NGƯỜI HÀ NỘI ĐI ĐÂU?
Những năm gần đây, nhiều người nhận thấy phẩm chất đáng trân trọng và gìn giữ trong biểu tượng “người Hà Nội” từ nghìn xưa ngày càng thưa vắng. Người ta tiếc nuối cho nếp sống của mảnh đất “nghìn năm văn hiến” nói riêng và đất nước nói chung đã dần bị lãng quên, và ở nhiều nơi nó đã bị chìm khuất sau lối sống xô bồ, chụp giật, bon chen nặng tính thực dụng. Đó không chỉ là tình trạng chỉ diễn ra ở một nơi nào, đó là hiện tượng phổ biến ở nước ta từ hơn nửa thế kỷ nay.
Sau cách mạng tháng 8, toàn dân nô nức ủng hộ chính quyền mới vì hân hoan được thoát kiếp sống nô lệ. Nhiều gia đình tử tế và giàu có đã ủng hộ cách mạng không chỉ bằng tinh thần mà còn bằng cả gia sản của mình. Nhiều trí thức đã theo cách mạng, thậm chí có những người đang ở nước ngoài với cuộc sống thành đạt cũng trở về tham gia kháng chiến để bảo vệ đất nước với niềm tự hào là công dân một nước tự do. Nhưng thật đáng tiếc, cùng với những thành quả đạt được, cách mạng đã dần loại bỏ lối sống tử tế ra khỏi đời sống xã hội dẫn tới hiện trạng của ngày hôm nay.
Ban đầu là yêu cầu “quần chúng hóa sinh hoạt” cùng “cách mạng hóa tư tưởng” với những trí thức từ Hà Nội tham gia kháng chiến. Tư tưởng khó chứng minh đã được “cách mạng hóa” như thế nào, người ta đành phải thể hiện cái “quần chúng hóa sinh hoạt” để được đánh giá là đã thành thật cái tạo. đã đoạn tuyệt với quá khứ phong kiến thực dân. Những cử chỉ, thái độ hào hoa được thay bằng cách giao tiếp xô bồ, lời ăn tiếng nói, lối sống thanh lịch, tinh tế của những người có học thức bị phê phán là tiểu tư sản, là tàn dư của chế độ cũ được thay bằng lối bỗ bã, “nói ít hiểu nhiều” kiểu “dùi đục chấm mắm cáy”. Và để thích ứng với cuộc sống mới, họ phải “tự lột xác” để hòa mình với quần chúng công nông.
Ban đầu quần chúng công nông là những người nông dân thật thà chất phác mặc áo lính hoặc ở những vùng căn cứ địa cách mạng và kháng chiến mà các cơ quan đang được họ cưu mang sau khi rời khỏi Hà Nội. “Lột xác” để làm công tác dân vận, để được lòng dân. Từ đó hy vọng được người dân bao bọc, che chở, ủng hộ. Sau cải cách ruộng đất, quần chúng công nông không chỉ còn là những người dân bình thường, giúp đỡ khi cách mạng có khó khăn, họ nay đã là những cán bộ được tin cậy, dù trình độ hạn chế nhưng vẫn được đánh giá cao hơn những trí thức tiểu tư sản luôn bị nghi ngờ vì lập trường dễ dao động và tư tưởng tình cảm phức tạp. Các trí thức phải tiếp tục lột xác, thậm chí biến thành những con kỳ nhông đổi màu để phù hợp với lớp hoàn cảnh mới kể cả việc phải “nói một đàng làm một nẻo”, một biểu hiện của thói lưu manh (như cách hiểu của nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn). Những nhà lãnh đạo cách mạng lớp trước dù sao cũng ít nhiều ảnh hưởng nền giáo dục phong kiến, đối với họ, những phẩm chất của người tử tế vẫn được coi trọng (dù nhiều khi chỉ ở phần hình thức), nhưng tới lớp sau, những “nhà cách mạng” thoát thai từ những cuộc đấu tố địa chủ cường hào gian ác mà trong đó không ít người đã ngoi lên bằng đủ mọi thủ đoạn đê tiện không những dốt nát còn mang rất nhiều phẩm chất của những kẻ bất lương. Họ là đảng viên, họ là lãnh đạo nên lối sống của họ được đề cao và có sức mạnh lấn át những phẩm chất tốt đẹp của những người có giáo dục. Có không ít các cán bộ tuyên huấn cấp trung ương, sử dụng ngôn từ của “bố cu mẹ đĩ” văng tục văng rác trên diễn đàn mà vẫn được coi là có tác phong quần chúng thì lối ăn nói ấy được truyền bá rộng rãi chẳng có gì lạ. Có thể thấy những cuộc “tự lột xác” đầy trăn trở này qua những trang viết của Nam Cao, Tô Hoài, Xuân Diệu, Phạm Duy, …Có những trí thức đã đành phải “bỏ của chạy lấy người” giữ nhân cách, rồi mang tiếng “dinh tê”, “quay đầu”, “phản động”, còn phần lớn những người đành cam chịu với tâm trạng “thôi đành nhắm mắt đưa chân” tới những năm gần đất xa trời mới vội ân hận để quay về “đi tìm cái tôi đã mất” (Nguyễn Khải) nhưng đã quá muộn.
Sau 1954, nhiều gia đình có cốt cách tử tế rời Hà Nội vào Nam hoặc sang Pháp. Và đồng thời, nhiều cán bộ, bộ đội từ những vùng nông thôn về Hà Nội tiếp quản. Theo sau là vợ con, rồi anh em, họ hàng và lối sống tiểu nông làng xã vào thẳng Hà Nội mà không gặp một cản trở nào. Không ít gia đình giàu có hoặc có đôi chút can dự đến quan hệ với Pháp thời tạm chiếm ở lại Hà Nội vì yêu nước cũng phải có những biểu hiện thay đổi không dám giữ lối sống cũ để thích nghi với đời sống mới, tránh ác cảm của những người mới nắm giữ quyền hành. Lại thêm số cán bộ miền Nam tập kết, (những năm 1955 – 1960, bờ hồ Hoàn Kiếm là nơi tập hợp đông đảo các hội đồng hương của họ vào ngày chủ nhật) họ phần lớn cũng là những người thuộc “quần chúng công nông” nên cũng có sức mạnh vô địch. Họ là những người được tin cậy, lại thêm được ưu tiên (vì sự nghiệp cách mạng mà phải xa gia đình, quê hương), nhiều người nắm những cương vị quan trọng trong guồng máy tổ chức, nghĩa là họ có quyền sinh quyền sát. Ngoài việc “dè bỉu” chê bai sau lưng, những người tử tế khi ấy cũng chưa hiếm, ai dám phê phán lối sống của họ, những người đang ở thế thượng phong? Ngược lại, lối sống ấy còn được “quảng bá” vì rõ ràng, đó là cách sống của những người đang thành đạt, đang có vị trí “cầm cân nẩy mực”.
Những căn biệt thự được thiết kế và xây dựng công phu nay vắng chủ (do chủ nhà đã bỏ đi Nam) được chia năm xẻ bảy cho các cá nhân và gia đình cán bộ cùng với con em họ từ mọi vùng quê tới. Những nhà còn chủ nhưng bị quy là tư sản thì gia đình chủ nhà bị lùa vào một căn phòng vài ba chục mét vuông, diện tích còn lại cũng được chia cho đủ mọi hạng người. Thế là một ngôi nhà mang vẻ đẹp hiện đại của kiến trúc, vẻ đẹp thanh lịch của lối sống giờ đây trở thành một thứ “tả pí lù” với đủ mọi cách cơi nới cho thêm diện tích và đủ mọi phong tục tập quán, thói quen mà phần đẹp đẽ hình như chẳng có bao nhiêu còn phần lạc hậu, thậm chí xấu xa tha hồ bành trướng, chưa kể rồi còn được thêm những chuồng gà, chuồng lợn để cải thiện đời sống ngày. Có thể nói, hình ảnh những ngôi biệt thự ở Hà Nội sau 1954 là biểu tượng của sự đổi thay trong lối sống của người Việt Nam ta thời gian này.
Để thực hiện những chính sách không hợp lòng người, những người có trách nhiệm đã không từ một thủ đoạn nào. Họ lợi dụng đám trẻ con quàng khăn đỏ để biết được cha mẹ chúng, những tư sản đang bị cải tạo đã phân tán tài sản ra sao, có những thủ đoạn gì để chống lại những người làm nhiệm vụ kiểm kê tài sản, đánh thuế vào số hàng tồn kho bằng cách khen chúng là những “người cộng sản trẻ tuổi” đã bày tỏ thái độ đấu tranh không khoan nhượng với giai cấp tư sản. Thế là, ngay từ tuổi ấu thơ, con trẻ đã được tiêm nhiễm tư tưởng đấu tranh “ai thắng ai”, coi những người có công sinh thành dưỡng dục là kẻ thù giai cấp.
Cách cư xử với những người đồng chí một thời nay có khác biệt về quan điểm như Nguyễn Hữu Đang, Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính …, với những người đã góp nhiều công của trong những ngày cách mạng còn trứng nước như gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đã nêu một tấm gương xấu bội tình bạc nghĩa.
Rồi chiến tranh, khi ấy tất cả chỉ còn là mạng sống. Rồi khủng hoảng kinh tế, khi ấy tất cả chỉ còn chuyện miếng ăn khiến người với người hoàn toàn không còn là bạn.…Để tồn tại, con người đã phải chấp nhận tất cả moi sự nghiệt ngã. Trong cuộc sống, người ta bảo nhau: “Mất dạy lái xe, ba que tổ chức” để tránh xa. Nhưng để khỏi phải cuốc bộ trên những chặng đường dài với bao đồ đạc lỉnh kỉnh trên lưng, nhiều người đã phải thỏa hiệp với cái vô giáo dục của bọn người nắm phương tiện vận tải; để giữ một việc làm (mà việc làm đồng nghĩa với hộ khẩu, với các loại tem phiếu mà thiếu nó gần như chính mình và mọi thành viên trong gia đình sẽ lâm vào bước đường cùng), không ít người đã phải ngậm đắng nuốt cay với những yêu cầu hoặc ít nhất cũng phải “nhắm mắt làm ngơ” trước những thói tật xấu xa của những kẻ nắm quyền sinh quyền sát. Người xưa, để giữ nhân cách trước kẻ bạo ngược, thất nhân tâm còn có thể về ở ẩn, sống đạm bạc, thanh bạch “Một mai một cuốc, một cần câu” (thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm) nhưng nay, dù thế nào vẫn phải chấp nhận tất cả, vì “không chốn dung thân”.
Đến những năm gần đây, đời sống có những cải thiện nhưng cùng với những cuộc đua tranh để giành giật những tiện nghi vật chất mà không biết thế nào là đủ, đạo đức, lối sống tử tế mà cha ông vẫn trân trọng ngày càng xuống cấp. Những người suy đồi đạo đức và lối sống nhất lại chính là những cán bộ, đảng viên, đang giữ vai trò cầm cân nẩy mực, vẫn được coi là những tấm gương cho quần chúng noi theo. Quả họ đang ở vị trí tiên phong, dẫn đường.
Trên cái đà ấy, những người có nếp sống hào hoa thanh lịch ngày càng ít, nhiều lắm họ cũng chỉ truyền dạy được cho lớp cháu con ngày càng thưa vắng. Còn phần lớn vẫn ở trong một vùng hỗn mang, mất phương hướng, chủ yếu vẫn chỉ biết sống theo bản năng. Các cơ quan tuyên huấn và văn hóa mải mê với việc xuất bản các loại sách “người tốt việc tốt”, làm theo lời dạy, noi theo tấm gương, …mà trong đó hàm lượng sự thật rất khiêm tốn, không thể hấp dẫn mọi người đang ngày càng ít đọc. Khoảng vài chục năm gần đây, một số người tâm huyết đã có chủ trương cho ra đời những cuốn sách hay những bài viết nói về những thói hư tật xấu của người Việt với hy vọng rung một tiếng chuông cảnh tỉnh nhằm cứu vãn cho một nét đẹp của văn hóa dân tộc nhưng những ý muốn tâm huyết ấy hoặc không được ủng hộ, hoặc bị vô hiệu hóa. Gần nghìn phương tiện truyền thông trong cả nước luôn có thái độ mơn trớn với những thói hư tật xấu tràn lan giống như người ta “khiển trách nghiêm khắc” tội tham những đang phổ biến từ các cấp cao nhất, nhưng đồng thời, họ cũng ra sức đưa những tin giật gân về những chuyện cướp của giết người, hãm hiếp dã man…để tăng lợi nhuận dù biết đó chính là “vẽ đường cho hươu chạy”. Thế là cái thanh lịch, hào hoa ngày càng bị chim trong quên lãng hoặc lẩn khuất sau lối sống chắc không phải của loài người.
Ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục gần đây đã phải công khai thừa nhận một sự thật phũ phàng: những kẻ có bằng giả hoặc bằng thật nhưng học giả chỉ có thể chui được vào các cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước. Cái lạ ở đây không phải là điều được ngài Bộ trưởng phát hiện mà chính ở chỗ ngài đã không thể nhắm mắt trước sự thật nhưng hoàn toàn với thái độ dửng dưng như đang nói chuyện của một hành tinh khác. Và đồng thời, ngài quyết định xóa điểm sàn trong kỳ thi đại học để hợp thức hóa cho những kẻ đang kiếm tìm cái bằng thật nhưng chỉ cần học giả và tạo nguồn cho biết bao các trường đại học đang thiếu đủ mọi thứ kể cả thầy lẫn học trò. Vài chục năm nay, người ta phải mất nhiều năm tiền lương để lo lót, “chạy” lấy một suất biên chế nhà nước, rồi hàng tháng nhận đồng lương “còm”, không đủ trang trải những nhu cầu tối thiểu. Nhưng thời gian cứ trôi, hiện tượng lạ lùng ấy không khiến bất kỳ một quan chức có trách nhiệm nào đặt dấu hỏi. Người ta họp biết bao nhiêu đại hội, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, …cuộc họp nào cũng đông nghịt những người và rực rỡ cờ hoa cùng các loại khẩu hiệu nhưng những vấn đề nóng bỏng ấy của cuộc sống luôn ở bên ngoài chương trình nghị sự. Sự thờ ơ ấy phải chăng chính là để dung dưỡng cho lối sống tồi tệ, để nó ngày càng phát triển “năm sau cao hơn năm trước” khiến các vị được rảnh tay, tha hồ làm mưa làm gió?
Khi mang bom đạn phát động cuộc chiến tranh phá hoại ở nước ta, một Tổng thống Mỹ đã lớn tiếng cảnh báo sẽ đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá. Nghe những lời đe dọa ấy, nhiều người trong chúng ta không khỏi cười thầm cái ngang ngược của ông chủ Nhà Trắng. Nửa thế kỷ sau mới thấy, chúng ta đang ở thời đại đồ… gì chứ không phải thời đại đồ đá, thời đại này không biết trước hay sau thời đại đồ đá bao nhiêu thiên niên kỷ.
Và trong cái thời đại ấy, “người Hà Nội” sao có chốn dung thân!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.