Tôi đọc một số báo cáo của chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc, thấy họ quan ngại về việc các thẩm phán Việt Nam khi xét xử đã không tham chiếu đến các quy định của các Công ước mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Thực tế theo dõi các phiên toà, tôi thấy không chỉ thẩm phán, mà các luật sư biện bộ cũng không viện dẫn các quy định của Công ước để căn cứ vào đó đưa ra lập luận, quan điểm bảo vệ cho thân chủ của mình, đặc biệt là các vụ án mà bị cáo chỉ đang thực hiện quyền con người chính đáng được thừa nhận của họ.
Tôi nghĩ trong tương lai các luật sư cần phải thay đổi vấn đề này trong cách bào chữa. Đặc biệt các vụ án có từ 2 luật sư trở lên cùng tham gia bào chữa, cần có một luật sư chuyên phụ trách mảng luật quốc tế để bảo vệ thân chủ theo hướng sử dụng luật nhân quyền quốc tế trong tranh tụng.
Điều này là hoàn toàn phù hợp và có cơ sở khi Luật ký kết điều ước quốc tế của Việt Nam quy định, trong trường hợp quy định giữa luật Việt Nam và luật quốc tế khác nhau, thì sẽ áp dụng luật quốc tế.
Ví dụ khi những người thực hiện quyền biểu tình, lập hội, quyền tự do biểu đạt bị cáo buộc phạm vào các tội danh an ninh quốc gia như gây rối trật tự công cộng, tuyên truyền chống nhà nước, hay âm mưu luật đổ chế độ... thì các luật sư cần viện dẫn đến các điều khoản từ Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị quy định về vấn đề này mà Việt Nam đã phê chuẩn từ năm 1982 để bảo vệ cho thân chủ.
Đôi khi quy định của Công ước cũng rất chung chung gây ra cách hiểu khác nhau. Chính vì thế các Ủy ban giám sát Công ước đã đưa ra các Bình Luận Chung giải thích rất rõ ràng và cụ thể cho từng quy định của Công ước. Ví dụ như Ủy ban giải thích rất rõ hành vi như thế nào được xem đang đe dọa cho an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, giới hạn của việc thực hiện các quyền này là đến đâu v.v.. và tất cả mọi vấn đề gây tranh cãi đều được giải thích rất cụ thể và rõ ràng. Nó cũng tương tự như một dạng Thông tư hướng dẫn luật của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo luật quốc tế các Bình Luận Chung này không được xem là một văn bản quy phạm pháp luật, mà nó mang giá trị pháp lý là một nguồn tham chiếu khi xét xử.
Giới luật sư cần vận dụng tối đa các nguồn này để viện dẫn khi bào chữa và khi đối đáp với công tố, vì tất cả các vấn đề quy định tội danh xâm phạm đến an ninh quốc gia của Việt Nam đều không phù hợp và trái ngược với các quy định của Công ước qua các giải thích trong Bình Luận Chung này.
Việc thẩm phán có lắng nghe và chấp nhận hay không hãy tính sau, trước mắt khi luật sư đưa vấn đề này vào bài bào chữa và tranh tụng, buộc thẩm phán và công tố phải tìm hiểu và nghiên cứu nó. Và từ đó họ có thể sẽ thay đổi quan điểm và cách nhìn một cách tích cực hơn theo thời gian.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.