Cuộc thảo luận “lãng mạn”
bauxitevnTue 6:55 AM
Hạ Đình Nguyên
Hôm nay, thứ 2, ngày 28/11/2016.
Các cuộc thảo luận trước đã diễn ra khoảng một tháng nay, giữa một nhóm các cụ cựu cán bộ Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định thuở xưa. Nó diễn ra theo tôi biết là hợp pháp, nghĩa là có đèn xanh được bật từ công tắc ở trên, được chủ trì bởi một lão đồng chí đứng đắn, là chủ nhiệm Câu lạc bộ. Tổng số có mặt hôm nay dưới 20 vị. Họ phần đông đều kinh qua nhà tù Côn Đảo, kinh qua nhiều chức vụ quan trọng khác nhau ở cấp thành, có cả ở cấp Trung ương, ít nhất là hai vị, từ sau 30/4. Nhưng tại sao họ lại quy tụ ở Câu lạc bộ này của Thành Đoàn để bàn về đề tài “dân chủ và thực thi dân chủ”, mà không không gặp nhau ở đơn vị khác có thế giá hơn?
Vì nhiều lý do.
Có lẽ tại đơn vị này họ gặp nhau vào thời trai trẻ, sung sức và máu lửa, sống chết có nhau, chưa có chức quyền, tài sản và các thứ vẻ vang khác như sau này. Đó là một thời tin yêu và trong sáng. Những cuộc hội tụ này thật quý báu, và đáng cảm động. Nhiều vị hết khả năng tự “tham gia giao thông”, phải đi bus, xe ôm, có vị đi xe ba bánh tự chế, cũng có một ít còn cưỡi hai bánh được. Cũng có vị đi xe hơi riêng nhưng không có điều chi đáng nói, nó bình thường trong xã hội Việt Nam hôm nay. Có gì lạ đâu, một xã hội được gọi là xã hội chủ nghĩa, theo học thuyết mác-xít, với hơn 40 năm “Độc lập Tự do” và “kinh tế thị trường” (có định hướng xã hội chủ nghĩa) do Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo, một xã hội mà ông Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kerry gọi tên hơi khó nghe, là xã hội “tư bản cuồng nhiệt”, và ông nói là ông không nghe “hơi thở” nào của chủ nghĩa Cộng sản.
Nhìn thành phần của các bô lão, tôi tự hỏi một lần nữa, các vị hội tụ cùng nhau vì mục đích gì? “Dân chủ” và “thực thi dân chủ” có vấn đề gì để phải bàn, khi mà nó có vạn lần hơn các loại dân chủ khác? Hay vì “cái tình” của thuở xưa, vì cái trăn trở của hôm nay, vì sự mâu thuẫn nội tâm của lý tưởng và hiện thực, vì muốn thu xếp cho sự bình an, và khớp nhau của lý trí và sự đời…? Hay chỉ muốn bảo vệ quan điểm gắn với danh phận quá khứ của mình cùng với vị trí tương xứng và danh dự hôm nay? Có thể có một tỉ trọng khác nhau của các yếu tố trên ở mỗi người. Dù tâm thái có khác nhau, tất cả rất đáng trân trọng. Những con người ấy chưa chết về mặt tinh thần. Nếu đã chết (về mặt tinh thần) thì lụm cụm đế đây để làm gì! Có vị trong số ấy đã đến Đại học Y tình nguyện làm đơn hiến xác cho y học.
Đề tài hôm nay, bàn về “dân chủ”, đã là phiên thứ 4 thứ 5 gì đấy. Có người tình cờ rủ tôi đi dự. Bản thuyết trình do anh Tư B soạn và gởi cho cho các vị đọc trước. Tôi cũng được sự đón chào bình yên của chủ tọa và các thành viên, vốn cũng đều được quen biết một thời.
Đề tài dân chủ quả thật rộng lớn. Nó mênh mông. Cách trình bày “nói miệng” như thời xưa ở rừng rất khó nắm, khó phân. Có phê phán, có phản biện, có bào chữa, có bất bình, có công kích. Lại có nguyên lý, có sự kiện trộn lẫn vào nhau. Có cái tán thành, có cái không tán thành, có cái lơ lửng, có cái ẩn cái hiện.
Toàn cảnh nói chung là phong phú và không căng thẳng, không như những lần trước cách nay vài năm cũng tại nơi này. Hình như ai nấy cũng có ý tương nhượng và dung hòa (ít nhất về thái độ và lời lẽ). Phải chăng, đó là bước tiến về ý thức chấp nhận sự khác biệt, chịu được sự khác biệt, có thể do tác động phần nào của khẩu hiệu được đề cao trong thời toàn cầu hóa chăng. Không khí thân tình và dễ chịu. Và ngay cả việc mở diễn đàn này để “trao đổi” tại nơi đây, với tinh thần nhẹ nhàng, e dè, cho dù chỉ diễn ra trong nhóm quen thân và không đại trà, cũng là một sự chuyển động đáng kể so với trước. Cũng có thể là một cách ứng phó, thăm dò tư tưởng nội bộ (trong giới hưu trí) từ cấp trên chủ trương chăng? Dù như thế cũng là điều đáng hoan nghênh. Nó mở he hé, cẩn thận, kín đáo, có thể gọi là chút e thẹn cũng được, về một sự “đối thoại” từ Đảng đang cầm quyền với một số về hưu có tư tưởng bất đồng về phương diện nào đó, trong khung lo lắng được gọi tên là “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” mà theo nghĩa lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là nguy cơ nghiêm trọng.
Nếu có mục đích này của cấp trên, và ngoài mục đích này, thì những thành viên tham gia diễn đàn có mong muốn gì khác hơn không? Có phải muốn góp ý để cùng nhau “chuyển hóa” và đấu tranh cho một sự thay đổi tiến về hướng dân chủ hơn, cởi mở hơn, ít tham nhũng hơn, ít nhũng nhiễu hơn, ít màu mè hơn, ít phong kiến hơn, ít lạc hậu hơn, v.v.? Giả định rằng ý muốn của cấp trên là thế, và ý muốn ở dưới của các thành viên là thế, thì các cuộc trao đổi ấy tôi ngờ đã trở nên rất “lãng mạn”. Sự lãng mạn ấy thuộc về nhóm thành viên được mời tham dự với cái tuổi từ 70 đến trên 84, là đáng cảm động và đáng yêu về sự chân phương của mình. Và cuối buổi thảo luận, qua kết luận của chủ tọa, giả định trên đã đúng sự thật.
Nội dung được đề cập, có thể tóm tắt hai cách nhìn xoay quanh ba chủ đề:
Cách nhìn 1
1- Tình trạng mất dân chủ diễn ra trầm trọng và khắp nơi, là nguyên nhân của mọi suy thoái. Sự mất dân chủ ngay trong Đảng – vi phạm điều lệ Đảng – đồng thời cũng là mất dân chủ đối với nhân dân. Quyền lực phải thuộc về nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đích thật, chứ không thể tiếp tục “dân chủ quy hoạch treo”.
2- Tham nhũng, hủ hóa của giới cầm quyền là tệ nạn của quốc gia, là hệ quả của cơ chế độc quyền sinh ra.
3- Chủ nghĩa xã hội là ảo tưởng, làm khánh kiệt và tụt hậu đất nước, làm ngu dân, đồng thời đưa đến nguy cơ lệ thuộc ngoại bang. Điều 4 Hiến pháp không thể tồn tại. Tam quyền phân lập là cốt yếu. Phải xác lập quyền ứng cử và bầu cử lành mạnh.
Cũng có ý kiến cần đa đảng, hoặc hai đảng, hoặc trở lại Hiến pháp 1946, so ra, nó chưa lạc hậu với thời gian, lại vượt trội nhiều mặt so với những bản Hiến pháp đã chỉnh trang từ khi Cách mạng thắng lợi và đất nước thống nhất. Cũng có nghĩa là Đảng phải thay đổi cấp bách để tránh tai họa cho nhân dân, tiền đồ cho Tổ quốc và cả cho Đảng. (Có câu nói hay: Đảng tự cho mình tài giỏi, rất tự tin nhưng sợ nhân dân nên không dám tổ chức bầu cử minh bạch).
Cách nhìn 2 (thông qua kết luận của cụ chủ tọa)
1- Dân chủ, phải là dân chủ tập trung như lâu nay, mới có sức mạnh. Nhờ đó, và với đường lối đúng đắn, mà ta đánh thắng các đế quốc xâm lược. Không thể đi theo dân chủ tư sản. Xã hội nào cũng có giai cấp. Giai cấp nào cầm quyền thì phải theo quan điểm và quyền lợi của giai cấp ấy. Giai cấp cầm quyền hiện nay cũng rất quan tâm đến lợi ích của các giai cấp khác, và lợi ích dân tộc.
2- Tham nhũng hiện nay là có, thậm chí trầm trọng, nó phản ánh mặt trái của kinh tế thị trường như một thuộc tính, nó phải có thôi. Nhưng Đảng đang cương quyết chống, từng bước có hiệu quả. Không thể nôn nóng trong một sớm một chiều là được ngay.
3- Cần hiểu Chủ nghĩa xã hội là bước quá độ, khi ta chưa phải là nước phát triển công nghiệp hiện đại mà “đi lên” Chủ nghĩa xã hội, nên còn mang theo những tàn tích yếu kém là không tránh khỏi. Không có nước xã hội chủ nghĩa anh em hỗ trợ, nên hoàn cảnh ta chưa có tiền lệ, nên không thể so sánh đơn giản. Cần phải có ý chí, kiên trì và sáng tạo. Trong giai đoạn quá độ, ta tích lũy những điều kiện cần thiết. Vì thế phải “tập trung dân chủ” để vượt qua khó khăn này, vừa làm vừa sáng tạo. (Có tiếng nói nhỏ: “Dân làm sai thì tan gia bại sản và vào tù. Đảng làm sai thì rút dây kinh nghiệm dài thòng, có phê bình và có bài học hay, cũng có thể… phân công chạy trốn để làm sạch Đảng”). Chủ tọa tiếp tục: Quốc gia nào cũng có đảng của giai cấp lãnh đạo, nhưng không nói ra. Điều 4 Hiến pháp là sự dũng cảm của Đảng, đã nói thật, nói công khai sự thật mà các nước tư bản thường giấu giếm.
Có ba người gật đầu và chen vào: “Đúng thế, là sự dũng cảm, rất dũng cảm”. Có người khác nói nhỏ thêm vào: “Cũng là trắng trợn nữa”. Chủ tọa tiếp tục: Về “tam quyền phân lập”, ta không dùng cụm từ ấy. Tam quyền thì cần thiết, phải có. Nhưng phải là “Tam quyền phân công”. Phải có Đảng phân công và kiểm soát.
Cách nhìn 2 này, do người ghi ghi tóm tắt, không đầy đủ nguyên văn, nhưng ý tứ là như thế. Nó trọn vẹn, đầy đủ, chặc chẽ. Muốn rõ hơn về phát biểu này, thì cứ đọc ở giáo trình trường Nguyễn Ái Quốc trung ương, rất rõ.
Qua buổi gặp gỡ, riêng tôi càng hiểu thêm, lý do vì sao các quan chức trung cấp, cao cấp, phần lớn họ đều tỏ ra sự tự tin, tự hào, hãnh tiến đến độ hiên ngang trên các diễn đàn, cùng sự tiến triển sâu rộng của cái – có lẽ gọi không đúng tên – là “tham nhũng”, mà thật ra là nó vận hành hợp pháp hợp lệ, hợp với nguyên lý về “giai cấp cầm quyền”. Họ đã được trang bị một thư lý luận rất mạnh mẽ, vững và chắc. Điều mấu chốt nhất ở đây, là: Xã hội nào cũng có giai cấp. Chính quyền luôn là của giai cấp cầm quyền, nó hành xử theo quan điểm và lợi ích của giai cấp ấy, và… có tính đến lợi ích của giai cấp khác và quyền lợi của toàn dân tộc… Tôi cũng thầm ngưỡng mộ sự dũng cảm ngang tầm sự trắng trợn. Tôi cũng nhờn nhợn để hiểu sâu sắc thêm thế nào là tính “kiên định” rất đáng phục, bất chấp trời mưa trời gió.
Cách nhìn 2 này có ba thành viên tỏ rõ nét hài lòng với chủ tọa. Một vị trong số này – người thuyết trình, anh Tư B – đã bổ sung thêm, xem là ý kiến thêm cuối cùng, trước khi từng vị đứng lên rời ghế: “Nhắc lại anh em, ta phải phát biểu với tư cách là đảng viên, và với mục tiêu là xây dựng Đảng”. Ông nói rất nghiêm trang, với trọn niềm tin.
Tôi nhớ lại, vào lúc mở đầu phiên họp, vị chủ tọa đã nói, hôm nay phải là phiên họp cuối cùng để đúc kết, không còn thời gian để kéo dài. (Tôi hiểu là ông đang cần hoàn thành báo cáo). Với những lời lưu ý trên, có lẽ các thành viên tham dự khác cũng đã sáng rõ một điều gì!
Buổi trao đổi nồng nhiệt đã kết thúc vui vẻ, thân tình, trọn buổi sáng. Như cơn gió lành bay qua. Cái đọng lại bên trong mỗi người là chuyện riêng.
Tôi cũng đứng lên ra về, nghĩ thầm, toàn thể những người trong cuộc hội thảo bỏ túi này đều là người rất “lãng mạn”, gồm cả hai phía có cách nhìn khác nhau. Các sắc màu đã “bổ sung” cho nhau để bức tranh không còn quá đơn điệu.
Nếu không lãng mạn, sao hầu hết họ đều là những cựu tù nhân Côn Đảo? Bởi từ lâu đã có cụm từ “lãng mạn cách mạng” mà!!! Tôi nhớ hình ảnh những con chim én đang chao lượn trên bãi cỏ trước những căn phòng cấm cố đìu hiu của nhà tù thuở xưa, mà những tù nhân trẻ từ trong bó gối nhìn ra! Cuộc thảo luận hôm nay lờ mờ như tái hiện trong khung cảnh ấy.
Cũ lắm rồi, những chàng trai và cô gái của nửa thế kỷ trước!
Khi lấy xe ra về, tôi phải nhờ anh Bảo vệ “rút” giùm chiếc xe ra khỏi hàng và quay sẵn đầu xe theo hướng đi. Vì sức của mình hơi yếu. Lại thầm nghĩ: Ngày xưa không phải là hôm nay. Hôm nay không thể là ngày xưa.
H. Đ. N.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.