Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Ghế lãnh đạo và thương mại

Ghế lãnh đạo và thương mại

bauxitevn7:50 AM


Anh Văn
Việt Nam vẫn đang thiếu chuyên nghiệp trong xây dựng nền kinh tế thị trường, tuy nhiên, thương mại hóa ghế lãnh đạo lại làm tốt đến bất ngờ. Phải chăng, đã đến lúc, nên mở rộng mô hình này cho nhân dân được “đấu thầu”.
clip_image002
Trong buổi Hội nghị giao ban công tác dân vận khối Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương năm 2016. Hội nghị này đã cho biết, nhân dân đang bức xúc trước tình trạng chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm cán bộ là người thân trong gia đình, bè cánh, lợi ích nhóm.
Đây không phải lần đầu tiên, hiện tượng kéo dài này được đem ra phản ánh và bàn bạc. Bản thân “chạy chức chạy quyền” được gắn hẳn vào cụm từ “chủ nghĩa thân hữu”, nơi mà xin – cho trở thành nguyên tắc bất di bất dịch. 
Sự chi phối quyền lực trong hệ thống chính trị Việt Nam, tạo điều kiện lớn trong việc mở rộng dịch vụ “mua bán chức tước”. Và ngay trong quy trình mua bán này, nó cũng khiến cho nhóm quyền lực gia đình được mở rộng, củng cố. Trở thành một tập đoàn quyền lực và không chịu sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan nào, vô hiệu hóa các luật lệ trong kiểm soát quyền lực như Luật Phòng chống tham nhũng. Bổ nhiệm “hoàng hôn”, hay cách thức đề bạt, cơ cấu con cháu như trong vụ Chỉ đạo Đông Nam Bộ hay con trai của nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, thậm chí là các gia sản nhà đất tại Việt Nam hay nước ngoài (như Mỹ), cổ phần trong các tập đoàn tư nhẫn lẫn Nhà nước là một trong nhiều hình thức của sự sẻ chia quyền lực trên cơ sở lợi nhuận đó. 
Nguyên nhân gốc là gì? Chưa có một câu trả lời chính thức nào cả. Tại một Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra một câu hỏi về chạy chức, chạy quyền: Có hay không chuyện chạy chức, chạy quyền và nếu có thì ai chạy, chạy ai? Trong khi ông Tổng vẫn thắc mắc thì việc thiếu một cơ chế, cơ sở để gắn trách nhiệm cho người đứng đầu, dẫn đến tình trạng cha chung không ai khóc đã không được đề cập đến. 
Hiện tượng “mua quan bán chức” lại có chế độ xoay vòng, khi một người chạy chức chạy quyền, anh ta sẽ tiếp tục lũng đoạn bằng cách bán chức tước cho người cần mua. 
Tham nhũng giờ đây đã trở thành một cơ chế bền chặt với sự gia tăng mất kiểm soát gắn với sự phình to của bộ máy Nhà nước qua từng năm. 
Nhìn qua Trung Quốc, từ năm 2014, tờ Hoa Nam buổi sáng đã tiết lộ bảng giá mua bán quan chức của giới chính trị nước này, trong đó khẳng định “đối tượng bán chức chủ yếu là những cán bộ cao cấp hoặc đơn vị có quyền lực về nhân sự”. Do đó, danh sách các chính trị gia thương mại có cả những ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc như nguyên Bộ trưởng Bộ Công An ông Chu Vĩnh Khang. 
Điều đặc biệt, báo này cũng khẳng định, mua bán quan chức đã trở thành một vấn đề mang tính hệ thống. Trong khi đó, tại Việt Nam, vấn đề này chỉ được cho là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức. Như vậy, bản thân sự nhìn nhận hiện tượng “mua bán quan chức” vẫn trong sự che giấu lỗi hệ thống chính trị vì sự dính dáng giữa nhóm lợi ích cấp cao, nhìn thẳng – nhìn thật vào vấn đề nêu trên vẫn còn là khái niệm xa xỉ đối với tầng lớp lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Dù rằng, nó là sự tối đa của tha hóa quyền lực – nguyên cớ dẫn đến sụp đổ chế độ như ông TS Vũ Ngọc Hoàng từng thừa nhận. 
Trong một thông tin có liên quan, ông Bộ trưởng Bộ Công an đăng đàn bày tỏ, chưa rõ Trịnh Xuân Thanh trốn qua đường nào. Điều này không lạ, vì căn cứ vào biểu hiện đậm nét của cái gọi là đường dây mua bán chức tước, về những mối liên quan giữa Trịnh Xuân Thanh và nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, về thái độ dè dặt trong cuộc chiến chống vấn nạn này của ngay cả những người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Thì toàn bộ hệ thống đã bị “nhúng chàm”, và việc một chính trị gia cơ sở, hay cấp cao nhà nước trốn được ra nước ngoài trước mạng lưới an ninh giỏi nhất, dày đặc nhất trên thế giới là điều không lạ. 
Việt Nam vẫn đang thiếu chuyên nghiệp trong xây dựng nền kinh tế thị trường, tuy nhiên, thương mại hóa ghế lãnh đạo lại làm tốt đến bất ngờ. Phải chăng, đã đến lúc, nên mở rộng mô hình này cho nhân dân được “đấu thầu”. 
A.V.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.