Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

55 triệu đô cho 5 phút - dự án khống tiền tỷ góp phần thúc đẩy sự hỗn loạn đường phố

    55 triệu đô cho 5 phút - dự án khống tiền tỷ góp phần thúc đẩy sự hỗn loạn đường phố.

  • Bởi Gió Nghịch Mùa
         
    Kim An

    Ngày 15/12/2016, dự án xe buýt Nhanh Hà Nội vừa đi vào vận hành thử nghiệm lần đầu tiên sau 10 năm chậm trễ so với dự định.
    55 triệu đô vay nợ Ngân hàng Thế giới, hiệu quả đổi lại là những phát biểu hết sức vô trách nhiệm từ lãnh đạo Sở GTVT: "xe buýt nhanh sẽ nhanh hơn so với xe buýt thường từ 5 - 10 phút".
    Đến một người dân bình thường cũng có thể thấy rõ đây là một dự án khống tiền tỷ, rút ruột ngân sách Nhà nước. Chi phí đội lên cho tất cả các hạng mục. Một chiếc xe buýt BRT có giá lên tới 7 tỷ đồng. 55 triệu đô tương đương với 1.100 tỷ đồng Việt Nam đã bị phung phí một cách vô tội vạ cho 14km, trong khi những hạng mục kỹ thuật thiết kế đều không đạt chuẩn Quốc tế và không được chọn những trang thiết bị tối tân nhất. Sau 10 năm sai hẹn công trình này vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn.
    Sở GTVT bây giờ chỉ có thể bất chấp hậu quả lỗi thời, đưa dự án này vào triển khai bởi tiền thì đã "đầu tư", vay mượn từ cách đây nhiều năm rồi. Nhưng dân số, mật độ giao thông năm 2016 đã không còn của 10 năm trước trong dự định hoàn thành dự án. Dự án xe buýt nhanh không thể vận hành hiệu quả ở Hà Nội được nữa, nó chỉ gây ra sự hỗn loạn, ùn ứ cục bộ ở Hà Nội mà thôi.
    Đường phố Hà Nội đang ở trong tình trạng chật chội, đến giờ cao điểm phương tiện cũng không có đường để đi, bây giờ phải ưu tiên, nhường nguyên làn đường cho xe buýt nhanh sẽ khiến tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng hơn rất nhiều. Còn nếu xe buýt nhanh chạy chung tuyến với các phương tiện khác thì nó sẽ còn chạy chậm hơn cả xe buýt thường.
    Việc cấm đường, cấm xe máy trong thời điểm này thì càng không thể thực hiện được. Cấm đường ở phố này thì sẽ kẹt cứng ún ứ ở phố khác. Phương tiện sẽ loay hoay không thể tìm đường đi. Hiện nay xe máy là phương tiện chính được người dân sử dụng khi tham gia giao thông. Nếu nói cấm là cấm liền thì ai sẽ đền bù thiệt hại cũng như có kế hoạch sẵn sàng cho việc lưu thông của người dân? Phải dựa trên cơ sở, dữ liệu khoa học để phân tách và có hướng hạn chế phương tiện theo thời gian thay vì không quản lý được thì cấm, một mặt không có biện pháp ngăn chặn sự gia tăng chóng mặt của các phương tiện này trong xã hội.
    Những công trình đội vốn dạng này không còn mới lạ ở Việt Nam nhưng khống lên một con số lớn như vậy thì thật là quá tham lam và coi thường dư luận. Sự độc tài, áp chế bằng hình thức xử phạt cũng chỉ có thể làm dự án này thử nghiệm được một thời gian ngắn mà không thể nào vận hành khả thi bởi những người đề xướng không có phương pháp quy hoạch và tầm nhìn đúng đắn. Nó sẽ chỉ đem lại sự hỗn loạn, bất cập, ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân. Sau cùng khi không thể vận hành như ý, xảy ra sự cố thì cũng là người dân nai lưng gánh chịu khoản nợ 55 triệu đô trước ngân hàng Thế giới. 55 triệu đô cho 5 phút, một cái giá quá đắt cho sự dễ dãi của đất nước này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.