Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Sự thật đau lòng phía sau những món quà Giáng sinh lộng lẫy

Sự thật đau lòng phía sau những món quà Giáng sinh lộng lẫy

bauxitevnSat 12:21 PM


Linh Anh
Theo Trí thức trẻ/Tổng hợp 
Công xưởng thực sự của Ông già Noel không nằm ở Bắc Cực mà tại một thành phố nhỏ của Trung Quốc, nơi những lao động nhập cư nghèo sản xuất tới 60% lượng vật phẩm trang trí phục vụ lễ Giáng sinh trên khắp thế giới.
clip_image002
Nơi ra đời của những món quà lộng lẫy
Nằm cách Bắc Cực hàng nghìn cây số, thành phố nhỏ Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc là nơi sản xuất 60% lượng vật phẩm trang trí Noel trên khắp thế giới. Với 600 nhà máy, hoạt động liên tục suốt cả năm, những hàng hóa người dân Nghĩa Ô làm ra chủ yếu được xuất khẩu.
Nghĩa Ô nằm cách Thượng Hải 300 km về phía Nam. Ở thành phố hơn 1 triệu dân này, người dân chưa một lần được nhìn thấy tuyết rơi. Thậm chí, những cây thông thật cũng là điều hiếm người bắt gặp. Dẫu vậy, thành phố được mệnh danh là “Ngôi làng Giáng sinh Trung Quốc”, nơi từ trẻ con tới người lớn tuổi đều bị kéo vào guồng quay tạo ra những món đồ trang trí lộng lẫy. 
clip_image004
Công nhân làm việc trong một xưởng sơn, nơi tạo ra khoảng 5.000 món đồ trang trí mỗi ngày.
Wei, 19 tuổi, là công nhân làm việc trong một xưởng chế tạo đồ trang trí Giáng sinh ở Nghĩa Ô. Ở đây, màu đỏ bao phủ từ mặt đất đến trần nhà, bám trên ngưỡng cửa sổ hay loang nổ khắp tường gạch. Quá trình sản xuất các vật phẩm với sắc đỏ là màu đặc trưng đã nhuộm màu cả nhà xưởng. 
Các nhà máy ở Nghĩa Ô sản xuất gần như tất cả những mặt hàng phục vụ cho Giáng sinh, từ những món đồ trang trí nhỏ nhất tới cây thông phủ tuyết, đèn nháy hay những bộ trang phục cho ông già Noel. Tuy nhiên, để đáp ứng được 60% nhu cầu của thế giới, các công nhân ở Nghĩa Ô – chủ yếu là lao động nhập cư – thường xuyên phải làm 12 tiếng/ngày với mức thu nhập khoảng 300 đến 400 USD/tháng. 
Tim Maughan, phóng viên BBC từng có chuyến tham quan tới Nghĩa Ô, mô tả ông bị thôi miên bởi các hoạt động sản xuất của thành phố. “Tôi nhìn một cô gái may những phần màu trắng vào chiếc mũ ông già Noel màu đỏ. Thật đáng kinh ngạc, những sản phẩm được tạo ra với tốc độ 2 chiếc/phút. Ngay khi hoàn thành, chúng được đẩy xuống đống mũ phía dưới để làm một chiếc khác”, Maughan chia sẻ. 
Phóng viên của BBCcũng để ngỏ câu hỏi về nguồn gốc các viên nhựa đóng trong bao tải có dòng chữ “Samsung” mà các công nhân ở đây nung chảy trước khi đổ vào khuôn để tạo ra những món đồ trang trí cho ngày lễ Giáng sinh. Không khí trong phòng đúc nhựa nóng tới mức mọi người đều cởi trần. 

Điều kiện làm việc tồi tệ của những công nhân “yêu tinh”

Theo truyền thuyết phương Tây, yêu tinh làm ra quà tặng và những món đồ trang trí cho Giáng sinh. Trên thực tế, họ là những lao động nhập cư nghèo, hoàn toàn không có bất cứ ý niệm nào về không khí Noel. 
clip_image006
Cây thông nhân tạo được hoàn thiện trong một nhà xưởng ở Nghĩa Ô. Ảnh: Reuters 
“Có lẽ Giáng sinh giống như cách người nước ngoài nhìn vào tết âm lịch”, Wei trả lời mơ hồ về ngày lễ mà anh đang đầu tắt mặt tối tạo ra những vật phẩm trang trí. Cả hai cha con Wei đều mưu sinh nhờ nghề này. Trung bình mỗi ngày Wei phải thay tới 10 chiếc khẩu trang, dụng cụ bảo hộ duy nhất giúp ngăn bột sơn lọt vào phổi. 
Wei và cha làm ra 5.000 vật phẩm trang trí mỗi ngày. Trong lúc làm việc, toàn thân hai người đều bị bột sơn phủ kín. Cha Wei đội trên đầu một chiếc mũ ông già Noel nhưng không phải đi dự lễ mà để ngăn bột sơn nhuộm đỏ màu tóc. Không chỉ mệt mỏi về thể chất, công việc họ đang làm cũng vô cùng độc hại tới sức khỏe. 
“Đây là công việc nặng nhọc. Chúng tôi sẽ không làm việc này trong năm tới. Khi chúng tôi kiếm được chút tiền đủ cho Wei trở về quê nhà Quý Châu và xây dựng gia đình, chúng tôi sẽ không còn phải nhìn thấy những thùng chứa đầy chất bột màu đỏ này nữa”, cha Wei nói về dự định tương lai tươi sáng hơn. 
Trong một xưởng chế tạo trang phục cho ông già Noel, không khí im lặng tới mức người ta chỉ có thể nghe thấy tiếng máy khâu hoạt động. Cách đó không xa, một nhóm công nhân đang đóng gói các sản phẩm trong những túi nilon trong suốt. Những bộ trang phục, đồ trang trí, dây kim tuyến… cũng ra đời theo cái cách gần tương tự như thế. 
clip_image008
Quá trình phun tuyết giả lên cây thông nhân tạo.Ảnh: Getty 
Tại Nghĩa Ô, cả người lớn tuổi và trẻ em cũng đều góp mặt trong các hoạt động sản xuất đồ trang trí Giáng sinh - lĩnh vực đóng vai trò chủ lực với nền kinh tế địa phương. Với lợi thế thành phố cảng, hàng hóa từ các nhà máy sẽ được đưa đến khu chợ trung tâm trước khi lên tàu vượt biển ra nước ngoài. Đích đến của chúng là châu Âu, châu Mỹ và các khu vực khác. Các hoạt động buôn bán sầm uất từ tháng 3 đến tháng 12 hàng năm. 
Yang Fuyu, chủ sở hữu một nhà xưởng ở Nghĩa Ô, cho biết: “Công nhân ở đây không biết những thứ họ tạo ra sẽ được dùng vào việc gì. Họ chỉ tập trung vào sản xuất bởi sản lượng gắn liền với thu nhập họ sẽ nhận được. Đây cũng là tình cảnh chung ở hầu hết các nhà máy trong thành phố”. 
L.A.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.