông Mekong và lưu vực. Hình phải: Hạ lưu sông Mekong. Ảnh: Wikipedia and Penprapa Wut/Wikimedia Commons. 
Không có ảnh hưởng đến tương lai của ĐBSCL nào tạo nên nhiều lo lắng nghiêm trọng hơn là những dự án thủy điện trên dòng chánh Mekong, thượng nguồn của châu thổ. Một số chuyên viên Việt Nam đã cảnh báo từ nhiều năm nay. Điều đó chưa được chánh quyền Hà Nội diễn dịch sang lãnh vực ngoại giao có hiệu quả, và có thể kết luận – có lẽ đúng – rằng sự chống đối là vô ích. 
Bảy đập đang được vận hành trên sông Lan Thương (sông Mekong trong lãnh thổ Trung Hoa) trong các hẻm núi dốc của tỉnh Vân Nam. Những đập khác sắp được hoàn thành ở thượng Lào, và việc xây cất sẽ bắt đầu cho một đập khác ở Don Sahong ngay phía bắc biên giới Lào-Cambodia, và 9 đập khác được dự trù – 7 ở Lào và 2 ở Cambodia. 
Hãy tưởng tượng một tương lai mà nông dân ĐBSCL không còn dựa vào lũ hàng năm để đẩy mặn và nhận phân bón mới qua phù sa cuốn theo dòng nước từ núi non xa thẳm ở phía bắc. Tương lai đó đã đến. Nó được thể hiện bằng đỉnh lũ hàng năm thấp và muộn và một sự sụt giảm rõ rệt, có lẽ gần ½, lượng phù sa của sông. Khi những con đập nầy được xây trên thượng nguồn, ảnh hưởng của chúng đối với nông nghiệp ở hạ lưu và ngư trường sẽ tàn phá lũy tiến. Không một chút nghi ngờ về chuyện này. 
Thử xem xét, chẳng hạn, ảnh hưởng của chuỗi đập đối với Biển Hồ, một hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Hiện tượng ngập lụt theo mùa của nó là một kỳ quan thủy học. Hồ nằm trong một vùng trũng bao la ở miền trung Cambodia. Nó nối với sông chánh Mekong bằng sông Sap dài 120 km. Trong mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 6, sông Sap tháo nước ra khỏi hồ. Rồi, khi mưa mùa đến và sông Mekong dâng lên, sông Sap chảy ngược lại, và 20% nước lũ sông Mekong chảy vào Biển Hồ. Diện tích hồ mở rộng từ 2.700 km2 lên 16.000 km2 và dung tích của nó tăng 80 lần. 
Bằng cách này, Biển Hồ đã điều hòa nguồn nước của ĐBSCL đủ lâu cho người dân canh tác ở đó (và chắc cho những thời đại trước đó), làm giảm và kéo dài đợt lũ. Nhưng khi đập được xây trên các nhánh trung lưu sông Mekong, Biển Hồ có thể sẽ không được làm đầy như trước trong mùa mưa hay không tháo nước đúng cách trong mùa khô. Nếu, và khi, điều đó xảy ra, nhịp điệu thủy học của ĐBSCL sẽ chấm dứt, và cùng với nó, là những nền móng kiến tạo cao độ của nền nông nghiệp. 
clip_image005
Một con thuyền ở ĐBSCL. Photo by Mariusz Kluzniak/Flickr. 
Nhân tai đang bộc lộ chậm rãi
Mặc dù Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam cam kết trong năm 1995 để “hợp tác trong việc duy trì dòng chảy trên sông chánh… và cho phép một lưu lượng chảy ngược tự nhiên vào Biển Hồ có thể chấp nhận được trong mùa mưa”, trên thực tế chánh trị quốc tế, Lào có tay roi: Thái mâu thuẫn; và các quốc gia hạ lưu, Việt Nam và Cambodia chỉ có thể phản đối chiếu lệ. 
Vấn đề trở nên nghiêm trọng trong năm 2011. Vào lúc đó, trong các phiên họp của Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), các bộ trưởng và nhân viên ngoại giao cao cấp từ các quốc gia duyên hà cứu xét việc khởi công xây cất đập và nhà máy thủy điện có công suất 1.250 MW ở Xayaburi, một thị trấn ở bắc Lào. Được Cambodia ủng hộ, Việt Nam lập luận rằng việc xây cất phải được hoãn lại 10 năm để nghiên cứu ảnh hưởng của nó ở hạ lưu. Đại diện của Thái Lan tỏ ra lúng túng một cách khó chịu. Mặc dù biết rõ sự phản đối của những nhà hoạt động môi trường và các nhóm nông dân trong các tỉnh vùng đông bắc, các viên chức Thái cũng được vận động hành lang bởi Công ty Thái phụ trách dự án Xayaburi và khách hàng tương lai, Công ty điện lực quốc gia Thái. Các viên chức Lào lắng nghe, phản đối và cuối cùng tuyên bố rằng, hủy bỏ nghĩa vụ của Lào đối với tiến trình tham vấn trước của MRC, họ bật đèn xanh cho dự án. 
Như thế Lào đã chứng tỏ mình không bị tác động bởi áp lực của Tây Phương, từ chánh quyền cho đến ngân hàng đa phương hay truyền thông quốc tế. Đằng sau các đại diện của chế độ Lào, rất dễ để thấy rõ cái bóng to lớn và vụng về của những ông chủ Trung Hoa của họ. Phần còn lại của thế giới đã quay lưng với những dự án đập khổng lồ, nhưng những nhà xây cất đập ở Trung Hoa là một thành phần kinh khủng của tổ hợp kỹ nghệ quốc doanh nhà nước. Việc truy lùng kinh doanh mới của họ ở trung lưu sông Mekong ăn khớp một cách tinh vi với mục tiêu theo đuổi sự thống trị ảnh hưởng ở Đông Nam Á của Chánh phủ. Lãnh đạo Lào bị quyến rũ bởi ý tưởng rằng quốc gia nghèo và không có bờ biển có thể trở thành “bình điện của Đông Nam Á”, và sử dụng lợi tức từ việc bán điện để phát triển kinh tế. Những nỗ lực vận động hành lang không ngại tốn kém của các công ty Trung Hoa khiến cho các viên chức Lào không nhìn thấy những ảnh hưởng tiêu cực đối với cộng đồng nông thôn và môi trường, ngay cả ở Lào. 
clip_image007
Trang bìa cùa tờ National Geographic số tháng 5/2015. Ảnh: ManhHai/Flickr. 
clip_image009
Một trang của National Geographic cho thấy đập Miaowei (Miêu Vĩ 苗 尾) đang được xây cất ở Trung Hoa năm 2012. Ảnh: ManhHai/Flickr. 
Độc giả Tây Phương theo dõi vấn đề đập trên sông Mekong chỉ hiểu rằng đó là chuyện bảo tồn nền ngư nghiệp nước ngọt phong phú nhất thế giới. Điều đó không ngạc nhiên; truyền thông Tây Phương dựa vào tin tức của các tổ chức phi chánh phủ (NGOs) Tây Phương, chú trọng về cá, đặt trụ sở ở Cambodia. Thật vậy, ảnh hưởng của việc xây cất đập đối với di ngư là mối quan tâm lớn. Người dân Cambodia dùng số cá thu hoạch hàng năm cho 80% nhu cầu chất đạm của họ. Các nhà nghiên cứu đồng ý rằng có ít nhất ½ số thu hoạch đó đang gặp nguy cơ. Trong khi đó, liên can của đập Xayaburi với nông nghiệp của ĐBSCL ít được chú ý ở bên ngoài và quá trễ ở bên trong Việt Nam. Hà Nội đã quá tin tưởng vào cơ chế tham vấn của MRC và sự cam kết nhân từ của các chánh phủ Tây Phương. Phản ánh không khí về phiên họp MRC, một phóng viên Việt Nam viết trong năm 2012 rằng “vấn đề Xayaburi đã đến đường cùng… Nay Việt Nam cần gấp một kế hoạch hành động để đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra”. 
Tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh
Hiện nay, không có một tiến trình chính trị nào cho thấy hy vọng, nhưng kinh tế có thể ngăn chặn trường hợp xấu nhất cho các quốc gia hạ lưu. Đặc biệt, chuỗi đập ở trung lưu Mekong nay dường như khó được tài trợ hơn lúc trước. Viện dẫn chi phí xã hội và môi trường, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á Châu quyết định trong năm 2014 rằng họ sẽ không tài trợ lâu dài những đập lớn trên sông Mekong và các nơi khác. Mới đây, các ngân hàng thương mại trong vùng, cân nhắc nhu cầu bấp bênh của điện cơ bản trong nhiều năm tới và các vấn đề chánh trị liên quan đến việc xây cất các đập khổng lồ, cũng cho thấy sự lưỡng lự trong việc tài trợ. 
clip_image011Đập Nuozhadu (Noa Trát Độ 糯扎渡) to tướng trong tỉnh Vân Nam, Trung Hoa. Đập được Nhóm China Huaneng, một công ty quốc doanh, xây cất. Ảnh: International Rivers/Flickr. 
Các phân tích chính trị công cộng ở Trung tâm Stimson, một tổ chức quân sư đặt trụ sở ở Washington, kết luận sau khi nói chuyện với các ngân hàng và công ty xât cất Trung Hoa vào giữa năm 2015 rằng họ cũng càng ngày càng xem chừng những nguy cơ, và nghiêng về phía chống lại áp lực của Chánh phủ Trung Hoa trong việc tài trợ xây cất đập trên sông Mekong. Cuối cùng, Chánh phủ Lào không thể bảo đảm đầu tư mà họ kỳ vọng biến nước Lào thành “bình điện của Đông Nam Á”. 
Sẽ có nhiều đập được xây hay không tùy thuộc vào việc Bắc Kinh có sẵn sàng hay không, trực tiếp hoặc gián tiếp qua Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu (Asian Infrastructure Investment Bank (AIIB)) vừa mới thành lập, để tránh lỗ lã cho các công ty quốc doanh. Không có bằng chứng nào cho thấy Trung Hoa sẵn sàng bỏ cuộc. Họ có khả năng đáng kể trong việc xây đập và có thể tạo thế áp đảo ở Lào để để bóp chẹt Việt Nam trong khi lôi kéo các quốc gia Đông Nam Á khác vào trong quỹ đạo kinh tế và chánh trị của một siêu cường đang lên. 
Các dự án chuyển nước
Trong khi đó, như một đám mây ở chân trời, là siêu dự án Kong-Loei-Chi-Mun, một đề nghị của Nha Thủy nông Hoàng gia Thái (Thai Royal Irrigation Department (RID)) để chuyển một phần lưu lượng sông Mekong. Nước sẽ được bơm từ hợp lưu với sông Loei, một phụ lưu nhỏ trên đất Thái khoảng 125 km về phía thượng lưu thủ đô Vientiane của Lào. Số nước được chuyển sẽ vượt qua một rặng núi nhỏ để vào thượng nguồn của hệ thống sông Chi-Mun của Thái Lan. Báo chí loan tin là dự án có thể tốn $75 tỉ, và mất khoảng 16 năm để hoàn tất, và dẫn tưới 5 triệu ha. Nó trùng hợp với một diện tích rộng bằng vùng hạ châu thổ, bao gồm một phần Cambodia, và do đó có lẽ đáng chi phí xây cất. 
Kế hoạch chuyển nước của RID xuất hiện cách đây vài năm và rồi được thu hồi, không biết để sửa đổi thêm hay vì Bangkok bị các phản ứng tiêu cực của các quốc gia láng giềng đe dọa. Tuy nhiên, nó không biến mất. Mùa xuân năm nay, hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở đông bắc Thái cũng như ở hạ lưu Mekong. Khi mọi việc trở nên tồi tệ trong tháng 3, các hãng thông tấn ấp úng với các bản tin rằng Chánh phù Thái đã cho phép chuyển 47 triệu m3nước từ sông Mekong. Đó chỉ là một giọt trong chậu nước, hay nói khác hơn, tương đương với 18.000 hồ bơi Thế vận, vừa đủ để thử nghiệm cái khái niệm bơm nước qua núi và cơ hội của Bangkok trong việc đối phó với Hà Nội, Nam Vang và có thể cả Lào. 
Một viên chức của RID xoa dịu vấn đề, nói rằng việc chuyển nước sẽ “không có ảnh hưởng đáng kể” ở hạ lưu và, “dù sao đi nữa, việc chuyển nước quy mô lớn ít nhất cũng mất 2 năm nữa”. Nếu được thực hiện trọn vẹn, siêu dự án sẽ chuyển hàng năm 4 tỉ m3 nước vào các tỉnh khô cằn ở đông bắc Thái Lan. Bốn tỉ m3là 4 km3, 1% lưu lượng trung bình của sông Mekong chảy vào châu thổ. 
Thái cam kết sẽ tham vấn. Họ hoàn toàn sai nếu nghĩ rằng Việt Nam sẽ không làm ồn ào. 
Tiếp theo sau trận hạn hán không tiền khoáng hậu đã tàn phá vụ mùa đông xuân, nông dân ĐBSCL có khuynh hướng đổ trách nhiệm cho việc chuyển nước và các đập ở thượng nguồn, thay vì thay đổi khí hậu, trong việc vật lộn với sự xâm nhập của nước mặn chưa từng thấy trong lịch sử. Họ biết rất rõ rằng nhịp điệu thông thường đã bị xáo trộn. Đây là thời điểm căng thẳng ở ĐBSCL. 
Sơ lược về tác giả
clip_image013
David Brown là viên chức ngoại giao từng làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975. Sau đó, ông là nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ ở một loạt nước Đông Nam Á khác. Ông rời nhiệm sở năm 1997 và nay được đánh giá là một chuyên gia về Đông Á cũng như những vấn đề năng lượng quốc tế. David Brown từng trở lại Việt Nam triển khai các dự án giáo dục, bảo tồn môi trường trong nửa cuối của thập niên trước và hiện vẫn đi lại thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều bài viết phân tích về tình hình biển Đông và về vấn đề thời sự ở Việt Nam trên các báo Asia TimesAsia SentinelEast Asia ForumChina Economic QuarterlyAsianomicsForeign Affairs và Yale Global
B.Y.Đ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.