Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Ai làm kinh tế để chuyển hoá chính trị?

Ai làm kinh tế để chuyển hoá chính trị?

bauxitevnFri 7:26 AM


Bộ trưởng Công an vừa cho biết đã trình Bộ Chính trị ra Chỉ thị về chống chệch hướng kinh tế nhằm 'ngăn chặn hoạt động thông qua kinh tế để chuyển hóa chính trị'. 
Thông tin nghe qua rất quan trọng, ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế quốc gia, song không rõ ý của Bộ trưởng là gì. 
'Thông qua kinh tế để chuyển hoá chính trị' là kiểu làm ăn như Formosa, cố tình tạo ra thảm hoạ để dân chúng có cớ biểu tình, tiến tới chuyển đổi chế độ chính trị? 
Hay ý của Bộ trưởng là các doanh nghiệp Trung Quốc mua chuộc quan chức ở ta để thắng thầu, tạo ra hàng loạt dự án lãng phí, ô nhiễm, khiến người dân ác cảm với chính quyền dần sẽ tìm cách chuyển hoá?
Hoặc là Bộ trưởng đang nói tới chuyện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, làm nhanh quá thì nhà nước hết công cụ kinh tế để giữ quyền kiểm soát, cũng như mất lượng lớn ủng hộ viên tự nhiên (là nhân viên các doanh nghiệp nhà nước, luôn có cảm giác mình là người nhà nước), khiến chỗ dựa của chế độ bị lung lay? 
Hay có khi nào Bộ trưởng nói về các tập đoàn Mỹ, phương Tây đang đầu tư ở Việt Nam như một vỏ bọc để thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình của họ? 
Mà nếu thế thật thì Bộ trưởng định tham mưu cho Bộ Chính trị làm gì? Ra lệnh quốc hữu hoá như Hugo Chavez từng làm bên Venezuela à? Hay đuổi họ về nước, rút giấy phép? 
Hoặc nếu kinh tế tư nhân có thể gây chệch hướng thì có cải tạo tư sản cho về đúng hướng một lần nữa không? 
Thị trường và nền kinh tế rất nhạy cảm với những thông tin từ những người cấp cao nhất trong hệ thống chính trị như Bộ trưởng. Do đó nếu không phát ngôn rõ ràng thì sẽ rất tai hại, doanh nghiệp và nhà đầu tư hoang mang mà bỏ chạy hết thì không biết Bộ trưởng chịu trách nhiệm nổi không? 
N.A.T.
*** 

Bộ trưởng CA đề xuất Bộ Chính trị ra chỉ thị chống chệch hướng kinh tế

Thu Hằng
- Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết lần đầu tiên ông đề xuất Bộ Chính trị ban hành chỉ thị về công tác an ninh kinh tế, chống chệch hướng trong kinh tế. 
Tiếp tục hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay, Bộ trưởng Công an Tô Lâm báo cáo nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng chống tội phạm trong năm qua.
clip_image002
Bộ trưởng Công an Tô Lâm
Ông cho hay, Bộ Công an đã tham mưu cho CP nhiều chủ trương giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia. 
Đồng thời, chủ động phát hiện sơ hở, yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại. Từ đó kiến nghị CP và các cơ quan liên quan rà soát tái cơ cấu DNNN, các ngân hàng. 
Cùng với đó, ngành công an đã tham gia tích cực đấu tranh gian lận thương mại, góp phần lành mạnh hóa thị trường, môi trường cạnh tranh, góp phần chống gian lận, thất thu thuế. 
Ngăn chặn hoạt động thông qua kinh tế để chuyển hóa chính trị
Trong năm qua, ngành Công an đã tập trung vào công tác đảm bảo an ninh kinh tế, tạo điều kiện cho DN phát triển, đảm bảo an toàn các công trình quốc gia, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động thông qua kinh tế để chuyển hóa chính trị. 
“Lần đầu tiên tôi có đề xuất Bộ Chính trị ban hành chỉ thị về công tác an ninh kinh tế, chống chệch hướng trong kinh tế. Lần đầu tiên có nghị quyết về vấn đề này để sắp tới triển khai ở các ngành, các cơ quan, địa phương”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay. Chỉ thị này sẽ được triển khai vào đầu tháng tới. 
Theo Bộ trưởng Công an, thời gian qua ngành công an đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, QH, các chương trình quốc gia của CP về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Liên tục mở các cuộc tấn công trấn áp tội phạm hình sự, các băng nhóm tội phạm núp bóng DN. 
Cụ thể, năm qua triệt phá hơn 1.900 băng nhóm tội phạm, trong đó có nhiều băng nhóm nguy hiểm núp bóng công ty, DN ảnh hưởng xấu đến môi trường cạnh tranh. 
Ông cũng cảnh báo sự xâm nhập, can thiệp của tội phạm hình sự vào các hoạt động kinh tế thông qua thành lập các DN làm vỏ bọc để tập hợp các đối tượng có tiền án, tiền sự hình thành băng nhóm tội phạm có hoạt động đâm thuê, chém mướn, cướp bóc tài sản, tín dụng đen, siết nợ, can thiệp các hoạt động đấu thầu, các hoạt động kinh tế. 
Ngành công an còn tập trung quyết liệt đấu tranh tội phạm, kinh tế, tham nhũng, môi trường. Cụ thể đã phát hiện xử lý 16.823 vụ vi phạm trật tự về quản lý kinh tế, nhiều hơn năm ngoái 911 vụ; 224 vụ vi phạm pháp luật tham nhũng, trong đó nhiều vụ tham nhũng lớn và phát hiện hàng trăm DN lợi dụng chính sách trốn thuế… 
Năm qua, ngành cũng đã xử lý 3.319 vụ buôn lậu, 535 vụ gian lận thương mại, 645 vụ sản xuất buôn bán hàng cấm góp phần kiềm chế, giảm hoạt động buôn lậu. Đồng thời, xử lý 17.622 vụ vi phạm về môi trường, nâng cao ý thức DN, giải tỏa bức xúc người dân. 
Tăng cường công tác PCCC góp phần ngăn ngừa, giảm thiệt hại về người và của. Cụ thể đã kiểm tra xử lý 19.629 trường hợp vi phạm PCCC, thu về cho ngân sách gần 38 tỷ đồng. 
Phải chính thức thừa nhận việc di dân
Đối với kiến nghị góp phần tăng cường quản lý và phát triển ổn định kinh tế-xã hội năm 2017, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng đó là tăng cường quản lý xã hội, tăng cường quản lý di dân, di cư. 
“Di dân là vấn đề trên phạm vi quốc tế, nhiều quốc gia phải đối mặt và chúng ta có thể có ảnh hưởng. Chúng tôi đã có phương án đối với vấn đề di dân di cư, các bất ổn của các nước xung quanh đối với nước ta, nhưng đó là phạm vi quốc tế. Trong phạm vi quốc gia chúng ta cũng nảy sinh các vấn đề di dân di cư mà nếu không làm tốt sẽ gây nên những dấu hiệu bất ổn trong điều hành, quản lý” - Bộ trưởng nói. 
Bộ trưởng Tô Lâm lấy ví dụ ở Tây Nguyên, trước đây có 1,1 triệu dân, bây giờ đã tăng lên 5,5 triệu người, nếu trong điều hành kinh tế - xã hội những chỉ số vẫn như cũ thì sẽ ảnh hưởng đến định hướng phát triển chung và ổn định trong nhân dân. 
Nhiều địa phương dân lao động, di cư nơi khác đến còn đông hơn dân tại chỗ, gây khó khăn cho việc quản lý, tạo xung đột xã hội, gây mất ổn định xã hội. 
Cả những thành phố phát triển, có những khu công nghiệp tập trung, thu nhập cao hơn rất nhiều lần thì dân tập trung ở đấy để thụ hưởng những ưu đãi. 
Ông đề nghị phải chính thức thừa nhận việc di dân để tạo điều kiện ổn định cho những vùng này, những chỉ số kinh tế - xã hội cần được điều chỉnh, có điều chỉnh chính sách, số liệu, cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội. 
“Khẩu hiệu chúng ta hiện nay là ổn định để phát triển, nhưng bây giờ đề xuất đổi lại phát triển để ổn định. Chúng tôi đề nghị tăng yếu tố ổn định trong dự thảo nghị quyết của CP”, Bộ trưởng Tô Lâm nói. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận kiến nghị của Bộ trưởng Tô Lâm. Thủ tướng cho biết vấn đề quản lý nhà nước về di dân do Bộ NN&PTNT phụ trách và sẽ chủ trì một hội nghị riêng về vấn đề này. 
T.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.