Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Nỗi đau còn mãi

Nỗi đau còn mãi

Bài viết nhân ngày thầy thuốc Việt Nam
Nguyễn Minh Hòa 
Hôm nay 27-2 ngày thầy thuốc Việt Nam, tôi cũng như mọi người dân Việt cầu chúc cho các thầy thuốc mạnh khỏe,  yêu nghê và trọng bệnh nhân.

Trong cuộc đời của mình, ai cũng có những nỗi đau khổ và mất mát, nhưng có những nỗi đau dằn vặt ta cho đến khi sang thế giới bên kia mà không thể nào hiểu được tại sao lại như thế.


Cách nay 11 năm, con tôi khi đó 7 tuổi, là đưa trẻ khỏe mạnh, bình thương bỗng trở bệnh đột ngột. Hai vợ chồng vôi vã mang con đến bệnh viện Nhi đồng 1. Lúc đó là 12 giờ 20 phút, người thì quá đông trong khi con tôi bắt đầu co giật, thời gian giành giật sự sống tính bằng phút. Nếu đưa vào phòng cấp cứu và can thiệp ngay thì mọi chuyện sẽ tốt hơn, nhưng họ buộc chúng tôi phải làm thủ tục đóng tiền, lập sổ, lấy hóa đơn, ngồi chờ đợi.

Thấy  không ổn, chúng tôi tìm ông Trần Tấn Trâm-Bác sĩ giám đốc bệnh viện để cầu cứu. Tôi đã quì gập người xuống, nước mặt rơi lã chã, tay bồng con lên đầu cầu xin ông ấy can thiệp cho con tôi nhập viện ngay. Cần phải nói thêm rằng cả tôi và vợ tôi đều có địa vị xã hội, tôi là giáo sư của trường đại học, là thành viên của các loại hội đồng có uy lực trong thành phố, vợ tôi là bác sĩ đồng nghiệp với với ông ta, và hơn thế nữa ba vợ tôi một nhân sĩ có tiếng tăm trước 75 và là bạn học với ông ta thời trung học. Nhưng với khuôn mặt lạnh tanh, ông ta quay đi và phẩy tay nói lúc này ông ta có cuộc hẹn trả lời phỏng vấn với  báo đài.

 Khi con tôi nhập viện sau hơn 1 tiếng làm các thủ tục nộp tiền thì bắt đầu hôn mê, một người bạn là giám đốc một bệnh viện lớn trong thành phố đã liên lạc nhờ vị bác sĩ trưởng khoa nhiễm nhờ can thiệp gấp, ông ta nhận lời lúc 3 giờ chiều, nhưng  rất tiếc là con tôi ra đi lúc 4 giờ chiều mà mãi đến 6 giời tối vị bác sĩ nọ mới xuất hiện với dáng đi khật khưỡng, khuôn mặt đỏ gay sặc mùi rượu.

Điều tệ hại hơn là sau khi con tôi mất, vì sợ trách nhiệm cho nên các bác sĩ đã xăng xái lắp vào cơ thể con tôi đủ các loại dây dợ, máy móc, bắt gia đình lồng chạy khắp thành phố để mua  các loại thuốc rất đặt tiền với một tinh thần phục vụ tận tụy hiếm thấy.

Tang lễ con tôi tổ chức ở một bệnh viện khác, chỉ cách nhi đồng 1 có 1 km. Sau khi tang lễ con tôi xong xuôi, vị giám đốc sợ gia đình kiện cho nên mời chung tôi đến thương lượng, đền bù.  Sau một hồi nghe những lời lẽ kể lể, bao biện dài, tôi chỉ nói có một câu duy nhất rằng: “con tôi mất có lỗi của các anh, tôi không kiện vì biết sẽ không làm gì được cơ chế bảo vệ nội bộ của các anh. Nhưng điều tối thiểu nhất của một con người bình thường có thể làm được, huống hồ các anh là bác sĩ, là tôi đợi các anh đến thắp cho con tôi một nén nhang, nhưng các anh đã không làm được việc đó. Trong lồng ngực của các anh không phải là trái tim người”.

11 năm qua đi thỉnh thoảng tôi vẫn thấy vị bác sĩ trưởng khoa lên ti vi rao giảng về đạo đức, ông giám đốc bệnh viện đã hạ cánh an toàn, vui thú điền viên. Họ đều là thầy thuốc ưu tú và thuốc nhân dân. Với tôi, mãi mãi họ chỉ là những hình nhân không mang trái tim con người. Vợ chồng tôi không bao giờ quên được khuôn mặt lanh tanh, lối phẩy tay vô cảm, hơi thở sặc mùi bia rượu của những người tự cho là “như từ mẫu”.

Khổng Tử có một câu nói đại ý là trong xã hội có hai nghề cao qui nhất là dạy người và cứu người, phàm khi cả hai công việc đó dính vào tiền bạc, lợi lộc thì xã hội ấy đã đến lúc hỏng. Tiếc thay cả hai nghề ấy ở Việt Nam nay đã dính rất sâu vào kim tiền mà chưa thấy được đường ra.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.